Làm đẹp tóc nam

Quy chuẩn hóa dịch vụ với sự giúp sức của công nghệ, sau NĂM năm,
dịch vụ cắt tóc nam 30Shine mở rộng lên 85 cửa tiệm.

ột tiệm cắt tóc điển hình của 30Shine (đọc là ba mươi – shai) có 16 ghế cắt, tám bàn gội trên diện tích 200m² với ánh sáng trắng chan hòa. Nhân viên đều mặc hai màu trắng đen cùng tông màu trang trí cửa tiệm. Kệ trưng bày đồ mỹ phẩm dành cho nam giới đặt gần quầy lễ tân và khu vực cho khách ngồi chờ. Trước các ghế cắt là chiếc iPad bật các chương trình giải trí. Tiệm cắt tóc tràn ngập âm thanh những bài hát thịnh hành của V-pop. Trên tường vài tấm poster hình ảnh nam, có khi nhân vật nổi tiếng, có khi người bình thường, thay đổi diện mạo sau khi chăm sóc tóc ở 30Shine. Cách bài trí đồng nhất tại chuỗi tiệm tóc này đã tạo ra cảm giác khác lạ khi khách bước vào 30Shine.


Trọn gói bảy bước chăm sóc tóc tại 30Shine trong khoảng thời gian một tiếng có giá 100 ngàn đồng. Mức giá khá cao so với mặt bằng chung phổ biến ở mức 40 – 60 ngàn đồng tại  TP.HCM và thấp hơn một chút ở các tiệm bình dân tại Hà Nội. “Nhưng không so sánh như thế được,” Bùi Quang Hùng, 30 tuổi, giám đốc tiếp thị của 30Shine nói với Forbes Việt Nam trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại. Khách bước vào chuỗi tiệm cắt tóc nam này không cần băn khoăn khi giá dịch vụ được niêm yết, có thể biết thợ cắt là ai nếu đặt lịch trước qua ứng dụng, có thể lặp lại kiểu tóc cũ nếu là khách quen và đã lưu hình ảnh. 30Shine đang là chuỗi lớn nhất về quy mô làm tóc dành cho nam giới tại Việt Nam, và họ cố gắng thiết lập tiêu chuẩn cho một dịch vụ vốn phân mảnh, không có tiêu chuẩn và chưa có điển hình thành công trong việc xây dựng quy mô.

Vào tháng 6.2020, theo lời Hùng, 30Shine có hơn 2.500 nhân viên (trong đó có gần 1.000 thợ cắt tóc) tại 85 salon, 150 nhân sự văn phòng. Bên cạnh nguồn thu từ dịch vụ, 30Shine có nguồn thu từ bán lẻ (mặt hàng chăm sóc cá nhân cho nam), và mảng đào tạo nghề tóc với bốn cơ sở – qua 50 khóa đã đào tạo gần 3.000 người. Nguồn thu khác từ các việc trưng bày, quảng bá sản phẩm với các thương hiệu dầu gội có sản phẩm dành cho nam như Romano, Xmen, Clear…
30Shine là mô hình salon cắt và chăm sóc tóc theo chuỗi, khác với những cửa hàng đơn lẻ thường người chủ kiêm thợ chính, hoặc chủ nhà mở tiệm thuê thợ làm và chia sẻ doanh thu. Trung bình mỗi cửa tiệm của 30Shine có 32 nhân viên, trong đó có 16 người thợ cắt và tám người gội hoạt động theo các khung giờ 8h30 – 17h, 10h – 19h và 12h – 20h45 nên có thể đáp ứng được khung thời gian cao điểm khách tới trong ngày.

Điểm độc đáo của mô hình 30Shine là áp dụng công nghệ. Hệ thống có ứng dụng điện thoại để khách hàng đặt lịch hẹn, chọn thợ hay mua gói trả trước với mức chiết khấu trong đầu năm nay khi COVID-19 bùng phát. Họ quy mô hóa nhờ quy chuẩn hóa dịch vụ (ví dụ, ba lần bấm huyệt khi gội đầu) và sử dụng công nghệ để quản lý chất lượng dịch vụ. Theo Hùng, công nghệ đã góp phần nâng năng suất lên tới 150% – 200%, qua đó gián tiếp giúp thu nhập người thợ tóc lên gấp 1,5 – 2 lần. 30Shine có phòng công nghệ thông tin, có nhân sự chuyên nghiên cứu các xu hướng và kiểu tóc mới, thực hiện chương trình đào tạo huấn luyện. Số lượng khách hàng đặt dịch vụ qua nền tảng Internet khoảng 80%, trong đó 60 – 70% đặt qua ứng dụng, còn lại là khách vãng lai.

Nguyễn Duy Chung, 31 tuổi, thợ cắt tóc làm việc tại 30Shine từ tháng 4.2017 cho biết mỗi ngày anh phục vụ từ 20 – 25 khách (gấp đôi với lượng khách hàng ở các tiệm cắt nhỏ theo khảo sát của Forbes Việt Nam), trong đó 70% đặt lịch hẹn qua ứng dụng, 30% từ giới thiệu của bạn bè, khách quen. Nhờ ứng dụng, khách chưa đến cửa tiệm nhưng anh đã biết tên gì, đã cắt ở đâu, kiểu gì, có yêu cầu thế nào – đó là sự tiện lợi và tiết kiệm thời gian cho cả khách và thợ.

Như bất kỳ ngành dịch vụ nào khác, nhân sự là bài toán thách thức với 30Shine, và thách thức này tỉ lệ thuận với quy mô mở rộng của chuỗi. Nhằm giải quyết bài toán khó, 30Shine lập ra cơ sở đào tạo để chỉ sau khoảng một năm có lớp thợ mới có tay nghề, những người này cùng thi với thợ tự do để tham gia làm việc tại chuỗi. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, họ có thể có thu nhập từ 12 – 17 triệu đồng mỗi tháng – mức thu nhập tương đối tốt và ổn định so với mặt bằng chung của thợ cắt tóc. “Nơi này làm việc chuyên nghiệp, được học hỏi nhiều thứ mới giúp nâng cao tay nghề,” Chung cho biết. Chung gọi công việc của mình là “nghệ thuật” – nghệ thuật làm tóc. “Nghệ thuật luôn đòi hỏi sự thay đổi. Làm việc ở đây cũng thấy con người mình thay đổi, chín chắn, điềm đạm và văn minh hơn.”

Hướng vào tập khách hàng trẻ trung với độ tuổi từ 18 – 35, quan tâm tới ngoại hình, theo trào lưu, gắn bó với Internet và mạng xã hội, 30Shine quảng bá sản phẩm dịch vụ qua các kênh truyền thông của mình trên Internet như website, Facebook, YouTube. Các thông điệp mang tính cường điệu, vui vẻ, dễ nhớ: “30Shine 236 Dương Bá Trạc – Bá chủ tóc nam, xâm chiếm quận 8,” “Tóc uốn con sâu, xu hướng dẫn đầu 2020,” “30Shine đổi tóc mỗi ngày.” 30Shine cũng sử dụng hình ảnh hai cầu thủ bóng đá Đình Trọng và Duy Mạnh để truyền đi thông điệp “Muốn đẹp trai đến 30Shine – Bí quyết đẹp trai của Đình Trọng và Duy Mạnh, tuyển thủ quốc gia Việt Nam”. Khách hàng của 30Shine cũng có thể xem những chương trình “cải hóa ngoại hình” theo hướng cường điệu hóa (Chẳng hạn “Thất tình thì làm gì?” – lời khuyên để cải thiện ngoại hình, cắt tóc cho đẹp trai). 30Shine có hai kênh trên YouTube gồm Bí quyết đẹp trai (có video mới hằng ngày) và 30Shine TV Trendy chuyên về xu hướng tóc nam (12h trưa năm ngày trong tuần). Hai kênh này có hơn 400 triệu lượt xem với hơn 1,5 triệu tài khoản đăng ký theo dõi.
Không có số liệu thống kê chính thức về số lượng salon tóc tại Việt Nam. Bên cạnh salon hạng A với đầu tư sang trọng cho khách hàng cao cấp, salon hạng B  ở mức giá tầm trung và phân khúc thấp hơn chiếm phần còn lại. Những salon có thương hiệu thường được nhà tạo mẫu tóc có tiếng sáng lập và điều hành.

Tuy nhiên, các salon ở quy mô lớn, tới hàng chục địa điểm là hiếm.
Nguyễn Huy Hoàng, đồng sáng lập và CEO của 30Shine đã cùng các thành viên đi tìm hiểu ở các quốc gia khu vực để học hỏi kinh nghiệm cũng như mô hình chuỗi cắt tóc nam trong thời gian  đầu thử nghiệm kinh doanh trong thị trường đang bỏ ngỏ. Các chuỗi tóc nam lớn trong khu vực có thể kể tới như Xingkeduo (Trung Quốc), Bruno (Philippines), Never Say Cut (Thái Lan). Ở Nhật Bản, có mô hình chuỗi cắt tóc QB House hiện có ở Singapore, Hong Kong, Đài Loan và New York, với dịch vụ cắt tóc chỉ khoảng 10 phút là xong. Ở Việt Nam, nam giới vẫn có thời gian nhiều hơn khi đi cắt tóc. Hoàng và cộng sự tập trung vào tạo ra những trải nghiệm mới cho khách sau khi tự mình cũng học cắt tóc, tìm hiểu để cải tiến quy trình.

Cuối năm 2014, nhóm sáng lập bắt đầu triển khai ý tưởng và chính thức thành lập vào tháng 5.2015. 30Shine đầu tiên được khai trương tại số 7 Cát Linh (Hà Nội), với mặt bằng khoảng 40m². Mặt bằng thứ hai ở 346 Khâm Thiên (Hà Nội), rộng gấp năm lần địa chỉ ban đầu với ba tầng lầu dịch vụ, trở thành mô hình mặt bằng chuẩn được 30Shine áp dụng cho các cửa hàng sau. Cửa tiệm thứ ba là tiệm “siêu to khổng lồ” ở 82 Trần Đại Nghĩa (Hà Nội) khai trương vào giữa năm 2015 gây chú ý khi có một tiệm cắt tóc dành cho nam rộng rãi và đông người đến thế. Tháng 11.2016, cửa tiệm đầu tiên được mở tại TP.HCM. Trong vòng chưa đầy hai năm, 30Shine tăng từ sáu tiệm lên con số 50.

Để quản lý lượng khách đông hơn trên quy mô lớn hơn, 30Shine nhận đầu tư của công ty cổ phần Đầu tư Công nghệ giản đơn (STC) và bắt tay phát triển ứng dụng, giúp tối ưu hóa năng suất dịch vụ ở tất cả các cửa hàng, theo dõi hoạt động ở thời gian thực. Thách thức lớn nhất trong quản trị chuỗi là làm sao để mọi trải nghiệm khách hàng không những chỉ là tương đồng ở mọi địa điểm mà còn có sức hút để họ quay trở lại. Ứng dụng của 30Shine nhắn tin nhắc nhớ khách hàng nếu họ chưa nhận xét về dịch vụ. 30Shine cũng áp dụng các bước giám sát quy trình bằng camera để đảm bảo chất lượng. Tỉ lệ khách quay lại, theo Hùng cho biết, tùy vào độ tuổi, nhưng riêng ở Hà Nội là hơn 90%. Họ đã mở salon đầu tiên tại Bangkok và đang tìm kiếm cơ hội mở rộng tiếp ở thủ đô Thái Lan và các nước khu vực.

Cũng như nhiều mô hình khởi nghiệp khác, 30Shine tiến hành nhiều thử nghiệm. Trong đợt dịch COVID-19, trước khó khăn, họ đưa ra dịch vụ “top-up”, khách hàng ký quỹ vào tài khoản cá nhân tại chuỗi để được trừ dần khi dùng dịch vụ để nhận được những khoản thưởng gấp đôi. Có khoảng 3.000 khách hàng sử dụng dịch vụ top-up, giúp chuỗi giảm bớt áp lực tài chính. Khi dịch bệnh được kiểm soát bước đầu, họ dừng chương trình “top-up” khi nhận thấy nhu cầu không còn cao. Việc kinh doanh của chuỗi đã trở lại gần như bình thường khi giãn cách xã hội chấm dứt.

Cơ cấu dân số trẻ của Việt Nam và điều kiện kinh tế cũng như nhu cầu làm đẹp đang ngày càng cao cho thấy lĩnh vực chăm sóc cá nhân sẽ tiếp tục mở rộng trong tương lai. Hùng cho biết, 30Shine muốn áp dụng cách quản trị mới để vận hành doanh nghiệp theo mô hình mới. Nếu ngày xưa nam giới chủ yếu chỉ cần cắt ngắn, giờ họ muốn đẹp, hợp mốt. Giờ đây, Hùng cho biết muốn đưa 30Shine thành dịch vụ phổ biến trên cả nước.

Bài viết đăng trên Forbes Việt Nam số tháng 10.2020.

Bản quyền thuộc về Forbes Việt Nam.

Tác giả: Khổng Loan

Comments