Gỡ nút thắt cổ chai trong đầu tư giáo dục

Bài viết đăng trên Forbes Vietnam số 52, tháng 9.2017. Xem bản đầy đủ trên báo in. Bản quyền Forbes Vietnam.

Tác giả: Khổng Loan

Thị trường giáo dục tư nhân của Việt Nam đang phát triển mạnh với nhiều thương vụ đầu tư gần đây. Forbes Việt Nam phỏng vấn Anip Sharma, quản lý tại Parthenon, tập đoàn tư vấn cho hầu hết các thương vụ lớn này.

Forbes Việt Nam: Ông nhận định thế nào về thị trường đầu tư vào lĩnh vực giáo dục hiện nay ở Việt Nam?

Anip Sharma: Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất về giáo dục tư nhân ở Đông Nam Á. Tổng giá trị doanh thu ở thị trường giáo dục tư nhân cao cấp là khoảng 1 – 2 tỉ đô la Mỹ, với tỉ lệ tăng trưởng 15 – 20%/năm. Các mảng tăng trưởng đáng chú ý nhất bao gồm các trường quốc tế và song ngữ phổ thông (K-12) hiện có doanh thu tăng hơn 15%/năm; mảng đào tạo tiếng Anh tăng trưởng 25 – 30%; mảng đào tạo chuẩn bị nhập học ở nước ngoài tăng trưởng 15-20% mỗi năm; mảng mầm non tăng trưởng hơn 30%, và mảng giáo dục bậc cao tăng hơn 15%.

Forbes Việt Nam: Theo ông, các yếu tố thúc đẩy thị trường giáo dục tư nhân phát triển ở Việt Nam là gì?

Anip Sharma: Các yếu tố chính bao gồm thu nhập các hộ gia đình tăng cao, và nguyện vọng ngày một tăng của tầng lớp trung lưu; nhu cầu tăng mạnh về học ngoại khóa tiếng Anh do chương trình ở trường công không đáp ứng; nhu cầu về giáo dục xuyên quốc gia. Ngoài ra, đó là sự cải thiện về môi trường pháp lý, chẳng hạn khả năng sửa đổi nghị định 73 của chính phủ sẽ mở rộng cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài hơn. (Nghị định 73 quy định cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình giáo dục theo chương trình của nước ngoài, cấp văn bằng của nước ngoài tại Việt Nam được phép tiếp nhận học sinh Việt Nam, nhưng số học sinh Việt Nam ở trường tiểu học và trung học cơ sở không quá 10% tổng số học sinh của trường, ở trường trung học phổ thông không quá 20% tổng số học sinh của trường.)

Forbes Việt Nam: Vậy đâu đang là xu hướng lớn nhất?

Anip Sharma: Đầu tư vào giáo dục là một cuộc chơi lớn, lâu dài, và nhà đầu tư cần nắm bắt được các xu hướng lớn. Nhìn vào tám khoản đầu tư lớn nhất mà chúng tôi đề cập có thể thấy hai xu hướng chính ở Việt Nam, là trường song ngữ và quốc tế nhằm vào đối tượng trung lưu, và đào tạo tiếng Anh. Từ hai xu hướng lớn này có một xu hướng mới nữa là các dịch vụ hỗ trợ giáo dục xuyên quốc gia.

Forbes Việt Nam: Trong vòng năm năm trở lại đây, có một số thương vụ đầu tư lớn vào giáo dục tư nhân đã làm thay đổi nhiều hoạt động trong lĩnh vực này. Nếu đặt Việt Nam vào bối cảnh khu vực thì các khoản đầu tư này có ý nghĩa như thế nào?

Anip Sharma: Lĩnh vực giáo dục tư nhân ở Việt Nam chứng kiến sự tham gia của những nhà đầu tư lớn nhất ở quy mô toàn cầu, khu vực, và cả địa phương. Các thương vụ lớn trong 3 – 5 năm qua, có thể kể tới tám thương vụ, mà trong đó chúng tôi tư vấn hầu hết (xem bảng).

Không có số liệu giá trị đầu tư chính xác, nhưng theo ước tính của chúng tôi, tổng giá trị các khoản đầu tư lớn nhất từ 500 triệu đến một tỉ đô la Mỹ. Hai quỹ lớn nhất ở Việt Nam là Vietnam Mekong Capital và VI Group đều đã có đầu tư vào giáo dục ở Việt Nam, và Việt Nam đã chứng kiến sự tham gia của các nhà đầu tư quy mô toàn cầu rất lớn thông qua các công ty trong danh mục đầu tư gồm TPG, PEP (quỹ PE lớn nhất ở Úc), KKR, Abraaj Capital… Các nhà đầu tư thường có kỳ vọng sẽ thoái vốn trong vòng 5 năm.
Xét về các hoạt động đầu tư thị trường Việt Nam có thể nói thuộc loại sôi động nhất khu vực, tổng số tiền đầu tư mà thị trường nhận được có thể vào nhóm tốp 3, do thị trường các nước như Singapore hay Malaysia lớn hơn về kích cỡ.

Forbes Việt Nam: Cơ hội và rào cản với những nhà đầu tư vào giáo dục Việt Nam là gì?

Anip Sharma: Thị trường Việt Nam có cơ hội mở rộng trong những mảng mà tôi đã đề cập ở trên. Những yếu tố thúc đẩy thị trường phát triển trong tương lai đều mang tính bền vững, và thị trường giáo dục tư được kỳ vọng sẽ có quỹ đạo tăng trưởng mạnh.

Nút thắt cổ chai đối với các nhà đầu tư là quy mô tài sản. Lĩnh vực giáo dục rất phân mảnh với các doanh nghiệp nhỏ, khiến nhà đầu tư khó tìm nơi đầu tư.

Lĩnh vực giáo dục trên thế giới thường chịu sự kiểm soát chặt chẽ của các luật và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam đã cải thiện môi trường đầu tư cho lĩnh vực này. Việc dự kiến sửa đổi nghị định 73 là bước quan trọng thúc đẩy tăng trưởng trong giáo dục, đặc biệt là từ phía các nhà đầu tư nước ngoài.

Giáo dục là lĩnh vực đầu tư cần rất nhiều vốn, và bản thân các chính phủ đều không thể có đủ tiềm lực để đáp ứng nhu cầu nên việc mở cửa cho các nhà đầu tư bên ngoài là điều tất yếu.

Bài viết đăng trên Forbes Vietnam số 52, tháng 9.2017. Xem bản đầy đủ trên báo in. Bản quyền Forbes Vietnam. Tác giả: Khổng Loan

Comments