Một khi lòng đã chán

London vào mùa đông thì ủ rũ thế này đây.
London vào mùa đông thì ủ rũ thế này đây.

Xin lỗi chị Lê Vân, nhà văn Bùi Mai Hạnh vì đã dùng cụm từ “Một khi lòng đã chán” của các chị để nói về tâm trạng của em lúc này.

Chán? Vì sao lại chán?! Như thế mà còn chán cái nỗi gì! Sao đòi hỏi nhiều thế? Vân vân và vân vân. Ấy, từ từ hãy mắng tớ.

Tớ thích chán đấy, làm gì tớ nào? (mặt ngếch lên một tí)

Khi nào tớ chán thì tớ nói chán, chả lẽ cấm tớ không được chán, cấm tớ không được nói chán à?

Khi nào tớ vui thì tới nói vui, cũng chả ai cấm được.

Mà lúc tớ xuống tinh thần thì không phanh lại được. Nó cứ tụt thôi.

Thời tiết ở London cũng góp phần làm tớ chán.

Lạnh, không khi âm âm u u, bốn bề đen sì, xám ngoét.

Trời mưa, những chiếc ô màu đen di động vội vã trên đường. Aó đen, quần đen, tóc đen, và da trắng…

Nom mà chán.

Tớ cũng có một cái ô đen.

Nhiều áo đen.

Váy jeans đen.

Bờm tóc màu đen (vài hạt đá trắng đính trên).

Kính cận gọng đen (đã show hàng).

Đơn giản vì phải là đen. Tớ đang ở London.

Tớ nhớ hồi ở nhà tớ ít đồ đen lắm. Thời tiết ở Vũng Tàu mà mặc đồ đen thì người ta bảo là hâm.

Hoa nhé. Trắng nhé. Hồng nhé. Vàng nhé.

Nắng và gió biển.

Lúc nào cũng thế.

À, tớ biết rồi.

Thì ra tớ nhớ nhà nên tớ chán.

Tớ thèm một bát phở và bánh cuốn.

Không, tớ thèm một bữa cơm gia đình.

Không, tớ thèm ra ngồi ở bờ biển.

Tớ sẽ không liệt kê nữa, vì sẽ là nhiều lắm.

Hôm nay là kết thúc 2 tuần làm “vũ công ba lê”. Sẽ tiếp tuần thứ 3 nữa. Mà tớ chán rồi.

Trò đời, biết cái gì rồi là khiến tớ chán.

Nhớ tuần đầu tiên đi làm, sướng lắm.

Mắt cứ tròn xoe ra, cặm cặm cụi cụi, rạng rạng rỡ rỡ.

Phải đứng ở tư thế nào thì quét cái nền nhà mới sạch và đỡ mệt (cái chổi ở Anh nó khác cái chổi VN).

Món salad nào thì gọi là trứng và khoai tây, món nào là tabule, món nào là cá hồi và đậu, món nào là gạo nâu, món nào là cheapea, món nào là three bean salad, món nào mushroom…

Giờ tớ biết rồi, lại còn biết nó gồm những cái gì nữa, và có thể làm bằng cách nào.

Phân biệt latte, capuchino, esperesso và mocha. Biết pha (bằng máy) và làm thế nào để rửa sạch cái máy đó sau một ngày.

Biết nên cư xử thế nào khi vào một cửa hàng, gọi món ra sao và tạm biệt thế nào.

Thế là chán!

Ngày nào cũng phải mỉm cười. Cũng phải hỏi “How are you?”. Đầu tuần thì hỏi cuối tuần vừa rồi thế nào, cuối tuần thì nói chúc cuối tuần vui vẻ nhé.

Thế là chán!

Đã nếm hết các món Thổ Nhĩ Kỳ trong cái cửa hàng đó.

Thế là chán!

12h xuất hiện ở cửa hàng. 17h về.

Thế là chán!

Phải làm cái gì đó cho hết chán. London thì thiếu gì thứ để vui chơi, thiếu gì thứ để làm.

Vậy mà cuối tuần này phải cày cuốc để hoàn thành bài tập due vào thứ 2.

Rồi còn một đống sách phải đọc.

Mà kêu ca cái gì. You give and you take.

Mà kệ. Mai tớ vẫn đi xem phim và đi chơi.

Cho đỡ chán!

Ngoan hay hư

Bài này viết lâu rồi, thời còn …ngoan 😀

Tớ ngoan hay hư? Lại hỏi: Thế nào là ngoan, thế nào là hư nhỉ? Rồi lại bảo: Về cơ bản, tớ ngoan đấy, chỉ hơi hư một tí thôi. Mà nào có nhằm nhò gì, chỉ cần tâm hồn thanh thản là được. Hãy sống theo cách bạn thích, và không làm hại ai. Khè khè khè khè.

Với những standard sau đây, bạn có “phán xét” đựoc những cô gái quanh mình không? Bài viết copy từ một blog của một em bạn sau khi xin phép (kiểu vừa xin phép vừa copy, không cần đợi approval í. Hí hí).

Cô nàng hư hỏng
* Mặt tích cực
– Cô ấy vui nhộn
Cô ấy dự tiệc thâu đêm, hát hò nhảy múa, uống “tẹt ga” rồi sáng hôm sau vẫn có thể thức dậy, sẵn sàng cho… vài chuyện khác nữa. (hí hí )
– Cô ấy đầy hào hứng (à hà)
Cuộc sống của cô nàng lúc nào cũng vội vã, cuồng nhiệt. Gái hư không có thời gian suy xét nội tâm hay buồn chán vì bất cứ chuyện gì. Họ quá bận với thế giới của vui thú và mải mê quyến rũ người khác phái. (hừ hừ)
– Cô ấy nhiều ham muốn (ha ha)
“Mẫu” phụ nữ này yêu đàn ông và cô ấy chẳng xấu hổ gì mà không thừa nhận điều đó. Cô nàng rất sẵn lòng đáp ứng mọi ước mơ thầm kín của bạn và “điện nước” lúc nào cũng đầy đủ. (hi hi)
– Cô ấy bắt mắt (ừ hừ)
Họ đi lại nhẹ nhàng uyển chuyển như một con mèo, dễ dàng trở thành trung tâm chú ý của mọi con mắt đàn ông nhờ áo khoét cổ sâu, quần hở “rún”, guốc cao gót, váy siêu “mini” và cả “đồ mini” cũng nóng. (ừm)
* Mặt tiêu cực

– Cô ấy không đáng tin (really?)
Cô nàng ý thức được mọi đàn ông đều thích mình và trở thành “tay thợ săn” chuyên nghiệp. Bản chất biết quyến rũ nên nàng mặc sức thả mồi bất cứ ai, vì thế bạn không nên trông chờ một người tình chung thủy ở cô gái này. (probably)
– Cô ấy nguy hiểm (maybe)
Nàng thuộc loại có thể phóng xe bạt mạng trong phạm vi thành phố yêu cầu tốc độ tối đa chỉ 30km/h. Nàng có thể dính vào ma túy hay ma men. Một kiểu người tự phát, khó đoán và hoang dại, rất nguy hiểm.
– Cô ấy không phải người yêu lý tưởng (i dont think so)
Gái hư tuyệt đối ích kỷ và chỉ yêu chính mình, chỉ nghĩ cho mình. Bởi thế họ không phải người mẹ, người vợ tốt, cũng khó lòng cùng bạn “tay trong tay” đến suốt cuộc đời. (I cant believe)

– Dính vào cô ấy rất tốn kém (i dont believe)

Ngay từ những ngày đầu quen biết bạn sẽ có cảm giác như mình bị lột sạch ví vì phải chi vào những bữa ăn đắt tiền, du lịch, và trang sức. Họ “ra giá” cho mình khá cao và nếu bạn không đáp ứng được thì vẫn có ối gã khác đang xếp hàng chờ đến lượt. (really?)
Gái ngoan
* Mặt tích cực
– Cô ấy lành mạnh và tốt bụng (maybe)
Nàng hiếm khi “lộng hành” hoặc tỏ ra quá quắt, sẵn sàng bên bạn và nhìn đời qua lăng kính màu hồng. Nàng sẽ tới khi bạn cần giúp đỡ, sẽ chăm sóc những lúc bạn ốm đau. Và khi có rắc rối xảy ra, nàng không ngần ngại cùng bạn giải quyết, chẳng la ó kiểu “anh là đàn ông cơ mà!”. (yes)
– Cô ấy trong sáng (sometimes not)
“Kinh nghiệm” có hạn, một cô gái ngoan không có nhiều đàn ông để so sánh và chẳng yêu cầu bạn phải ở “đẳng cấp pờ rồ”. (hè hè. yên tâm chưa?)
– Cô ấy không lừa dối (maybe)
Gái ngoan thường ở nhà chứ không bù khú tiệc rượu. Nàng cũng không có vẻ ngoài của loài mèo tinh quái với ánh mắt đong đưa quyến rũ bạn tình nên bạn khỏi lo ngoài mình ra nàng còn “xơ cua” thêm vài… chục gã. Gái ngoan muốn tìm kiếm tình yêu đích thực trong đời và sẽ ở lại với người ấy “đến khi cái chết chia lìa đôi ta”.
– Cô ấy là bạn tốt ( i doubt about it)
Nàng thực sự muốn ở bên bạn và “cho” bạn nhiều như những gì nàng được “nhận”. Khi bạn đi, nàng thực sự mong nhớ, lúc bạn ở nhà, nàng toàn tâm toàn ý chăm sóc cho bạn.
– Không quá tốn kém (maybe)

Những cô gái ngoan không để ý tới chuyện “đào mỏ”, nhũng nhiễu “cho em cái này, cho em cái kia”. Họ thậm chí có thể chia sẻ chi phí buổi hẹn hò với bạn (chỉ vì đó là việc nên làm).

– Là người mẹ, người vợ tốt ( i doubt it)
Nàng hay lam hay làm, luôn biết quan tâm săn sóc và rất yêu trẻ con. Nàng thường là người sinh trưởng trong gia đình nề nếp, sẽ mang những giá trị tốt đẹp của gia đình làm hành trang bước vào đời.
* Mặt tiêu cực
– Cô ấy hơi tẻ (yes)
Do thường ngồi nhà đọc sách hơn ra ngoài tiệc tùng nên cuộc sống của một cô gái ngoan thường buồn tẻ và ít sự kiện nổi bật.
– “Ngố” trong “chuyện yêu” (yes. how can she be prồ?)

Vì thiếu kinh nghiệm và thiếu cả ham muốn. Đời sống tình dục với cô ấy tương đối dễ đoán. Cô ấy hiếm khi nóng bỏng và thường chỉ đợi người đàn ông bắt đầu trước.
– Ăn mặc xuề xòa (maybe)
Nàng cột hết tóc ra sau và chỉ trang điểm nhẹ nhàng. Nàng thích mặc áo len, đi giày thể thao hơn là diện váy ngắn và đi giày cao gót.

So you, as a man, what would you like? A blend of everything like Grand Soho or a pure scotch? At your service, if you are a gentlemen…

Mũ bảo hiểm

Đây là bài viết khi gặp Greig Craft tại London. Đó là năm 2007. Bây giờ, sau một năm, ông Craft có thể thấy ai cũng đội mũ, chỉ có điều là mũ dỏm và không bảo vệ gì họ được. Vậy thì có ích gì nhỉ? Chỉ làm lợi cho những người làm hàng giả, hàng kém chất lượng. Số phận của người dân vẫn luôn rất mong manh. Đội mũ giải quyết được rất ít vấn đề. Ôi tôi ước một ngày người dân của tôi không phải đội mũ nữa, mà họ vẫn rất an toàn.

U Turn psp Quench movie download Dr. Dolittle 2 psp

All the Days Before Tomorrow divx

confused

Xấu hổ, khâm phục, confused…là cảm giác tôi có sau khi nói chuyện với người đàn ông này. Bài phỏng vấn đã được một tờ báo ở VN đăng sau khi biên tập. Tôi đăng bản original để mọi người cùng đọc. Tôi tự hỏi: Tại sao chúng ta không tự lo cho mạng sống và sự an toàn của mình mà phải để người khác lo như thế?

Bảy năm trước, Greig Craft – một thương gia người Mỹ – bắt đầu thực hiện ước mơ của mình: tất cả người dân VN khi đi xe máy đều đội mũ bảo hiểm. Với những nỗ lực và sáng kiến ban đầu giúp người VN an toàn hơn khi lưu thông trên đường, Quỹ phòng chống thương vong châu Á (AIPF) – một tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận do ông thành lập tại VN và bỏ vốn ban đầu khoảng 1 triệu USD – vừa trở thành tổ chức quốc tế duy nhất nhận Giải thưởng An toàn đường bộ quốc tế của Thái tử Michael vùng Kent, Vương quốc Anh. HẠNH NGUYÊN đã có cuộc trò chuyện với ông ngay sau khi ông nhận giải thưởng tại London hôm 11-12. Ông vẫn còn rất xúc động…
* Xin chúc mừng ông về giải thưởng rất cao quý dành cho những sáng kiến về an toàn đường bộ trên thế giới, mặc dù khi thành lập AIPF, ông không vì mục đích nhận giải thưởng này. Ông cảm thấy thế nào?
Greig Craft: Tôi rất vinh dự. Sự hiện diện của Thái tử Micheal vùng Kent, 350 khách quan trọng tại lễ trao giải là một điều đặc biệt. Tôi hạnh phúc vì ngày càng có nhiều người tại VN và trên thế giới hiểu được tầm quan trọng của việc nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, hiểu được công việc chúng tôi đang làm và trân trọng nó.
* Ông đã đi một quãng đường dài tại VN (16 năm, trong đó có 7 năm điều hành quỹ AIPF), với mục tiêu thật to lớn. Nhìn lại một phần đường mà ông đã đi qua, điều gì khiến ông cảm thấy hài lòng nhất?
Greig Craft: Chúng tôi góp một phần vào việc khiến mọi người, kể cả trên thế giới, hiểu tai nạn giao thông đã ảnh hưởng tồi tệ đến cuộc sống của chúng ta, khiến cuộc sống người dân khổ sở hơn. Khi tôi bắt đầu thành lập quỹ, chưa có nhiều người hiểu về vấn đề này. Ngoài ra, chúng tôi đã xây dựng được nhà máy sản xuất mũ bảo hiểm Protec đạt chuẩn quốc tế mà lại phi lợi nhuận. Mô hình này là đầu tiên và duy nhất trên thế giới cho đến nay: một nhà máy làm ra lợi nhuận, những toàn bộ lợi nhuận đó được sử dụng để làm các công tác từ thiện ngay tại đất nước có nhà máy này.
* Còn đâu là điều mà ông muốn làm mà chưa được?
Greig Craft: Khiến mọi người đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Đơn giản thế thôi. Mỗi ngày tại VN có 35 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông, và khoảng 100 người bị thương nặng do không đội mũ bảo hiểm. Tôi muốn chính phủ có những biện pháp bắt buộc người dân đội mũ bảo hiểm ở tất cả mọi nơi tại VN, vào bất kỳ lúc nào họ lưu thông trên đường.
* Sau 7 năm để thuyết phục người dân của một quốc gia có dân số 83 triệu người đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, ông đã bao giờ cảm thấy mệt mỏi, nản chí, thất vọng?
Greig Craft: Có chứ! Có chứ! Mỗi sáng, khi tôi đi làm, ngồi trong xe ô tô, tôi cảm thấy thất vọng. Thật đấy! Rõ ràng có nhiều người đội mũ bảo hiểm hơn, nhưng tôi thấy vẫn còn ít quá. Tôi muốn có nhiều người, nhiều người hơn nữa đội mũ bảo hiểm. Mọi nơi trên thế giới người ta đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy. Ở châu Á, chỉ có hai nước (VN và Myanmar) là không buộc người dân đội mũ bảo hiểm. Tôi không thể hiểu được!
* Mệt mỏi, vậy tại sao ông vẫn tiếp tục công việc như “muối bỏ biển” này?
Greig Craft: Vì tôi có bằng chứng cho thấy 206 trẻ em đội mũ bảo hiểm Protec của nhà máy chúng tôi đã được cứu sống. Có những người đến nói với tôi rằng: “Cám ơn ông. Tôi muốn ông biết rằng ông đã cứu sống tôi.” Đây là điều khác biệt. Mỗi sáng tôi cảm thấy nản chí, nhưng tôi lại được tiếp thêm sức mạnh khi biết rằng, tôi đang làm việc có ích, đang cứu sống nhiều người, đang tạo sự thay đổi ở VN. Tôi lại cảm thấy hạnh phúc. Cảm xúc thật lẫn lộn.
* Nhiều người VN cho rằng nếu họ đi xe máy chậm thì chắc không bị nguy hiểm đến tính mạng, ngay cả khi không đội mũ. Liệu suy nghĩ này có lô-gíc không?
Greig Craft: Hoàn toàn không lô-gíc và rất mạo hiểm. Suy nghĩ này thể hiện sự không hiểu biết. Bạn có thể bị ngã đập đầu xuống đường ở bất kỳ tư thế nào, khi bạn trên xe, khi bạn đi bộ. Tại sao bạn rửa rau trước khi ăn? Vì bạn không muốn bị đau bụng. Cũng giống như mũ bảo hiểm. Tại sao bạn không đội khi bạn biết rằng nếu bạn đội, bạn sẽ an toàn hơn?
* Ngoài việc thuyết phục mọi người đội mũ bảo hiểm, ông còn muốn nhìn thấy điều gì ở giao thông ở VN mà ông muốn thay đổi nữa?
Greig Craft: Có vô số thứ mà tôi muốn thay đổi. Người ta luôn tìm ra đủ mọi lý do để giải thích cho sự chưa thể thay đổi đó. Vì vậy, nếu cứ nghĩ về nó, bạn sẽ điên mất. Tôi chỉ tập trung vào những việc làm cụ thể, có thể giúp cứu người ngay lập tức. Tôi muốn bất kỳ ai khi lên xe máy đều đội mũ bảo hiểm. Chỉ một người trong số họ bị tai nạn, gia đình họ sẽ bị phá vỡ. Ngoài ra, tôi muốn người dân khi đi lại trên đường dừng lại khi gặp đèn đỏ. Nếu ai cũng như vậy thì không những họ cứu được mạng sống của họ mà họ còn cứu sống được nhiều mạng sống khác nữa.

* Nhưng thay đổi suy nghĩ và thói quen của người dân thật khó…?
Greig Craft: Trước đây, tôi cho rằng chỉ cần khuyến khích người dân đội mũ là được. Bây giờ thì tôi tin rằng chính phủ cần phải bắt buộc, giáo dục, nâng cao ý thức của mọi người về an toàn giao thông. Tôi có nhiều bạn bè thông minh lắm, nhưng họ không đội mũ bảo hiểm. Làm sao họ có thể khiến cuộc đời họ và vợ con họ bị hiểm nguy như vậy? Tôi ngay lập tức mất đi sự tôn trọng đối với những người này.
* “Mũ bảo hiểm cho trẻ em” – phát miễn phí mũ bảo hiểm – là một trong nhiều dự án mà ông đang thực hiện tại VN. Tại sao lại là trẻ em, thưa ông?
Greig Craft: Tôi làm mũ cho tất cả mọi người. Tôi tập trung nhiều vào trẻ em, vì đó là những “nạn nhân vô tội” của tai nạn giao thông. Ngoài ra, chúng tôi còn có các dự án giáo dục giúp tăng cường sự hiểu biết của người dân về an toàn giao thông, sửa chữa trường học, làm vạch vôi dành cho người đi bộ, tổ chức những chương trình giáo dục về an toàn giao thông sinh động cho học sinh, lắp đèn đường, làm điểm gồ trên đường, chúng tôi chế tạo mũ bảo hiểm cho người lớn và trẻ em, phát miễn phí cho nhiều trẻ em, hướng dẫn giáo viên, tạo các poster về an toàn giao thông… Sau lưng tôi, nhiều người nói rằng tôi thật khôn, lập tổ chức phi chính phủ xây dựng nhà máy chế tạo mũ bảo hiểm và kiếm tiền. Nhưng nhà máy có thuộc sở hữu của tôi đâu? Đây là quỹ từ thiện mà. Nhưng tôi không quan tâm. Chỉ cần tôi biết rằng tôi đang làm điều gì đó tốt đẹp cho cuộc đời, thế là đủ. Qũy này hoàn toàn là phi lợi nhuận và lãi của nhà máy đều quay trở lại phục vụ cho VN.
* Nghe nói ông đang mở rộng phạm vi hoạt động của qũy?
Greig Craft: Chắc chắn chúng tôi sẽ không rời khỏi VN. Tôi còn kế hoạch dài hơi cho 20 năm tới tại VN. Tôi còn muốn thấy tất cả toàn bộ dân VN đội mũ bảo hiểm. Đây là mục tiêu cả đời của tôi. Trong khi đó, chúng tôi đã xây dựng được một hình mẫu rất hiệu quả có thể sử dụng cho nước khác như Protec. Chúng tôi đang và sẽ đến châu Phi, Indonesia, Thái Lan, Lào, Campuchia, Nepal, Ấn Độ… Chúng tôi sẽ đặt nhà máy tại những nơi này, thuê nhân công là những người tàn tật và chúng tôi sẽ làm mũ bảo hiểm cho chính người dân nước đó sử dụng. Số tiền lời sẽ đầu tư trở lại cho các chương trình ở chính các nước đó.
Gần 9 năm trước, tôi muốn kiếm tiền bằng công việc kinh doanh. Tôi tin rằng tôi sẽ giúp đất nước này bằng việc thiết lập công việc kinh doanh hiệu quả. Tôi nghĩ rằng liệu có thực sự tôi muốn làm giàu bằng việc thuê thật nhiều nhân công, hay tôi muốn làm điều gì đó trong cuộc đời để khi tôi không còn trên đời này nữa, tôi biết chắc là mình đã làm điều gì đó tốt đẹp cho thế giới này.
* Cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện, và chúc ông kiên trì theo đuổi mục tiêu tốt đẹp này!

“Tất cả mọi người, từ thủ tướng, đến các quan chức trong chính phủ, đến từng người dân đều cần phải có trách nhiệm để giải quyết vấn đề này. Nó thực sự là vấn đề lớn: mỗi ngày, người dân VN đang mất trung bình 35 người chồng, vợ, con cái, anh chị em vì tai nạn giao thông. Gấp ba số đó bị thương nặng. VN mất 2-3% tổng thu nhập quốc dân vì tai nạn giao thông, tương đương với 1 tỉ USD. Chúng ta còn cần thêm bằng chứng gì nữa không? Cần ai đó trong quốc hội nói rằng: Thôi nhé, thế đủ rồi! Hãy làm điều gì đó!” – Greig Craft
Ông Greig Craft, một thương gia người Mỹ, đến VN để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào tháng 9-1989 khi đang là nhà kinh doanh và tư vấn kinh tế thành đạt. AIPF được thành lập năm 1999, với số vốn ban đầu (cộng cả chi phí xây dựng nhà máy sản xuất mũ Protec) là khoảng 1 triệu USD của ông Greig Craft. Ông cũng nhận được sự hỗ trợ của rất nhiều tổ chức và cá nhân khác. Với mục đích tạo sự lựa chọn khác về mũ bảo hiểm cho người dân VN, ông Greig Craft và tổ chức của ông đã đo đạc, nghiên cứu và tạo ra chiếc mũ Protec phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa của VN. Hiện các dự án phi lợi nhuận của ông đang được triển khai ở khoảng 20 tỉnh, thành tại VN, trong đó có các vùng nông thôn. “Điều khác biệt là ở thành phố thì người ta có nhiều tiền để có thể mua xe máy và mũ bảo hiểm hơn. Trẻ em ở các vùng nông thôn nghèo cần sự giúp đỡ hơn bất kỳ ai. Các vụ tai nạn ở nông thông gây thảm hoạ không kém ở thành thị.”

Vũ công ba lê

Hình này chụp tại vườn thú Berlin. Đáng yêu quá.
Hình này chụp tại vườn thú Berlin. Đáng yêu quá.

Đây là bài viết ít lâu sau khi mình đi bán hàng tại London. Đi làm chỉ là xem thực sự, người lao động ở London sống thế nào? Chuyện này thật là dài, khi nào có dịp sẽ kể.

ừ bé mình đã hâm mộ các vũ công ba lê. Họ đẹp, người mảnh mai, cao ráo, trắng trẻo, tóc dài. Họ như những thiên thần trên sân khấu lung linh.
Tuần trước, mình đi xem vở ba lê “Alice ở xứ sở thần tiên” tại nhà hát Conliseum ở London. Nhà hát được xây dựng từ năm 1904, như một cái cung điện huy hoàng tráng lệ. Lần đầu tiên được xem các vũ công ba lê xinh đẹp và tài giỏi biểu diễn, ngay trước mắt mình (trước mắt là tính từ vị trí dành cho loại vé 10 bảng, tức rẻ nhất trong các loại rẻ í). Thật là sung sướng làm sao! Mình cứ tròn mắt nhìn vào chân các vũ công. Họ không đi bình thường! Họ nhón! Họ kiễng! Họ đi bằng năm đầu ngón chân. Những hình ảnh trên truyền hình đã thật sự hiện hữu! Chắc họ phải vất vả tập luyện lắm, vì mình chỉ đi bộ với cả bàn chân cũng đã thấy mệt rồi, huống chi là đi bằng mũi chân! Mình ước mình cũng đi được giống họ, dù chả hiểu tại sao không đi bằng cả bàn chân cho nó nhanh! (Xin lỗi các vũ công ba lê ạ)
Rồi cũng có một ngày, ước mơ trở thành sự thật. Mình đã trở thành vũ công ba lê.
Trong một tiệm ăn có tên Meze Meze chuyên bán đồ Thổ Nhĩ Kỳ ở đường Turmil, London.
Đằng sau quầy salad với 20 món khác nhau.

Mỉm cười: “How can I help you?” – “Yes, may I have a large (small) box of salad please?” – “Yes, of course.” – “How would you like?”
Kiễng chân!
Nhón chân!

Đi bằng 10 ngón!

Vũ công ba lê làm gì, mình làm thế (với đầu mũi chân thôi).
Mình xoay qua xoay lại, múc cái này, bớt cái kia. Dân Anh ăn uống hay lắm. Một cái hộp salad mà họ cho vào đó “a little of everything”: tabule (đừng hỏi đó là gì vì mình chưa nhớ tên), carrot and garbage, tomatoes, beans, fruits, mushroom, couscous (cái này cũng đừng hỏi là gì), egg potatoes, tuna and beans… Thập cẩm đủ mọi thứ các loại, các mùi vị, trộn lên. Mà chả phải dân Anh không. Đủ cả: Nhật, Tàu, Pháp, Mỹ, Ý…
Ước mơ trở thành sự thật trong hoàn cảnh trớ trêu!
Vì mình bé quá, thấp quá. Mà cái quầy salad thì cao, rộng. Trước đây, người đứng bán là hai người chủ của tiệm ăn. Đàn ông, cao 1,75m. Tay dài.
Hàng ngày, từ 12-3h, mình mỉm cười duyên dáng, tươi tỉnh mời chào khách.
Đó là chưa kể thêm 2 tiếng thu dọn nữa. Vị chi là 5 tiếng.
Cố gắng tranh thủ đi làm trong thời gian nghỉ đông để kiếm tiền đi chơi.
Về đến nhà, mệt phờ ra.
Chả muốn làm gì.
5,35 bảng/ giờ = minimum wage ở Anh.
Được cái gần nhà, không phải đi lại.


Hôm nay thấy bếp nhà mình sạch. Chợt nhớ là mình tự nhiên lau chìu kỹ hơn mọi ngày. Lại nhớ phim Anh sáng đô thị (City Light) của vua hề Charles Chaplin. Cảnh anh thợ máy vặn nhiều ốc vít bị tẩu hoả nhập ma, ra đường cứ chạy theo các bà các cô có nút áo trên người để vặn.
Lao động là vinh quang! Không ngại khó! Không sợ khổ! Hự hự. Dừng lại không dám ho tiếp, vì nếu ho tiếp sẽ bị ngồi sụp xuống vì đau sụn lưng và mỏi gối. Ho tiếp một cái nữa thôi nhé: Hự!

12 bí quyết thăng tiến trong sự nghiệp

Đây là câu trả lời cho tất cả những ai đặt câu hỏi: Làm sao để thăng tiến trong nghề nghiệp? Bài viết của Mai Anh Đào – báo Thanh Niên.

Leo lên những nấc thang cấp bậc trong công ty không phải là một việc dễ dàng bởi việc ấy không có nghĩa chỉ cần bạn làm việc chăm chỉ hay biết cách tận dụng cơ hội. Bạn cần phải có một kế hoạch thật sự. Hãy tham khảo một số bí quyết dưới đây, có thể nó sẽ giúp bạn nhanh chóng đạt được mục tiêu.

1. Làm thật tốt công việc hiện tại

Cho dù công việc hiện tại không phải là nghề mà bạn theo đuổi lâu dài thì bạn cũng nên làm hết sức mình và đạt kết quả tốt nhất trong khả năng. Bạn nên đưa ra những đề xuất để sếp có thể nhìn nhận năng lực của bạn. Hãy luôn sẵn sàng trong mọi tình huống và cũng nên tiếp thu những ý kiến phê bình có thiện chí xây dựng. Không nên bảo thủ hay đổ lỗi cho người khác vì những việc ấy không đem lại kết quả gì ngoài việc làm xấu đi hình ảnh “chuyên nghiệp” của bạn.
2. Tình nguyện nhận những công việc ngoài lĩnh vực
Đây có thể được xem là một chiếc lược. Bên cạnh công việc hằng ngày, bạn sẽ được đánh giá cao hơn nếu cũng có thể hoàn thành tốt những công việc khác. Trong khi những người khác ganh đua nhau để làm những công việc có trách nhiệm cụ thể, bạn đang thể hiện giá trị của mình qua việc khác.
3. Tạo hình ảnh cho sếp của bạn

Thậm chí nếu bạn không thích sếp thì bạn cũng hãy làm điều đó, vì thành công của cả phòng. Khi sếp của bạn được thăng tiến và chuyển lên một vị trí cao hơn, sẽ có một người khác thay thế vị trí của sếp, và đó rất có thể là bạn. Nhưng không nên buộc chặt mình với sếp, vì nếu sếp bị sa thải vì không có năng lực thì bạn chính là người bị ảnh hưởng đầu tiên.
4. Tạo mối quan hệ với phòng nhân sự
Nếu bạn có mối quan hệ thân thiết với các nhân viên phòng nhân sự, bạn có thể biết những thông tin về tổ chức nhân sự của công ty hoặc những thông tin quý báu về các khóa học đào tạo. Hãy để cho họ biết rằng bạn muốn gắn bó lâu dài với công ty.

5. Duy trì mối quan hệ tốt với đồng nghiệp
Hãy là một cộng sự tốt với tất cả mọi người. Lịch sự, hòa nhã và ý tứ mọi lúc, đó là những điều bạn nên ghi nhớ. Khi biết đánh giá cao nỗ lực của cộng sự, bạn cũng sẽ có được sự tôn trọng của người khác. Đừng bao giờ nói về những mối quan hệ cá nhân ở công ty – những điều mà có thể sau đó bạn sẽ phải hối tiếc.
6. Thể hiện khả năng lãnh đạo

Để bước trên những nấc thang danh vọng, bạn phải có một hình ảnh thật tốt. Khuyến khích mọi người trong công việc, đánh giá cao những thành tích đặc biệt của người khác và thỉnh thoảng có thể tổ chức những buổi vui chơi, họp mặt bên ngoài công ty.
7. Luôn sẵn sàng là người kế nhiệm
Nếu chỉ nghĩ đơn giản rằng mình cũng đang làm việc, có thể bạn sẽ mãi chỉ làm công việc đó mà thôi. Hãy chia sẻ những kiến thức và kỹ năng của bạn. Khi bạn nghỉ phép, hãy đề nghị người khác làm giúp công việc của bạn và hãy chỉ cho họ cách giải quyết tốt nhất
8. Tìm một người cố vấn có kinh nghiệm

Tìm một người mà bạn tin cậy (tốt hơn hết là quản lý hay giám đốc, những người vốn có mối quan hệ rộng) để được chia sẻ kinh nghiệm và được tặng những lời khuyên hữu ích. Chia sẻ với họ mục tiêu nghề nghiệp của bạn và xây dựng chiến lược. Biết đâu, có thể bạn cũng cần phải thuyên chuyển sang một vị trí khác để làm việc trong lĩnh vực mình yêu thích, ở một vị trí cao hơn. Một người cố vấn đáng tin cậy sẽ rất cần thiết cho bạn.

9. Học thêm
Dù trình độ của bạn có cao thế nào chăng nữa, vẫn luôn có những điều mới cần học hỏi. Hãy tham gia những khóa học hay những buổi hội thảo. Bạn cũng nên tham khảo ý kiến sếp xem khóa học ấy có giá trị với công ty hay không. Nên đọc nhiều sách về kinh tế, liên tục cập nhật những thông tin chứ không quanh quẩn với những thông tin liên quan đến lĩnh vực bạn đang làm.
10. Ăn mặc đẹp
Có thể bạn nghĩ rằng điều này không quan trọng nhưng thật ra diện mạo là một phần quan trọng làm nên hình ảnh của bạn. Khi đến công ty, bạn nên tạo cho mình một hình ảnh đẹp nhất, luôn sẵn sàng cho mọi cuộc họp quan trọng đột xuất.
11. Tận dụng cơ hội tiếp thị hình ảnh của bạn
Chúng ta ít khi nào biết trước khi nào cơ hội đến. Hãy tự giới thiệu và tạo ấn tượng tốt nếu có cơ hội tiếp cận trực tiếp với giám đốc. Khi làm việc theo nhóm hay gặp khách hàng, bạn có muốn họ nhớ đến mình với một hình ảnh tốt? Đừng bao giờ khoe khoang và tự cao. Tham vọng là tốt nhưng đừng tự biến mình trở thành một người hay khoe mẽ và ích kỷ.
12. Lựa chọn thời gian thích hợp để đưa ra lời đề nghị
Nếu muốn đề nghị được thăng chức hay tăng lương, hãy lựa chọn thời gian thật thích hợp, và hãy cho sếp biết rằng bạn sẵn sàng nhận trách nhiệm mới. Nhưng đừng để sếp thấy rằng bạn đang rất muốn chuyển lên một vị trí mới. Hãy biết kiên nhẫn.
Bạn không thể thăng tiến nếu chỉ dựa vào những giải thưởng, khả năng hay thâm niên. Nếu có một người khác được bổ nhiệm vào vị trí mà bạn mong muốn cho dù anh ta không bằng bạn thì cũng đừng phản ứng một cách tiêu cực. Điều đó không giúp ích gì cho bạn, thậm chí nó cho thấy bạn không phải là người xứng đáng với vị trí đó. Hãy giữ bình tĩnh, và có thể một vị trí tốt hơn đang được dành cho bạn, hoặc người đương nhiệm sẽ thất bại và bạn sẽ ngồi vào vị trí của anh ta.

Tập trung vào mục tiêu sự nghiệp lâu dài của bạn, tiếp tục những nỗ lực, tự tin vào khả năng của bạn, chắc chắn bạn sẽ được thăng tiến.