Tôi bị ‘hội chứng Stendhal’ ở Florence

Florence là nơi xuất phát của Phục hưng –phong trào văn hóa ảnh hưởng sâu rộng tới châu Âu từ thế kỷ 15-17. Nơi đây có David – chàng trai  được xem là đẹp giai nhất thế giới. Thực ra có những hai chàng David ở đây. Một chàng fake ở quảng trường bên ngoài Palazzo Vecchio, nơi những ai ngưỡng mộ vẻ đẹp của chàng đến chụp hình thoải mái. Còn chàng David thật đã được giấu vào Galleria dell’Accademia. Nơi này, chỉ có con chiên nào thật sùng vẻ đẹp của chàng mới tới. Mà nói chung, nếu không tới Accademia thì xem chàng ở đâu cũng thế, vì chàng là một trong những người đàn ông được làm giả nhiều nhất thế giới.

Tất nhiên tôi không đến Florence vì David. Chàng có vẻ hơi mất cân đối, đầu hơi to và tay cũng hơi to. Nhưng nếu bạn nghiên cứu về chàng, bạn sẽ tìm ra lý do vì sao lại như vậy.

Chỉ cần David thôi đã đủ kéo cả thế giới đến Florence.

Tôi đến Florence sau chuyến tàu hỏa hai tiếng từ Venice vào tháng 11.2017. Người Ý đẹp, ăn uống lành mạnh, đạp xe nhiều, đi bộ nhiều – một sự giàu có nhưng không phô trương. Ý là nơi sản sinh ra những thương hiệu thời trang và đồ dùng nổi tiếng toàn cầu, nhưng các cửa tiệm địa phương mới thực sự thu hút khi các sản phẩm thể hiện tài năng thủ công và thiết kế của người địa phương, trong khi được bài trí rất nghệ thuật. Đồ thuộc da, các mặt hàng trang trí, trong đó có những tác phẩm điêu khắc mô phỏng thời kỳ Phục Hưng là những thứ rất hút mắt đẹp mê mẩn. Giá cũng mê mẩn với dân đến từ thế giới thứ 3 đấy. ^^

46 triệu người đến Ý mỗi năm, và Ý là nơi được đến thăm nhiều thứ 5 thế giới. Du lịch là ngành phát triển nhanh nhất và đem lại nhiều lợi nhuận cho Ý nhất, doanh thu gần 200 tỉ đô la Mỹ. Ý có gì? Con người đẹp đẽ (cân đối, không bị quá cân – đôi khi còn thấy hơi nhỏ so với trung bình người châu Âu), rượu ngon, và nghệ thuật.

Florence trở nên trù phú và văn hóa Phục Hưng phát triển đỉnh cao từ thế kỷ  nhờ gia tộc Medici đầu thế kỷ 15 – gia tộc đứng đầu đế chế ngân hàng, chính trị, hoàng gia hùng mạnh (họ từng được xem là có thời giàu nhất châu Âu). Gia tộc này đã tài trợ và bảo trợ cho nghệ thuật, để từ đó Florence hình thành và phát triển nghệ thuật Phục hưng để lại cho thế hệ sau cơ hội được thưởng ngoạn những tài năng kiệt xuất cách nay cả hơn 500 năm.

Tiệm kem cũng đẹp. Nhiều kem thế.

Uffizi Gallery là một trong những bảo tàng quan trọng nhất của Ý, là nơi được thăm nhiều nhất. Nơi đây lưu giữ những tác phẩm vô giá về nghệ thuật, đặc biệt trong thời kỳ Phục hưng. Vào mùa cao điểm, nếu không mua vé trước, bạn có thể phải xếp hàng dài chờ 5 tiếng. Nhưng dịp tôi đến vào mua thấp điểm nên chỉ mất khoảng 20 phút, với giá vé khoảng 18 euro.

Uffizi Gallery nằm ở ngay trung tâm Florence, nơi bạn đi bộ là có thể ghé thăm hầu hết mọi điểm cần đến trong tiếng của nhạc cụ ‘hang’ do một nghệ sĩ với mái tóc dài và tinh thần thư thái đang chơi tạo cảm giác dễ chịu, hay một ban nhạc jazz của các bạn trẻ chơi những khúc nhạc mang tính ngẫu hứng hấp dẫn. Và cả những nghệ sĩ vẽ những bức tranh tôn giáo trên lòng đường, để những hộp đựng tiền xu xung quanh. Một loại hình giải trí cho khách ghé thăm thành phố, và tác phẩm cũng sớm bị bay màu chỉ cần một đợt mưa nhẹ hay bước chân của khách bộ hành. Quanh đó là những tác phẩm điêu khắc gắn liền với các câu chuyện thần thoại và tôn giáo, thách thức trí tưởng tượng và cả kiến thức của một người châu Á như tôi với kiến thức chưa đủ tự tin về triết học, thần thoại và tôn giáo phương Tây để có thể đọc hiểu thành thục (đoạn đọc hiểu là khó nhất, chứ còn thấy đẹp thì dễ, vì tùy gu. Nhưng nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của tác giả và tác phẩm trong một giai đoạn lịch sử mới dễ khiến ta bị tẩu hỏa). Và còn cả những bức tượng của những cá nhân kiệt xuất ghi dấu ấn quan trọng lên vùng đất này. Họ nói gì thế nhỉ?

Uffizi Gallery được xây dựng giữa năm 1560 và 1580 theo yêu cầu của Cosimo I de’ Medici ((1519 –1574), đại công tước đầu tiên của vùng Tuscany (Florence là thủ phủ của Tuscany). Tầng đầu tiên đã trở thành gallery tư nhân, trở thành nơi giải trí thưởng ngoạn của gia tộc thống trị Florence, bạn bè và khách. Nơi đây trưng bày tranh, tượng, các dụng cụ khoa học, trang sức, vũ khí, và trở thành bộ sưu tập quý giá trên thế giới. Gallery trở thành bảo tàng và mở cửa cho công chúng năm 1769, nơi giờ đây, ai cũng có thể chiêm ngưỡng tác phẩm của đỉnh cao Phục Hưng, trong đó được nhiều người biết đến như Leonardo da Vinci (thiên tài toàn năng này có một bảo tàng riêng gần đấy), Raphael, Michelangelo, Titian, hay Caravaggio…

Một nền nghệ thuật đã được khởi đầu, phát triển bởi những người giàu có và hiểu biết trong xã hội. Văn hóa Phục hưng đã được bảo trợ và thúc đẩy nhờ  Cosimo I de’ Medici trước khi gây ảnh hưởng sâu rộng khắp châu Âu. Florence hấp dẫn vì sự cổ kính và chứa đựng những di sản vô giá của nhân loại, nơi mà con người tìm về khi muốn trả lời những câu hỏi nào đó trong cuộc đời. Tỉ như, ta là ai, vì sao ta lại thế này, và ta sau này có thể ra sao.

Ufizzi Gallery, cũng như nhiều bảo tàng lớn khác trên thế giới, đều có hệ thống hỗ trợ thông tin bằng âm thanh cho khách thăm quan, và có ứng dụng dùng cho điện thoại. Ứng dụng của bảo tàng cổ xưa nhất của châu Âu hiện đại chứa đựng thông tin và hình ảnh của các tuyệt tác nghệ thuật Ý và châu Âu như Madonna Enthroned, Maestà (Giotto), Birth of Venus (Botticelli), Annunciation (Leonardo), Doni Tondo của Michelangelo, Madonna of the Goldfinch (Raphael) và Medusa (Caravaggio)…Không những thế, nó còn cả những thông tin giúp người dùng chuẩn bị cho chuyến thăm, các kiến thức để họ đọc tượng hay xem tranh. Các tác phẩm đặc biệt phải xem , các thông tin về các triển lãm, sự kiện…Người địa phương biết trong bảo tàng có gì để giới thiệu, tự hào, hiểu hơn về lịch sử; còn người nước ngoài biết họ có thể đến xem được những gì về văn hóa, di sản nơi họ ghé thăm. Càng được nhiều người thăm, các nhiều người nói về, càng nhiều người hiểu, thì càng thiết lập được giá trị lâu dài. Vì phải hiểu rồi mới yêu và mới có thái độ, tư tưởng gìn giữ, nâng niu.

Đọc đến đây bạn sẽ tự hỏi: Thế bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và bảo tàng TP.HCM và các loại bảo tàng Việt Nam có gì trong đó? (Lưu ý là theo một nghiên cứu các công chức Việt Nam, chỉ có 30% là đã từng vào thăm quan một bảo tàng hoặc phòng tranh ở Việt Nam). Vậy các bảo tàng có web không? Có app không? Vừa mua tác phẩm nào? Vừa làm được cái gì? Sắp làm cái gì? Ai mà biết được. ^^

Những bảo tàng, phòng tranh, các tác phẩm kiệt xuất thời Phục Hưng đã trở thành viên ngọc sáng nhất trên chiếc vương miện Florence. Các thế hệ sau ở Ý vẫn có thể khai thác trên di sản đó. Bởi toàn cầu hóa hay sự phát triển kinh tế có thể nhanh chóng tạo ra của cải, nhanh chóng khiến một quốc gia tạo ra nhiều triệu phú hay tỉ phú, những tòa nhà cao tầng, nhưng di sản, văn hóa thể hiện ở mọi mặt của đời sống xã hội không dễ tạo ra như thế trong một thời gian ngắn.

Người nước ngoài có thói quen đến các bảo tàng, phòng tranh, hay tìm hiểu về nền văn hóa nghệ thuật của một quốc gia khi tới thăm quốc gia đó. Không phải ngẫu nhiên như vậy, vì những nơi này là nơi có thể giúp họ hiểu nhanh về nơi họ đến: quá khứ, hiện tại, và tương lai. Những tác phẩm nghệ thuật thể hiện tư tưởng và góc nhìn khác của các nghệ sĩ về xã hội, sự kiện của thời mình đang sống, hay tác phẩm dân gian được chắt lọc từ đời sống thực được chọn lọc và trình bày theo trình tự, lớp lang…

Florence thời Phục Hưng phát triển rực rỡ nhờ những phát kiến khoa học kỹ thuật, tích tụ tư bản cao trào, nhưng tiền đã những người giàu có đầu tư vào nghệ thuật và được thế giới chú ý. Những người nghệ sĩ đã được lợi khi có người bảo trợ cho quá trình và tác phẩm sáng tác của mình thông qua việc hỗ trợ tài chính hay sưu tập. Người bảo trợ giúp lưu giữ tài năng cho các thế hệ sau chiêm ngưỡng thông qua những tác phẩm và câu chuyện để lại.  Gia tộc Medici đã chọn thể hiện mình không phải là những người chủ nhà băng đầy quyền lực, hay chính trị gia và hoàng gia. Họ thuê các nghệ sĩ bậc thầy nhất của thời mình sống để thể hiện tư tưởng và vẻ đẹp dưới góc nhìn tôn giáo và thần thoại.  Khi bảo trợ các nghệ sỹ, mua các tác phẩm để sau này tạo thành bộ sưu tập, không rõ gia tộc Medici có nghĩ tới tương lai để mong muốn tên tuổi của họ được lưu danh hậu thế hay không, nhưng hơn 500 năm sau, người đời vẫn nhắc tới họ, họ vẫn hiện hữu.

Toàn cầu hóa đã giúp các tập đoàn khổng lồ đặt chân đến mọi ngóc ngách trên thế giới. Những cửa hàng miễn thuế bán những thứ tương tự nhau, những khu mua sắm với những thương hiệu ở đâu cũng bắt gặp, những tiệm ăn, quán café “chuỗi” đã trở nên quá nhàm. Bởi vậy, khi đến thăm một vùng đất mới, còn gì hạnh phúc hơn khi cảm nhận được những đặc tính riêng của mỗi vùng miền đó. Những di sản cổ kính ở Florence trở thành mỏ vàng để thế hệ hiện tại tiếp tục khai thác, với một tinh thần cởi mở, vui vẻ và nồng ấm.

Trong cuốn “Trò chuyện cùng nàng Mona Lisa,” tác giả Kathy Statzer đã viết rất đúng rằng: “Trân trọng” (nghệ thuật) chứa đựng sự thấu hiểu, niềm vui sướng, sự tôn trọng và cả lòng biết ơn. Nếu ta không hiểu Việt Nam đang cất giữ những gì (“những gì” này chính là những thứ thuộc về người dân Việt Nam chứ không thuộc về cá nhân nào cả), thì ta làm sao tự hào, trân trọng, hiểu và giữ được cái gốc của mình.

Cụm từ “hội chứng Stendhal” có từ thế kỷ 19, do nhà văn người Pháp Stendhal (bút danh của Marie-Henri Beyle) đặt ra, mô tả trải nghiệm của mình khi đến thăm Florence trong cuốn Naples and Florence: A Journey from Milan to Reggio, khi thăm nhà thờ Basilica of Santa Croce, nơi Niccolò Machiavelli, Michelangelo và Galileo Galilei được chôn cất, ông nhìn thấy những bích họa của Giotto lần đầu tiên và choáng ngợp. Ông viết: “Tôi cứ lơ lửng trong ảo giác, trong cảm nghĩ mình đang ở Florence, gần gũi với những con người vĩ đại nằm trong những ngôi mộ tôi đã thấy. Chìm đắm thưởng ngoạn vẻ đẹp siêu phàm… Tôi đã đạt tới điểm mà một người lên đến đỉnh của thiên đàng… Mọi thứ xung quanh trò chuyện thật sống động với tâm hồn tôi. Ôi, giá mà tôi có thể quên đi được. Trống ngực tôi đập liên hồi, thứ mà ở Berlin người ta gọi là ‘trạng thái thần kinh bị kích động.’ Con người tôi như bị hút đi hết sự sống. Tôi bước đi mà cứ sợ mình sẽ té.”

Có thể, biết đâu đấy, tôi đang bị “hội chứng Stendhal.” “Ôi, giá mà tôi có thể quên đi được.”

Bonus: Những người bị hội chứng Florence thường mang trong lòng sự coi thường và thù ghét với những kẻ phá hoại di sản, di tích, những tài sản vô giá  góp phần tạo nên ký ức của đô thị – tức là một cảm giác thân quen, yêu thương, gần gũi mỗi khi nghĩ về nơi nào đấy. Những người bị hội chứng Florence cho rằng việc phá hoại di sản như vậy (kể cả kẻ phá và kẻ cho phép phá) là tội ác. Tiền có thể kiếm ra được nhưng di sản (cổ kính) thì không thể kiếm ra được. Nghĩ rằng thế giới tìm đến Việt Nam là vì những cái khu mua sắm hay khu đô thị mới à? Thế giới có đầy những thứ đó rồi. Họ phát ngán rồi. Phá đồ cổ thật, rồi xây trên mảnh đất đầy đồ cổ đấy một thứ giả cổ thì phải gọi là gì? Không gì có thể bù đắp được sự mất mát này. Muốn phá, muốn xây cái gì thì cần lắng nghe các chuyên gia về di sản (cả trong nước và quốc tế) tư vấn. Thế giới sẽ rất cảm kích đấy. Cần phải hài hòa và nghĩ tới thế hệ sau (những người cần hiểu về văn hóa, về lịch sử, về gốc rễ, di sản dân tộc để trân trọng, tự hào, và bảo vệ, chứ không phải chỉ có resort, khách sạn, tượng đài, khu nhà ở, khu văn phòng). Đừng chỉ nghĩ tới túi tiền của mình bằng cách chạy flycam rồi kiếm miếng đất đẹp, sà xuống dựng lên một khu xấu xí nhé. Tôi ghi sổ hết rồi đấy.

Comments