Chuyên gia kinh tế Anh lạc quan trước sự chuyển mình của VN

Bài này viết năm 2007, và quả là ông tiến sỹ lạc quan thật. Sau bao nhiêu rùm beng mà báo chí trích dẫn các chuyên gia đưa ra, thực tế là nhiều người (bây giờ) dự đoán, đầu năm 2009 thì VN mới thực sự thấm đòn…

Tiến sỹ Martin Gainsborough, Giám đốc Dự án Bristol – VN nói ông đã đưa ra những nhận định tích cực về tương lai của VN sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

“Nếu cho tôi cá cược, tôi sẽ đặt phần nhiều hơn cho thành công của VN,” ông nói, “Những thông tin mà tôi có được cho thấy, nhiều tín hiệu tốt cho sự phát triển và hội nhập của VN.”

Trưởng thành hơn
Tại Bộ Thương mại và Đầu tư Vương quốc Anh ở London, giám đốc dự án nghiên cứu VN, tiến sỹ Martin Gainsborough, vừa có bản báo cáo về nghiên cứu Việt Nam sau WTO của ông, với mục đích cung cấp thông tin mới nhất cho những doanh nhân và doanh nghiệp đang chuẩn bị bước vào thị trường Việt Nam tại thời điểm đặc biệt, khi Việt Nam trở thành thành viên của tổ chức thương mại lớn nhất thế giới.
Câu chuyện về việc Mỹ cho rằng VN bán phá giá cá da trơn vào thị trường Mỹ được Martin nhắc tới như một bằng chứng sống động về sự tiếp cận chủ động của doanh nghiệp VN. “Đến nay, 80% cá da trơn của VN đã xuất sang thị trường châu Âu,” ông nói, “Đây là sự chuyển hướng bất ngờ. VN đang là một thị trường trưởng thành hơn.”
Tiến sỹ Martin được đánh giá là một chuyên gia cao cấp về tài chính và quản lý với 15 năm kinh nghiệm nghiên cứu và tư vấn tại Việt Nam.
“Điểm tích cực khác là lãnh đạo VN ủng hộ sự phát triển hoà nhập vào nền kinh tế thế giới, dần có những quan điểm cởi mở hơn về chính trị. Quan hệ giữa chính quyền và người dân đang có sự thay đổi.”
“Doanh nghiệp nước ngoài hình như chưa nhớ ra Việt Nam vì cái bóng quá lớn của Trung Quốc,” ông hài hước nói.

Martyn Skinner, hiện là cố vấn thương mại và đầu tư của Bộ thương mại và đầu tư Vương quốc Anh tại Singapore, VN và Philippines, lại có cái nhìn lạc quan về mức ảnh hưởng tiêu cực của WTO tới 80% dân số VN đang là nông dân. “Họ có thể sẽ không bị ảnh hưởng nhiều như trong ngành công nghiệp,” ông nói, “Hoặc mức sống của họ sẽ duy trì ở mức hiện tại, hoặc sẽ tốt hơn”.
Martyn từng đến VN những năm 1990 và mở nhà máy đường NGHE AN TATE & LYLE tại Nghệ An. Hiện nhà máy đã mở rộng hơn 50% năng lực sản xuất.

Sự ổn định trong điều hành của chính phủ VN cũng được các chuyên gia đánh giá là một yếu tốt quan trọng cho sự phát triển của VN tại thời điểm hiện tại. Louis Turner, Giám đốc điều hành Mạng lưới Kỹ thuật châu Á – Thái Bình Dương, kiêm giảng viên tại đại học Kinh tế và Chính trị London cho rằng sự ổn định xã hội hiện nay tại VN là hợp lý, tốt cho sự phát triển xã hội ở thời điểm hiện tại.
Thận trọng
James Chan, giám đốc công ty James Chan & Co chuyên về thương mại và tư vấn luật hàng hải tại London, kể câu chuyện vui rằng một cán bộ thương mại của VN đã trao đổi với ông danh thiếp trên đó có địa chỉ email tại yahoo.
Ông đặt câu hỏi: “Liệu mua một tên miền cho doanh nghiệp có đắt không? Tại sao cán bộ này phải dùng địa chỉ yahoo cho giao dịch kinh doanh?” .
Với cách nhìn của phương Tây, đây chưa phải cách làm việc chuyên nghiệp. Họ muốn nhìn thấy đối tác sử dụng email với tên miền là doanh nghiệp của mình. Đó là sự khẳng định tồn tại và cách quảng bá hữu hiệu trong thời đại Internet mà rất nhiều nhà kinh doanh chưa để ý đến.

Đó chỉ là một ví dụ nhỏ cho thấy nhiều doanh nghiệp VN còn phải làm rất nhiều việc trước khi thật sự hoà nhập vào nền kinh tế toàn cầu, hiểu được sân chơi và biết chơi với các đối tác khác một cách bình đẳng.
James Chan với nhiều năm kinh nghiệm làm việc với các đối tác Trung Quốc và sự hiểu biết về châu Á cho rằng, điểm khó khăn lớn nhất cho chính phủ VN là sự điều hành ở cấp vĩ mô sau khi gia nhập WTO.
“VN rõ ràng hoàn toàn khác biệt với chính nó ở những năm 1990.”, tiến sỹ Martin nói, “Nhưng chúng ta cũng không nên đánh giá thấp những thách thức từ công nghiệp hoá, quản lý phát triển…”
Rất nhiều đất nước đang phát triển đã không thể thực hiện được chiến lược mà họ đề rất trước đó là sản xuất hàng hoá chất lượng với giá thành cạnh tranh.
“Lý do có thể vì sự quản lý ở tầm nhà nước không hiệu quả, nạn tham nhũng, lãng phí hoành hành, chính phủ không đưa ra những chiến lược và sự hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp,” Martin nói.
“Chống tham nhũng vẫn tiếp tục là vấn đề lớn cho chính phủ VN, còn quá sớm để đưa ra nhận xét liệu chính phủ có thành công hay không, nhưng chính phủ đã nhận thấy đây là quốc nạn và đang có những động thái để ngăn chặn.”
“Chúng tôi muốn nhìn thấy một VN thành công. Nhưng đây là điều hoàn toàn không dễ dàng, đòi hỏi mọi người đều phải tham gia vào quá trình thay đổi này với những sáng kiến của họ. Cần thiết hơn nữa là sự hợp tác hiệu quả giữa chính quyền trung ương và địa phương.”
“Nhà nước cần phải làm tốt hơn vai trò dẫn đường của mình đối với các doanh nghiệp, hợp tác với doanh nghiệp, giúp đỡ họ. VN cũng phải học cách chơi với các quy tắc của WTO, hợp tác với các đối tác có cùng quan tâm như VN.”
Liệu VN có hiện thực hoá được những mơ ước khi gia nhập WTO hay không? “Chắc chắn còn rất nhiều việc phải làm”, ông Martin nói.

Comments