Đấu giá nghệ thuật ở Việt Nam

Bài viết đăng trên Forbes Việt Nam số 50, tháng 7.2017. Xin mời xem bản đầy đủ trên báo in.

Bản quyền: Forbes Việt Nam

Tác giả: Khổng Loan

Cuối tuần tháng 5.2017, gần 100 người tụ tập trong căn phòng ấm cúng ở Hôtel des Arts Saigon, khách sạn ở trung tâm TP.HCM. Sau khi thưởng ngoạn tranh của danh họa như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Lưu Công Nhân… họ tham dự phiên đấu giá lần thứ hai do nhà đấu giá Lý Thị (LYTHI Auction) tổ chức, với 18 bức tranh. Bức Buổi hoàng hôn rực rỡ của Văn Đen, giáo sư trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn trước 1975, được đấu giá thành công ở mức 19 ngàn đô la Mỹ. Ở phiên đầu tiên của Lý Thị vào cuối tháng 12 năm ngoái, tác phẩm được bán với giá cao nhất là bức Mẫu đơn đỏ của Lê Phổ (40 ngàn đô la Mỹ).

Cũng trong khoảng thời gian đó, ở Hà Nội, nhà đấu giá nghệ thuật Chọn’s tổ chức phiên đấu giá thứ ba, với 35 tác phẩm. Trong số 24 tác phẩm được đấu giá thành công, bức có giá bán cao nhất là Bán trừu tượng của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, với giá sáu ngàn đô la Mỹ. Trong phiên đấu giá thứ hai vào tháng 3.2017, bức tranh Cô gái thỏ của họa sĩ Nguyễn Phan Bách, 41 tuổi, được bán giá 25 ngàn đô la Mỹ.

Các tác phẩm của họa sĩ Việt Nam lâu nay vẫn được bán đấu giá tại các nhà đấu giá nước ngoài như Christie’s hay Sotheby’s, với các bức họa của các tên tuổi nổi tiếng thời mỹ thuật Đông Dương như Lê Phổ, Nguyễn Gia Trí, hay Phạm Hậu, Trần Lưu Hậu… Một năm trở lại đây, các tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ Việt Nam bắt đầu xuất hiện tại các phiên đấu giá thương mại tổ chức trong nước của Lý Thị và Chọn’s. Nếu Lý Thị có xu hướng chọn các tác phẩm chủ yếu có giá cao thì Chọn’s thiên về các tác phẩm có giá “mềm” hơn. Việc lần đầu tiên ở Việt Nam có nhà bán đấu giá mỹ thuật theo hướng thương mại sẽ thúc đẩy thị trường thứ cấp, mắt xích quan trọng trong quá trình hình thành thị trường mỹ thuật đúng nghĩa.

“Khi mua tác phẩm nghệ thuật, từ sưu tầm để làm sang, để lưu giữ, đến mua đi bán lại, thì khâu cuối cùng mới là phần quan trọng để hình thành thị trường,” họa sĩ, nhà phê bình nghệ thuật, nhà nghiên cứu Nguyễn Quân cho biết trong trao đổi với Forbes Việt Nam.

Thị trường tranh Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào người nước ngoài trong thời điểm những năm 1990 và đầu năm 2000, khi người nước ngoài đến tìm mua những tác phẩm quý hiếm của Việt Nam với giá rẻ. Hàng loạt các gallery ra đời, bán cả tranh thật và tranh nhái; tranh chép, tranh gian cũng rất nhiều. Điều này dẫn tới thị trường mất uy tín, và khi kinh tế suy thoái, lượng khách nước ngoài quan tâm tới tranh và sẵn sàng chi tiền đã sụt giảm hẳn, trong khi lượng khách trong nước rất ít đã khiến một loạt gallery đóng cửa. Thị trường mỹ thuật trở nên trầm lắng, co cụm, mất niềm tin cho tới vài năm gần đây mới có một vài tín hiệu tích cực, trong đó có sự ra đời của nhà đấu giá nghệ thuật thương mại.

Chọn’s ra mắt tháng 2.2017, Lý Thị ra mắt vào tháng 12.2016, trong bối cảnh có những người Việt đến tham dự các phiên đấu giá quốc tế và mang được tranh của người Việt Nam về Việt Nam còn ít, có thể kể đến như nhà sưu tập Nguyễn Minh, Bùi Quốc Chí, Lan Hương, Lê Thái Sơn (qua đời năm 2012). Hướng tới hoạt động theo mô hình của các nhà đấu giá thế giới, Vũ Tuấn Anh, 37 tuổi, đồng sáng lập Chọn’s và giám đốc điều hành của Chọn’s cho biết họ sẽ tổ chức 12 phiên đấu giá định kỳ trong năm vào lúc 18h các ngày chủ nhật cuối cùng mỗi tháng, kèm các dịch vụ như tư vấn đầu tư tác phẩm nghệ thuật, tư vấn mỹ thuật, các khóa học liên quan tới nghệ thuật và đầu tư nghệ thuật, định giá các tác phẩm nghệ thuật. “Chúng tôi muốn góp phần tạo ra thị trường thứ cấp về nghệ thuật để hình thành thị trường mỹ thuật hoàn chỉnh,” Tuấn Anh cho biết.

Mô hình đấu giá nghệ thuật qua các nhà đấu giá xuất hiện trên thế giới từ cách nay khoảng ba trăm năm, như Sotheby’s là 273 năm, Christie’s là 251 năm. Các nhà đấu giá lớn đều có hệ thống giúp người mua có thể trực tiếp đấu giá từ khắp nơi trên thế giới, cũng như các dịch vụ tư vấn, tài chính đi kèm. Châu Á đang là thị trường hấp dẫn với các nhà đấu giá. Tổng doanh số ở châu Á năm 2016 của Christie’s là khoảng 1,6 tỉ đô la Mỹ, tăng so với 734 triệu đô la Mỹ năm 2015, chiếm 31% doanh số toàn cầu của Christie’s. Jussi Pylkkänen, chủ tịch toàn cầu của Christie’s, cho biết trên tờ Post Magazine: những người đấu giá từ Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung đang là “năng lượng” trên thị trường hiện nay, và mối quan tâm và khát khao sở hữu của họ đang vượt quá nguồn cung trên thị trường.

Vũ Tuấn Anh nhìn nhận thị trường nghệ thuật ở Việt Nam đầy tiềm năng, thể hiện rõ nhất là một số tác phẩm thời Đông Dương được đấu giá ở nước ngoài với giá vượt mức một triệu đô la Mỹ như bức Đời sống gia đình (Family Life) của Lê Phổ được bán với giá hơn 1,1 triệu đô la Mỹ tại Sotheby’s đầu tháng 4.2017. Khách hàng đến dự ba phiên đấu giá của Chọn’s ở Hà Nội là vài trăm lượt khách, trong đó có 1/3 là giới đầu tư nghệ thuật, còn lại là những người có điều kiện tài chính ở mức khá, yêu thích mỹ thuật hoặc mong muốn tìm hiểu mỹ thuật. Ở thời điểm hiện tại, theo Tuấn Anh, các tác phẩm của các danh họa thời mỹ thuật Đông Dương và các tên tuổi thời kháng chiến đang được giới đầu tư săn đón nhiều nhất. Anh giải thích: “Đây là các tác giả thuộc những khóa đầu của trường Mỹ thuật Đông Dương danh tiếng do người Pháp xây dựng và giảng dạy tại Việt Nam từ năm 1925. Các tác phẩm của họ thường đem lại giá trị lợi nhuận cao và được đấu với giá rất cao tại các sàn đấu giá thế giới.”

Đầu tư vào nghệ thuật là một lĩnh vực lâu đời, nhiều rủi ro như khó khăn trong định giá tác phẩm, thiếu tính thanh khoản, chi phí giao dịch cao, và sự thất thường của thị trường. Nhưng Việt Nam đang chứng kiến những người trẻ tuổi hơn bắt đầu quan tâm tới tranh. Craig Thomas, chủ phòng tranh cùng tên ở TP.HCM, nơi tập trung vào tìm kiếm và giới thiệu các nghệ sĩ trẻ đương đại của Việt Nam, cho biết các khách hàng của mình (khoảng 80% là người Việt Nam) ngày càng trẻ. “Rất hiếm người tầm 50-60 tuổi trở lên. Họ có sự hiểu biết về tác giả và tác phẩm khi đến mua,” ông nói. Thomas cho biết cho dù chưa có khách hàng nào hỏi ông tư vấn tác phẩm để đầu tư, nhưng ông nhận định, theo đà hiện nay, khi khách hàng mua nhiều hơn, trong khoảng thời gian 5 – 10 năm nữa, thì thị trường sẽ cải thiện và giá tranh sẽ tăng. Ở thời điểm này, khi thị trường nhỏ, sơ khai, “các tác phẩm đang bị định giá thấp,” Thomas nói với Forbes Việt Nam.

Họa sĩ Nguyễn Quân cho rằng chỉ khi có các giao dịch công khai và thường xuyên của các nhà sở hữu tranh thì mới đẩy giá tranh lên, như thực tế đã xảy ra ở Trung Quốc. Theo ông thì giá tranh Trung Quốc hiện đã ở mức “cao chót vót” khiến Tây theo “không kịp.” Việc tập trung vào phát triển thị trường trong nước như vậy cũng đang được giới nghệ thuật Indonesia thực hiện. Mấy năm trước, hội các nhà sưu tầm Indonesia đã bác ý định tổ chức triển lãm tranh của Nguyễn Quân tại Jarkata của một nhà sưu tập bán tranh, với lý do “họ chỉ mua các tác giả Indonesia thôi.” “Chiến lược của Indonesia cũng giúp cho giá tranh Indonesia đang lên vì thị trường nội địa bùng nổ,” ông Quân, 68 tuổi, cho biết.

Dưới góc nhìn khác, giám tuyển Zoe Butt, giám đốc nghệ thuật tại trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory ở quận 2, TP.HCM, cho rằng Việt Nam đang thiếu mảng phê bình nghệ thuật, để cung cấp cho công chúng, trong đó có cả người đầu tư, những nhận định, tham chiếu về nghệ sĩ và tác phẩm của họ trong tương quan với các nghệ sĩ, tác phẩm khác trong nước, khu vực và quốc tế, từ đó có thể giúp xác định giá tác phẩm hợp lý.

Thế hệ các nhà sưu tập nghệ thuật mới ở Việt Nam đang nổi lên những người có công việc chủ yếu trong ngành tài chính, các doanh nhân giàu có. Có những người dành một phần lợi nhuận nhất định hằng năm để phục vụ cho nhu cầu tinh thần, trong đó có việc mua và sở hữu tranh. Họ không có quan hệ gia tộc, bạn bè với các họa sĩ như những nhà sưu tập thế hệ tiền bối, hoàn toàn lý trí, ý chí và theo cảm hứng. “Thế hệ này nhìn mỹ thuật như kênh đầu tư thực thụ trong tương quan tài chính mình làm ra, với các mục tiêu như miễn thuế giảm thuế (sau này), hay tái đầu tư, xây dựng hình ảnh bản thân, bên cạnh mong muốn giành và giữ một phần thẩm mỹ, sự sáng tạo… như niềm tự hào,” Văn Bảy, nhà báo chuyên theo dõi mảng nghệ thuật, đặc biệt là tranh, từ 20 năm nay, và có hiểu biết sâu về thị trường này tại Việt Nam, nhận định. Theo anh quan sát, ở Việt Nam đang có khoảng 20 người giàu tự thân và độc lập về tài chính đang sưu tập tranh theo mục tiêu như vậy. “Rất ít người trong số họ có thời gian tìm hiểu trước về các họa sĩ hay tác phẩm, nhưng họ có đam mê và ý chí,” anh cho biết. Những người này cũng chủ yếu mua tranh vào chứ chưa bán ra, và chủ yếu mua qua đại lý.

Vậy mua trực tiếp từ họa sĩ sẽ rẻ hơn hay mắc hơn? Văn Bảy, người đã tham gia nhiều phiên đấu giá ở nước ngoài và mang được tranh về Việt Nam, cho biết, trong khi các nhà đấu giá chỉ nhận hoa hồng khi phiên đấu thành công, thì với các nhà sưu tập thực thụ, họ quan tâm tới thị trường công khai hơn, và nhà đấu giá giúp cho giao dịch trở nên công khai và minh bạch hơn, tranh giả khó có cơ hội được bán hơn. “Với các giao dịch ngầm sẽ rất khó để có thể nâng giá trị, khó có sự bảo đảm về tính nguyên bản hay nhiều vấn đề khác,” anh nói. Vai trò của các nhà đấu giá giúp cho con đường đi của các bức tranh được dễ hơn, và từ đó, cơ hội kiếm lợi nhuận của các nhà sưu tập cao hơn. Chọn’s hiện lấy phí giao dịch 20% phía ký gửi và 10% phía đấu giá thành công, trong khi Lý Thị  lấy ở mức 16,5% và 11%. Anna Lý Bích Ngọc, 30 tuổi, người từng làm sáu năm tại phòng tranh 333 ở Bangkok và hiện là giám đốc điều hành Lý Thị cho biết mình chưa bao giờ thuyết phục người mua đầu tư tranh. “Người có nhu cầu tự họ sẽ mua.”

Bà Đỗ Tú Anh, người hoạt động lâu năm trong ngành tài chính tại Việt Nam, đã bắt đầu mua tranh và sưu tầm tranh của các họa sĩ Việt Nam từ cách nay khoảng 20 năm, và chưa từng bán ra. Bà là người dành thời gian cho đam mê của mình, từ việc tự nghiên cứu các họa sĩ, liên tục đến thăm các studio, gallery, các bảo tàng hàng đầu trên thế giới. Dù chưa từng đến dự phiên đấu giá nào ở Việt Nam, bà dự báo sẽ đến thời điểm các nhà sưu tập của Việt Nam mang bộ sưu tập của mình ra nhà đấu giá khi họ muốn hoán đổi danh mục sưu tập hoặc tìm kiếm lợi nhuận cho các khoản đầu tư trước đây. Một lợi thế của nhà đấu giá, theo bà Tú Anh, là giúp người ký gửi tác phẩm không cần phải lộ thân thế nếu họ không muốn.

“Việc họ mua bán tranh quan trọng hơn việc họ có yêu nghệ thuật hay không. Người bán quần áo không cần yêu thời trang, bán iPhone không cần mê IT. Tôi thấy họ đang dần dần bớt nghiệp dư để chuyên nghiệp hơn, rất đáng mừng,” nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân nói về những người đầu tư vào nghệ thuật.

Thách thức của đầu tư vào nghệ thuật

Forbes Việt Nam hỏi giám tuyển Zoe Butt, giám đốc nghệ thuật của trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory tại TP.HCM.

Forbes Việt Nam: Với những người mới bắt đầu quan tâm tới cơ hội trong lĩnh vực đầu tư vào nghệ thuật, họ nên làm thế nào?

Zoe Butt: Không phải là bạn cứ có tiền mua tác phẩm mình thích rồi hy vọng nó có thể tăng giá trong tương lai. Chuyện đó rất khó xảy ra. Như bất kỳ một khoản đầu tư nào, bạn luôn cần tìm hiểu kỹ, so sánh tác giả, tác phẩm, giá… Nếu không có thời gian thì có thể trả tiền để ai đó nghiên cứu giúp cho mình. Đừng mua tác phẩm của một người nghệ sĩ vì thấy người khác cũng mua.

Forbes Việt Nam: Thế nào là một nghệ sĩ đáng được lưu ý?
Zoe Butt: Dưới góc nhìn của giám tuyển thì đó là mức độ thử nghiệm của người nghệ sĩ với ý tưởng và chất liệu sáng tác của họ; các ý tưởng và chất liệu đó thể hiện thời đại họ sống như thế nào, mối tương quan với cộng đồng của họ, nghệ sĩ đó tham gia, thảo luận, chia sẻ… như thế nào trong cộng đồng của họ. Nghệ sĩ đó được cộng đồng của mình nhìn nhận thế nào, trân trọng ra sao.
Forbes Việt Nam: Làm thế nào để các nghệ sĩ có thể tăng giá trị tác phẩm của mình?
Zoe Butt: Điều cốt yếu là hãy mài giũa ý tưởng, và chắc chắn rằng nó có quan hệ gắn chặt với chất liệu và kỹ thuật mình sử dụng. Cách thực hành nghệ thuật (phong cách, hình dạng, nội dung) phải có dấu ấn đặc trưng rõ nét (nghĩa là nó phải có yếu tố độc đáo và có mối tương quan thời đại mà người nghệ sĩ đang sống). Đây là cách tốt nhất để tăng giá trị tác phẩm nghệ thuật của người nghệ sĩ xét về danh tiếng và giá cả. Ngoài ra, việc tác phẩm tham gia triển lãm đang là hệ thống đánh giá giá trị trong nghệ thuật. Càng tham gia nhiều triển lãm có chất lượng thì sự nghiệp của nghệ sĩ càng được kỳ vọng sẽ phát triển. Bên cạnh đó, các tác phẩm, ý tưởng thực hiện cũng cần được phản biện, phân tích, phê bình, đánh giá qua các bài nghiên cứu, báo chí.

Bài viết đăng trên Forbes Việt Nam số 50, tháng 7.2017. Xin mời xem bản đầy đủ trên báo in.

Bản quyền: Forbes Việt Nam

Tác giả: Khổng Loan

Comments