Rượt bám tốc độ

Công ty chuyển phát nhanh quốc tế DHL Express VIETNAM tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam, lạc quan trong bối cảnh nền kinh tế trong nước
kết nối sâu với thế giới thông qua các hiệp định
thương mại song phương thế hệ mới.

Điểm giao nhận hàng hóa của DHL Express Vietnam ở quận 2 (TP.HCM) nổi bật với logo màu đỏ trên nền vàng, rộng tầm 15m2, đủ để đặt quầy lễ tân và hàng ghế cho khách. Nhân viên dịch vụ bận rộn trả lời thắc mắc của khách hàng muốn chuyển thùng quần áo đi Mỹ. Một khách hàng khác đang gửi giấy tờ tài liệu. Khách hàng đến đây có chung đặc điểm: cần gửi hàng đi quốc tế với tốc độ nhanh và đảm bảo an toàn, dù chi phí cao hơn so với thị trường. 24 chuyến bay riêng của DHL mỗi tuần xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài đi nước ngoài sẽ đáp ứng nhu cầu đó. DHL Express làm các thủ tục hải quan hằng ngày để vận chuyển hàng hóa nhanh nhất. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thời gian vận chuyển sẽ lâu hơn so với bình thường, thay vì 3-4 ngày hàng sẽ đến Mỹ như trước, giờ đây có thể mất tới một tuần.


Trong đại dịch COVID-19, dịch vụ chuyển phát hàng hóa là lĩnh vực vẫn duy trì hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu về hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là đồ bảo hộ cá nhân (PPE) từ các quốc gia sản xuất như Việt Nam tới những vùng đại dịch hoành hành như Mỹ, châu Âu. DHL Express duy trì hoạt động trong lĩnh vực chuyển phát nhanh xuyên biên giới nhờ mạng lưới vận tải hàng không kết nối rộng và chặt chẽ, một lợi thế vượt trội trong thời điểm khủng hoảng so với đường bộ, đường biển.

“Trong thời điểm khủng hoảng, việc đầu tư để xây dựng mạng lưới vận tải hàng không, và có lẽ quan trọng hơn, là có đội ngũ tận tâm thực sự có hiệu quả thời điểm quan trọng này,” Shoeib Reza Choudhury, tổng giám đốc và giám đốc quốc gia của DHL Express Vietnam trao đổi với Forbes Việt Nam từ Singapore. “Nhờ đó, chúng tôi đã duy trì được hoạt động kinh doanh gần như bình thường trong khi vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn.” Họ đã vận chuyển hơn 150 tấn PPE từ Việt Nam tới các quốc gia trên thế giới vào giai đoạn Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội.

DHL Express là mảng kinh doanh đầu tiên của tập đoàn logistics hàng đầu thế giới DP DHL (Đức) tại Việt Nam, là doanh nghiệp quốc tế chuyển phát nhanh đến Việt Nam sớm nhất vào năm 1988. Năm 1992, hai năm trước khi Mỹ bỏ lệnh cấm vận, một mảng khác là DHL Global Forwarding Vietnam ra đời. Thời điểm này, tỉ phú Lary Hillblom, người sáng lập DHL năm 1969 còn mua lại khách sạn Vĩnh Thủy ở Phan Thiết và nâng cấp, sửa chữa với tên mới Novotel Phan Thiết. Tính tới tháng 1.2020, mảng này có 250 nhân viên và 10 nhà kho. Năm 2001, DHL Supply Chain Vietnam ra mắt thị trường. Tính tới tháng 4.2019, mảng này có 1.668 nhân viên, 16 nhà kho với tổng diện tích hơn 115 ngàn m2, và 2.544 phương tiện vận chuyển. Khi người dân Việt Nam quen dần với mua sắm trực tuyến, DHL eCommerce Solutions đi vào hoạt động từ năm 2017, phục vụ thị trường doanh nghiệp tới người dùng (B2C).

Năm 2007, DHL Express ký thỏa thuận liên danh với Vietnam Post tại Hà Nội. Với vị trí địa lý thuận lợi cho các hoạt động vận chuyển, cùng với sự mở cửa của nền kinh tế, Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất, nhiều doanh nghiệp quốc tế đến đặt nhà máy sản xuất đã kéo theo nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng mạnh. Jerry Hsu, giám đốc điều hành DHL Express khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhớ lại khi DHL  Express kỷ niệm 30 năm đến Việt Nam vào năm 2018: “Việt Nam tăng trưởng. DHL Express cũng tăng trưởng.” Hiện nay, DHL Express Vietnam có khoảng 600 nhân sự toàn thời gian, gần 200 bán thời gian.

Báo cáo Logistics Việt Nam 2019 dẫn số liệu của bộ Công thương cho biết năm 2018 ngành logistics Việt Nam tăng trưởng khoảng 12-14% so với năm 2017. Có khoảng 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics, bao gồm tất cả các doanh nghiệp logistics hoạt động theo các tuyến đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không. Trên 70% doanh nghiệp vận tải và logistics có quy mô vốn vừa và nhỏ, chỉ có 7% doanh nghiệp có vốn trên 1.000 tỉ đồng, trong đó nhóm vốn lớn chủ yếu là các doanh nghiệp đa quốc gia. Tập trung vào mảng dịch vụ giao nhận chuyển phát nhanh và gửi hàng quốc tế, DHL Express nằm trong tốp các công ty có lợi thế lớn trên thị trường với mạng lưới hỗ trợ quá trình vận chuyển rộng khắp: hai cổng bốc dỡ hàng hóa tại hai sân bay ở TP.HCM và Hà Nội, chín trung tâm dịch vụ (trong đó có năm trung tâm đạt chứng nhận an ninh trong vận chuyển – TAPA), hơn 200 phương tiện vận chuyển nội địa và 24 chuyến bay riêng mỗi tuần từ Việt Nam đi quốc tế. DHL Express là “bánh răng” thiết yếu trong chuỗi cung ứng logistics của hầu hết các công ty hoạt động tại Việt Nam. Ông Shoeib cho biết tỉ lệ tăng trưởng kinh doanh của DHL Express Vietnam ở mức hai con số và thuộc nhóm doanh nghiệp chuyển phát quốc tế giữ thị phần dẫn đầu tại Việt Nam, nhưng từ chối đi sâu vào chi tiết.

Hai năm sau khi liên danh với Vietnam Post, DHL Express xây cổng vận chuyển hàng hóa tại sân bay Tân Sơn Nhất và khai trương văn phòng quốc gia và trung tâm khai thác tại TP.HCM. Họ vận hành các chuyến bay trong mạng lưới và kết nối TP.HCM (năm 2012) và Hà Nội (năm 2014) tới trung tâm hàng hóa Central Asia Hub ở Hong Kong, từ đó đưa  hàng hóa từ Việt Nam tới thế giới nhanh hơn.

Năm 2018, DHL Express khai trương hai trung tâm khai thác tại Việt Nam. Trung tâm khai thác DHL Bình Dương được đặt tại một trong những khu kinh tế và công nghiệp có tốc độ phát triển nhanh nhất miền Nam Việt Nam. Trung tâm này rút ngắn thời gian giao nhận từ 30 – 60 phút, và có thể trung chuyển trực tiếp các lô hàng từ Bình Dương đến cửa khẩu DHL Express tại Tân Sơn Nhất trong ngày. Sau đó, họ mở tiếp tại trung tâm logistics Hateco, phía đông Hà Nội, với diện tích 5.400 m2, tổng vốn đầu tư 4,8 triệu euro. Đây được xem là trung tâm khai thác hiện đại nhất của DHL Express tại Việt Nam, phục vụ các doanh nghiệp ở khu vực trung tâm thương mại của Hà Nội, và doanh nghiệp vùng lân cận.

Tại các trung tâm, DHL Express sử dụng máy móc hiện đại kết hợp với quy trình được tính toán để đảm bảo quá trình vận chuyển hàng hóa nhanh. Tại trung tâm dịch vụ Hà Nội, các loại máy móc cân, phân loại hàng hóa qua hệ thống băng chuyền tăng gấp đôi hiệu quả vận hành trong khi đảm bảo dữ liệu chính xác cao, bên cạnh máy đo tốc độ cao và X-quang, xe điện. Năm 2019, DHL Express cũng áp dụng giải pháp số hóa MyDHL+, giúp cho quá trình đặt lịch, chuẩn bị, và theo dõi đơn hàng trở nên đơn giản .
Tính tới tháng 4.2020, theo trung tâm WTO, Việt Nam đã ký 16 hiệp định thương mại song phương với các quốc gia và tổ chức, bên cạnh hiệp định gần đây nhất là hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) – một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU. Nhu cầu vận chuyển hàng hóa lớn đã khiến Việt Nam trở thành thị trường tăng trưởng cao đối với các công ty logistics. Theo sách trắng của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam 2018, hầu hết các công ty trong danh sách 25 công ty giao nhận lớn nhất và 50 công ty logistics lớn nhất toàn cầu theo doanh thu đều có hoạt động tại Việt Nam, như DHL, FexEx, UPS, Damco, Schenker, Nippon Express.

rên toàn cầu, khách hàng của DHL Express hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ ngân hàng, công nghệ cao, hàng không, dầu khí. Ở Việt Nam, phần lớn khách hàng hoạt động trong lĩnh vực điện tử và thời trang. Trong đại dịch COVID-19, Shoeib cho biết hàng hóa điện tử qua DHL Express hầu như không thay đổi, và một số công ty hoạt động trong ngành thời trang và dệt may đã chuyển sang sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân. Theo khảo sát gần đây của VLA, đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực tới hầu hết các doanh nghiệp logistics, doanh thu trung bình giảm từ 10% – 30% so với cùng kỳ năm 2019. Đại dịch cũng là cú hích khiến các doanh nghiệp lớn đẩy nhanh tốc độ tìm kiếm cơ sở sản xuất thay thế cho sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Shoeib cho biết trước COVID-19, chi phí ngày càng tăng với sản xuất ở Trung Quốc, và tranh chấp về thuế quan diễn ra giữa Trung Quốc và Mỹ đã khiến các nước tìm kiếm các lựa chọn nhằm đa dạng hóa hoạt động sản xuất. Việt Nam là một trong những địa điểm được chọn lựa của một số công ty nhờ lực lượng lao động trẻ và có tay nghề, bên cạnh các thỏa thuận thương mại mà Việt Nam đã ký với nhiều quốc gia và tổ chức khu vực, sự ổn định xã hội, yếu tố gần gũi về địa lý với Trung Quốc giúp họ vẫn tiếp tục tiếp cận được nguồn nguyên liệu và hàng hóa phụ trợ.

Báo cáo Logistics năm 2019 cho biết thị trường vận tải hàng không quốc tế năm 2019 chứng kiến sự tăng trưởng năng lực vận tải hàng hóa vượt xa nhu cầu. Theo dự báo, vận tải hàng không tuy chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng vận tải hàng hóa nhưng lại có tốc độ tăng trưởng kép hằng năm cao nhất trong tất cả các phương thức cho đến năm 2030 (5,5%) và 2050 (4,5%).
“Việt Nam ở vị trí điều phối trong chuỗi thương mại toàn cầu… Chúng tôi có niềm tin vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong vài năm tới, và dự kiến sẽ mở rộng mạng lưới và cải thiện tiếp tục dịch vụ của mình,” Shoeib Reza Choudhury, người trở thành giám đốc quốc gia của DHL Express Vietnam từ năm 2018 cho biết.

Bài viết đăng trên tạp chí Forbes Việt Nam số tháng 8.2020.

Bản quyền thuộc về Forbes Việt Nam.

Tác giả: Khổng Loan

Comments