Hổ ơi là xấu hổ ơi!

Vụ 41 con hổ được các cá nhân nuôi ở Bình Dương đang gây tranh cãi. Không ai chịu ai về giải pháp đối với số phận 41 chú này. Nuôi tiếp? Cho chết nhẹ nhàng? Ai nuôi? Nuôi thế nào? Có phạt không? Có tù không?

Bác giám đốc công ty bia Pacific nuôi 23 chú, được báo chí VN đưa tin khá dày đặc. Tuy nhiên, theo dõi vụ này khiến mình tẩu hoả nhập ma. Mình cũng ngố giống dân tình thôi. Dân tình bênh vực bác nuôi hổ, cho bác ấy là người có lòng thương yêu súc vật, rằng chính quyền đòi tịch thu hổ là bắt nạt dân…Sự thực thì thế nào?
Tự đặt câu hỏi và tự trả lời sau khi em tham khảo ý kiến các chuyên gia như sau:
1/ Ông ấy nuôi hổ thì có phải là nhân đạo không?
Ban đầu thì có thể có, vì 6 con hổ con ốm sắp chết (thì thấy ông ấy bảo thế thì biết thế! Có giấy bác sỹ bảo hổ ốm thật không?). Nhưng sau đó ông ấy lại cho chúng sinh sôi nảy nở ra vài chục con thì lại thành không tốt.
2/ Vì sao nuôi hổ đẻ ở nhà ông ấy lại không nên?

Vì nuôi hổ là mốt của nhà giàu (Giàu thì mới nuôi được hổ nhá. Tốn chết tạo ra thị trường buôn bán hổ các bác thợ săn vào rừng đi được ấy!) tìm hổ vì săn hổ có sẵn đỡ tốn kém hơn phải nuôi một chú mới, các chú hổ trong tự nhiên vốn ít ỏi lại càng bị teo.
3/ Nuôi hổ có phải là bảo tồn hổ không?
Không. Bảo tồn là giữ lại nguyên vẹn, tức là loài hổ phải được sống trong môi trường tự nhiên, có tác động với loài khác, săn mồi tự nhiên. Hổ được sống với mẹ (cho đến khi em lớn!), được mẹ dạy cho cách sinh tồn như ăn con gì, không ăn con gì, tự bảo vệ mình như thế nào.
Làm sao gọi là bảo tồn được nếu nuôi hổ trong chuồng, trong nhà có máy lạnh, thi thoảng thả mấy con gà vào cho nó ăn, rồi khen hổ hiền như mèo, rồi cho nó uống sữa bò hay sữa dê. Ở Thái Lan người ta còn cắt vuốt hổ và nhổ răng hổ (cho nó móm và khỏi cào cấu nhé!). Ở VN thì em không dám nói có vụ này không vì em chưa đến tận nơi để xem. Nhưng em thấy có hình chụp trên VNN bác nào đó cho hổ uống sữa bằng bình sữa mà trẻ con nó bú í. “Yêu” ghê!
4/ Nuôi cũng được chứ sao? Nuôi kiếm tiền mà không tốt à?
Không tốt. Hổ đang bị tuyệt chủng. Nếu cho phép nuôi thế thì ai cũng nuôi thì có mà loạn à? Nuôi hổ cho chúng đẻ, tức là làm yếu đi gen của loài hổ. Lúc nó lớn thì sao? Thả vào tự nhiên thì có nhiều khả năng: Nó chết vì nó không biết săn mồi và bị con khác giết chết vì …ghét! Nó đi lung tung rồi khéo mồm tán tỉnh các em/anh hổ rừng rồi lại đẻ ra đống con làm suy thoái gen hổ gốc. Cái này là hỏng đấy!
Mà tiếp tục nuôi thì tốn chịu không nổi. Nghe nói mỗi tháng tốn cả trăm triệu đồng. Tốn thì phải thu lại vốn thôi. Thế là thành nuôi hổ vì mục đích thương mại. Điều này bị tuyệt đối cấm.
Nuôi hổ + mua bán hổ + tàng trữ hổ = Nuôi + Mua bán + tàng trữ hàng quốc cấm.

5/ Bằng việc cho phép cá nhân nuôi hổ, VN có đứng trên luật pháp quốc tế được không? Biết đâu mình tạo một cột mốc “vô tiền khoáng hậu” – đi trước thời đại cho phù hợp với tình hình VN?
Câu hỏi vớ vẩn! Nhưng vẫn phải trả lời. VN đã ký công ước quốc tế về bảo tồn loài hổ hoang dã. Đây là sứ mệnh của mọi quốc gia, mọi chính quyền, và mỗi người dân đều phải “xắn tay áo” làm việc này. Đây không phải là việc riêng của các tổ chức bảo tồn thiên nhiên hay động vật hoang dã. Ai muốn thấy một lúc nào đó loài hổ tự nhiên chỉ còn là trong các câu chuyện cổ tích về ông ba mưới?
6/ Vậy nuôi hổ là tốt với nó hay tàn nhẫn với nó?
Tốt thật, có tâm thật thì phải giao đàn hổ gốc mà mình may mắn sở hữu đấy cho các tổ chức có chức năng hay các nhà khoa học để họ trả đàn hổ về thiên nhiên và bảo vệ chúng ngay cả khi chúng sống ở thiên nhiên. Sau đó chu cấp tiền (nếu thích) cho các nhà chuyên môn nuôi cho phù hợp. Không có môi trường nhân tạo nào hoàn hảo bằng môi trường tự nhiên để loài hổ sinh sống, tức là nó có những tương tác với môi trường như bình thường.
Hoàn hảo nhất là: Bảo vệ loài hổ ở vòng ngoài cùng của khu bảo tồn, còn bên trong thì kệ nó.
7/ Vì sao vẫn có người bảo là nuôi hổ là tốt, là bảo tồn?

Vì họ không hiểu vấn đề theo khía cạnh khoa học mà để tình cảm lấn át lý trí. Thực tế, đôi khi ý kiến các nhà khoa học không được lắng nghe.
8/ Hổ có ăn thịt người không?
Lại hỏi vớ vẩn nữa. Không! Hổ tránh người, bản năng nó ghét thấy người. Hổ ăn tuần lộc, lợn hoang dã, voi con, trâu, gấu, chim, các loài bò sát, cá. Khi “xử lý” những con mồi lớn hơn mình, cách ăn thịt của nó là cắn vào cổ họng con mồi cho đến khi nó chết. Như vậy hổ không ăn thịt người, nhưng nó sẽ ăn nếu nó thấy đói mà không săn được các con mồi khác (vì bọn đấy chạy khoẻ hơn).
Hổ thích nghịch nước (giống mình!). Nó có thể bơi được vài mét (khá hơn mình!). Một con hổ có thể ăn từ 18 đến 40 kg thịt một lúc. (khiếp!)

9/ Hổ là mèo phải không?
Đúng vậy. Hổ là con mèo lớn. Mèo là con hổ nhỏ. Ha ha.
10/ Có bao nhiêu con hổ còn lại trong tự nhiên? (Hổ thật ấy, hổ xịn ấy)

Theo Wiki, theo con số chưa đầy đủ, nhiều thông tin cho rằng có 200 con hổ ở VN. Nhưng thực tế là gì? Người ta nhìn thấy hổ từ 15 năm trước đây, sau đó, không ai còn thấy con hổ nào nữa, chứ đừng nói là theo dõi được nó. Vì vậy, hoặc là nó bị săn bắn ác quá nên teo hết rồi, hoặc là nó ghét người lắm nên nó không cho ai nhìn thấy.
Theo giáo sư Võ Quý, nhà bảo tồn đời sống hoang dã hàng đầu ở VN, chỉ còn 10-15 con hổ Đông Dương ở VN, xuất hiện ở những khu rừng thưa thớt. Nghĩa là gì? Nghĩa là chúng có thể bị tuyệt chủng nếu không có những dự án bảo tồn nghiêm túc nhằm duy trì môi trường sống cho hổ.
Tuy nhiên, không dễ chút nào vì các bác thợ săn thì phải đi săn mới có cái ăn, các bác nông dân thì cần đất nên đôi khi phá rừng làm nương rẫy. Còn rừng đâu cho hổ sống nữa!
Kết luận: Em yêu thiên nhiên và các loài động vật. Em không ủng hộ việc cá nhân nuôi hổ. Em không ăn thịt các thú rừng vì em không muốn tiếp tay cho bọn săn bắt thú rừng dã man. Nhưng em ăn thịt các loài mà nhà mình nuôi được, ví dụ như thịt heo, thịt gà, thịt bò, thịt …(Các bác biết em định nói tiếp thịt gì rồi đấy!)
Em không dùng cao hổ. Em có thể tìm một giải pháp thuốc khác thay thế cao hổ, vì cao hổ có phải thuốc tiên đâu!
Em không mặc áo lông hổ, vì …đắt.
Hãy là người uống bia thông thái!

Em xin hứa, xin hứa!

(Sau vài ngày, tự nhiên mình trở thành nhà hổ học!)

(Bài viết 06.04.2007 09:58)
free hit counter


web counter

Comments