Chạm tay vào lịch sử

Người đàn ông làm ở bảo tàng đó nói rằng tôi là người Việt Nam đầu tiên mà ông từng gặp trong cuộc đời làm nhân viên hướng dẫn tại bảo tàng của mình. Có hai khả năng để giải thích cho lời nói này.

Một là ông ấy không may nên không được gặp người VN đến bảo tàng. Họ đến mà ông không có đấy nên không gặp. Hai là ông ấy bị đãng trí nên quên. He he. Dứt khoát không thể có việc chưa bao giờ có người VN nào đến cái bảo tàng thành phố London đó được. Thế đấy, tôi kiêu ngạo thế đấy.

Người ta nói rằng muốn hiểu lịch sử London thì đến bảo tàng thành phố London, còn bảo tàng nước Anh thì toàn là những thứ của thiên hạ. Đúng thế thật.

Lịch sử thành phố được thể hiện và sắp đặt một cách khoa học và hấp dẫn với sự trợ giúp của các kỹ thuật tiên tiến. Người ta có thể ngồi vào một cái nhà có từ năm 1000 để thực sự xem cuộc sống của người London thời đó thế nào, rồi họ có thể xem cách phục chế gương mặt của một người phụ nữ từ xương sọ từ những năm 1200, người ta có thể xem lại hình ảnh của London sau trận cháy lịch sử.

Bảo tàng đem lịch sử đến cho người xem bằng đủ mọi giác quan: xúc giác, vị giác, khứu giác…Cuộc sống thiên nhiên? Có tiếng chim hót líu lo và tiếng lửa cháy tí tách vui tai, tiếng gió xào xạc, cuộc sống của những nơi buôn bán sầm uất ở London thời xưa? Có ngay tiếng trò chuyện mặc cả ồn ào. Cuộc sống của những người thợ rèn? Có ngay tiếng đinh búa chát chát. Muốn xem cuộc sống của một tiểu thư quyền quý thế nào? Mời bạn tham gia trò chơi trên vi tính sau khi tham quan phòng ốc của nàng. Các em học sinh mang sách đến bảo tàng để học, đến từng vật trưng bày một thì các em lại mở sách ra xem, đối chiếu.

London từ lịch sử bước ra, gần gũi và dễ hiểu, dễ nhớ. Nhìn những em bé được cha mẹ hoặc thầy cô đưa đi xem bảo tàng, mình thấy vui, vì khi lớn lên, các em sẽ luôn giữ trong lòng một lịch sử London giàu có, để tự hào và hãnh diện. Một nền tảng vững vàng để dù đến nơi nào chăng nữa, các em cũng biết mình xuất thân từ đâu, có gì để nhớ, để các em không thảng thốt, không hoang mang trong thế giới rộng lớn này.

Mình nói chuyện với người đàn ông hướng dẫn trong bảo tàng, khen rằng bảo tàng rất đẹp và hay. Ông ấy nói rằng vì lịch sử London có từ hàng ngàn năm. Mình bảo, không hẳn lịch sử hay mà đã có bảo tàng hay, vì nhiều nơi có lịch sử hay nhưng không biết sử dụng nên thành chán, hoặc chẳng giữ được những lịch sử hay đây theo thời gian. Mất hết, vì chiến tranh loạn lạc, vì người ta không nghĩ rằng nên giữ những tồn dư của quá khứ, vì không hiểu mình phải giữ để làm gi, vì không thể giữ.

Mình có của mà không biết giữ thì biết trách ai nhỉ?