TRANG iREPORT.COM CỦA CNN

CNN được coi là người tiên phong trong việc mời gọi độc giả tham gia làm tin tức, và thực tế, rất nhiều tin tức đã được sử dụng trong các chương trình của CNN.

Về việc trả nhuận bút, tôi không biết CNN thế nào, nhưng BBC thì không trả bất kỳ khoản tiền nào cho các độc giả gửi thông tin, hình ảnh đến cho BBC.


Mô hình của CNN là một mô hình rất thú vị, tuy nhiên, chỉ để mang tính tham khảo ở một số nước. Ứng dụng đến đâu còn tùy tình hình.


Về iReport.com


Là một trang web do CNN lập nên, về cơ bản là một dạng phiên bản YouTube dành cho tin tức, nơi bất kỳ một độc giả nào cũng có thể gửi tin bài của họ.


Mục đích

Các hãng thông tấn hiện nay thường tìm mọi cách thu hút sự đóng góp của độc giả để lấy hình ảnh, video hay những bản tin có nhân vật chứng kiến, nhưng họ cũng phải tìm cách làm thế nào tập hợp những thông tin do độc giả cung cấp mà vẫn đảm bảo tính chính xác và chất lượng.


Lý do CNN quyết định cho ra một trang web iReport.com biệt lập với CNN.com là vì họ muốn vạch ra sự phân biệt rõ ràng giữa những thông tin đáng tin cậy của CNN.com và một trang web do độc giả tạo ra như iReport.

Sẽ dễ dàng hơn cho độc giả để nhận ra sự khác biệt trong nội dung nếu hai trang web này hoàn toàn độc lập với nhau.


Từ tháng 8/2006, CNN bắt đầu khuyến khích độc giả gửi tin ảnh và video trên CNN.com dưới tên thương hiệu “iReport”, tuy nhiên chỉ những hình ảnh và video đã được các nhà báo CNN hiệu đính kỹ càng.

Trang web đã nhận được gần 100,000 tin ảnh và video, nhưng chỉ 10% trong số đó được xuất bản.


Còn giờ đây tất cả những tin ảnh, video đó và tất cả những thứ độc giả sẽ gửi tới có thể tìm thấy trên iReport.com.


Hoạt động

CNN phát triển iReport như một diễn đàn dành riêng cho độc giả.

Tất cả nội dung gửi tới sẽ không được đọc trước hay hiệu đính trước bởi CNN, bởi vậy trách nhiệm thuộc về độc giả khi họ sẽ quyết định cái gì là quan trọng, cái gì là thú vị, cái gì là tin.


CNN sẽ không can thiệp nhiều vào việc kiểm soát tin bài sau khi đăng: Độc giả có thể phát hiện ra những tin bài vi phạm các nguyên tắc chung và các biên tập viên iReport.com sẽ xem lại và quyết định có gỡ xuống hay không. CNN cũng cung cấp một số nguyên tắc báo chí cơ bản trên trang web iReport này.

Tất cả các nội dung mà độc giả iReport tạo ra sẽ có thể tìm thấy trên trang web trực tuyến. Độc giả cũng có thể vào trang www.cnn.com/iReport để xem những tin bài đã được hiệu đính và đã xuất hiện trên kênh CNN và CNN.com.

Đồng thời iReport.com sẽ gán cho những tin bài này với đuôi “trên CNN” (on CNN) để chỉ ra rằng những tin bài này đã xuất hiện trên kênh CNN hoặc CNN.com.


Trước khi một iReport được đưa lên truyền hình CNN hoặc trên CNN.com, nội dung của nó cũng được hiệu đính như bất kỳ tin bài nào khác của CNN.

Các nhà báo CNN sẽ thực hiện các bước để xác thực những sự kiện đưa lên iReport, và xem xét nó có thích hợp để đưa lên hay không.

iReport.com sẽ tập trung vào những gì mà công chúng cho là tin tức, là nơi để những người sử dụng Internet đưa tin và tham gia hơn là chỉ để giải trí.

Khái niệm “cộng đồng” trên các trang web tin tức thường nói về phản ứng của công chúng đối với tin tức được tường thuật bởi báo chí chính thống.

iReport.com không chỉ mời độc giả gửi tin bài của họ mà còn tạo ra những diễn đàn cho độc giả nơi họ sẽ định hướng tin tức chứ không chỉ chạy theo tin tức.


Hiện tại thì trang iReport vẫn từng bước được hoàn thiện, và lời khuyên của họ dành cho các hãng thông tấn khác muốn thử hình thức mới mẻ này là: hãy cố gắng thật cởi mở và rõ ràng đối với độc giả của bạn.

(Nguồn: http://www.poynter.org/column.asp?id=32&aid=138326)
Dịch: Đoàn Hằng

Nước Anh trong mắt tôi

Như tôi đã trình bày ở trên, nước Anh hấp dẫn ở sự đa dạng, đa văn hóa. Các bạn chỉ cần đến nước Anh thì cũng đồng nghĩa với việc các bạn có thể kết bạn, gặp gỡ, trải nghiệm với các sắc dân trên khắp thế giới.

Cảm nhận sự khác biệt của văn hóa, của lối sống, của cách suy nghĩ, cách ứng xử sẽ giúp chúng ta hiểu biết hơn cuộc sống rất nhiều.


Và sự hiểu biết đó, tôi cho rằng sẽ giúp chúng ta có được sự rộng lượng và vị tha hơn khi nhìn cuộc sống ở những nơi khác, khi đánh giá những người khác. Tôi đã hiểu hơn về từ chấp nhận sự khác biệt khi đến nước Anh.

Và thấy rằng, có nhiều chọn lựa khác, tốt hơn, xấu hơn, và ta nên xem xét sự khác biệt và những lựa chọn đấy để chọn lựa cho mình điều đúng hơn.


Trong hình là thư viện Anh, gần ga tàu điện ngầm King’s Cross St Pancrass. Nhân tiện tôi cũng nói luôn là London có nhiều con đường đặt tên rất là…ấy. Chúng ta có King’s Cross mà cũng có cả Cow Cross nữa.

Chả hiểu nó có liên quan gì đến nhau hay không mà tôi chưa có dịp tìm hiểu.
Anyway, quay lại chủ đề chính. Thư viện này là nguồn tri thức khổng lồ mà sẽ khiến các bạn mê man khi đến đây.

Thư viện quốc gia, thành phố, kết hợp với mạng lưới các thư viện trường sẽ giúp các bạn dễ dàng tìm kiếm được các tài liệu cần thiết cho học tập. Cảm giác của các bạn, có lẽ cũng giống như tôi, khi đến những nơi này.


Đó là sự …bất lực và cảm thấy rõ ràng sự hữu hạn của con người trước tri thức mênh mông của cuộc sống. Nhưng các bạn sẽ cảm thấy mình vô cùng may mắn và hạnh phúc khi được xuất hiện ở những nơi như thế này.


Hệ thống giáo dục chất lượng cao ở Anh sẽ hàn gắn những lỗ hổng mà bạn có thể có trong nước.

Điều quan trọng, bạn sẽ học được rất nhiều về tầm quan trọng tạo sự khác biệt của bạn với đám đông xung quanh mình.

Đây là điều vô cùng quan trọng đối với mỗi cá nhân trong xã hội và chính nó góp phần vào việc khẳng định giá trị của mỗi cuộc sống của chúng ta.

Tôi học trường City University London, ở ngay trung tâm London.


Tài liệu học tập, các giảng viên là những người có kinh nghiệm thực tiễn. Họ là những nhà báo rất giỏi đã nhiều năm làm việc, lăn lộn trên “chiến trường”, cùng với những giảng viên thỉnh giảng nổi tiếng, những buổi nói chuyện về các vấn đề rất nỏng bỏng và thực tế. Sinh viên trao đổi, đặt câu hỏi, phản biện…tất cả đều được khuyến khích.


Tuy nhiên, không phải trường nào cũng giống trường nào. Sự quan tâm của các giáo viên tới các sinh viên cũng khác nhau ở các trường. Tôi cho rằng yếu tố cá nhân, một lần nữa, rất quan trọng. Có thể các bạn sẽ thấy rằng sự chủ động hòa nhập của các bạn góp phần lớn vào thành công của các bạn khi theo học ở Anh. Và đây là thành công của giáo dục Anh, chất lượng nằm ở chỗ đó.


Các phương pháp được áp dụng trong giáo dục Anh rất hiện đại và phong phú. Tôi đã cảm thấy rất thoải mái khi tiếp cận lối giáo dục mà yêu cầu tính tự giác rất cao của người học, cùng rất nhiều nguồn tài liệu và sự hỗ trợ tốt của giảng viên bộ môn. Việc tôi có nhiều nguồn tài liệu để tham khảo là điều rất quan trọng cho việc học tập và nhìn nhận các vấn đề, sự kiện theo hướng đa chiều.

Môi trường học tập ở Anh rất thân thiện, và như tôi đã nói ở trên, là rất đa dạng. Là một nước phát triển, giáo dục là thứ dịch vụ mà nước Anh đem đến cho thế giới. Vì là dịch vụ, và là một thứ để quảng bá văn hóa, truyền thống, nước Anh đã cố gắng đem sản phẩm tốt nhất của mình để cạnh tranh.


Tôi muốn nhấn mạnh rằng, các bạn sẽ nhận được dịch vụ thế nào tùy vào cách tiếp cận chủ động của các bạn. Tôi có một số người bạn mà có những kinh nghiệm không lấy gì làm thoải mái khi du học Anh.


Khi tôi ở Anh, việc quan trọng nhất của tôi là học. Dĩ nhiên. Nhưng tôi cũng dành nhiều thời gian của mình để đi đến nhiều nơi để khám phá, thưởng thức.

Tôi có đủ thời gian để đi sang một số nước láng giềng của Anh, lên đỉnh núi được coi là Top of Europe và tôi mê mệt trong các bảo tàng, phòng trưng bày, các nơi sinh hoạt văn hóa nghệ thuật và biết đến những cuộc sống tinh thần vô cùng phong phú mà từ nhỏ tôi chưa bao giờ có dịp biết đến.


Ở Anh có một cộng đồng xinh xắn người Việt. Nhưng tôi giữ những mối quan hệ chừng mực với họ.

Vì theo quan niệm của tôi, tôi đi nước ngoài để tiếp thu những sự mới mẻ, những nền văn hóa mới mẻ, những con người khác với những người mà tôi đã từng có nhiều dịp tiếp xúc.

Tôi không khuyến khích các bạn tham gia giao lưu quá nhiều với người Việt, như vậy, các bạn sẽ mất đi cơ hội tìm hiểu và học hỏi những thứ mới.

Nếu cần tiếp xúc với người Việt, chúng ta chẳng phải mất tiền để sang tận xứ Anh làm gì.

11.06.2008 06:51

Blog và phóng viên

Blog đang trở thành xu hướng mới ở VN trong cộng đồng các phóng viên. Xu hướng đến mức mỗi buổi sáng, thói quen của không ít phóng viên ở VN là mở Yahoo!360 lên xem đồng nghiệp của mình, hoặc những người mình quan tâm để “blast” gì.

Blog đang là sở thích mới của các phóng viên ở VN. Họ sử dụng 360 và connect với các friends của mình. Rất ít người dùng worldpress, opera, blogspot, google, facebook. Đơn giản vì những cái đó không thông dụng ở VN.
Lần nào đi học báo in, báo online…mình cũng đều được các thầy dạy cho blog. Nhưng phải nói đến hôm nay dự lớp về báo online bên Sài Gòn Times thì mới thấy rõ ràng nhất sự cần thiết của blog với phóng viên.
Cô Mindy Adams cho biết, ở Mỹ, blogging là thứ bắt buộc với các phóng viên. Nếu phóng viên không blog, họ bị sa thải.
Vì sao?

Vì báo in ở Mỹ đang mất độc giả. Bây giờ người ta đọc tin tức trên máy tính, trên điện thoại di động. Ngày càng ít người mua báo in. Người ta đành tìm cách thu hút độc giả trên website. Các blog của các phóng viên là một trong những công cụ thu hút độc giả riêng của họ.

Dĩ nhiên, không phải phóng viên nào cũng thích blog. Vì sẽ tốn thêm thời gian cho họ, và họ không được trả thêm tiền nhờ blog. Họ vẫn có thu nhập như vậy.

Blog – vài ý niệm cơ bản
Blog mang tính cá nhân. Nó không phải là tờ báo. Nó không phải là nơi để bạn post những thứ mà đã đăng trên báo in. (Giờ mới biết vụ này. Hê hê).
Blog là bạn, là giọng điệu của bạn. Là khác với giọng bạn viết để đăng báo.
Blog là nơi độc giả được đưa đến những gì “đằng sau sự kiện”. Đó có thể là tâm sự của riêng bạn khi đưa về tin này, khi gặp người nọ…Người đọc có thể gửi email cho bạn, bình luận entry.
Vậy phóng viên chịu trách nhiệm như thế nào về blog của họ?
Họ chịu trách nhiệm hoàn toàn. Blog là nơi độc giả được đọc bản thảo của chính phóng viên, tức là không được biên tập sạch sẽ như những bài đăng trên báo đâu.
Nếu blog có giọng khác với bài viết trên báo?
Blog thể hiện con người phóng viên. Họ không nên có hai giọng điệu khác nhau vì như vậy sẽ khiến độc giả nghi ngờ độ tin cậy của họ.
Blog ở đâu?
Thế giới ưa chuộng typepad.com; worldpress.com; blogspot.com; facebook.com; twitter.com. VN ưa chuộng Yahoo!360 hay google.com. Cũng có thể bạn chọn một cái tên miền riêng cho mình như tôi làm chẳng hạn. Bạn chỉ cần sign up và dùng rất dễ.


Blog có hợp với VN không?
Tôi cho rằng ở những nền văn hóa tôn trọng và tôn vinh cá nhân tính, blog là công cụ rất tốt để mỗi cá nhân khiến thế giới biết đến họ. Nhưng ở VN, dù bạn có wifi ở virtually everywhere, thể hiện cá nhân mình cũng vẫn là một thứ “taboo”.

Hơn nữa, nếu bạn là người cẩn trọng, hiểu môi trường xung quanh thì có nhiều khả năng bạn sẽ lượng lự khi thể hiện rõ mình nghĩ gì và muốn gì.
Thôi, lại đi trên dây tiếp.

Ở VN, không ai bắt phóng viên blog. Tụi Tây nom vậy mà ác như con tê giác. He he. Trước sự cạnh tranh khốc liệt, báo in đối đầu với báo giấy, Tây không còn cách chọn lựa nào khác.
Ở VN, báo chí chưa bão hòa. Người ta dừng mua báo vì nhiều lý do, chứ không hẳn là vì báo online đang chiếm ưu thế.

Sài Gòn Times là một trong số rất ít tờ online có blog cho phóng viên ở VN. Tuy nhiên, chức năng của blog trên trang này chưa được sử dụng đầy đủ. Chắc vì mọi người too busy to blog. Dù sao, điểm rất cao cho trang web của Sài Gòn Times. Hiện đại và chuẩn mực.

Search một số entry về blogging mà tôi đã viết trước đây
Website Mindy McAdams
Time’s Blogs

(Bài viết 03.06.2008 01:35)

Tương lai đáng sợ của Trái Đất

Viễn cảnh của hành tinh chúng ta thế nào? Đáng sợ lắm! Theo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu, 90% những thay đổi này là do con người gây nên. Dân số đã vượt qua sáu tỉ người trong năm 2007. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?


Nào, tính từng mốc thời gian một:

2008 – tức năm tới


Dầu sẽ bị khai thác ở mức kịch trần trong thời gian 2008-2018. Sau đó, sản lượng sẽ bị sụt giảm, gây nên suy thoái toàn cầu, thiếu lương thực, oánh nhau giữa các quốc gia.

2020 – khi Loan 40 tuổi


Lụt lội xảy ra khắp các vùng ở châu Âu. Mưa ít hơn khiến sản lượng lương thực giảm 50% ở một số vùng trên thế giới. Dân số tăng lên 7,6 tỉ người.


2030 – khi Loan 50 tuổi


Các bệnh liên quan đến dịch tả sẽ tăng thêm 5% ở những vùng trũng của trái đất. 18% san hô của thế giới sẽ biến mất, ở châu Á sẽ là khoảng 30%. Dân số lúc này là 8,3 tỉ người.

Nhiệt độ tăng khiến các dải băng ở khu vực núi cận xích đạo ở châu Phi biến mất.
Ở các nước đang phát triển, dân cư ở đô thị sẽ tăng gấp đôi.


2040 – khi Loan 60 tuổi – vưỡn xinh nhé

Bắc Băng Dương sẽ không còn băng vào mua hè, vào mùa đông băng sẽ ít hơn nhiều.


2050 – khi Loan 70 tuổi – chưa móm


Các dải băng mỏng trên Alpine sẽ biến mất hoàn toàn, dải dày hơn thì thu hẹp lại 30 – 70%. Úc sẽ có thêm khoảng 3.200-5.200 người thiệt mạng vì các bệnh liên quan đến nhiệt độ tăng.

Mỗi năm ở New York có thêm khoảng 1.000 người chết vì lý do tương tự. Ở Anh, người ta chết vì lý do ngược lại – lạnh quá. Dân số tăng đến 9,4 tỉ. ¼ các loài thực động vật có nguy cơ tuyệt chủng.

2070 – khi Loan 80 tuổi – vẫn minh mẫn


Các dải băng biến mất, hạn hán nhiều hơn, nguy cơ hỏa hoạn nhiều hơn, đặc biệt ở các vùng Địa Trung Hải.

2080 – khi Loan 90 tuổi – tự dưng minh mẫn hơn

Khoảng 3,2 tỉ người sẽ biết thế nào là thiếu nước và 600 triệu người sẽ đói.

2090 – khi Loan 100 tuổi – minh mẫn “kịch trần”

Sốt rét do thời tiết thay đổi khiến 3,5 tỉ người có thể bị chết.


2100 – khi Loan 110 tuổi – cái gì kịch thì tiếp theo đó là giai đoạn nào?


Các hệ thống sinh thái phải thay đổi để thích nghi với thay đổi khí hậu. Mức CO2 trong không khí cao nhất trong lịch sử. Các vùng khí hậu mới xuất hiện ở 40% bề mặt trái đất, thay đổi hoàn toàn hành tinh.

Thôi, cứ ước tính đến chừng đấy đã đủ hãi rồi, nhỉ?

(http://www.livescience.com/environment/070419_earth_timeline.html)

(Bài viết 24.12.2007 08:56)



Người Ta văn minh thật!

Cứ muốn viết vài dòng về việc tất cả người VN đồng loạt đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy từ lâu mà hôm nay mới có thời gian.

(Thời gian còn lại để xem phim và đọc truyện. Hị hị). Trước hết, tui phải khẳng định là tui rất vui khi thấy pà con đội mũ nhiều như vậy.


Khi tôi đi nước ngoài, tui vẫn tự hỏi mình tại sao người ta cẩn trọng khi đi trên đường như vậy. Họ đội mũ bảo hiểm ngay cả khi đi xe đạp.

Vào buổi tối, họ đeo cái miếng phản quang lên người để các xe từ xa có thể nhìn thấy và tránh họ.

Tôi tự hỏi tại sao người VN không yêu cái mạng sống của mình khi lưu thông trên đường.

Đi xe máy phóng vèo vèo, chở ba, thậm chí chở tư. Mà không ai đội mũ.

Với tui, mũ bảo hiểm luôn là thứ bất ly thân khi đi xe máy từ ba bốn năm nay. Tui vẫn nhớ bao nhiêu người đã cười sằng sặc khi thấy tui đội cái nồi cơm điện trên đầu. Nhưng tui phớt hết.

Vì tui cứ hình dung nếu chẳng may bị chấn thương sọ não thì coi như bao nhiêu năm phải sống, phải đi học đổ xuống sông xuống biển. Bây giờ gặp họ, chả lẽ tui lại cười sằng sặc giống họ?


Sáng thứ bảy, tự dưng ra đường thấy ngợp trời pà con đội mũ bảo hiểm. Công an thì đứng ngáp ngáp vì chả bắt được mấy người để phạt.

Chán. Mình cười hí hí. Lại có pác xe ôm ngồi đợi khách cũng đội mũ bảo hiểm. Lại có em đi xe đạp cũng đội mũ bảo hiểm. Quá tuyệt vời!


Rất nhiều mũ do hãng Protec sản xuất. Vẫn nhớ có lần phỏng vấn ông giám đốc của hãng này ở London cho Tuổi Trẻ.

Ông ấy rơm rớm nước mắt khi nói rằng ông ấy muốn tất cả người VN ra đường đều phải đội mũ bảo hiểm. Không hiểu ông ấy nghĩ gì khi thấy một rừng mũ bảo hiểm như vậy đã thực sự diễn ra.

Chắc lại rơm rớm nước mắt tập hai.


Thôi thì cũng chúc mừng cho cái ước mơ (giả sử) đúng là như vậy của ông, nhưng phải nói là cái mũ Protec xấu điên. To bự chảng. Mình chưa dám thả từ trên tầng 2 xuống để thử độ an toàn như cái mũ mình đang đội hiện nay vì thấy cảnh báo: Không được sử dụng lại nếu mũ móp méo.

Thôi cứ dùng tạm cái mũ mà mình đã thả ba lần từ tầng hai nhà mình mà vẫn không làm sao vậy, cất cái mũ kia đi.


Mình vẫn nhớ cách đây vài năm, ông Nông Đức Mạnh khẳng định trên TV là mọi người dân phải đội mũ bảo hiểm.

Mọi việc chìm vào quên lãng. Nhưng hôm nay nó đã thành sự thật. Sợ bị phạt? Tâm lý đám đông? Gì cũng được, nhưng pà con mình sẽ đội mũ bảo hiểm nhiều hơn. Ai không đội sẽ trở thành bất thường. Ngộ là ngộ vui lém.


Thôi thì trong lúc chờ đợi đường thông hè thoáng (cái này khó à nha, chưa thấy tương lai đâu), có tàu điện ngầm (cái này hơi xa, sợ lúc đấy tôi chống gậy roài), tàu điện trên cao (cái này còn xa hơn, lúc đấy chắc rụng răng roài), xe buýt đưa đón đi làm thuận tiện (bây giờ cũng có nhưng nó nhích như rùa), chúng ta cùng bảo vệ cái sọ dừa của mình.


Mũ đẹp rất quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn là nó an toàn. Đội đúng cách, đội thường xuyên.

Đó là hình ảnh của một người văn mình trong mắt của tui.


Để kết thúc cái entry dở hơi biết bơi này, tui muốn khẳng định rằng: Tui có thể vênh mặt lên với bất kỳ thằng Tây nào đến VN rằng: Nhé, mày thấy đấy! Dân VN chúng tao cũng biết yêu cái mạng sống của bọn tao lắm. Bọn tao cũng đoàn kết lắm. Muốn làm được là làm được thôi.


Mặt bọn Tây sao cũng nghệt ra. Khéo nó nghĩ mình lại còn văn minh hơn nó í chứ! (Tinh thần quả này lên ác!).


Thì ít ra so với Thái Lan, VN mình không còn thua kém gì nữa, xét về mặt đội mũ bảo hiểm!
Nhá!


(Ngôn ngữ trong bài này hơi a vòng (còng) một tí. Pà con thông củm!)

(Bài viết 17.12.2007 10:42)