Đam mê dẫn lối – 30 Under 30 Forbes Vietnam

CHÂU LÀM ĐƯỢC VÀ BẠN CŨNG THẾ!

Bùi Thái Bảo Châu kết hợp gu thẩm mỹ và sự nhạy bén về thời trang để xây dựng hình ảnh và tạo ảnh hưởng trong vai trò fashionista. Cô bước ra từ mạng xã hội.

Còn được biết đến với cái tên Châu Bùi, hay Chou Chou, gương mặt fashionista (người đi đầu xu hướng và có phong cách thời trang ấn tượng) trẻ nhất, với vóc dáng nhỏ nhắn, làn da vàng và mái tóc đen này đã có tấm vé khách mời danh dự, đại diện của Việt Nam xuất hiện tại các sự kiện thời trang quốc tế. Chỉ sau khoảng bốn năm hoạt động, hiện tại fashionista 23 tuổi này là cái tên đang được chú ý trong lĩnh vực thời trang tại Việt Nam

Trước những thay đổi mạnh mẽ về thói quen tiêu dùng, giải trí, tiếp cận thông tin, các thương hiệu thời trang, gồm cả phân khúc xa xỉ, cũng phải thay đổi nhanh chóng để có thể tiếp cận các khách hàng thế hệ Z (sinh từ năm 1995 trở về sau). Thế hệ này ra đời cùng với Google, Facebook, YouTube, chứng kiến sự thâm nhập của Internet vào mọi mặt của đời sống xã hội, do đó mọi hoạt động đều gắn với thế giới mạng. Một mặt, họ chịu ảnh hưởng từ những trào lưu trên mạng, mặt khác, họ cũng chủ động trở thành những người tạo ra xu hướng.
Ở trên mạng, Châu có một lượng người theo dõi ấn tượng: 1,6 triệu người theo dõi trên Instagram, 500 ngàn tài khoản trên Facebook và 396 ngàn tài khoản trên YouTube. Một trong những yếu tố cần thiết nhất cho fashionista là luôn theo kịp xu hướng thời trang nhưng không phải là theo dòng, mà là hiểu và đón đầu xu hướng và tạo ra xu hướng với phong cách riêng. Những người hâm mộ thích thú với những hình ảnh phá cách, thể hiện cá tính của Châu: những bộ hàng hiệu đắt tiền, hay thời trang bình dân, nhưng luôn phối hợp độc đáo với thần thái quyến rũ tự nhiên.

Châu Bùi đến nay đã nhận được hầu hết các giải thưởng ở Việt Nam về thời trang hay sức ảnh hưởng trên mạng, từ gương mặt mới xuất sắc, tới người có ảnh hưởng, người có phong cách đẹp nhất. Cô cũng xuất hiện trên trang bìa của các tạp chí thời trang hàng đầu xuất bản tại Việt Nam. Cô là đại diện thị trường Việt Nam tham gia các tuần lễ thời trang quốc tế, các sự kiện ra mắt bộ sưu tập của các hãng lớn như Coach, H&M, Dior, Tommy, Channel, LV, Gucci, Hermès… Với số lượng người theo dõi lớn, Châu cũng thử sức kinh doanh. Ooh la Loulou do Châu kết hợp sản xuất với một hãng mỹ phẩm Hàn Quốc đã cho ra dòng kem dạng bấm, hiện có doanh thu hơn một tỉ đồng/tháng và đang tiếp tục tăng.

Châu từng không nghĩ mình có thể trở thành người mẫu và càng không phải là một fashionista, vì thị trường thời trang vẫn chuộng những cơ thể người mẫu cao gầy. Châu dành thời gian tập luyện thể thao, ăn uống phù hợp để cải thiện sức khỏe và vóc dáng. Cùng với bạn trai Decao (tên thật là Cao Minh Thắng, 30 tuổi), cả hai đã cùng tìm tòi để phá cách, phối hợp những bộ trang phục đầy cá tính, dù cũng không ít lời chê bai là “kỳ dị, không giống ai.” Không sao, miễn là thỏa mãn đam mê mà thể hiện đúng chất của mình.

Bước ngoặt quan trọng khiến Châu Bùi trở thành một biểu tượng mới của thời trang tại Việt Nam là khi cả hai tự bỏ tiền để tham dự Seoul Fashion Week ở Hàn Quốc trong bốn ngày vào tháng 10.2016. Những bộ quần áo thời trang sáng tạo do họ tự chỉnh sửa, phối giữa các món đồ mua ở cửa hàng đồ cũ một cách rất ăn ý đã thu hút ống kính quốc tế, giúp quảng bá hình ảnh mới lạ độc đáo của bộ đôi này trên các trang web thời trang.

Phiên bản “câu chuyện cô bé lọ lem” hiện đại biến một cô gái chưa mấy tên tuổi ở Hà Nội trở nên nổi bật và thu hút người hâm mộ theo dõi qua các trang mạng xã hội. Chỉ chưa đầy một năm sau, cô nhận giải thưởng Influence Asia 2017 tại sự kiện do công ty Gushcloud (Singapore) tổ chức ở hạng mục Fashion tại Việt Nam. Cặp đôi Châu Bùi – Decao được biết đến nhiều hơn.

Sở thích thời trang của Châu hình thành từ khi cô 17 – 18 tuổi. Là con gái út trong gia đình có ba chị em, Châu hay tiết kiệm tiền tìm mua những món đồ lạ ở các cửa hàng bán đồ cũ, rồi về nhà tự mày mò phối đồ lại. Tốt nghiệp cấp ba, khi bạn học cùng trang lứa vào đại học Châu xin phép gia đình cho nghỉ một năm, với mục tiêu tham gia các show thời trang nước ngoài, với lời cam kết nếu không thành công sẽ đi học lại. “Khi đó, tôi 39 cân, cao 1m58, và mọi người ngăn cản, vì trên thế giới làm gì có fashionista dưới 1m6.” Sự bướng bỉnh khiến cô nghĩ mình sẽ làm được. Ở tuổi 18, cô đã viết vào nhật ký những gì mình muốn làm, và ở tuổi 22 (2019), cô đã làm tốt hơn danh sách đó.

Sự nổi tiếng của Châu cũng giúp cô vào các vai diễn trong một số phim điện ảnh, mà trong đó nổi bật nhất là Em chưa 18 do Charlie Nguyễn đạo diễn (2016), và tham gia một số video âm nhạc. Một bộ phim điện ảnh thứ hai cô tham gia đang thực hiện hậu kỳ và sẽ ra mắt năm nay.

“Một nhãn hiệu thời trang sẽ cần ba thứ ở fashionista,” Châu cho biết. “Hình ảnh bạn mang đến, thông tin bạn truyền tải tới mọi người và bộ sưu tập cùng câu chuyện của bạn. Câu chuyện của tôi có sự gần gũi với các bạn trẻ. Một cô gái không giàu có, không sinh ra trong gia đình giàu có, cùng tuổi với các bạn có thể làm được thì các bạn cũng làm được..”

Những video mà Châu đăng tải hằng tuần trên các trang mạng xã hội cho thấy hình ảnh một cô gái sôi nổi, hoạt bát. Cách cô phối đồ, những câu chuyện đằng sau hậu trường nghề fashionista, cách chuẩn bị một món ăn ngon, nhanh để cải thiện vóc dáng,  hay câu chuyện tình yêu với Decao. Tất cả đều có thể được chia sẻ.

Với công chúng, Châu tạo ra hình ảnh dễ gần. Họ cảm thấy Châu là hình ảnh đẹp mà họ có thể vươn tới được. Châu nói bí quyết cho thành công của mình là nghiêm túc trong lời nói và việc làm.

NẮM BẮT CƠ HỘI

Nguyễn Tuấn Anh nói mình thuộc về hai thế giới, mà cả hai đều bị đẩy đến tận cùng của sự cực đoan. Một thế giới lấp lánh, nơi những ngôi sao giải trí trong những trang phục lộng lẫy, và một thế giới của lao động liên tục bất kể ngày đêm, mà đỉnh điểm có thể là những đợt làm việc 22 giờ mỗi ngày.

Tuấn Anh là đồng sáng lập và đạo diễn của Alien Media, công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất quảng cáo, nghệ thuật và phim ảnh thành lập cách nay bảy năm, khi anh 20 tuổi. Được xem là nhà sản xuất video âm nhạc (MV) “mát tay,” cơ hội công việc và tạo dựng sự nghiệp đến với Tuấn Anh cùng với sự nổi lên của các nền tảng truyền thông xã hội.

“Tôi không bỏ cơ hội nào hết, nhận làm tất cả, thử hết,” Tuấn Anh nói về quãng đường làm việc liên tục vừa qua khi hợp tác sản xuất với nhiều nghệ sĩ. Làm việc chính là cơ hội vàng để học. Anh tìm hiểu, tham gia nhiều hoạt động giải trí, sáng tạo, chuẩn bị cho mình một sự nghiệp khác, khó hơn và nhiều thách thức hơn: đạo diễn và sản xuất phim điện ảnh.

Bất kỳ ai cũng có thể trở thành “nhà sản xuất” hay “đạo diễn”, hay “diễn viên” trong một clip và phát hành trên bất kỳ một nền tảng truyền thông xã hội nào, nhờ vào sự phổ biến của điện thoại thông minh và kết nối Internet tốc độ cao. Rào cản nghề nghiệp thấp là lý do tạo nên sự bùng nổ của các thể loại sản phẩm MV ca nhạc, phim online, phim ngắn, bên cạnh những vlog về cá nhân. Ai cũng có thể có tiếng nói của mình và nghe, xem người khác: Theo số liệu thống kê từ YouTube, có khoảng 300 giờ nội dung được tải lên nền tảng này mỗi phút và khoảng năm tỉ video được xem trên YouTube mỗi ngày. Các nhà quảng cáo tất nhiên không thể bỏ qua một địa hạt vàng như vậy, và lĩnh vực sản xuất nội dung quảng cáo trên mạng đã tạo ra một thế hệ các đạo diễn trẻ biết nắm bắt cơ hội sáng tạo như Tuấn Anh. Họ lớn lên trong thời kỳ của kỹ thuật số bùng nổ, hiểu tâm lý và biết cách tiếp cận với khách hàng thuộc thế hệ mình.

Nhưng không phải nơi nào cũng có thể tạo ra những sản phẩm MV lọt vào #toptrending trên YouTube. Với mảng hoạt động chính là sản xuất MV, Alien Media có trong tay một số sản phẩm nổi bật với các ca sĩ như Mỹ Tâm, Hương Tràm, Đàm Vĩnh Hưng, Hương Giang lọt vào #toptrending và các giải thưởng như MV của năm tại giải Cống hiến năm 2018 (MV Em gái mưa của Hương Tràm).

“Tôi không bao giờ chờ người khác làm gì rồi mình làm theo, mà thường chủ động tạo ra các trào lưu,” Tuấn Anh cho biết. Việc chủ động đó đến từ sức sáng tạo, sự tươi mới và cả chút liều lĩnh khi cơ hội đến đúng lúc với người biết ước mơ và chuẩn bị. Tuấn Anh mạnh về mảng MV drama (các video ca nhạc có cấu trúc như một bộ phim ngắn, trong đó có nút thắt mở để khán giả bất ngờ với nhiều tình tiết tạo cảm xúc), rồi series MV và cũng là đạo diễn của bộ phim điện ảnh đầu tiên của Việt Nam được chuyển thể từ MV ca nhạc (Em gái mưa do CGV phát hành năm 2018, dù bộ phim được làm từ MV ăn khách này cũng tạo nhiều tranh cãi về độ mỏng của kịch bản.)

Ca sĩ Mỹ Tâm nhận xét Tuấn Anh là người có khả năng, có hoài bão lớn, có một ê kíp tốt để cộng hưởng, tạo ra những tác phẩm tốt. “Việc có êkíp tốt là yếu tố quan trọng để có thể tiến xa, vì có những bạn trẻ có thể có tài năng thậm chí hơn Tuấn Anh, nhưng việc không có ê kip tốt đã kéo tụt các bạn lại,” Mỹ Tâm nói với Forbes Việt Nam. “Tuấn Anh cũng có những tố chất lãnh đạo nổi bật. Trong quá trình làm việc với Tuấn Anh, tôi nhận thấy bạn là người chịu khó, lắng nghe, trân trọng và nắm bắt cơ hội.”

Tuấn Anh không mơ ước mình trở thành đạo diễn. Anh là con một trong một gia đình trải qua nhiều biến cố. Sau gần 15 năm gia đình ở nhà thuê tại Kiên Giang, năm ngoái, anh mới có thể mua một căn nhà cho cha mẹ. Bắt đầu với công việc trợ lý cho thần tượng  của mình là Quách Tuấn Du – một ca sĩ rất được khán giả miền Tây hâm mộ, Tuấn Anh cập nhật lịch diễn, quay những MV đơn giản, hay cảnh hậu trường, giúp ca sĩ kết nối với người hâm mộ. Dần dần, anh được các ca sĩ khác biết đến và trả 5 – 10 triệu đồng để quay một MV. “Họ nhận thấy họ có được sản phẩm chất lượng hơn số tiền họ bỏ ra,” Tuấn Anh nhớ lại.

Lên Sài Gòn cùng với Quách Tuấn Du và được sự động viên của anh, Tuấn Anh theo học ngành mỹ thuật đa phương tiện tại Aprotrain Arena Multimedia (2011) và ngành Đạo diễn điện ảnh tại Saigon International Film School (2014). Cả hai nơi anh đều không tốt nghiệp khi “đã học được những thứ mình cần.” Anh lập công ty năm 2013 khi ca sĩ Thảo Trang tiếp cận, trả anh 70 triệu đồng để thuê anh làm MV This love (nhạc sĩ Dương Khắc Linh). Tuấn Anh nhớ lại những kỹ xảo trong MV đó “không phải đỉnh cao gì, nhưng tôi lại rất tự tin về các kỹ thuật, mình chỉ cần sáng tạo một chút là tạo ra hiệu ứng.”

Năm 2014 trở thành cột mốc có nhiều bước ngoặt với Tuấn Anh. On and On – một MV có chi phí 150 triệu đồng với nhiều kỹ xảo ở độ phân giải 4K đầu tiên do một hãng TV thuê thực hiện, với giọng ca của Phương Vy và Antoneus Maximus ra mắt giúp Tuấn Anh được đánh giá cao trong giới làm phim. MV này sau đó được phát trên V – Channel châu Á. Giờ đây, số tiền để làm MV có thể lên tới nhiều tỉ đồng, với những sự phức tạp của lớp lang câu chuyện, các kỹ xảo, địa điểm, và không thể thiếu sự góp mặt của các KOL (những gương mặt có ảnh hưởng tới độ phủ của tác phẩm) – công thức để MV lọt vào #toptrending.

Các sản phẩm âm nhạc và điện ảnh vẫn là những sản phẩm giải trí thu hút trong một đất nước dân số trẻ như Việt Nam. Thị trường rộng mở, nhưng đầy cạnh tranh khi “nhà nhà làm MV”. Tuấn Anh nói mình muốn tập trung vào tìm kiếm cơ hội dài hơi. “Tất cả mục đích của tôi là hướng tới điện ảnh,” anh nói.

Tuấn Anh sở hữu 30% công ty, với doanh thu năm 2019 ước tính khoảng 20 tỉ đồng, lợi nhuận gần năm tỉ đồng. “Giữ được công ty đến giờ là chuyện rất khó khăn chứ không đơn giản, khi những công ty như của tôi rất dễ sớm nở tối tàn,” anh cho biết. Khi số báo này ra mắt, có thể Tuấn Anh đang đi du lịch kéo dài một tháng. Anh nói mình muốn đi nhiều nơi, gặp nhiều người, biết nhiều câu chuyện, tăng vốn sống để làm nghệ thuật có giá trị hơn.

THƯƠNG HIỆU MỸ PHẨM RIÊNG

Ngô Quỳnh Trang (Trang Tracy), hay chủ của tài khoản Chang Makeup với 1,2 triệu tài khoản theo dõi trên YouTube là đồng sáng lập thương hiệu mỹ phẩm đầu tiên của Việt Nam. OFÉLIA (trong tiếng Hi Lạp có nghĩa là sự giúp đỡ) do cô đồng sáng lập cùng Annie Le năm 2016 đến nay đã có tổng doanh thu gần 50 tỉ đồng cho sáu bộ sưu tập. Đối tượng khách hàng của Trang là những người theo dõi hơn 200 video đánh giá son môi, dạy trang điểm của mình, sành công nghệ, thường xuyên sử dụng mạng xã hội (YouTube, Facebook, Instagram). Các sản phẩm có mức giá từ 250 ngàn đồng trở lên.

Son môi luôn là một mặt hàng hốt bạc của các hãng mỹ phẩm. Vì với phụ nữ, son môi không bao giờ là đủ. Họ mua vì bất kỳ lý do gì: màu đang “hot”, hợp màu da, giá đang giảm, có dưỡng chất, giá quá rẻ… Thị trường mỹ phẩm Việt Nam đến nay vẫn chứng kiến sự áp đảo của các hãng mỹ phẩm quốc tế có thương hiệu. Trong đó, nếu xuất phát từ thương hiệu của Mỹ thì luôn dẫn đầu xu hướng nhưng giá thành không phù hợp với số đông, còn nếu xuất phát từ Hàn Quốc thì luôn đa dạng mẫu mã, màu sắc nhưng màu sắc lại chưa hẳn phù hợp với da người Việt Nam. Trang nhắm mục tiêu chen chân vào khoảng trống thị trường đó.

Câu chuyện về thương hiệu khởi đầu trong thời gian Trang học quản trị kinh doanh tại đại học Kutztown (Pennsylvania, Mỹ). Năm 2015, rất yêu son, trong lúc rảnh rỗi, Trang bắt đầu làm các video clip phát trên YouTube nhận xét về các loại son. Tại Việt Nam, thời điểm 2015 chứng kiến sự xuất hiện của thế hệ YouTuber đầu tiên, với VJevermind rất được yêu thích (gương mặt trong danh sách 30 Under 30 Forbes Việt Nam năm 2015, ở tuổi 23). Đó cũng là thời điểm mà câu chuyện của Michelle Phan, một beauty vlogger người Mỹ gốc Việt trở nên nổi tiếng và sau này lọt vào danh sách 30 Under 30 của Forbes (Mỹ).

Trang học nhiều từ thần tượng Michelle Phan của mình. Từng là thành viên của nhóm nhảy St.319 (Hà Nội), Trang là vũ công với mái tóc xù cá tính, trẻ trung, năng động và nhiệt huyết. Cô đem những cá tính đó vào các video của mình, và “tim nhảy ra khỏi lồng ngực” khi chứng kiến lượng xem tăng lên hàng trăm ngàn lượt chỉ sau vài ngày. Tự tin hơn, Trang mạnh dạn rẽ hẳn sang hướng beauty vlogger với kênh Changmakeup, ban đầu tự quay bằng một chiếc máy ảnh để trên chồng sách và chỉ dám quay môi vì “không tự tin.” Trang tự mua mỹ phẩm trải nghiệm và đưa ra đánh giá riêng: màu sắc, độ bóng, độ bám… Sau khi được biết nhiều, cô bắt đầu nhận được mỹ phẩm từ các hãng gửi tặng để nhận xét, với các sản phẩm son môi từ vài chục ngàn đến vài triệu đồng.

Sau hơn một năm, Trang trở thành beauty vlogger nổi tiếng Việt Nam trong lĩnh vực son môi, với cách thể hiện chi tiết, đưa ra các đánh giá và gợi ý về cách chọn dòng son phù hợp. Trang bắt đầu giao lưu và làm việc cho nhiều hãng mỹ phẩm nổi tiếng. Cô hợp tác với Miracle Apo (Rohto) năm 2016, tạo ra một dòng son mang tên cô với ba màu son được ghép từ tên của cô là Charang (cam đất), Chapin (hồng đất) và Charal (cam san hô), xuất phát từ gợi ý của một người hâm mộ đã nhận được hơn 500 lượt yêu thích (like) từ những người khác trên Facebook.

Việc lắng nghe những nhận xét, gợi ý từ những người theo dõi để đưa ra sản phẩm phù hợp là cách để Trang ra mắt sản phẩm thành công. Sự thành công trong lần hợp tác đầu tiên đó giúp cô tự tin ra bộ sưu tập đầu tiên của thương hiệu do cô xây dựng sau gần một năm chuẩn bị. Sản phẩm được sản xuất tại Mỹ, với 14 ngàn cây son cho bảy màu, bán hết trong hai tuần, đem về doanh thu khoảng 4,2 tỉ đồng. “Tôi bị sốc luôn,” Trang, 26 tuổi, nhớ lại, khi ban đầu dự kiến phải mất nửa năm mới bán hết. Tất cả khách hàng là những người theo dõi cô trên mạng xã hội.

“Thừa thắng xông lên,” Trang và đồng sáng lập, Annie Le đã phát triển các dòng sản phẩm mới dựa vào xu hướng và nhu cầu của những người theo dõi mình, song song hợp tác với các thương hiệu (thù lao cao nhất Trang đã nhận được là 10 ngàn đô la Mỹ cho chiến dịch quảng bá thương hiệu của một hãng son môi). Tập trung vào bán hàng trên mạng, tự phân phối qua website riêng, bán trên các nền tảng bán lẻ như Tiki, Lazada hay Shopee. Đến nay, sau ba năm, khoảng 300 ngàn cây son môi đã được bán. Trang đã bắt đầu mở rộng ra các dòng như bút kẻ lông mày và nhũ mắt.

Con đường trở thành một trong số ít cá nhân có ảnh hưởng trong lĩnh vực trang điểm và có thể kinh doanh bằng thương hiệu cá nhân với các sản phẩm tự phát triển không dễ dàng. Có những lúc Trang “chán ngấy” với việc làm video, các lời thị phi, hay gặp những sai sót trong khâu sản xuất, quản lý chất lượng, khiến sản phẩm bị lỗi.

Nhưng năm 2019, từ vựng mà Trang học được và tâm đắc nhất là “bền bỉ”. Michelle Phan sau những biến cố trong việc kinh doanh đã từng đóng kênh, dừng hợp tác với các hãng mỹ phẩm. Chưa sẵn sàng gọi vốn đầu tư, Trang cho biết bài học từ Michelle Phan khiến cô trở nên thận trọng, để có quyền quyết định, kiểm soát chất lượng.

Hiện thị trường Việt Nam đem về 80% doanh thu của OFÉLIA, Trang cho biết, Mỹ và Hàn Quốc là hai nơi họ chọn đặt hàng sản xuất. Trung bình, một dòng son mới cần suất đầu tư khoảng 60 ngàn đô la Mỹ. Bộ sưu tập mới nhất cho đầu năm 2020 dưới hình dáng của một chiếc túi xách điệu đà với bảy màu son đã trở thành món quà yêu thích cho các chàng trai tặng bạn gái. 200 chiếc túi, với giá hai triệu đồng/chiếc đã bán hết rất nhanh.

Ít lâu sau khi OFÉLIA ra mắt, thương hiệu MOI của Hồ Ngọc Hà cũng ra thị trường, và đang  phát triển nhờ vào sự đầu tư bài bản cho thương hiệu và lượng người theo dõi, hâm mộ nữ ca sĩ này. Nếu MOI tổ chức một mạng lưới phân phối rộng khắp, với các sự kiện ra mắt đình đám và các câu chuyện mang đầy đủ màu sắc về tình yêu đẹp, sự tự tin khí chất, thì OFÉLIA vẫn tập trung vào phân phối qua mạng.

“Thế mạnh của tôi là bước đi cùng các bạn trẻ, ra đời đầu tiên và hoàn toàn hoạt động trên mạng xã hội ở thời điểm mà các thương hiệu mỹ phẩm lớn chưa coi mạng xã hội là một kênh chính trong tiếp cận và bán hàng tới khách hàng,” Trang cho biết. Tỉ lệ khách hàng trở lại của cô lên tới 60%.

Sở hữu bộ sưu tập hơn 1.000 thỏi soi, Trang đang có những lợi thế để tiếp tục phát triển, nếu cô vẫn chứng tỏ được sự sát sao và thấu hiểu nhu cầu của khách hàng, những người rất yêu thích sự vui vẻ và kiến thức về son của cô.

Bài viết đăng trên Forbes Vietnam số tháng 3.2020.

Tác giả: Khổng Loan

Xem đầy đủ nội dung trên tạp chí in. Bản quyền thuộc về Forbes Vietnam.

Comments