Barbara Crossett: Cần thông tin có lợi cho người đọc

Ảnh: Khổng Loan
Ảnh: Khổng Loan

Barbara Crossett từng là biên tập viên của tờ The Times, là phóng viên cao cấp họat động tại Liên Hợp quốc. Bà cũng đã có nhiều chục năm kinh nghiệm làm báo và nghiên cứu về tình hình tại châu Á.

Gần đây, tôi có dịp trò chuyện với bà. Đây là một phần nội dung cuộc trò chuyện đó.

Hỏi: Bà đã đến Việt Nam 20 năm trước. Sau đó, bà có thường quay lại đây không?

Đáp: Tôi làm phóng viên phụ trách khu vực ASEAN và Trung Quốc từ năm 1984 tới năm 1988, sống ở Băng cốc. Từ đó, tôi cũng vài lần quay lại đây khi đi du lịch.

Tôi có mối quan hệ tương đối đặc biệt với nước này, vì con dâu tôi sinh ở Sài Gòn năm 1962.

Đối với tôi, VN là đất nước thú vị nhất. Mỗi quốc gia ASEAN đều khác nhau, tuy nhiên VN có rất nhiều điểm đặc biệt, là đất nước có trí thức nhất (the most intellectual). Về khía cạnh này, Indonesia thì tuyệt vời, còn Thái Lan rất thú vị, Malaysia cũng vậy. Tuy nhiên tôi đặc biệt quan tâm tới VN.

Hỏi: Nói chuyện trí thức. Người ta hay nói vui rằng, “đừng hỏi vì sao người ta dốt mà giàu, mà phải hỏi vì sao ta giỏi mà lại nghèo”. Nhiều nước, như cá nhân bà đánh giá, không có được nhiều trí thức, nhưng lại có những bước tiến xa về đời sống xã hội?

Đáp: Singapore có thể là một ví dụ rất thú vị. Singapore chỉ có một đảng chính, là Đảng hành động nhân dân (People’s Action Party). Đã có 1 thời gian dài, thủ tướng Lý Quang Diệu lãnh đạo đất nước, và giờ là con trai ông ấy. Singapore cho ta thấy việc chính quyền cho phép mỗi cá nhân phát triển là rất quan trọng.

Singapore là một nước nhỏ, ít người. Nhưng quan trọng là ở đó, không có nạn tham nhũng. Đối với Lý Quang Diệu, vấn đề giáo dục và nhà ở rất quan trọng khi ông ta nắm quyền. Mọi người ở Singapore đều phải có nhà hoặc một nơi tốt để ở. Nhiều lần trò chuyện với ông ta, tôi thấy ông ta có quan điểm cần quản lý xã hội tốt để không có phản đối hay biểu tình. Nhưng ông ta cũng tin rằng trong khuôn khổ mà ông ta đặt ra đó, mọi người được tự do làm bất cú gì mình muốn, miễn là họ không liên quan quá nhiều tới chính trị. Đó là cách Singapore kiểm soát chính trị. Hầu như không thể trở thành một chính trị gia đối lập ở Singapore, bởi vì chính phủ luôn kiểm soát.

Tuy nhiên, nếu bạn không liên quan tới chính trị, bạn được tự do phát triển, tự do kiếm tiền. Và bởi vì không có tham nhũng, nên những người làm việc cật lực sẽ giữ được phần lớn số tiền họ kiếm được. Lý Quang Diệu hiểu rõ, một người bị coi là độc tài cũng có thể là người duyên dáng, lịch sự.

Chính quyền Singapore rất cẩn thận về việc ai đến nước mình. Nếu bạn đem theo ma tuý thì sẽ bị hành quyết. Nhưng song song với đó, Singapore rất cởi mở và hoà nhã và xinh đẹp. Mặc dù Singapore cẩn trọng, nhưng họ không hề làm bạn có cảm giác mình bị theo dõi sát sao hay bị đối xử như kẻ thù của họ.

Cho đến thời gian gần đây, khi đến sân bay ở thành phố Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội, ấn tượng đầu tiên của du khách dễ có là đây là nơi của đất nước của sắc phục cảnh sát. Singapore được kiểm soát chặt chẽ cũng như vậy, nhưng với một vẻ bề ngoài khác. Chính quyền ở đây hiểu rõ tầm quan trọng của việc để người dân tự do họat động trong khuôn khổ, đảm bảo không có tham nhũng , giúp cho tầng lớp trí thức thực hiện được sứ mệnh của mình.

Nhưng có lẽ, Singapore là trường hợp rất đặc biệt, vì xã hội này không có khu vực nông thôn, không có người nghèo sống ở ngoại ô.

Hỏi: Vậy báo chí trong đất nước đặt biệt đó hoạt động ra sao?

Đáp: Báo chí bị chính quyền kiểm soát. Khi bùng nổ dịch SARS, tôi đang dạy một khóa về báo chí ở Campuchia cho các phóng viên các sinh viên đến từ các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Tôi cho họ xem tờ The Straits Times để cho họ biết tờ này đã đưa tin về dịch SARS này như thế nào. Vì đây là tờ báo bị kiểm soát, hay ít nhất cũng tự kiểm duyệt. Nhưng họ không sợ khi Singapore có ca tử vong đầu tiên do SARS, họ chạy hàng tít lớn “Dịch SARS: Ca tử vong đầu tiên”, trong khi chính phủ Khmer thì cố không thông tin cho người dân biết.

Thái Lan thì không muốn tin xấu, dù họ có báo phát miễn phí. Nhưng ở Singapore họ có những thông tin thực sự là thông tin, tốt cho người tiêu dùng, có ích cho cuộc sống thực của họ. Báo chí đưa ra những thông tin gần gũi, thiết thực với đời sống, kiểu như: Bạn có thể ngồi cạnh người khác trên xe buýt khi họ bị AIDS, với SARS thì cần thận trọng nếu ai đó hắt hơi hay ho, kiểu như vậy. Tức là mọi loại thông tin mà người dân cần biết đuợc truyền đi rất nhanh và đầy đủ.

Không ai ở Singapore muốn cố gắng che giấu thông tin về SARS. Chính phủ có thể kiểm soát báo chí, nhưng cùng với đó, họ hiểu tầm quan trọng của thông tin. Vì vậy, họ có công nghệ tin tức rất cao cấp.


Họ không thích các ẩn phẩm báo chí nước ngoài lắm, nhưng khi cần thiết, họ đưa thông tin tới người dân rất tốt. Và họ làm với cách chuyên nghiệp, sự tư vấn của các chuyên gia. Vì vậy người dân Singapore luôn có những thông tin rất tốt và hữu ích cho cuộc sống thường nhật.

Nhưng ở đó, không có tự do báo chí, dạng như Thái Lan. Thái Lan có lẽ là đất nước có tự do báo chí nhất ở Đông Nam Á. Campuchia cũng không hề tệ tí nào. Indonesia cũng có rất tốt, dù dưới thời chính quyền Suharto, báo chí gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng cũng còn tự do hơn Singapore và Malaysia. Còn Myanmar và Lào thì không tính.

Hỏi: Tình hình của các tờ báo lớn trên thế giới cũng đang rơi vào vòng xoáy khủng hoảng kinh tế, giảm số lượng phát hành, thu hép, sáp nhập, cắt giảm nhân viên, phá sản…Có vẻ như tòan tin không hay lắm. Còn ở VN tình hình có vẻ không tệ, thậm chí có báo còn mở rộng họat động…

Đáp: Có lẽ là vì truyền thông ở phương Tây là do tư nhân, không có hỗ trợ của chính phủ. Các báo ở phương Tây thì mất độc giả, mất quảng cáo.

Hỏi: Tôi cho rằng giữ niềm tin của độc giả và sự độc đáo của tờ báo cũng quan trọng không kém giữ được quảng cáo. Michael Porter, cha đẻ của chiến lược cạnh tranh toàn cầu gần đây đến Việt Nam nói chuyện, có nhắc tới cạnh tranh dựa trên sự độc đáo, chứ không phải cạnh tranh hướng tới ngôi vị số 1. Vì hôm nay bạn tốt nhất, sẽ có người tốt hơn. Nhưng bạn khác, bạn độc đáo nhất thì không phải ai cũng đe dọa được vị trí đó. Theo bà thì tính chuyên biệt của một tờ báo quan trọng ra sao?

Đáp: Nhiều tờ báo chí cứ cố bắt chước báo khác, rằng cần phải có tin giống báo khác mà không quan trọng là mình có tin khác báo khác, cách mình nhìn khác báo khác. Họ đang tính tới số lượng tin giống nhau.

Ở Mỹ, tờ Wall Street Journal vốn dành cho những người trong ngành tài chính. Bloomberg TV, CNBC, là các kênh phát tin tức 24h/ngày. Tờ New York Times lại rất mạnh về chính trị, ngoại giao, website cũng mạnh, tờ Washington Post lại có đường hướng riêng ủng hộ chính phủ…

Để tỏ ra cân bằng, các tờ báo này có những cột mục gọi là columnist (mục do một người viết phụ trách) để viết ý kiến. Ở đây, cần làm rõ là với trang mục Ý kiến, cần phải công bằng, cùng một sự kiện có ý ủng hộ thì cũng nên có ý phản đối. Còn tờ New York Post lại rất bảo thủ. Quan điểm và đường hướng của các tờ này, ai cũng biết thấy, và độc giả trung thành với các tờ báo mà họ cho rằng thể hiện quan điểm phù hợp với mình.

Hỏi: Còn truyền hình thì sao, thưa bà?

Đáp: Truyền hình bây giờ phụ thuộc vào phát thanh viên, những người trở thành các siêu sao. Ví dụ ABC có tỉ lệ người xem tin tức cao nhất nhờ họ có phát thanh viên là một người đàn ông chững chạc, đã có nhiều năm làm báo, và người xem tin nhà báo này. Các kênh khác cũng có những nhân vật nổi tiếng riêng của họ. Tức là truyền hình cũng đặc biệt chú trọng tới xây dựng hình ảnh cho các nhân viên để họ trở thành những người nổi bật.

Cá nhân nổi bật để tập thể nổi bật. Tuy vậy, chuyện này cũng tạo ra vấn đề là quá nhiều người nổi tiếng, nhưng nói chúng, tùy từng sở thích của mỗi người. Với tin tức, khán thính giả lại tin phát thanh viên nhiều tuổi và già dặn.

Hỏi: Mà thêm nữa, Internet, online, radio đang cạnh tranh quá sức với truyền hình. Vì vậy, có thể cùng một tin nhưng các chi tiết sẽ được khai thác khác nhau.

Đáp: Nếu là tin, về cơ bản, đó chuyện gì đã xảy ra, ở đâu, ai, cái gì. Báo của bạn sẽ cạnh tranh hơn nếu có thông tin riêng, phóng viên dành nhiều công sức điều tra sâu hơn, rộng hơn.

Thực tế, không có cách nào để báo in cạnh tranh với truyền hình, online hay radio được, vì vậy, họ phải đào sâu hơn. Báo in làm điều tra dài hơi, kéo dài hàng tuần hàng tháng, và thường những bài đó đọat giải báo chí. Khi truyền hình hoặc online trích thông tin, họ thường phải dẫn nguồn vì các bài viết trên báo dạng này thường là có bản quyền.

Các hãng tin như

Reuters, AP cũng khiến cho khả năng bài viết giống nhau trên các báo cao hơn, dễ nhàm.

Hỏi: Và áp lực lên phóng viên, tất nhiên, ngày càng tăng theo như họ phải làm được cả cho báo in, xuất hiện trên truyền hình, radio…

Đáp: Nhiều phóng viên không thích vậy. Nếu bạn đang đưa một tin quan trọng. Bạn không muốn viết nó năm lần. Một lần cho online, một lần cho báo in, một lần cho radio… Nhiều phóng viên không muốn viết nhiều, quá nhanh, vì tin tức từ sáng tới chiều đôi khi thay đổi.

Đôi khi người làm ở online sẽ chủ động viết tin dựa vào những thông tin mà họ được phóng viên cung cấp. Thực ra, để làm vậy sẽ mất thời gian, cần nhiều sự đầu tư công sức. nhưng bạn cần làm quen với nó.

Ở nhiều tờ báo lớn, họ không ép phóng viên làm cho TV hay radio, vì như vậy quá nhiều đối với họ. Họ để phóng viên tự nguyện chọn lựa nếu phóng viên muốn tiến một bước nữa trong công việc của mình.

Hỏi: Cám ơn bà.

Thông tin bên lề: Barbara Crossette, cựu phóng viên nước ngoài của tờ The New York Times, tác giả của một số đầu sách về châu Á. Crossette là trưởng văn phòng đại diện của The New York Times tại Liên Hợp quốc từ năm 1994 đến 2001. Trước đó, bà là trưởng đại diện của Times ở Đông Nam Á và Nam Á, phóng viên ngoại giao tại Washington. Bà cũng tác nghiệp từ Trung Mỹ, vùng Caribbean và Canada.

Hiện bà vẫn tiếp tục đi và viết về du lịch và cộng tác về chính sách ngoại giao và các vấn đề quốc tế cho các tờ báo lớn như World Policy Journal, The Nation.

Trước khi bắt đầu làm báo năm 1973, bà làm cho tờ The Evening and Sunday Bulletin ở Philadelphia và The Birmingham Post ở Birmingham, nước Anh.

Năm 1991, bà Crossette đoạt giải George Polk dành cho bản tin làm từ nước ngoài khi bà đưa tin về vụ ám sát ở Ấn Độ đối với cựu thủ tướng Rajiv Gandhi. Năm 1998, bà đoạt giải thành tựu 25 năm của The Silurians,một mạng lưới xã hội các nhà báo ở New York. Năm 2003, bà đoạt giải thành tựu trọn đời của Hiệp hội các phóng viên đưa tin ở Liên Hợp quốc. Và nhiều giải thưởng khác.


Bà Crossette là thành viên của Khoa Báo chí Đại học Columbia, dạy báo chí của chương trình Fulbright năm 1980-1981 ở Đại học Punjab ở Chandigarh, Ấn Độ. Bà sinh năm 1939 ở Philadelphia, có bằng cử nhân khoa học chính trị và lịch sử của Đại học Muhlenberg năm 1963. Bà là thành viên của hội đồng tư vấn Viện Nghiên cứu toàn cầu của Đại học New York.

(Cám ơn Bích Phương đã giúp tôi gỡ một phần băng)

Comments