Sắc thái Á Đông của Phương My

Bài viết đăng trên Forbes Vietnam số tháng 3.2019. Bản quyền: Forbes Vietnam. Tác giả: Khổng Loan

Trần Phương My trong trang phục màu đen giản dị xuất hiện chỉ vài giây, đủ để cúi chào khán giả sau buổi trình diễn mang tính cột mốc sự nghiệp, và là bộ sưu tập thứ 10 của mình vào tháng 2.2019. Sayonara lấy cảm hứng từ câu nói “Cánh hoa tàn, nhưng đóa hoa còn sống mãi. Hình dáng lụy tàn, nhưng phẩm giá còn lưu truyền” của triết gia Phật giáo người Nhật, Kaneko Daiei.

Trên nền vải đỏ lơ lửng và tiếng nhạc đậm chất Á Đông, các thiết kế với chất liệu lụa thô, cotton lụa, organza, vải tuyn lụa, ren, dạ dệt kim được My dệt riêng ở Pháp và Nhật thể hiện nhất quán với cách chiết ôm vòng eo và phình phần hông, mang dáng dấp thanh tao nhưng mạnh mẽ. Đây là đặc tính của thương hiệu từ thời đầu tiên. Nghệ thuật gấp giấy origami của Nhật Bản cũng được tái hiện, cùng với kỹ thuật cắt may bất cân xứng tạo ra những kiểu dáng độc đáo, vừa bí ẩn vừa nên thơ. 37 thiết kế trong ba màu cơ bản gồm trắng, đỏ và đen tượng trưng cho những cung bậc cảm xúc theo từng giai đoạn khác nhau của phụ nữ, từ thuần khiết, và hồn nhiên, tới tình yêu, đam mê, và kết thúc là sức mạnh, sự tự chủ và những gian khổ mà người phụ nữ trải qua.

Những thiết kế tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ Á Đông tập trung vào thị trường châu Á đã giúp cho My bán sản phẩm tại 17 thị trường trên thế giới hiện nay, trong đó, khu vực Trung Đông mang về 70% doanh thu. Trong thị trường thời trang cao cấp tại Việt Nam do những thương hiệu quốc tế chiếm lĩnh, PHUONGMY là thương hiệu hiếm hoi của một nhà thiết kế trẻ đã xây dựng được thị trường ở nước ngoài,. Phương My cho biết thị trường Việt Nam mang về cho cô 20% doanh thu.

Việc xuất hiện tại sàn diễn của trung tâm thời trang lớn thế giới là bước tiến quan trọng với rất nhiều nhà thiết kế thời trang. Từ Việt Nam, nơi chưa có một thị trường thời trang đúng nghĩa do còn thiếu các mắt xích quan trọng, tuần lễ Thời trang New York năm nay cũng chứng kiến sự xuất hiện lần đầu tiên của Công Trí, nhà thiết kế đã tạo dựng tên tuổi trong giới hâm mộ thời trang trong nước sau sự nghiệp kéo dài 20 năm, với những thiết kế hướng tới khách hàng quốc tế.

Trao đổi với Forbes Việt Nam qua email sau buổi trình diễn, Phương My, vốn kín đáo và hầu như không xuất hiện tại các sự kiện hào nhoáng của giới giải trí hay kết nối xã hội, cho rằng các sân chơi chuyên nghiệp mang tầm quốc tế “không nên là mục tiêu và đích đến đối với các nhà thiết kế, mà nên là bước khởi đầu cho họ để có thể mở ra nhiều hướng đi mới trong sự nghiệp làm thời trang.”

Sáu năm trước, với số vốn ban đầu từ tiền tiết kiệm và vay mượn của gia đình cũng làm nghề kinh doanh, My ra mắt cửa hàng chính của PHUONGMY tại đường Lê Thánh Tôn (Q.1, TP.HCM), nơi tập trung nhiều cửa hàng thời trang mang thương hiệu quốc tế, và thu hút nhiều chú ý. My khi đó 25 tuổi, vừa tốt nghiệp xuất sắc Academy of Art University tại San Francisco (Mỹ) và có một thời gian phụ trách sản xuất hình ảnh cho các tạp chí thời trang có tiếng. Nhưng kinh doanh thời trang cao cấp không dành cho người “chỉ biết yêu” – khi nguyên liệu vải là cơn đau đầu của các nhà thiết kế tại Việt Nam, vì họ không chủ động được nguồn vải.

Do đó, ngay từ đầu, My đặt ra chiến lược chủ động thiết kế được nguyên liệu vải và coi đây là yếu tố quan trọng để xây dựng nét độc đáo cho thương hiệu. Cô làm việc với các đối tác tại Ý và Pháp để đưa ra những chất liệu vải dệt riêng, phù hợp với ý đồ thiết kế của mình. Cô cũng hợp tác với các người mẫu nổi tiếng quốc tế cho các hình ảnh sưu tập, và cửa hàng chính luôn bài trí với những ý tưởng nghệ thuật thay đổi thường xuyên thông qua các dự án với các nghệ sĩ trong nước.

Điều này lý giải cho mức giá dao động từ 12,9 triệu đến 100 triệu đồng / sản phẩm hiện nay của My. Cô cho biết tại thị trường Trung Đông, cô cung cấp những sản phẩm được đặt riêng với mức giá từ 200 triệu – 500 triệu đồng, với những đính kết thủ công pha lê cần tới khoảng 50 người làm việc, và những sản phẩm này vẫn được cắt may và sản xuất ở Việt Nam.

Giá của những sản phẩm đó tương đương với những thương hiệu thời trang quốc tế, vốn đầu tư mạnh và có lịch sử lâu đời về thương hiệu. Khách hàng tại Việt Nam đã phải mất một thời gian mới chấp nhận được một thương hiệu trẻ trong nước định giá cao như vậy. “Lúc nào tôi cũng nói đến chữ ‘xứng đáng,’” My nói với Forbes Việt Nam tại cửa hàng được bài trí với tông màu sáng, đón ánh nắng tràn trề từ bên ngoài  vào qua những tấm kính lớn, và những thiết kế mới nhất được sắp xếp trật tự, vừa đủ theo tiêu chuẩn của thương hiệu nước ngoài. “Thương hiệu có thành công hay không nằm ở chỗ đến cuối ngày khách hàng cảm thấy sản phẩm của mình có xứng đáng giá tiền họ bỏ ra hay không, chứ không phải mình lên báo nói rằng sản phẩm của tôi là tốt nhất.”

Ở thời điểm My lọt vào danh sách 30 người dưới 30 tuổi thành công của Forbes Việt Nam (30 Under 30) năm 2015, thương hiệu của My đã ra đời gần hai năm, có mặt ở các trung tâm mua sắm, cửa hàng thời trang tại năm quốc gia. Học chuyên toán và vật lý trước khi chuyển sang thời trang giúp cho My có được nền tảng để bắt đầu kinh doanh thời trang – một trong những ngành nghề mà cô cho rằng khó nhất từ trước đến nay với mình. Cô cho biết dòng tiền là thứ khiến cho những ai học và làm việc trong lĩnh vực thời trang sợ hãi, và cô chỉ có thể biết về hiệu quả kinh tế của một bộ sưu tập sau sáu tháng ra mắt.

Học chuyên toán cũng ảnh hưởng lớn việc My – trong vai trò là giám đốc sáng tạo duy nhất hiện nay của thương hiệu – tính toán các đường may và cắt đặc trưng của thương hiệu. My coi trọng độ “vừa mắt hơn là vừa người,” xem đây là một cách để khách hàng luôn đẹp khi mặc đồ, dù cơ thể của họ, ở tuổi 35 trở lên, không còn như thời thiếu nữ. Có 18 người hỗ trợ cho cô tại xưởng về cắt may, làm các sản phẩm bằng tay để đảm bảo tính chất riêng biệt của từng bộ đồ.

Nếu Phương My tỉ mỉ và luôn chú ý tạo ra tính riêng biệt trong thiết kế, Phương My ở ngoài đời giản dị đến tối giản. Sẽ khó ai biết cô là nhà tạo mẫu nếu gặp cô ngoài đường, vì cô luôn đi đôi dép của Tony Burch (cô cho biết mình có 10 đôi khác màu nhau do mẹ mua cho), chiếc đầm suông ngắn đơn sắc (thường là chiếc đầm đầu tiên cô thấy trong tủ vào buổi sáng thức dậy), mái tóc dày đen buộc cao, gương mặt với nước da trắng hiếm khi trang điểm. Thời trang luôn gắn liền với những sự hào nhoáng, lấp lánh, và thành công thường được nhắc đến nhiều hơn so với thất bại.

Nhưng My thích phân tích thất bại của mình hơn, khi lưu ý rằng cô học được mỗi bài học riêng sau mỗi bộ sưu tập, trong đó, sự thành công về thiết kế sáng tạo không đồng nghĩa với thành công tài chính. Ví dụ bộ sưu tập Xuân Hè 2015 là bộ sưu tập đầu tiên My hợp tác với họa sĩ người Nhật chuyên vẽ các họa tiết cho các hãng thời trang nước ngoài. Họa tiết sau đó in trên giấy, rồi chuyển in trên vải, và phải dệt ở Nhật để đảm bảo chất lượng lên đúng dáng như ý đồ thiết kế trước khi chuyển về Việt Nam sản xuất.

Giá sản xuất tăng vọt khiến sản phẩm khi ra cửa hàng lên tới 20 triệu đồng. Khách hàng trong nước rất bất ngờ vì giá cao, và chưa sẵn sàng chi trả cho một món đồ đặc biệt nhưng sẽ chỉ mặc được một lần của thương hiệu khá mới khi đó. Bộ sưu tập gây ấn tượng mạnh về thẩm mỹ, sáng tạo cùng kỹ thuật cắt may, nhưng doanh số năm đó tụt hẳn và lỗ hai tỉ đồng do thị trường chính thời điểm đó vẫn phụ thuộc vào Việt Nam. Lúc ấy tôi học được bài học phải cân bằng giữa việc mình thích và khách hàng thích, dù họ thích nhưng vẫn có ngưỡng nhất định với chuyện trả tiền, bởi họ chưa cảm thấy thương hiệu mình xứng đáng (với mức giá đó),” My nhớ lại.

My tập trung mạnh hơn vào xây dựng thương hiệu, mở cửa hàng trưng bày ở Paris (Pháp), và cũng mất  vài năm tiếp theo để thị trường hiểu và chấp nhận được phom dáng thiết kế, và cả yêu cầu khắt khe về chăm sóc sản phẩm sau khi sở hữu mà cô tạo ra.

Đâu là cách để Phương My khiến người khác nhớ tới mình? “Phải xuyên suốt,” My nói. “Năm nào cũng phải tốt và phải tốt hơn thế nữa… Khi khách hàng đến họ sẽ cảm thấy là một cái gì đó tốt hơn mong đợi nhưng không bị quá bất ngờ. Yếu tố bất ngờ làm cho thương hiệu dễ mất khách hàng nhất.” Khách hàng của My thường thích sự kín đáo và sang trọng vừa đủ, trên 35 tuổi, tự tin, thành đạt và biết mình muốn gì, muốn đường cắt đủ đẹp vì cơ thẻ họ không còn đẹp như hồi trẻ nữa, giờ đây, vẻ đẹp của họ nằm ở thần thái.

“Cô gái may mắn của ngành thời trang” như truyền thông đặt tên không chỉ có may mắn. Một ngày điển hình của My làm việc từ 14 đến 16 tiếng. Với gần 90 nhân sự của công ty hiện tại, My dịch chuyển thường xuyên giữa Mỹ, Việt Nam và Hong Kong, nơi My có gia đình nhỏ của mình. Ngoài PHUONGMY, cô cho ra mắt dòng sản phẩm MyMy năm 2015 dành cho phân khúc khách hàng rộng hơn, với mức giá từ 800 ngàn đồng cho tới bốn triệu đồng, hiện đã có bảy cửa hàng tại Việt Nam và đang tiếp tục mở rộng.
“Tôi luôn nghĩ mỗi ngày mình đều đang leo núi, và mỗi ngày sẽ phải cố thêm một bước để có thể tiến lên xa hơn ngày hôm qua. Tôi tin mình chỉ giỏi nhất bằng năm người đi cạnh mình. Sáng tạo và đam mê để dẫn dắt thương hiệu không chỉ đến từ mình, mà còn từ những người xung quanh đi cùng mình mỗi ngày,” My nói.

Bài viết đăng trên Forbes Vietnam số tháng 3.2019. Bản quyền: Forbes Vietnam. Tác giả: Khổng Loan

Comments