Lạm dụng tình dục – phóng viên nữ có thể làm gì?

A woman or girl face with duct tape on her mouth. Illustration about harassment on work place or any other abuse. Text I’ll not be silent. Speak out about sexual harassment and female discrimination.

Chuyện những nhà báo/những người làm trong ngành truyền thông bị lạm dụng tình dục không mới. Ở Việt Nam, phong trào #metoo gần đây trong cộng đồng những người làm báo diễn ra sau khi có cáo buộc bị lạm dụng tình dục của một nữ cộng tác viên với người lãnh đạo tại một cơ quan báo chí.

Việc nữ phóng viên bị lạm dụng tình dục là điều không mới. Nó bắt đầu tồn tại kể từ khi ngành này xuất hiện. Nhưng hơn lúc nào hết, với kết nối mạng lưới, thông tin, các kênh truyền thông rộng mở, chúng ta có cơ hội để nói chuyện này rõ ràng, chia sẻ kinh nghiệm, và quan trọng hơn cả là những bí quyết để tự vệ trong quá trình tác nghiệp.

Theo nghiên cứu của IWMF, thì 2/3 nữ phóng viên đã từng bị lạm dụng tình dục theo một cách nào đó. Ở đâu cũng có những con dê chạy lung tung không bị đeo xích vào cổ và chưa bị quay chín. Ở một đất nước mà vẫn còn câu nói “làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu” thì trước khi chờ ai đến cứu mình, phụ nữ phải tự cứu mình.

Cá nhân tôi cũng không ngoại lệ: Tôi đã từng chịu những lời lẽ và hành vi khiếm nhã,  nhưng rất may mắn là đủ tỉnh táo và hiểu biết để không để mình trở thành nạn nhân trong thời gian dài. Chuyện ngồi ở những bàn tiệc mà phải nghe những chuyện cười bẩn là thường xuyên. Và khủng khiếp hơn cả là một cuộc huấn luyện của cả một tòa soạn mà người ngồi nghe phải chịu đựng những chuyện cười thô tục liên quan tới giường chiếu từ diễn giả. Đến giờ vẫn còn là ác mộng và câu hỏi lớn là tại sao người ta vẫn ngồi nghe mà không đứng lên rời khỏi chỗ đấy.

Giờ đây nhìn lại, tôi nhận ra rằng chúng ta có lựa chọn để mình có trở thành nạn nhân hay không. Việc một nguồn tin, một người sếp, một người đồng nghiệp…nào đó có hành vi, lời lẽ, thái độ mang tính lạm dụng tình dục chỉ có thể kéo dài khi chúng ta không cương quyết với những hành vi của họ. Có thể nói thẳng là “tôi không thích” hoặc đứng lên, rời khỏi nơi đang diễn ra những hành vi đó.

Các hành vi đó cụ thể bao gồm, nhưng không giới hạn:

  • Hành vi động chạm vào những vị trí trên cơ thể mà chúng ta không muốn.
  • Xâm chiếm không gian riêng tư
  • Những lời nói/ nhận xét công khai hay hàm ý, gợi ý hay âm thanh mang tính gợi ý về tình dục
  • Các bình luận về trang phục hay bề ngoài mà người nghe không chờ đợi hay mong muốn
  • Các chuyện đùa cợt có liên quan tới tình dục
  • Bày biện những “tài liệu” mang tính tình dục
  • Tải lưu những hình ảnh khiêu dâm trên máy tính
  • Đe dọa bằng lời nói có liên quan tới tình dục

Thực tế:

Mỗi cá nhân đều có quyền không để ai động chạm vào cơ thể mình nếu mình không cho phép.

Chúng ta cũng có quyền và nên đi bằng đôi chân của mình, không quỳ gối, không cúi đầu để chờ đợi một đặc ân nào đó, mà chúng ta biết là nếu để đổi lấy đặc ân đó, ta sẽ mất đi rất nhiều thứ của mình, từ tự do, tới quyền với cơ thể mình.

Và trong một môi trường tồi tệ, có những cá nhân tồi tệ, và thấy thật khó chơi được, thì ta hãy quay lưng đi chỗ khác. Bầu trời rất rộng lớn và chúng ta có rất nhiều việc để làm. Nếu có sức khỏe, ta có thể làm được mọi việc.

Lạm dụng tình dục không chỉ đối với nữ phóng viên, nó xảy ra với bất kỳ ai, ở mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực, mọi địa phương, và nó như một con voi rất to trong phòng, ai cũng thấy, cũng biết, nhưng không ai thảo luận hay nói về nó.

Một chị bạn tôi đã lựa chọn nói về việc một người đã có hành vi khiếm nhã với chị với tất cả những người chị biết và biết con dê đó.

Tôi đã chọn cách quay lưng đi, tránh xa môi trường độc hại và chấm dứt quan hệ với những cá nhân “không chơi được.”

Nhưng tôi cho rằng cả hai cách đó, dù tốt, vẫn chưa đủ. Chúng ta cần thêm nhiều mạng lưới để chia sẻ thông tin, huấn luyện, tư vấn hỗ trợ những nạn nhân và những người sắp trở thành nạn nhân.

Điều quan trọng nhất là chúng ta cần chấm dứt việc đổ lỗi cho nạn nhân. Vì việc một môi trường làm việc văn minh là điều đương nhiên phải có, đương nhiên mọi người phải được đối xử một cách tôn trọng, đánh giá công việc dựa trên kết quả công việc và chất lượng công việc, chứ không phải là các ý kiến cá nhân của một ông sếp nào đó lạm dụng chức vụ và thao túng, mà không dựa trên việc đo lường công việc.

98% doanh nghiệp của Mỹ hiện nay có các chính sách đào tạo chống lại tình trạng lạm dụng tình dục. Tức là nhân viên biết thế nào là lạm dụng tình dục, làm gì khi rơi vào hoàn cảnh đó. Tức là các nhân viên hiểu rõ mọi hành vi lạm dụng đều sẽ không được chấp nhận và bị xử lý thích đáng.

Báo chí hay viết bài phản ánh tình trạng xã hội, phản biện xã hội, nhưng chính từ trong nội bộ các tòa soạn cũng có rất nhiều vấn đề. Các phóng viên và lãnh đạo tòa soạn dù là nam hay nữ thực sự cần được huấn luyện để hiểu biết về lạm dụng tình dục, bên cạnh được huấn luyện về cách tự vệ, cách thoát hiểm, cách đưa tin, cách viết bài, cách kết nối nguồn tin vân vân và mây mây. Và cải thiện các điều khoản về luật pháp tất nhiên là một vấn đề quan trọng.

Trước khi các vấn đề trên có thể thay đổi, mỗi nữ phóng viên cần phải tự vệ và tự trang bị kiến thức cho mình.

Lòng dũng cảm rất quan trọng trong trường hợp này. Dũng cảm để đối mặt với kẻ vừa có hành vi xấu. Dũng cảm để quay lưng trước những cám dỗ gọi mời đánh đổi. Dũng cảm để tin và làm điều mà mình tin tưởng. Dũng cảm để sống theo cách mình muốn. Dũng cảm để lên tiếng bảo vệ nạn nhân, chống lại kẻ xấu.

Vai trò của chủ doanh nghiệp trong trường hợp này rất quan trọng, vì họ có trách nhiệm lớn trong việc tạo ra một môi trường làm việc bình đẳng và an toàn cho mọi người.

Với nữ phóng viên, họ cần hiểu về các hành vi lạm dụng, họ cần quan sát và nhận ra những hành vi đó, cho dù những hành vi đó có thể ở một hình thức rất khó nhìn ra. Đối đầu trực diện và nói thẳng mình không thích hành vi hay lời nói khó nghe đó. Những nam nhân, đừng nghĩ rằng nữ giới thích những chuyện đùa bẩn hay những hành vi mà mình tưởng là “hay” đó. Nếu bạn biết ai đó là nạn nhân, hãy hỗ trợ và chia sẻ với họ.

Đọc thêm:

http://hrlibrary.umn.edu/svaw/harassment/explore/5prevention.htm

http://niemanreports.org/articles/reporters-on-their-stories-about-male-abuses-of-power/

https://www.iwmf.org/wp-content/uploads/2014/03/Violence-and-Harassment-against-Women-in-the-News-Media.pdf

Thế nào là quấy rối tình dục?

Comments