Tôi cần gì khi cho con đi học?

Thế là tôi đã chính thức tham gia vào nỗi sợ hãi và ám ảnh của những người lớn có con đi học. Con sẽ vào lớp mầm non, rồi lớp 1, rồi hết cấp 1, chuyển cấp 2, lên cấp 3, vào đại học, rồi lên thạc sĩ, tiến sĩ chuyên gia gì gì nữa, hoặc cũng có thể rẽ ngang tham gia vào một start up lớn, phụ trách công việc dẫn dắt mọi người tới những nơi họ cần đến và luôn ở vị trí cầm lái (cụ thể là con lái xe ôm UberMotor hoặc Grabbike he he he ^^). Ai mà biết được. Nhưng nghĩ tới hành trình gian truân của con đi học mà dựng tóc gáy. Panic Mood!

Nào, hít thở sâu, thư giãn, thư giãn…Thư giãn…Thư giãn…Hãy hình dung ra tầm nhìn tương lai…Nói một cách to tát. Niềm vui của cha mẹ thấy con khôn lớn mỗi ngày luôn đi kèm với đó là vô vàn câu hỏi, tự vấn, chất vấn lương tâm.

Nhưng đến giờ, tôi cho rằng vài câu hỏi mình quan tâm nhất là: Hôm nay con có vui không? Con được những ai thể hiện tình cảm yêu mến? Con thể hiện sự quan tâm tới ai? Con có chia đồ cho bạn khi chơi không?

Và khi con đã lớn khôn, trưởng thành, tôi nghĩ, và hi vọng mình sẽ tiếp tục hỏi con và muốn con tự hỏi bản thân rằng: “Con hôm nay có vui không, có hạnh phúc không? Con đã làm những việc gì khiến con thấy hài lòng, có ích, giúp đỡ người khác, đóng góp cho xã hội, góp phần trả lại những nguồn tài nguyên thiên nhiên của nhân loại mà con sử dụng bấy lâu nay?” Continue reading

Làm thế nào để hút thuốc có văn hóa?

Chuyện thường thấy: một người cha/ông/chú/ cô/dì hút thuốc trước 1 đứa trẻ rất dễ thương và mọi người xung quanh không ai nói gì. Với mình, như vậy là chưa được, không được. Sau đây là một vài nguyên tắc để một người hút thuốc vẫn hút được để thỏa mãn thú vui sở thích và không làm hại người khác:
1/ Tìm ra một nơi khuất và ít người để hút. Ở một số nơi có phòng riêng và khu vực riêng hút thuốc. Hãy đến nơi như vậy, ở trong đó và nhớ đóng cửa lại.
2/ Không bao giờ hút thuốc khi có trẻ em xung quanh, dù đó là con cháu mình hay là một đứa trẻ xa lạ. Vì khói thuốc lá rất độc hại cho trẻ nhỏ, và chúng quá ngây thơ để có thể tự bảo vệ mình. Không bao giờ hút thuốc khi có phụ nữ mang thai ở gần.
3/ Luôn hỏi ý kiến người bên cạnh khi hút thuốc. Có người sẽ đồng ý cho bạn hút, có người sẽ từ chối. Thế thì hãy tôn trọng quyền được hưởng thụ một không gian trong lành không khói của người xung quanh.
4/ Không hút thuốc trong phòng lạnh khi có những người xung quanh. Vì đó là đầu độc tập thể.
5/ Luôn nhớ rằng niềm vui hút thuốc của mình có thể là sự khó chịu và căm ghét của những người bị dị ứng, có người thân từng bị các loại bệnh liên quan tới thuốc lá. Vì vậy, hãy giữ thú vui đó cho riêng mình. Tốt nhất là về nhà, vào phòng riêng, đóng cửa phòng lại và tự hút, tự ngửi. Phòng riêng của bạn chính là một không gian riêng mà bạn tự do làm bất kỳ điều gì mình muốn, chứ không gian công cộng không phải là không gian riêng của bạn đâu.
6/ Luôn hiểu rằng thuốc lá là nguồn gốc của những loại bệnh ác quái và hành vi của mình đồng nghĩ với cái chết đến từ từ, nhưng mình cần dũng cảm để làm điều đó một mình, không nên gây ảnh hưởng tới người khác.
7/ Với những người ở bên cạnh những người hút thuốc thiếu văn hóa, hãy dũng cảm đến và nói rằng: ‘Xin lỗi, anh/ chị có thể tắt thuốc hoặc ra chỗ khác hút không? Chỗ này có trẻ em/có người dị ứng với khói thuốc.’ Nếu vậy thì bạn hãy hoặc ra chỗ khác, hoặc dập khói thuốc và nói lời xin lỗi.
8/ Luôn tôn trọng những không gian có biển hiệu Cấm hút thuốc. Tuyệt đối không hút thuốc trong bệnh viện, trường học, khu vui chơi của trẻ em, hồ bơi, công viên…
9/ Ra nước ngoài lưu ý về luật lệ của họ, cẩn thận kẻo bị phạt vì hút thuốc lung tung. Người nước ngoài họ văn minh về chuyện hút thuốc lắm rồi.
10/ Và cuối cùng, một người hút thuốc có văn hóa là người …không hút thuốc. Người có văn hóa là người không làm phiền, làm hại người khác.
HÃY HÚT THUỐC LÁ MỘT CÁCH CÓ VĂN HÓA. CHÚC BẠN SỨC KHỎE!
Continue reading

Bộ sưu tập chứng nhân

Vũ công (2005) của Trương Tân.

Bài viết đăng trên Forbes Vietnam số 52, tháng 10.2017. Xem bản đầy đủ và các hình ảnh trên tạp chí in. Bản quyền Forbes Vietnam. Tác giả: Khổng Loan

Khu lễ tân của tòa nhà dịch vụ căn hộ Saigon Domain Luxury Residences yên ả bên bờ bán đảo Thanh Đa (Bình Thạnh, TP.HCM) gây ấn tượng bằng những tác phẩm nghệ thuật nguyên bản và đa dạng chất liệu. Hai bức vẽ phiên chợ quê với chất liệu giấy xé của Hồ Hoàng Đài; những tác phẩm điêu khắc “Vô đề” ở hình dạng nhọn, màu đen với chất liệu men tráng trên thép và hình cuộn tròn như kén bằng ván gỗ MDF của nghệ sĩ người Úc George Papadimas. Một tác phẩm gợi mở về văn hóa Việt Nam và một khiến người xem suy tưởng ở tầng mức ý niệm.

Tác phẩm của Hồ Hoàng Đài

Những tác phẩm này thuộc Post Vidai, bộ sưu tập nghệ thuật đương đại tư nhân lớn nhất Việt Nam hiện nay. Người đặt nền móng của bộ sưu tập cũng là chủ và CEO của Saigon Domain, ông Olivier Mourgue d’Algue, 55 tuổi. Bắt đầu sưu tập từ năm 1993, sau này kết hợp cùng vợ và một người bạn thân kiêm đối tác kinh doanh, bộ ba này đồng sở hữu khoảng 500 tác phẩm nghệ thuật. “Đây là bộ sưu tập mang tính chứng nhân, vì nó chứng kiến sự phát triển của nghệ thuật đương đại Việt Nam kể từ sau cuộc đổi mới kinh tế vào cuối những năm 1980,” Olivier nói với Forbes Việt Nam trong cuộc trò chuyện đầu tiên với báo chí trong nước kể từ khi ông bắt đầu sưu tập cách nay khoảng ¼ thế kỷ.

Nghệ thuật đương đại là nghệ thuật của hiện tại,  thể hiện góc nhìn của các nghệ sĩ với xã hội đương thời, và khán giả trở thành một phần quan trọng trong việc tạo nên ý nghĩa và sự biểu đạt của tác phẩm. Post Vidai – Hậu Vĩ đại – sưu tầm tác phẩm của các nghệ sĩ Việt Nam, Việt kiều và nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Họ có thể đã định danh quốc tế, trong nước, và cả những tên tuổi mới, đang lên, với những góc nhìn phản biện ở một đất nước trong quá trình định hình và tái định hình đặc tính văn hóa của mình. Continue reading

Gỡ nút thắt cổ chai trong đầu tư giáo dục

Bài viết đăng trên Forbes Vietnam số 52, tháng 9.2017. Xem bản đầy đủ trên báo in. Bản quyền Forbes Vietnam.

Tác giả: Khổng Loan

Thị trường giáo dục tư nhân của Việt Nam đang phát triển mạnh với nhiều thương vụ đầu tư gần đây. Forbes Việt Nam phỏng vấn Anip Sharma, quản lý tại Parthenon, tập đoàn tư vấn cho hầu hết các thương vụ lớn này.

Forbes Việt Nam: Ông nhận định thế nào về thị trường đầu tư vào lĩnh vực giáo dục hiện nay ở Việt Nam?

Anip Sharma: Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất về giáo dục tư nhân ở Đông Nam Á. Tổng giá trị doanh thu ở thị trường giáo dục tư nhân cao cấp là khoảng 1 – 2 tỉ đô la Mỹ, với tỉ lệ tăng trưởng 15 – 20%/năm. Các mảng tăng trưởng đáng chú ý nhất bao gồm các trường quốc tế và song ngữ phổ thông (K-12) hiện có doanh thu tăng hơn 15%/năm; mảng đào tạo tiếng Anh tăng trưởng 25 – 30%; mảng đào tạo chuẩn bị nhập học ở nước ngoài tăng trưởng 15-20% mỗi năm; mảng mầm non tăng trưởng hơn 30%, và mảng giáo dục bậc cao tăng hơn 15%. Continue reading