Khi nào nên là người tốt?

Khi nào nên là người tốt? Bạn có thể cười và nhíu mày khó hiểu: “What a question?!” Tôi đã tự hỏi câu đó khi gặp một chuyện vào hôm nay. Đa số chúng ta sẽ tốt với cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em, họ hàng, làng xóm…Cha mẹ, anh em luôn dành chỗ bên họ cho chúng ta, dù chúng ta thành công hay thất bại, mạnh mẽ hay yếu đuối. Họ luôn giang vòng tay đón chúng ta.
Vợ chồng sẽ sống cùng nhau phần lớn cuộc đời.
Con cái là máu mủ ruột rà của chúng ta.
Hàng xóm “tối lửa tắt đèn” có nhau.
Trong thời “loạn lạc” này, London – nơi đất khách quê người – giàu có đấy, sang trọng đấy, nhưng lúc nào cư dân ở đây cũng nơm nớp lo sợ bị khủng bố, bị giết, bị trấn lột, bị lừa, tôi nên tốt với ai? Chả có ai là cha mẹ, chồng con, anh em, họ hàng của tôi ở đây.
Tôi có nên chỉ tốt bụng với những người bản xứ da trắng, ăn mặc sang trọng, hương thơm ngào ngạt không? (Anyway, who are the original residents of London? Tell me who are they?)
Và tôi tránh xa những người da đen vì họ trông không đáng tin cậy? Vì tỉ lệ phạm tội cao? Vì bọn họ cướp giật?
Và tôi không nên gần những người Hồi giáo? Vì họ có thể là khủng bố?
Ở đây, bạn luôn phải cảnh giác. Thậm chí, hồi ở VN, tôi đã được cảnh báo là sang đây, nếu thấy người ngã thì cũng đừng giúp họ đứng lên. Thấy trẻ con ngã cũng kệ, vì nếu đỡ lên biết đâu bố mẹ nó lại đổ vu cho mình làm ngã con họ! (ặc ặc)
Tôi muốn kể một câu chuyện:
Sáng 16-1-2007, tại phòng chờ làm visa bên trong Đại sứ quán Pháp ở London. Một người đàn ông da đen, tầm 40 tuổi, tay cầm 3 hộ chiếu, mặt lo lắng hỏi một người đàn ông da đen khác:
– Sorry, could you do me a favor? I did not bring enough money today for the visa fee. Could you lend me 20 pounds please?
(Tiền phí làm visa đã tăng từ 25 bảng (theo như thông báo trên website) lên 40.45 bảng (thông báo dán trên cửa chỗ thu tiền! My Lord!))
– Sorry, I just use my credid card and I don’t have cash. I am sorry for that.
Gương mặt thất vọng. Người đàn ông đó lại quay sang hỏi người khác, cũng da den. Người này trông bóng bẩy, chải chuốt và lịch thiệp.
Câu trả lời ngay lập tức:
– Sorry, I don’t have.
20 bảng = 600.000 đồng = 4 ngày vé đi tàu điện tại London = 2 cái áo sơ mi tại H & M = 1 đôi giày giả da = 4 bữa ăn sáng = 1 bữa ăn tiệm = 4 ngày mua thức ăn để nấu ở nhà = 4 giờ công lao động = 4 tô phở VN ở London.
Tôi nhìn ông ấy, thấy mặt mình nóng bừng. Trong ví có hơn 100 bảng tiền lương làm 2 tuần vừa rồi, chưa kịp cho vào ngân hàng.
Tôi mỉm cười, nhìn ông ấy. Ông ấy hỏi: Excuse me, could you?
I said: Yes. But just make sure that you are giving it back to me because I am a student.
He was so happy. Ông ấy nói rằng ông ấy để quên ví trong xe ô tô, vợ ông ấy lái ô tô đi sau khi đưa ông ấy đến sứ quán. Tôi lấy ví, rút ra 20 bảng. Liếc nhìn hộ chiếu, ông ta đến từ Ghana. Tôi cho ông ấy địa chỉ của mình để ông ấy đến trả tiền. Hoá ra, ông ấy cho tôi địa chỉ của mình, nhà ông ấy ở khu Finbury, cách chỗ tôi khoảng 15 phút đi bộ.
Sau khi trò chuyện, tôi được biết Prince (tên của ông ấy), đã sống ở Anh 10 năm, đi làm hộ chiếu cho gia đình để đi du lịch 1 ngày bằng tàu biển đến Pháp, chỉ để shopping. (ặc ặc).
Đến lượt Prince làm hộ chiếu. Ông nộp tiền. Tôi ngồi đợi, lòng tự hỏi: “Mình có nên tốt như vậy không? Tại sao những người kia lại không giúp ông ấy? Tại sao mình dễ tin người như vậy?”
Rồi lại tự trấn an mình: “Thôi, nếu ông ta không trả lại thì coi như đi làm giúp việc ở nhà hàng 5 tiếng không nhận lương. Cũng được!”
Rồi Prince quay lại: “You will be surprised! I have more money than I need”.
“Really? What happened?”
“My 5 year old daughter does not need to pay for the visa fee. So I have 40 pounds now,” he smiled.
He gave me back 20 pounds.
“Bạn là người tốt. Gặp người lạ khi họ cần giúp đỡ, bạn giúp ngay. We could be friends now.”
“That is alright. I know that any one can be in that case. We need help.”
“Yes, I know, but sometimes, people just don’t want to give their hands.”
Một lúc sau, tôi và Prince nói chuyện về nhiều thứ. Tò mò, tôi muốn biết cuộc sống của người da đen nhập cư ở London ra sao. Prince là kỹ sư, làm việc cho một công ty chuyên lập trình cho các máy tính thu tiền tự động (như cho hệ thống giao thông công cộng ở London). Anh có vợ và hai con, một trai một gái.
Anh trầm ngâm: Today I have learnt a new lesson. Đừng bao giờ đánh giá người khác qua bề ngoài của họ. Tôi không bao giờ nghĩ bạn lại là người giúp tôi, mà tôi hy vọng rằng những người cùng màu da với tôi sẽ giúp tôi.”
Tôi mỉm cười.
Anh nói tiếp: “Ở thời đại toàn cầu hoá này, bạn nên tốt với tất cả mọi người, vì bạn không thể biết được rằng ai sẽ giúp bạn khi bạn cần.”
Lại nhớ lời khuyên của một người bạn lớn: “Hãy cảnh giác, nhưng em đừng nghi ngờ tất cả mọi người.”
Lại nhớ có lần mình loay hoay trong một cái toa let ở bảo tàng tại khu Greenwich. “Tai nạn phụ nữ” xảy đến bất ngờ, trong toa let có máy bán tự động thứ mình cần. Nhưng phải là 1,5 bảng, tiền xu, mà trong ví chỉ có 10 bảng tiền giấy. Mình không biết làm sao, hỏi một người phụ nữ đi cùng con vào toa let để đổi tiền xu. Chị không đủ tiền đổi, nhưng chị có tiền xu. Chị cho mình 1,5 bảng, lại tự tay mua cho mình thứ đó, nhưng không phải thứ mình hay dùng. Người phụ nữ đó lại lấy 1,5 bảng khác mua cái khác cho mình. Lúng túng nhét tiền vào khe máy thế nào, chị để rơi 50 xu vào khe thoát nước của bồn rửa mặt. Chị lại lấy đồng khác ra để mua. Mình không biết nói thế nào để cảm ơn chị. Chỉ biết thank you very much.
Lại nhớ, sáng nay, lúc xếp hàng để apply visa, ngoài trời mưa lun phun, một tay cầm ô, loay hoay thế nào mình để đổ hết ly cà phê lên áo khoác và giầy. Mình lại không mang khăn giấy theo. Một cô bé, ước chừng trẻ hơn mình, người châu Á, đứng cách mình 2 người đã đưa cho mình miếng khăn giấy. Em mỉm cười khi nghe mình nói: “It is just small accident in the lovely morning.”
Lại nhớ…
Và lại nghĩ…

Nghề nghiệp: Làm mẹ

Bài viết này cho những người làm mẹ – nghề nghiệp mà không biết bao giờ tôi mới làm…

Photo source: WordandImage.ch
Photo source: WordandImage.ch

Trên mặt báo, những hàng chữ giản dị như bao nhiêu hàng chữ khác trong đoạn giới thiệu tên, nghề nghiệp và quốc gia của những người tham gia chụp ảnh trên trang 20-21 của tờ Daily Mail số ra ngày 3-1-2007.
Quốc gia: Antigua and Barbua; Tên: Chan Roberts; Nghề nghiệp: Quản lý

—-Myanmar —- Min Min San —nhân viên bưu điện
—–Mỹ – Lily Bloomingdale —-LÀM MẸ
Phải rồi, làm mẹ. Đó là một nghề! Từ lâu, ai cũng cho rằng thiên chức của phụ nữ là sinh con, làm mẹ. Đó là điều hiển nhiên, vì đàn ông không sinh con được. That is just the way it is.
Chín tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau. Người phụ nữ mang chiếc bụng kềnh càng khi đi lại, nặng nề khi ngồi xuống. Người họ to ra, eo iếc mất tiêu hết, da dãn nở ra, gương mặt to ra, bắp chân to ra, nhiều người cắt tóc ngắn đi, mặt tròn như cái đĩa. Trong ánh mắt họ là sự tự hào, là niềm vui, là nỗi lo lắng và hồi hộp đón đứa con yêu thương của mình sắp chào đời. Họ hãnh diện nữa, vì họ sắp có con.
Rồi họ sinh con.

Đứa con nào cũng có mẹ.
Nhưng không phải ai cũng biết làm mẹ.
Không phải ai cũng biết làm mẹ một cách chuyên nghiệp.
Trên bức ảnh, bên cạnh 110 người khác, chị Lily Bloomingdale trông rất xinh đẹp và rạng rỡ.
Người khác là sinh viên, nhân viên, bồi bàn, luật sư, banker, giám đốc…chị là MẸ.
Chắc hẳn chị có nghề nghiệp và chuyên môn khác, nhưng chị không viết vào.
Vì sao chị lại viết nghề nghiệp của mình như vậy.
Thử lật lại xem vì sao chị lại không viết thế khác.
Chắc chị cũng giống như những bà mẹ khác.

Bế ẵm con, cho con bú. Nâng giấc con khi con mới “ra lò” chưa quen với cuộc sống nắng gió và nhiều điều bất trắc.
Cặm cụi rã ruốc (trà bông) cho con khi con sắp đi du học. Nơi đất khách quê người, những ngày đầu lạ lẫm, mẹ lo con chưa tìm được thức ăn hợp khẩu vị nên chuẩn bị sẵn món cho con.
Nhắc con mắc màn và đi ngủ sớm để mai đi làm.
Hâm cơm và thức ăn nóng cho con khi con đi làm về muộn. Nấu món khác cho con nếu hôm đó trở giời con không thích ăn những thứ đó.
Nhắc con đeo găng tay và bịt mặt khi ra đường vì trời nắng và gió, sợ con đen, xấu (mặc dù con xấu sẵn rồi. He he).
Hỏi con thích ăn gì để mẹ mua. “Ăn tôm to và cua mẹ ạ.”
Ngồi nghe con kể chuyện.
Thi thoảng con nói năng không giữ ý tứ, thi thoảng lại cãi lại “trứng khôn hơn vịt”, mẹ bỏ qua.
Nói chung, bà mẹ nào cũng thế. Tình yêu bao la dành cho những đứa con. Với họ, các con luôn bé bỏng, cần được chăm sóc, chở che. (mặc dù ra đường cũng đầu gấu lắm, về nhà thì vẫn rúc ti mẹ)

Những người phụ nữ học cách làm mẹ từ chính mẹ của mình. Người con gái chịu ảnh hưởng rất lớn từ người mẹ của mình. Nếu người mẹ đảm đang, hiền thảo, thuỷ chung, dịu dàng, tốt bụng, người con gái sẽ hưởng những nết đấy. Nếu người mẹ ghê gớm, người con gái (và cả con trai nhá!), sẽ không có đức tính vị tha và chia sẻ.
Bởi vậy, làm mẹ tốt là rất quan trọng. Có mẹ tốt, người con sẽ có nhiều cơ hội trở thành người tốt.
Ở các nước phát triển, người phụ nữ khi sinh con được ở nhà chăm con, nhận trợ cấp xã hội để tập trung nuôi con cho tốt.

Họ tham gia vào các khoá bồi dưỡng cách chăm sóc và nuôi dưỡng con.
Họ tập trung vào một việc.
Họ được trả tiền cho việc đấy. Họ phải làm tốt việc đấy. Vì vậy, đó là nghề của họ.
Họ có quyền tự hào về điều đấy.
Hãy hình dung, một ngày nào đó, tất cả các bà mẹ biến mất.
Tất cả mọi người sẽ bơ vơ trên thế giới.
Tôi cũng thế.
Vì vậy, một ngày nào đó, có ai đó hỏi tôi rằng: “Mẹ bạn làm gì?”

Tôi sẽ trả lời rằng: “Mẹ tôi LÀM MẸ.”

Pasta kiểu Việt Nam

Bài viết nhân dịp tự mình nấu món ăn. Bây giờ, các món này là tầm thường :-), mà Dr. Noe bảo là “basic”.

Tác phẩm lúc chưa rắc rau thơm lên đã đẹp thế này rồi đấy! © Loan Khong
Tác phẩm lúc chưa rắc rau thơm lên đã đẹp thế này rồi đấy! © Loan Khong

Pasta kiểu Việt Nam mới khó, chứ kiểu Ý thì quá bình thường!
Mình đã nếm thử kiểu Ý. Covent Garden nhé, 20 bảng, nhà hàng đẹp mê đi, như một thính phòng tràn ngập giai điệu opera. Nếu đi ăn tối với người yêu ở đấy, món pasta + một ly rượu + ánh mắt đắm đuối nhìn nhau thì…ôi chao ôi…
Tự tay làm một đĩa cho mình ăn mới là oách nhé! Và trong lúc chưa gặp được anh chàng người Ý nào để học bản original, mình tự sáng chế ra món pasta kiểu Việt Nam của mình vậy.
Pasta rất thuận tiện, dễ nấu, dễ ăn, và dễ tạo cảm giác vui sướng vì mình đang làm cái gì đó mới, đang khám phá một lĩnh vực mới mà cách đây 4 ngày chưa bao giờ nghĩ tới.
Mặc dù đã lờ mờ phân biệt được speghetti và pasta, nhưng mình vẫn chưa nhớ được tên của các loại mỳ từ Ý, mà các chàng đẹp giai người Ý vẫn thường ăn. (Phải chăng họ ăn mỳ như vậy nên họ mới đẹp giai đến thế?)
Đại loại, nó có loại xoắn xoắn, lại dài tròn thẳng tưng, lại to bản như bánh phở nhà mình.
Mua ở Sainbury rẻ thôi (chưa đến 01 bảng).


Lấy ra một ít, đo bằng nắm tay.
Đun nước nóng sôi lên, cho vào một ít dầu và một ít muối.
Cho mỳ vào, đun, thi thoảng ngoáy đều lên để mỳ không bị xoắn vào nhau hoặc bị dính vào đáy nồi. Thi thoảng vớt mỳ lên để xem chín chưa (chừng 10 phút là tạm ổn).
Mỳ là món dễ kết hợp với các món khác. Mình chọn gà tây hoặc thịt lợn, tuỳ ý thích. Xào thịt lên, gia vị nêm vừa đủ.
Lấy một cái đĩa to, màu trắng (hoặc màu gì đấy thì tuỳ, nhưng phải điệu, và sạch. (Vì cái đĩa đẹp thì làm mát mắt mình, nó sạch thì không làm đau bụng mình!)
Cho mỳ lên đĩa (nhớ bỏ nước ra. He he).
Đổ thịt vào giữa.
Cho nước xốt pasta mua sẵn lên trên thịt (loại có anh đẹp giai Jamie ấy. 1.75 bảng)
Nạo một ít cheese phủ lên trên mặt (loại cheese của Ý mới ngon, mình thì lục trong tủ có loại nào dùng loại đấy).
Cho ít herb basil lên trên (mình thì cho mùi và lá bạc hà. Aëc ặc).

Đặt đĩa lên bàn. Lấy ly mở tủ rót một ly rượu trắng để bên cạnh.
Và ăn.
Tổng cộng thời gian hết 20 phút, ngon, bổ rẻ, nóng sốt.
Điều đặc biệt là không khiến mình bị nặng bụng. Cái đĩa pasta ở nhà hàng Ý tại Covent Garden đó nhiều chất béo quá, báo hại mình ăn bao nhiêu trả lại hết nhà hàng bằng đấy. (Nhưng nhờ đó phát hiện ra cái toa-let của họ nghệ thuật không kém gì ở nhà hàng!).
Và trong lúc tìm hiểu thêm về cách nấu pasta hay speghetti thực sự của người Ý, bạn hãy thử nấu cho mình món pasta của VN xem sao, mình chắc là bạn sẽ thích đấy.

Biết trong đầu bạn đang nghĩ gì rồi. Mai sẽ đi mua pasta, nước xốt, cheese, basil và thịt về nấu thử phải không?
Enjoy it!!!

PS: Đây sẽ là bài đầu tiên trong cuốn sách dạy nấu ăn do mình viết mà mình mơ ước sẽ xuất bản một ngày không xa. Ha ha ha ha.

Một khi lòng đã chán

London vào mùa đông thì ủ rũ thế này đây.
London vào mùa đông thì ủ rũ thế này đây.

Xin lỗi chị Lê Vân, nhà văn Bùi Mai Hạnh vì đã dùng cụm từ “Một khi lòng đã chán” của các chị để nói về tâm trạng của em lúc này.

Chán? Vì sao lại chán?! Như thế mà còn chán cái nỗi gì! Sao đòi hỏi nhiều thế? Vân vân và vân vân. Ấy, từ từ hãy mắng tớ.

Tớ thích chán đấy, làm gì tớ nào? (mặt ngếch lên một tí)

Khi nào tớ chán thì tớ nói chán, chả lẽ cấm tớ không được chán, cấm tớ không được nói chán à?

Khi nào tớ vui thì tới nói vui, cũng chả ai cấm được.

Mà lúc tớ xuống tinh thần thì không phanh lại được. Nó cứ tụt thôi.

Thời tiết ở London cũng góp phần làm tớ chán.

Lạnh, không khi âm âm u u, bốn bề đen sì, xám ngoét.

Trời mưa, những chiếc ô màu đen di động vội vã trên đường. Aó đen, quần đen, tóc đen, và da trắng…

Nom mà chán.

Tớ cũng có một cái ô đen.

Nhiều áo đen.

Váy jeans đen.

Bờm tóc màu đen (vài hạt đá trắng đính trên).

Kính cận gọng đen (đã show hàng).

Đơn giản vì phải là đen. Tớ đang ở London.

Tớ nhớ hồi ở nhà tớ ít đồ đen lắm. Thời tiết ở Vũng Tàu mà mặc đồ đen thì người ta bảo là hâm.

Hoa nhé. Trắng nhé. Hồng nhé. Vàng nhé.

Nắng và gió biển.

Lúc nào cũng thế.

À, tớ biết rồi.

Thì ra tớ nhớ nhà nên tớ chán.

Tớ thèm một bát phở và bánh cuốn.

Không, tớ thèm một bữa cơm gia đình.

Không, tớ thèm ra ngồi ở bờ biển.

Tớ sẽ không liệt kê nữa, vì sẽ là nhiều lắm.

Hôm nay là kết thúc 2 tuần làm “vũ công ba lê”. Sẽ tiếp tuần thứ 3 nữa. Mà tớ chán rồi.

Trò đời, biết cái gì rồi là khiến tớ chán.

Nhớ tuần đầu tiên đi làm, sướng lắm.

Mắt cứ tròn xoe ra, cặm cặm cụi cụi, rạng rạng rỡ rỡ.

Phải đứng ở tư thế nào thì quét cái nền nhà mới sạch và đỡ mệt (cái chổi ở Anh nó khác cái chổi VN).

Món salad nào thì gọi là trứng và khoai tây, món nào là tabule, món nào là cá hồi và đậu, món nào là gạo nâu, món nào là cheapea, món nào là three bean salad, món nào mushroom…

Giờ tớ biết rồi, lại còn biết nó gồm những cái gì nữa, và có thể làm bằng cách nào.

Phân biệt latte, capuchino, esperesso và mocha. Biết pha (bằng máy) và làm thế nào để rửa sạch cái máy đó sau một ngày.

Biết nên cư xử thế nào khi vào một cửa hàng, gọi món ra sao và tạm biệt thế nào.

Thế là chán!

Ngày nào cũng phải mỉm cười. Cũng phải hỏi “How are you?”. Đầu tuần thì hỏi cuối tuần vừa rồi thế nào, cuối tuần thì nói chúc cuối tuần vui vẻ nhé.

Thế là chán!

Đã nếm hết các món Thổ Nhĩ Kỳ trong cái cửa hàng đó.

Thế là chán!

12h xuất hiện ở cửa hàng. 17h về.

Thế là chán!

Phải làm cái gì đó cho hết chán. London thì thiếu gì thứ để vui chơi, thiếu gì thứ để làm.

Vậy mà cuối tuần này phải cày cuốc để hoàn thành bài tập due vào thứ 2.

Rồi còn một đống sách phải đọc.

Mà kêu ca cái gì. You give and you take.

Mà kệ. Mai tớ vẫn đi xem phim và đi chơi.

Cho đỡ chán!

Ngoan hay hư

Bài này viết lâu rồi, thời còn …ngoan 😀

Tớ ngoan hay hư? Lại hỏi: Thế nào là ngoan, thế nào là hư nhỉ? Rồi lại bảo: Về cơ bản, tớ ngoan đấy, chỉ hơi hư một tí thôi. Mà nào có nhằm nhò gì, chỉ cần tâm hồn thanh thản là được. Hãy sống theo cách bạn thích, và không làm hại ai. Khè khè khè khè.

Với những standard sau đây, bạn có “phán xét” đựoc những cô gái quanh mình không? Bài viết copy từ một blog của một em bạn sau khi xin phép (kiểu vừa xin phép vừa copy, không cần đợi approval í. Hí hí).

Cô nàng hư hỏng
* Mặt tích cực
– Cô ấy vui nhộn
Cô ấy dự tiệc thâu đêm, hát hò nhảy múa, uống “tẹt ga” rồi sáng hôm sau vẫn có thể thức dậy, sẵn sàng cho… vài chuyện khác nữa. (hí hí )
– Cô ấy đầy hào hứng (à hà)
Cuộc sống của cô nàng lúc nào cũng vội vã, cuồng nhiệt. Gái hư không có thời gian suy xét nội tâm hay buồn chán vì bất cứ chuyện gì. Họ quá bận với thế giới của vui thú và mải mê quyến rũ người khác phái. (hừ hừ)
– Cô ấy nhiều ham muốn (ha ha)
“Mẫu” phụ nữ này yêu đàn ông và cô ấy chẳng xấu hổ gì mà không thừa nhận điều đó. Cô nàng rất sẵn lòng đáp ứng mọi ước mơ thầm kín của bạn và “điện nước” lúc nào cũng đầy đủ. (hi hi)
– Cô ấy bắt mắt (ừ hừ)
Họ đi lại nhẹ nhàng uyển chuyển như một con mèo, dễ dàng trở thành trung tâm chú ý của mọi con mắt đàn ông nhờ áo khoét cổ sâu, quần hở “rún”, guốc cao gót, váy siêu “mini” và cả “đồ mini” cũng nóng. (ừm)
* Mặt tiêu cực

– Cô ấy không đáng tin (really?)
Cô nàng ý thức được mọi đàn ông đều thích mình và trở thành “tay thợ săn” chuyên nghiệp. Bản chất biết quyến rũ nên nàng mặc sức thả mồi bất cứ ai, vì thế bạn không nên trông chờ một người tình chung thủy ở cô gái này. (probably)
– Cô ấy nguy hiểm (maybe)
Nàng thuộc loại có thể phóng xe bạt mạng trong phạm vi thành phố yêu cầu tốc độ tối đa chỉ 30km/h. Nàng có thể dính vào ma túy hay ma men. Một kiểu người tự phát, khó đoán và hoang dại, rất nguy hiểm.
– Cô ấy không phải người yêu lý tưởng (i dont think so)
Gái hư tuyệt đối ích kỷ và chỉ yêu chính mình, chỉ nghĩ cho mình. Bởi thế họ không phải người mẹ, người vợ tốt, cũng khó lòng cùng bạn “tay trong tay” đến suốt cuộc đời. (I cant believe)

– Dính vào cô ấy rất tốn kém (i dont believe)

Ngay từ những ngày đầu quen biết bạn sẽ có cảm giác như mình bị lột sạch ví vì phải chi vào những bữa ăn đắt tiền, du lịch, và trang sức. Họ “ra giá” cho mình khá cao và nếu bạn không đáp ứng được thì vẫn có ối gã khác đang xếp hàng chờ đến lượt. (really?)
Gái ngoan
* Mặt tích cực
– Cô ấy lành mạnh và tốt bụng (maybe)
Nàng hiếm khi “lộng hành” hoặc tỏ ra quá quắt, sẵn sàng bên bạn và nhìn đời qua lăng kính màu hồng. Nàng sẽ tới khi bạn cần giúp đỡ, sẽ chăm sóc những lúc bạn ốm đau. Và khi có rắc rối xảy ra, nàng không ngần ngại cùng bạn giải quyết, chẳng la ó kiểu “anh là đàn ông cơ mà!”. (yes)
– Cô ấy trong sáng (sometimes not)
“Kinh nghiệm” có hạn, một cô gái ngoan không có nhiều đàn ông để so sánh và chẳng yêu cầu bạn phải ở “đẳng cấp pờ rồ”. (hè hè. yên tâm chưa?)
– Cô ấy không lừa dối (maybe)
Gái ngoan thường ở nhà chứ không bù khú tiệc rượu. Nàng cũng không có vẻ ngoài của loài mèo tinh quái với ánh mắt đong đưa quyến rũ bạn tình nên bạn khỏi lo ngoài mình ra nàng còn “xơ cua” thêm vài… chục gã. Gái ngoan muốn tìm kiếm tình yêu đích thực trong đời và sẽ ở lại với người ấy “đến khi cái chết chia lìa đôi ta”.
– Cô ấy là bạn tốt ( i doubt about it)
Nàng thực sự muốn ở bên bạn và “cho” bạn nhiều như những gì nàng được “nhận”. Khi bạn đi, nàng thực sự mong nhớ, lúc bạn ở nhà, nàng toàn tâm toàn ý chăm sóc cho bạn.
– Không quá tốn kém (maybe)

Những cô gái ngoan không để ý tới chuyện “đào mỏ”, nhũng nhiễu “cho em cái này, cho em cái kia”. Họ thậm chí có thể chia sẻ chi phí buổi hẹn hò với bạn (chỉ vì đó là việc nên làm).

– Là người mẹ, người vợ tốt ( i doubt it)
Nàng hay lam hay làm, luôn biết quan tâm săn sóc và rất yêu trẻ con. Nàng thường là người sinh trưởng trong gia đình nề nếp, sẽ mang những giá trị tốt đẹp của gia đình làm hành trang bước vào đời.
* Mặt tiêu cực
– Cô ấy hơi tẻ (yes)
Do thường ngồi nhà đọc sách hơn ra ngoài tiệc tùng nên cuộc sống của một cô gái ngoan thường buồn tẻ và ít sự kiện nổi bật.
– “Ngố” trong “chuyện yêu” (yes. how can she be prồ?)

Vì thiếu kinh nghiệm và thiếu cả ham muốn. Đời sống tình dục với cô ấy tương đối dễ đoán. Cô ấy hiếm khi nóng bỏng và thường chỉ đợi người đàn ông bắt đầu trước.
– Ăn mặc xuề xòa (maybe)
Nàng cột hết tóc ra sau và chỉ trang điểm nhẹ nhàng. Nàng thích mặc áo len, đi giày thể thao hơn là diện váy ngắn và đi giày cao gót.

So you, as a man, what would you like? A blend of everything like Grand Soho or a pure scotch? At your service, if you are a gentlemen…