CTO Thuận Phạm: “Hãy tạo ra những khu vực tập trung tài năng”

Bài phỏng vấn đã đăng trên Forbes Việt Nam số 51, tháng 8.2017. Mời xem bản đầy đủ trên tạp chí in. Bản quyền Forbes Việt Nam.

Thuận Phạm là một trong những người Mỹ gốc Việt được biết đến nhiều nhất ở thung lũng Silicon, nơi ông đang là tổng giám đốc công nghệ của Uber toàn cầu. Forbes Việt Nam trò chuyện riêng với ông tại Hà Nội cuối tháng 7.2017.

Thuận Phạm nói tiếng Việt gần như hoàn hảo với âm sắc miền Nam dù rời Việt Nam từ năm 1979. Nước da rám nắng khỏe mạnh, dáng người cao gầy, Thuận Phạm không khác một người đàn ông miền Nam điển hình khiêm tốn, không thích xuất hiện trước đám đông. Nhưng bộ óc đứng đằng sau hệ thống kỹ thuật giúp Uber mở rộng hoạt động tại hơn 30 thành phố cách nay bốn năm tới hơn 600 thành phố, phát triển và quản lý bộ máy từ 40 kỹ sư lên 2.000 kỹ sư hiện nay, tỏ ra hào hứng khi nói về kỹ thuật và công nghệ. Phần trao đổi sau đã được cắt gọn.
Forbes Việt Nam: Theo ông, chương tiếp theo của Uber sẽ như thế nào? Uber sẽ sử dụng các dữ liệu từ khách hàng vào những việc gì?
Thuận Phạm: Sứ mệnh của chúng tôi là cung cấp các mô hình vận tải mới, trải nghiệm mới cho khách hàng khắp thế giới, dù là đi xe, vận chuyển đồ đạc, thức ăn… nên tương lai sẽ là đa lĩnh vực trong việc di chuyển khách hàng và hàng hóa. Chúng tôi có rất nhiều việc muốn làm để tiếp tục tăng quy mô kinh doanh. Tôi cho rằng chúng tôi vẫn đang ở trong giai đoạn rất sớm, có thể còn hàng trăm triệu người nữa mà chúng tôi muốn phục vụ bằng công nghệ của mình trong thời gian không quá xa. Làm thế nào tiếp tục tái sáng tạo chính mình để cung cấp dịch vụ và trải nghiệm ở quy mô toàn cầu như thế? Để giải quyết được vấn đề ở tầm mức ảnh hưởng đó thì còn rất nhiều sáng chế và sáng tạo.

Hiện nay, xe cộ chỉ được sử dụng 5 – 10% thời gian là nhiều nhất, hầu hết thời gian là xe được đỗ ở đâu đó. Nếu chúng ta nâng hiệu suất sử dụng của những chiếc xe này lên khoảng 80%, và số xe được sử dụng bởi nhiều người nhiều lần, sẽ giảm số lượng xe chạy ngoài đường, có thể thế giới chỉ cần 10% số xe như hiện nay. Chúng ta sẽ giải quyết được các vấn đề tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, kể cả tình trạng ấm lên của trái đất…

Forbes Việt Nam: Ông dự báo thế nào về mô hình kinh tế theo nhu cầu (on – demand economy) trong 5 năm tới?

Thuận Phạm: Tôi nghĩ là một số ý tưởng dựa trên mô hình này đã được chứng minh khá tốt. Trước khi Uber khởi sự người ta không nghĩ đến nó. Một trải nghiệm mới mẻ và mở rộng tầm mắt với nhiều người khi chạm vào một ứng dụng và có cái gì đó thực sự chuyển động trong thế giới thực. Giờ đây, sau bảy năm, người dùng sẽ kỳ vọng mức độ dịch vụ cao hơn nhiều, xe phải đến nhanh, hàng hóa cũng phải có liền. Ví dụ bây giờ, khách hàng đã thưởng thức đồ ăn ở nhà thay vì đến nhà hàng, và nó thay đổi cách con người sống. Nó cũng thay đổi kinh doanh thương mại điện tử.

Ví dụ với sản phẩm UberEATS, nhiều nhà hàng bây giờ không cần phải có cửa hàng nữa. Nếu bạn nấu đồ ăn ngon, khai thác trên không gian UberEATS, bạn không cần phải đầu tư vào mặt bằng bất động sản nữa, mà đầu tư thời gian, công sức vào tìm kiếm thêm đầu bếp, mở rộng bếp, sản xuất thêm đồ ăn, và như vậy sẽ hiệu quả và lợi nhuận hơn. Những trải nghiệm này sẽ tạo ra tác động tới đời sống con người khắp thế giới, vì chúng tôi có thể giúp con người làm những công việc cũ theo cách mới.

Forbes Việt Nam: Thách thức trong quá trình hiện thực hóa các tầm nhìn của Uber là gì?

Thuận Phạm: Thách thức là làm thế nào để tạo ra ý tưởng về sản phẩm mới, ví dụ UberEATS hoặc UberPool, làm cho các ý tưởng này thực sự hiệu quả trong thực tế với quy mô lớn.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hướng đến việc sử dụng công nghệ người máy, máy học để tạo ra sản phẩm công nghệ cao như xe tự hành và có thể giảm chi phí đi lại cho người sử dụng. Khi chúng ta bước vào kỷ nguyên đó, mức độ ảnh hưởng của chi phí và hiệu quả sẽ làm cho việc sử dụng dịch vụ di chuyển trở thành một cách sống. Ở thời điểm đó, con người sẽ không cần sở hữu xe nữa vì không còn hiệu quả về chi phí nữa. Khoảng 20 – 30 năm tới, chúng ta sẽ không cần biết lái xe nữa, thậm chí là không nên được phép lái xe vì những robot sẽ là tài xế giỏi hơn.

Forbes Việt Nam: Uber đang đối đầu với các đối thủ mạnh trên khắp thế giới vốn hiểu và giải quyết các vấn đề mang tính địa phương rất nhanh. Theo ông nói chung, ai sẽ là người chiến thắng cuối cùng?

Thuận Phạm: Tôi nghĩ mô hình kinh tế dựa theo nhu cầu này rất rộng, nó ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực chứ không chỉ là chia sẻ xe. Với một lĩnh vực quy mô toàn cầu thì sẽ có rất nhiều tên tuổi tham gia. Về cơ bản, tôi không tin rằng sẽ có một cái tên cụ thể nào ôm trọn được một thị trường nhất định. Từ quan sát của mình, ngay cả các ngành phát triển rồi như điện thoại di động thì cũng có các tên tuổi số 1,2,3. Và tôi nghĩ có cạnh tranh là điều rất lành mạnh.

Ví dụ ở Trung Quốc, Uber và đối thủ (Didi Chuxing, năm 2016 Uber đã bán mảng kinh doanh ở Trung Quốc cho Didi) cạnh tranh rất dữ dội, và cả hai buộc phải sáng tạo nhanh chóng, phải hạ giá thấp để cạnh tranh, và cuối cùng thì khách hàng là người hưởng lợi. Tôi nghĩ câu chuyện tương tự cũng xảy ra ở khắp thế giới. Công ty có sản phẩm hấp dẫn nhất, giá tốt nhất, đem lại trải nghiệm người dùng tốt nhất thì sẽ trở thành tên tuổi hi vọng là số 1 của thị trường, nhưng tôi tin rằng sẽ có số 2 và số 3. Thế giới không thích độc quyền vì điều đó không đem lại lợi ích cho khách hàng cho dù đó là bất kỳ sản phẩm nào.

Forbes Việt Nam: Với các doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên việc nắm bắt xu hướng về kinh tế dựa trên nhu cầu này, lời khuyên của ông cho họ là gì?

Thuận Phạm: Tôi nghĩ điều quan trọng là phải tìm ra liệu quy mô vấn đề mà họ muốn giải quyết đó có đủ lớn hay không trong nền kinh tế dựa trên nhu cầu. Vấn đề phải đủ lớn, vì nếu không bạn có thể có một doanh nghiệp khởi nghiệp thú vị nhưng có thể không có cơ hội để quy mô hóa nhằm tạo ra tác động. Đôi khi bạn có thể cung cấp sản phẩm phục vụ cho một thị trường rất ngách, và hoàn toàn có thể chấp nhận được khi bạn bán sản phẩm đó để trở thành một phần sản phẩm của một công ty lớn hơn. Không phải ai cũng IPO hay trở thành kỳ lân (công ty trị giá tỉ đô la Mỹ) hay siêu kỳ lân. Miễn là bạn giải quyết được vấn đề một cách ý nghĩa, hiệu quả, thì doanh nghiệp như thế hoàn toàn có thể được xem là thành công.

Forbes Việt Nam: Dịch vụ chia sẻ xe (car sharing) mà Uber tạo ra khi tới Việt Nam đã tạo ra nhiều thay đổi. Nhiều người đầu tư mua xe mới để chạy, chứ nó không hoàn toàn là xe được sử dụng khi rảnh rỗi. Ông nghĩ thế nào về thực tế này, và liệu nó có thay đổi trong tương lai không?

Thuận Phạm: Điều chúng tôi quan sát được trên thế giới là trải nghiệm sản phẩm mà chúng tôi đem lại thực sự tốt, thuận tiện cho người dùng và tài xế nên thực sự nó tạo ra cầu nhiều hơn. Nên tôi nghĩ chúng tôi thực sự tạo ra thị trường cho mình, vì chúng tôi tạo ra nhu cầu mà trước đó không tồn tại. Bây giờ nhìn lại thì bạn vẫn thấy có rất nhiều taxi vẫn chạy trên đường, tất nhiên việc làm ăn của họ có giảm sút, nhưng không phải vì Uber, mà vì sự thua sút về dịch vụ, xét về sự đáng tin cậy hay giá cả nên họ không cạnh tranh được. Vì chúng tôi cung cấp dịch vụ mà khách hàng thích nên nhiều người cuối cùng lại sử dụng dịch vụ nhiều hơn. Chúng tôi không cạnh tranh với taxi theo cách này. Thực tế, chúng tôi cạnh tranh về khía cạnh sở hữu xe. Những người có thể mua xe bây giờ quay sang mua dịch vụ đi xe. Thực tế, người đi xe là người có thể mua xe và phải đậu ở nơi nào đó. Nên có thể vì nhu cầu mà chúng tôi tạo ra tăng lên nên tạo ra cảm giác là chúng tôi gây tắc nghẽn đường thực tế. (Theo Uber Vietnam, chỉ có dưới 10% xe chạy cho Uber là xe mới.)

Forbes Việt Nam: Ông đã trải qua những thất bại nào?

Thuận Phạm: Rất nhiều thất bại. Trong những năm đầu tiên, tôi và đội kỹ sư của mình thất bại hằng tuần. Khi sản phẩm còn mới và ít kỹ sư, người dùng lại thích sản phẩm, dùng nhiều nên tăng trưởng quá nhanh so với khả năng kiểm soát của chúng tôi. Việc này khiến khách hàng giận dữ, dịch vụ ngắt quãng. Trong thời gian đầu, tôi phải chịu đựng rất nhiều, ví dụ ban đêm luôn để điện thoại sạc pin với chế độ chuông reo to nhất, trong trường hợp có gì khẩn cấp thì phải xử lý ngay. Ngay cả bây giờ cũng thế.
Bây giờ thì có những thất bại lớn hơn mà tôi nghĩ mình có trách nhiệm. Đó là khi chúng tôi phải tăng trưởng công ty quá nhanh, không có thời gian phát triển và đào tạo con người. Máy móc có thể làm việc cả ngày lẫn đêm, nhưng con người không quy mô hóa như máy móc được. Bạn phải nuôi dưỡng tổ chức. Và khi chúng tôi phải phát triển doanh nghiệp với tốc độ như vừa qua, đôi khi chúng tôi đã không đánh giá đúng mức tầm quan trọng của điều này.

Forbes Việt Nam: Ngoài tiếng chuông điện thoại bất chợt khiến ông tỉnh giấc vài lần trong đêm, điều gì khiến ông suy nghĩ nhiều nhất?

Thuận Phạm: Đó là những quyết định mà chúng tôi không đưa ra đúng lúc, kịp thời có thể tạo ra những thiệt hại không thể phục hồi được với nền tảng công nghệ của mình, và điều này có liên quan nhiều tới cấu trúc và thiết kế hệ thống. Ví dụ những năm đầu tiên chúng tôi dùng rất nhiều mã nguồn mở, nhanh, miễn phí, vì không có đủ kỹ sư. Nhưng khi quy mô kinh doanh lớn hơn rất nhiều kể cả về kích cỡ và sự phức tạp, những mã nguồn này có tuổi đời rất ngắn. Nếu chúng tôi không chú ý đúng mức trong thiết kế bộ khung công nghệ, chúng tôi sẽ đến điểm mà không có giải pháp về các vấn đề mình gặp phải. Nếu để công ty rơi vào điểm đó thì có thể gây ra thiệt hại không thể sửa đổi được, và tôi phải dự đoán trước được những điều này để ra quyết định. Chúng tôi cố gắng tránh gây ra các sự gián đoạn hay ảnh hưởng hoạt động trên quy mô toàn cầu. Những khoảnh khắc đó là thời điểm hãi hùng với tôi.

Forbes Việt Nam: Với những thay đổi về dàn lãnh đạo của Uber, trong đó có việc nhà sang lập và CEO Travis Kalanick từ chức sau các bê bối liên quan tới văn hóa và quản trị công ty, ông rút ra được gì từ chuyện này?

Thuận Phạm: Tôi nghĩ là trong kinh doanh cũng như bất kỳ lĩnh vực nào, chúng ta phải liên tục lưu tâm tới điều gì có thể hiệu quả, điều gì không, vì sao. Nên tôi nghĩ với thành công rất lớn trong những năm đầu tiên, khi mọi thứ ta động vào đều thành vàng, từ 36 thành phố lên tới hơn 600 thành phố trong vòng bốn năm, từ 30 ngàn chuyến xe mỗi ngày tới hơn 10 triệu chuyến mỗi ngày. Rồi trở thành công ty kỳ lân lớn nhất trong thời gian ngắn. Tất cả những thước đo đó khiến chúng tôi không để ý rằng mình đã thay đổi trên hành trình. Chúng tôi nhận ra những vấn đề mình gặp phải nhưng luôn tin rằng mình có thời gian để sửa chữa và chỉ cần chú tâm thì có thể giải quyết bất kỳ vấn đề nào. Nhưng thực tế là chúng tôi đã chậm trễ trong quá trình sửa đổi. Thế nên khi thành công nhanh chóng, hãy nhớ rằng cái gì đưa ta đến điểm thành công đó cũng có lúc gây hại nếu không thay đổi kịp thời và hiệu quả.
Thời gian đầu tiên chúng tôi tập trung vào quản trị theo phương thức trao quyền, phi trung tâm, để mọi người làm bất kỳ điều gì cần thiết để thắng, đưa các tính năng vào hoạt động ngay, có hiệu quả nhanh chóng, vì đó là thời gian mở rộng nhanh chóng, giành đất đai. Làm như vậy lúc đầu chứng tỏ được hiệu quả. Đến thời điểm gần đây, khi các đối thủ cạnh tranh có những sản phẩm và tính năng tương tự, chúng tôi phải hoạt động dựa vào sự hợp tác. Và chúng tôi đã hơi chậm trong việc nhận ra luồng gió thay đổi. Kết quả là chúng tôi có thay đổi nhưng hơi chậm.

Forbes Việt Nam: Ông hay so sánh quản lý cũng giống như parenting (công việc và kỹ năng làm cha mẹ). Ông có thể giải thích rõ hơn về việc này?

Thuận Phạm: Tôi thấy nó có nhiều điểm tương đồng. Tôi có con gái 11 tuổi. Parenting cũng như dạy học, điều tôi rất thích. Đó là việc chuyển giao kiến thức, hỗ trợ người khác phát triển. Người quản lý cũng phải giỏi nhiều kỹ năng khác, ví dụ như thúc đẩy, tạo ra đòn bẩy, phải đưa ra các sáng kiến mà biết rằng sẽ là thứ mà nhân viên muốn. Không phải là chuyện có sẵn “roi” và người ta sẽ làm gì bạn muốn, mà là mình có động cơ đúng. Tiếp đến là phải công bằng, không thể yêu đứa con này hơn đứa khác. Tạo môi trường mà người ta tin tưởng, công bằng để nhân viên phát triển.

Forbes Việt Nam: Điều gì là quan trọng và có ảnh hưởng lớn tới ông, tạo ra con người ông ngày nay?

Thuận Phạm: Trải nghiệm phải bắt đầu lại cuộc sống ở một nơi mới mà không có gì ngoài quần áo mặc hóa ra lại rất có giá trị khi tôi khởi nghiệp một thập kỷ sau đó. Khi bạn có niềm tin rằng ngay cả khi ta không có gì, mình vẫn có thể làm việc chăm chỉ để tạo ra cái gì đó có ý nghĩa. Điều này khiến bản thân tôi cảm thấy thoải mái khi khởi nghiệp. Nếu thất bại, bạn lại đứng dậy và làm lại từ đầu. Nên thất bại hay những thứ tương tự chẳng có ảnh hưởng đến tôi chút nào. Khi bạn có cơ hội làm việc chăm chỉ, rất nhiều điều có thể xảy ra. Tôi không tin rằng có cơ hội Uber khác trong cuộc đời mình. Nhưng nó có thành công hay không, thành công đến mức nào… không phải là vấn đề quan trọng, mà với tôi quan trọng là quãng đường đó tôi có đóng góp tích cực không, có làm việc hết mình không.

Forbes Việt Nam: Làm việc ở Silicon rất cạnh tranh nhưng là cơ hội tuyệt vời để làm với những người sáng dạ nhất. Còn điều gì nữa mà cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam nên biết về việc làm việc ở Silicon?

Thuận Phạm: Một điều hay ở Silicon mà tôi hi vọng cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam có thể sao chép là mô hình tập trung tài năng, và cơ hội để hỗ trợ các tài năng đó phát triển. Cụ thể là có nhiều hệ thống trường học tốt ở thung lũng Silicon. Vì có sự tập trung tài năng nên nó cũng thu hút cộng đồng đầu tư, họ có thể tài trợ tài chính hay ý tưởng, và tạo ra cơ hội để làm ra những sản phẩm tuyệt vời. Mô hình cho khởi nghiệp như thế cực kỳ thành công ở Silicon và đến nay tôi nghĩ ở Đông Nam Á thì Việt Nam cũng có thể làm như vậy vì cộng đồng khởi nghiệp rất sôi động.

Forbes Việt Nam: Chương tiếp theo trong sự nghiệp của ông sẽ là gì?

Thuận Phạm: Tôi yêu thích giảng dạy. Khi mình khép lại chương này của sự nghiệp vào thời điểm nào đó, tôi muốn thực hiện các khóa giảng dạy về kỹ năng lãnh đạo, để tôi có thể sử dụng kinh nghiệm và kiến thức của mình hỗ trợ thế hệ CEO tiếp theo, tránh lặp lại những lỗi mình đã mắc để phát triển nhanh hơn.

“Máy móc có thể làm việc cả ngày lẫn đêm, nhưng con người không quy mô hóa như máy móc được. Bạn phải nuôi dưỡng tổ chức.”

SƠ LƯỢC VỀ Thuận Phạm
•  Năm sinh 1969, đến Mỹ năm 10 tuổi.
•  Trở thành CTO Uber toàn cầu sau 30 tiếng phỏng vấn, trò chuyện, trao đổi, và cả tranh cãi với Travis Kalanick, đồng sáng lập và CEO Uber năm 2013.
•  Tốt nghiệp khoa học máy tính ĐH MIT. Các nơi từng làm việc: HP, Silicon Graphics, NetGravity, DoubleClick, VMware, Westbridge Technology.
•  Ông được quỹ Carnegie Corporation of New York tôn vinh là ‘Người di cư xuất sắc: niềm tự hào nước Mỹ năm 2016 (2016 Great Immigrants Honorees: The Pride of America.)

Bài phỏng vấn đã đăng trên Forbes Việt Nam số 51, tháng 8.2017. Mời xem bản đầy đủ trên tạp chí in.

Bản quyền Forbes Việt Nam.

Tác giả: Khổng Loan

Comments