Facebook, Twitter, Google, và gì gì đi nữa

Những ngày này, nếu công ty nghiên cứu thị trường nào đó mở cuộc điều tra bỏ túi xem từ nào được nói nhiều nhất, thì có lẽ là Facebook. Ra đời trong 1 căn phòng ở ký túc xá của Đại học Harvard từ ý tưởng của vài chàng sinh viên, nay Facebook đã trở thành website thông dụng nhất, với những sức mạnh tiềm ẩn mà đến các nhà nghiên cứu các xu hướng của xã hội vẫn chưa thể phỏng đoán hết. Họ chỉ có thể chắc chắn rằng Facebook, và các website xã hội khác sẽ chính là công cụ giúp cho những người dân thấp cổ bé họng có được tiếng nói của mình, kết nối và truyền tải thông tin cho nhau.

Những ngày cuối tháng 7-2010, mùa hè ở Palo Alto (California) vẫn chưa phải là mùa hè thực sự vì người ta vẫn phải mặc áo lạnh và quàng khăn. Bên ngoài  tổng hành dinh của Facebook ở   Khu nghiên cứu Stanford trên đường  Page Mill, người ta chỉ thậm chí còn không thấy tên công ty, chỉ có duy nhất số 1601 nổi tiếng. Tòa nhà 2 tầng đang tiếp tục được xây mở rộng, bên trong là những chiếc máy tính xếp hàng dài và màn hình vi tính lớn. Trung bình, tuổi đời của nhân viên ở Facebook là khoảng 20, và tổng giám đốc điều hành (CEO)  Mark Zuckerberg – tỉ phú trẻ nhất thế giới –  mới 26 tuổi.

Xen kẽ những nơi làm việc là những nhóm chơi bóng bàn, và thi thoảng lại có chiếc bóng trượt pa-tanh vụt qua, hay những chiếc xe đạp để trên lối đi ngay trên tầng làm việc. Tinh thần thoải mái, có vẻ tự do của Facebook  khiến người ta không hề có cảm giác đây đang là 1 trong những công ty làm ăn thành công nhất, gây tranh cãi nhất, và quan trọng hơn cả, là một điển hình cho sức mạnh mà mỗi cá nhân được trao nhờ Internet.

Randi Zuckerberg, chị gái của CEO hiện phụ trách  marketing của công ty có cách nói chuyện đầy cảm hứng. Cô kể về những ngày đầu tiên Facebook ra đời và cảm giác kinh ngạc khi thấy Facebook trở thành diễn đàn  tạo nên sức mạnh tập thể, kết nối giữa các thành phần. Sức mạnh  của Facebook khiến các tập đoàn  truyền thông lớn như CNN, BBC hay New York Times đều đưa Facebook vào gói tiện ích của mình, vì các người dùng của họ cũng đều dùng Facebook. Người dùng  muốn xem trực tiếp sự kiện trên mạng, vừa muốn  trò chuyện và bình luận, chia sẻ và nhận xét về sự kiện đó với hàng triệu người khác trên thế giới. Hàng ngàn lập trình viên ở khắp nơi trên thế giới đang tiếp tục xây dựng các phần mềm ứng dụng mới cho Facebook.   Tương lai của công ty mới 6 năm tuổi này còn rất dài vì câu chuyện mỗi cá nhân kết hợp với nhau để làm thêm sức mạnh chỉ mới bắt đầu. Con số kỷ lục người dùng 500 triệu chỉ mới là mốc khởi đầu.

Khác với sự đơn giản của Mark Zuckerberg vào những ngày đầu tiên lập Facebook, Matt Halprin và các cộng sự khi thành lập ra Quỹ Sunlight đã có ý tưởng sử dụng mạng xã hội để “trao quyền cho người dân” và khiến các cơ quan, tổ chức, chính phủ của Mỹ gần gũi hơn với những người dân bình thường, thông qua việc minh bạch hóa thông tin, thực hiện trách nhiệm giải trình.  “Sứ mệnh của chúng tôi là tập trung vào quá trình số hóa các dữ liệu của chính phủ, tạo ra các công cụ và website giúp cho các dữ liệu này dễ dàng được tiếp cận bởi bất kỳ người dân nào” – ông nói tại một cuộc nói chuyện ở Đại học Stanford cuối tháng 7-2010.  Khái niệm này nghe chừng thật đơn giản, vì  công việc của chính phủ là một điều không dễ hiểu từ trước tới nay, nhưng nếu các chính sách của họ đến với người dân một cách minh bạch và đầy đủ thì sẽ không còn chỗ cho những lời đồn đãi hay phỏng đoán mà đa phần là tiêu cực. 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh, trong đó có 6 năm tại eBay,  Matt là thành viên của Quỹ  Wikimedia Foundation (thuộc Wikipedia – từ điển trực tuyến lớn nhất thế giới).

Điều thú vị, như Matt chia sẻ, là cung cấp 1 cộng đồng công nghệ nguồn mở để hỗ trợ các những người dân thường không cần phải thật giỏi công nghệ mới có thể tiếp cận được thông tin.  “Chúng tôi khá chắn chắn rằng khi chúng tôi đạt được mục tiêu tạo ra 1 chính phủ minh bạch, chúng tôi sẽ thay đổi nước Mỹ.” Thay đổi nước Mỹ cũng chính là mục tiêu của chính phủ Barack Obama khi tranh cử và hiện nay, và chính phủ nào hoạt động mà không muốn thay đổi đất nước mình tích cực để nhận được nhiều hơn sự ủng hộ của dân chúng?  “Con người vốn dĩ ai cũng có khả năng, nhưng họ không có cơ hội. Tôi chỉ muốn trao cho họ công cụ để tạo ra cơ hội cho mọi người tăng cường chất lượng cuộc sống của mình” –Matt nói.

Công nghệ đang đóng 1 vai trò quan trọng để các chính phủ không chỉ có thể nâng cao khả năng điều phối xã hội, mà nó còn trao cho mỗi người dân bình thường công cụ họ chưa từng có. Cuộc sống của mỗi cá nhân thay đổi  thế nào phụ thuộc vào khả năng tiếp cận thông tin của họ.

Có lẽ sẽ thiếu sót nếu không nhắc tới Wikileaks. Website này đang đăng tải những thông tin, những bằng chứng về chiến tranh Afghanistan mà chính phủ Mỹ không muốn dân chúng biết vì chúng khác hẳn với thông tin họ công khai. Sử dụng 1 nhóm các chuyên gia để kiểm định nội dung được gửi tới website trước khi đăng tải, Wikileaks (Rò rỉ) cung cấp những thông tin mà nếu không có nó, 1,2 triệu tài liệu đến nay vẫn còn nằm trong vòng bí mật. Twitter, một trang web tiểu blog, chỉ để cho người dùng thông báo với thế giới mình đang làm gì vừa có tin nhắn thứ 20 tỉ. Tốc độ lan nhanh đến mức chóng mặt của dịch vụ này trên toàn cầu phần nào chứng minh sự hào hứng mà mỗi người dân bình thường nhận thấy khi dịch vụ này mới ra đời được 4 năm.

Một tờ báo ở VN đăng chú thích ảnh  về 1 sự kiện diễn ra ở Mỹ không đúng như chú thích gốc của bức hình. Ngay lập tức, các trang mạng đưa hàng loạt các thông tin chứng tỏ chú thích ảnh không đúng, cùng rất nhiều lời bình luận khác nhau của bạn đọc. Vì vậy, không chỉ là chính phủ thực hiện trách nhiệm giải trình vì người dân đã có nhiều cách tìm hiểu công việc của họ hơn, mà ngay cả báo chí cũng đang chịu sự giám sát chưa từng có. Câu hỏi đặt ra bây giờ là: sẽ còn những công cụ nào khác nữa, và các bên sẽ thực hiện trách nhiệm của mình đến đâu.

Và thế giới đang chứng kiến vị Tổng thống cánh tả Hugo Chavez của Venezuela tuyển dụng tới 200 nhân viên để “lo lắng” cho những trang nhà trên Twitter và Facebook. Tỏ ra không kém cạnh gì với các chính phủ phương Tây trong việc tranh thủ tiện ích của truyền thông thời kỹ thuật số để quảng bá hình ảnh, chính sách, tiếp cận với dân chúng, Hugo Chavez đang cho thấy nếu vận dụng tốt thì truyền thông mới chính là 1 công cụ đắc lực với tất cả mọi lực lượng chính trị. Tuy nhiên, thực tế, lực lượng nào tận dụng kém hơn thì lại hay lên án và cấm đoán.

(Bài đăng trên tạp chí Người làm báo  của Hội Nhà báo Việt Nam số tháng 9-2010. Tít có thay đổi)

Ghi thêm: Bạn đã thử Google Earth chưa? Bạn sẽ biết ở đâu đó, ai đó đang làm gì…

Đưa tin bằng điện thoại di động

Hai đồng nghiệp đang thực hành đưa tin bằng điện thoại di động. Ảnh: Đình Chính
Hai đồng nghiệp đang thực hành đưa tin bằng điện thoại di động. Ảnh: Đình Chính

Hãy hình dung cảnh tượng như này: Tại hiện trường, phóng viên một tờ báo in có website đưa tin theo lối truyền thống. Tức là phóng viên tìm hiểu thực tế, tìm các nhân vật phỏng vấn (mà theo lý thuyết của báo chí phương Tây thì phải phỏng vấn, nói chuyện và đề cập tới ít nhất ba nguồn tin khác nhau trong một bài viết), ghi chép, ghi âm, rồi về nhà kỳ cạch gõ trên máy tính, đối chiếu các tin tức, tìm thêm thông tin trên Internet.

Một bài viết khoảng vài trăm chữ hình thành sau đó. Nhanh thì một tiếng mà chậm thì…không biết.

Nhưng còn nhiều cách đưa tin tức khác đến với độc giả, bằng nhiều phương tiện khác nhau.

Trên trang Africanews.com, nơi đưa tin tức về châu Phi do các phóng viên khắp mọi nơi gửi về, có một mục là Mobile Reporting – Tường thuật bằng điện thoại di động. Phóng viên đi đến các vùng xa vùng sâu, hay khu vực vừa có tin tức nóng hổi xảy ra. Ở đó, viết lách, mô tả, dù tốt, cũng không bằng một thước phim quay. Một hình ảnh nói hàng vạn lời vạn ý. Nhưng nếu vì một lý do nào đó, không mang được máy quay phim đi cùng thì điện thoại thông minh sẽ là một lựa chọn đáng để xem xét.

Chiếc điện thoại này có thể quay phim và chụp ảnh với chất lượng “chấp nhận được” cho website. Và trong nhiều trường hợp khẩn cấp, nó chứng tỏ hiệu quả của mình trong việc lưu giữ và truyền hình ảnh. Người ta hay nói tới dòng Nseries của Nokia, nhưng cũng có nhiều loại điện thoại thông minh, hay máy ảnh quay phim khác.

Một thiết bị thu âm chất lượng đi kèm điện thoại cũng là thứ “cần phải có” để âm thanh thu tốt hơn. Và đừng quên đưa cái đầu mic về phía người được phỏng vấn.

Sự phát triển của công nghệ khiến tác nghiệp của phóng viên thuận tiện hơn. Đây là chân tớ và tay tớ.
Sự phát triển của công nghệ khiến tác nghiệp của phóng viên thuận tiện hơn. Đây là chân tớ và tay tớ.

Trong bối cảnh báo chí thế giới “nương theo người đọc,” nhà báo không còn là “độc quyền” trong cung cấp tin tức và tin tức không còn là “một chiều,” “áp đặt” từ các nhà báo đến với độc giả, thính giả hay người xem nữa, mobile reporting được xem như một “giải pháp” đỡ tốn kém cho truyền thông, đặc biệt cho website.

Nó cũng có vẻ phù hợp với các nước đang phát triển, nơi mà những thiết bị tiên tiến nhất thì ngoài tầm tay của người sử dụng, kể cả xét về tiền và sự dễ thích nghi.

Bằng chứng là trang web được giới thiệu cho các học viên của lớp học nâng cao về báo điện tử ở Viện báo chí quốc tế Berlin (Đức) hồi tháng 10/2008, là một trang web của các đồng nghiệp châu Phi.

Tôi xem các phim mà các đồng nghiệp, kể cả báo hình và báo viết, thực hiện bằng di động với một vẻ “thèm thuồng.”

Ta cần một số kiến thức cơ bản về quay phim, nhất là cho các đoạn phim ngắn cho web.

Đại khái phải giữ máy không để rung, để ngang tầm mắt, để phim chạy khoảng 6, 7 giây. Đại khái là phải để ý đến gió, đến tiếng ồn xung quanh, kẻo quay được phim thì không nghe được nhân vật nói gì, toàn tiếng gió thét. Nhưng như người ta vẫn nói: lý thuyết thì màu xám, cây đời vẫn mãi xanh tươi. Chuyện chả dễ dàng gì, ngay cả khi ta thuộc lý thuyết.

Số là tôi cũng một số đồng nghiệp làm một bài thực hành: làm voxpop (các phỏng vấn ngắn) xem người dân Đức nghĩ gì về việc ai cũng cần phải kiểm tra xem họ có HIV/AIDS hay không, và bản thân họ đã đi xét nghiệm bao giờ chưa.

HIV/AIDS có thể lây lan bằng nhiều con đường khác nhau, chứ không hẳn là chỉ có quan hệ tình dục không an toàn hay dùng bơm kim tiêm mới mắc (dù tỉ lệ này rất cao). Người ta vẫn hay nói đến việc xét nghiệm HIV/AIDS như là…việc của ai đó, chứ không phải việc của mình. Chuyện này, ở ngay phương Tây, vẫn được xem là…nhạy cảm, vì nó vẫn được xem là chuyện riêng tư, chứ không hẳn là việc cộng đồng.

Vì vậy, dĩ nhiên chúng tôi phải giải thích thật kỹ lưỡng với người được phỏng vấn về mục đích và câu hỏi sẽ hỏi họ. Nhưng khi chúng tôi đưa cái máy điện thoại lên…quay phim, kèm theo cái mic đi kèm điện thoại thì họ vẫn ngạc nhiên, ánh mắt nhìn đầy…nghi ngờ vào thiết bị.

Để xóa tan những nghi ngờ này thì cũng cần một chút khéo léo để thuyết phục họ, thậm chí, đôi khi phải cho họ xem phần quay thử để họ…tin. Kết quả xem ra không tệ chút nào.

Với một số máy di động, thậm chí bạn có thể biên tập luôn phim ở trên máy.

Thường thì các lời khuyên của các nhà báo kỳ cựu trong lĩnh vực này là nếu không thích thì đừnglàm. Nhưng tốt nhất, trong thời buổi này, nên thích. Vì thực ra, nó rất thú vị.

Vậy làm nhiều chức năng như thế, có ảnh hưởng tới chất lượng của bài viết không? Câu trả lời là cũng còn tùy vào cách làm việc của mỗi người. Nhưng với phóng viên, đưa đến cho người đọc nhiều hơn một cách tiếp cận thông tin là một điều đáng để theo đuổi.

Và trong bối cảnh kinh tế suy thoái, người ta lại càng tính đến làm sao một phóng viên thực hiện được nhiều công việc một lúc. Mỗi tòa soạn sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí, và năng lực của phóng viên được nâng cao.

Mobile reporting được xem là cách làm việc rất cơ động của phóng viên. Một phóng viên đa năng có thể làm được vài vai trò cùng một lúc, và đem lại nhiều lựa chọn tin tức cho độc giả. Bài viết này không hẳn cổ súy cho mobile reporting, nhưng đây rõ ràng là một lựa chọn về cách truyền tải tin tức.

Vì vậy, giả sử có 100 người đọc bài này, có 10 người lôi cái máy di động của mình ra quay phim, rồi táy máy nghịch nó với phần mềm miễn phí Movie maker tải xuống từ mạng, cũng là một sự may mắn cho người viết và cả bạn đọc.

Công nghệ đã thay đổi cách làm việc của phóng viên trên thế giới rất nhiều. Vì vậy, tại sao ta lại không thử?

Một số quy tắc cơ bản khi cầm máy ảnh quay phim:
– Bình tĩnh, không vội vã: Nhìn trước rồi tìm vị trí đứng sau. Với người chưa có kinh nghiệm quay phim, nên để chế độ quay tự động
– Cầm máy thật vững, không rung. Tìm một chỗ nào đó để tựa vào, hoặc làm điểm tựa cho tay cầm máy nếu tay yếu.
– Để máy chạy mỗi khuôn hình ít nhất 7 giây
– Năm góc nhìn. Nhân vật trong bối cảnh xung quanh, mặt, tay, qua vai và một góc nhìn đặc biệt.
– Quay thật nhiều. Với video, nếu không có hình, tức là sự kiện không diễn ra.
– Cẩn thận với ánh sáng và phản sáng.
– Quay người. Có quay địa điểm nhưng nên nhớ, người xem thích thấy người, người từ mọi góc độ, mọi tư thế, mọi hành động. Các chi tiết mang tính biểu tượng.

Tham khảo các tin làm bằng mobile tại đây.