Bức trần kính vô hình đã nứt nhưng chưa vỡ

Bài viết đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần, tháng 2.2017

Hillary Clinton đã không trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ. Bức trần kính – rào cản vô hình ngăn cản bước tiến – chờ một người phụ nữ đập vỡ khi bước lên đỉnh cao quyền lực nhất của quốc gia hùng mạnh nhất thế giới vẫn còn đó.

Dame Stephanie Shirley, 83 tuổi, là nữ doanh nhân công nghệ tiên phong của Anh vào đầu những năm 1960. Bà là người mở công ty chuyên về phần mềm ở thời không ai mua phần mềm, nhất lại từ một phụ nữ.  Vì muốn tạo ra cơ hội cho mình và những phụ nữ khác, Stephanie thuê lao động là nữ được đào tạo trong lĩnh vực phần mềm nhưng phải rời công việc khi lập gia đình, hay khi chuẩn bị có con. Công ty Freelance Programmers tiên phong đưa phụ nữ trở lại tham gia lực lượng lao động sau một thời gian nghỉ “giữa hiệp” sinh con. Bà tiên phong trong nhiều phương thức làm việc và điều hành, từ chia sẻ công việc, chia sẻ lợi nhuận và đồng sở hữu (chia là ¼ công ty cho nhân viên). Nhưng thời đó, bà không thể làm việc trên sàn chứng khoán, lái xe bus hay lái máy bay, mở tài khoản ngân hàng mà không được chồng cho phép. Thế hệ của bà phải đấu tranh để phụ nữ có quyền đi làm và quyền được trả lương tương đương với nam giới.

Không chỉ vậy, để có thể tham gia vào lĩnh vực kinh doanh phần mềm mới mẻ này, Stephanie, khi đó là một người mẹ có con bị tự kỷ, phải đổi tên thành “Steve” để tiếp cận khách hàng, trước khi ai đó nhận ra rằng bà là nữ chứ không phải nam để kịp từ chối. Chưa hết, khi bà bắt đầu, nam giới bình luận: “Thú vị đấy, nhưng công ty của bà chỉ tồn tại được vì nó nhỏ.” Rồi khi công ty phát triển, họ thừa nhận: “Đúng là có quy mô, nhưng chẳng thấy lợi ích chiến lược gì.” Rồi khi công ty được định giá hơn 3 tỉ USD và 70 nhân viên trở thành triệu phú, họ bình luận: “Làm tốt lắm, Steve!”

Stephanie, giờ chuyên tâm với thiện nguyện, đã tặng đi 135 triệu bảng Anh tài trợ các nghiên cứu và hoạt động trong lĩnh vực tự kỷ. Bà đã phá bỏ được rào cản vô hình ngăn mình tham gia vào lãnh địa của đàn ông. Bà chia sẻ hai bí mật để thành công: hãy ở bên cạnh những những người hạng ưu và những người bạn thích; và hãy chọn bạn đời cực kỳ cẩn trọng.

VÌ SAO GỌI NGƯỜI PHỤ NỮ THAM VỌNG LÀ MANG TÍNH XÚC PHẠM?

Kinh doanh là công việc khó khăn, đòi hỏi nguồn năng lực cực lớn, niềm tin vào bản thân, thái độ kiên định, lòng dũng cảm đôi khi rủi ro đánh đổi gia đình và tổ ấm, và cam kết dành toàn bộ thời gian. Stephanie có thể đã nghe rất nhiều người nhận xét bà là người phụ nữ tham vọng với hàm ý tiêu cực. Điều đáng nói là cho tới nay, thái độ của những người nhận xét “người phụ nữ tham vọng” cũng không tích cực hơn được bao nhiêu. Trên tờ Telegraph, tác giả Josephine Fairley viết rằng ngày nay, nhận định rằng “người phụ nữ thành công” là “người phụ nữ tham vọng” là mang tính xúc phạm.

“Nơi duy nhất chấp nhận để phụ nữ muốn chiến thắng là trên đường chạy của cuộc thi thể thao, chứ không phải là nơi làm việc.” Josephine viết. Khi ở tuổi 20, có người gọi Josephine là “người phụ nữ tham vọng nhất London” khi đó bà là tổng biên tập tạp chí trẻ nhất của nước Anh, khiến bà thấy tổn thương. Những người phụ nữ “bị” cho là “tham vọng” có thể kể tới như Madonna, Hillary Clinton và Margaret Thatcher. Trong một lần trả lời báo chí, Madonna nói “Tôi không hiểu rằng công khai tham vọng lại khiến người khác khó chịu đến thế.” Josephine viết: “Có một từ sai trong câu đó, thay vì “lại” thì nên là từ “tại sao”.

Với nam giới, người ta ngưỡng mộ đàn ông tham vọng, như Lord Alan Sugar, Boris Johnson, Sir Richard Branson. Với phụ nữ, tham vọng có nghĩa là khi họ leo lên nấc thang thành công, thì gia đình, bạn bè không phải là ưu tiên của cuộc đời họ. Phụ nữ mà lại có thể tự chủ và không cần giúp đỡ? Liệu đó chẳng phải là một khiếm khuyết về tính cách? “Tham vọng” của phụ nữ dưới góc nhìn của nhiều người là thế. Và “tham vọng” là khiếm khuyết về tính cách? . Vì sao Hillary Clinton luôn muốn trở thành tổng thống, đã dành cả đời để nhắm tới mục tiêu này lại bị xem là tiêu cực, còn Donald Trump cả đời có tham vọng lại được ngợi ca?

Thực tế, việc phụ nữ e dè không thừa nhận mình là người tham vọng là rào cản đối với họ và tạo ra bức trần kính vô hình. Trong lĩnh vực kinh doanh, dữ liệu khẳng định là phụ nữ lãnh đạo đem lại lợi nhuận tốt hơn cho các công ty. Các công ty khởi nghiệp ở Silicon Valley với ít nhất 1 nữ sáng lập có kết quả tốt hơn 65% so với công ty toàn nam lãnh đạo. Nhưng chỉ 4% công ty trong danh sách Fortune 500 là do phụ nữ lãnh đạo; nữ doanh nhân chỉ nhận được 19% đầu tư thiên thần, và ít hơn về đầu tư mạo hiểm. Nếu tính về kết quả như trên thì điều này đáng lý phải ngược lại.

Nghiên cứu do Sarah Thebaud và ĐH Princeton đã nhìn sâu hơn vào hệ sinh thái ảnh hưởng tới các doanh nhân. Cô thực hiện 3 nghiên cứu thử nghiệm ở Anh và Mỹ, và những người tham gia được yêu cầu đánh giá hồ sơ của 2 doanh nhân và quyết định đầu tư vào ai. Nghiên cứu  cho thấy giới tính là bất lợi của phụ nữ. Để được xem là có khả năng và đáng để đầu tư, người phụ nữ phải cực kỳ vượt trội, và xuất sắc về sáng kiến, trong khi nam giới thì không cần phải xuất sắc đến mức đấy.

Chỉ có 7/100 công ty hàng đầu trên sàn chứng khoán Anh năm 2016 do phụ nữ lãnh đạo. Luật trả lương bình đẳng của Anh đã được thông qua năm 1975 nhưng Diễn đàn kinh tế thế giới dự đoán phụ nữ sẽ được trả lương bình đẳng với nam giới sau 116 năm nữa, tức là năm 2133.  Thực tế, không có nơi nào trên thế giới phụ nữ và nam giới được trả thù lao bình đẳng. Theo nghiên cứu của Procurement Leaders, ở các vị trí điều hành doanh nghiệp, phụ nữ chỉ có 75% so với thu nhập của nam giới.

Các cơ hội vẫn có cho những người phụ nữ tham vọng muốn theo đuổi sự nghiệp. Nhưng chọn lựa con đường đó có thể khiến người phụ nữ phải hi sinh một số khía cạnh của cuộc sống. Nhiều phụ nữ chưa sẵn sàng làm điều đó. Nam giới trong khi đó không bị hạn chế, có thể leo lên nấc thang mà không phải đánh đổi cuộc sống riêng của mình.  Lĩnh vực quản lý đang thiếu những lãnh đạo nữ hiệu quả và đóng vai trò như hình mẫu để được noi theo. Điều này cũng biến các doanh nghiệp trở thành nạn nhân vì họ cũng không có nhiều lựa chọn cho các vị trí lãnh đạo, và có thể có ảnh hưởng về tài chính đối với doanh nghiệp. Không có sự đa dạng trong tư duy ở dàn lãnh đạo cao nhất, công ty có thể mất đi tính ưu thế cạnh tranh.

Trong lĩnh vực chính trị, năm 1979, Margaret Thatcher trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Anh và đảm nhận vị trí này trong hơn một thập kỷ. Mất 26 năm sau, Anh mới có nữ thủ tướng thứ 2, bà Theresa May. Họ đều là những phụ nữ cực kỳ thông minh, có khả năng tổ chức xuất sắc, cống hiến và kinh nghiệm. Nhưng nước Mỹ vẫn chưa sẵn sàng cho nữ thủ tướng đầu tiên, người mà xét về mọi phương diện đều không kém cạnh.  Có những phụ nữ rất quyền lực ở chính trị Mỹ từ thời Jeanette Rankin, người phụ nữ đầu tiên có ghế trong Thượng viện Mỹ nhưng từ đó đến nay mới có 299 người như vậy, và nữ chỉ chiếm 1/5 trong toàn bộ các đại diện. Mỗi một thế hệ mới lại phải đập bức trần kính tương tự như nhau.

Lịch sử ghi nhận phong trào phụ nữ ở Iceland đã tạo ra những bước ngoặt thu hút sự chú ý của thế giới. Năm 1975, 90% phụ nữ Iceland đã tổ chức cuộc tổng đình công để phản đối việc phụ nữ bị đánh giá thấp trong lao động và sản xuất. Cuộc bầu cử tổng thống năm 1980 đã thúc đẩy phong trào phụ nữ tham gia chính trị. Vigdís Finnbogadóttir trở thành phụ nữ đầu tiên trong lịch sử thế giới được bầu làm nguyên thủ quốc gia trong một cuộc bầu cử dân chủ, khi ấy bà là mẹ đơn thân đã ly dị.

Việc cổ vũ và hoan nghênh những người phụ nữ đã phá vỡ tấm trần kính vô hình là cực kỳ quan trọng, đặc biệt là trên quy mô quốc tế, vì nó ảnh hưởng và gợi cảm hứng cho rất nhiều người ở khắp mọi nơi. Nhưng tập trung vào bước tiếp theo cũng quan trọng không kém: làm cho mọi việc dễ dàng hơn để phụ nữ có thể đạt tới vị trí cao hơn trong công việc. Nếu cái giá để một phụ nữ vào được chính phủ hay có ghế trong hội đồng quản trị của các công ty trong danh sách Fortune 500 là cần phải trở thành siêu nhân ở mọi khía cạnh của đời sống thì việc mất cả ¼ thế kỷ mới có một người phụ nữ phá được thì cũng không ngạc nhiên.

Phụ nữ ngày này vẫn bị đánh giá dựa vào bề ngoài và thái độ ứng xử, trong muột khuôn mẫu rất hạn hẹp để được số đông chấp nhận nếu họ muốn tiến hơn. Dù tùy vào văn hóa có những khác biệt nhưng về cơ bản, bình diện chung là giống nhau. Nghĩa là họ phải có vẻ ngoài không mang sự đe dọa, hấp dẫn (nhưng không gợi dục), phù hợp với hoàn cảnh, và lại còn phải thông minh, có kiến thức, bình tĩnh và có lối tiếp cận trực tiếp (nhưng không ép buộc). Ngoài ra, thái độ sau sẽ có ích: người phụ nữ che giấu tham vọng của mình bằng việc tỏ ra sẵn sàng hỗ trợ làm việc là một phần vì lợi ích của “tập thể” cho tới khi họ trở nên không thể thay thế được đến mức người lãnh đạo phải để cho họ phụ trách, nếu không tập thể sẽ gặp khủng hoảng.

Khi tiếp xúc với một người đàn ông, người ta có xu hướng tìm kiếm sự lãnh đạo và hướng dẫn từ người đó. Với người phụ nữ, người ta tìm sự đồng hành và nuôi dưỡng, tức là kỳ vọng người phụ nữ thực hiện vai trò của người mẹ chứ không phải người lãnh đạo.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ THAY ĐỔI THIÊN KIẾN?

Những thiên kiến này hoạt động một cách vô thức. Ngay cả những người ra quyết định rằng sẽ đối xử với phụ nữ công bằng cũng có thể không ngăn được não của mình đột ngột có suy nghĩ khác khi họ thấy một phụ nữ có cách ứng xử khác với niềm tin xã hội, rằng phụ nữ phải tốt và mang tính dưỡng dục chăm bẵm người khác.

Khi các lãnh đạo tổ chức thấy những người nữ lãnh đạo có tiềm năng phát triển cao hơn nhưng đang gặp khó khăn, họ có thể hỗ trợ, thay vì để người kia “rơi tự do.” Điều này sẽ giúp tổ chức và chính lãnh đạo cao nhất của tổ chức đó.

Việc hỗ trợ phụ nữ đạt được đến vị trí lãnh đạo cao phải được tiếp tục cho tới khi việc nữ giữ nắm được quyền lực trở nên một chuyện thông thường, phổ biến, thì khuôn mẫu bắt đầu thay đổi. Nhưng cho tới khi nam giới và nữ giới đều thực thi những vai trò xã hội khác nhau ở cả nhà và cả nơi làm việc, thì chúng ta sẽ không bao giờ có thể hoàn toàn xóa bỏ được khuôn mẫu về giới khỏi trí óc mình.

Ngày 28.3.2015, Sandi Toksvig, ngôi sao truyền hình, chính trị gia, tác giả người Anh, đồng sáng lập đảng chính trị mới ở Anh có tên Women’s Equality Party (Đảng Bình đẳng giới cho phụ nữ). Sandi là người đồng tính nữ, hi vọng khắp thế giới sẽ bắt chước mô hình đảng của mình và vận động vì bình đẳng giới. Ý tưởng của bà ra đời tại Women of the World Festival (Liên hoan phụ nữ thế giới) với lời kêu gọi: “Đảng Bình đẳng giới cho phụ nữ cần bạn. Nhưng có thể không nhiều bằng bạn cần đảng Bình Đẳng Giới cho phụ nữ.” Tuyên ngôn mục tiêu của họ mở đầu bằng nhận định: “Bình đẳng cho phụ nữ không phải là vấn đề của phụ nữ. Khi phụ nữ sử dụng được tiềm năng của mình, mọi người đều có lợi. Bình đẳng đồng nghĩa với nền chính trị tốt hơn, nền kinh tế sôi động hơn, lực lượng lao động thu hút những tài năng từ toàn bộ nguồn lực dân số dân số quốc giá, và xã hội sẽ an bình hơn.” Họ hoạt động vì 6 mục tiêu: Có sự hiện diện bình đẳng trong chính trị, kinh doanh, giáo dục; Có thù lao bình đẳng với nam giới; Phụ nữ được đối xử bình đẳng trong truyền thông và bởi truyền thông; Bình đẳng về quyền giáo dục con cái; Chấm dứt bạo lực chống lại phụ nữ.

Dame Stephanie Shirley nhận xét rằng so với thời của bà, phụ nữ ngày này chẳng có gì phải phàn nàn, vì các vướng mắc về luật đã được tháo bỏ; và việc phụ nữ thấy miễn cưỡng đấu tranh tại nơi làm việc để có được cái mình xứng đáng có mới là vấn đề thực sự. “Một phần vì phụ nữ không muốn trả giá cho chi phí để thành công…Chi phí sức khỏe, gia đình, và cuộc sống có thể cực kỳ lớn.”

“Nhiều phụ nữ không muốn trả giá để đạt được thành công, và tôi cũng hiểu điều đó; họ có lựa chọn của mình. Nhưng họ không nên phàn nàn; hoặc bạn tin vào bình đẳng hoặc bạn không. Tôi thì chắc chắn là tin rồi.”

Trong cuốn Những kẻ xuất chúng (Outliers), Malcolm Gladwell viết ra những phẩm chất chung cho những người cực kỳ thành công, một trong số đó là họ dành nhiều năm để mài dũa chuyên môn của mình. Từ Beatles tới Bill Gates, đều dành trung bình 10 ngàn giờ (tức là 2 năm, mỗi ngày 12 tiếng làm việc) để nghiên cứu, thực hành công việc rồi họ sẽ thành công. Khi Hillary Clinton được đảng Dân chủ đề cử làm ứng viên tổng thống, hàng tỉ phụ nữ trên thế giới biết là bức trần kính đã bị nứt. Bà nói: “Tôi không thể tin được chúng ta đã cùng nhau đập nứt một miếng lớn trên bức trần kính.” Giờ đây,  hơn 50% hồ sơ xin học đại học ở phương Tây là nữ. Đã đến lúc phụ nữ chia sẻ những bài học để trong vòng 25 năm nữa, sẽ có những người đứng ở trên đỉnh và đập vỡ bức trần kính vô hình bức chặn đường tiến thân, để người phụ nữ có thể với tới mục tiêu mà họ đã thấy từ lâu trước mắt

Bài viết đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần, tháng 2.2017

Comments