Khai phá biên giới mới trong điện ảnh

©Forbes Việt Nam số 45, tháng 2.2017

Hai năm qua là quãng thời gian bà Ngô Thị Bích Hạnh, phó chủ tịch công ty TNHH Bình Hạnh Đan (BHD) cảm thấy mình học được nhiều nhất trong cuộc đời. Đó là khi công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và phát hành phim điện ảnh, phim series, các chương trình giải trí hàng đầu Việt Nam này đẩy mạnh đầu tư vào mảng kỹ thuật số, trong đó tốn kém kinh phí và công sức nhất là dịch vụ xem phim theo yêu cầu (Video on demand – VOD) có bản quyền chính thức của BHD, ứng dụng DANET mà bà Hạnh phụ trách. Môi trường kỹ thuật số đòi hỏi sự trẻ trung ở cả trái tim lẫn khối óc và sức chịu đựng được áp lực, một thách thức lớn với người ở tuổi 45, và lâu nay quen thuộc kinh doanh ở môi trường ngoài Internet như bà Hạnh.

Ở thị trường có dân số trẻ và tỉ lệ sử dụng di động ngày càng cao ở Việt Nam, các công ty truyền thông và giải trí đang cố gắng dịch chuyển mô hình để phục vụ khán giả trên mạng Internet. Nhưng kinh doanh dịch vụ VOD với những người tiên phong tại thị trường đang phát triển là một bài toán nan giải. Ở đây chưa có thói quen trả tiền để xem nội dung trên mạng trong khi vấn đề chống vi phạm bản quyền vẫn còn là một vùng xám chưa rõ ràng. Dù vậy, cả BHD và  công ty  Fim+ (thành viên công ty sản xuất phim Galaxy, với ứng dụng Fim+) đang đầu tư mạnh để thuyết phục người xem, trong lúc tên tuổi khổng lồ quốc tế Netflix đặt bước chân đầu tiên ở Việt Nam.

Các xu hướng công nghệ như mạng truy cập tốc độ cao, thực tế ảo, kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo và học máy, truyền dẫn trực tiếp trên mạng (live streaming), cung ứng theo yêu cầu (everything on demand), dữ liệu lớn (big data) và điện toán đám mây (cloud computing)… đang tạo ra những thay đổi nhanh chóng trong lĩnh vực giải trí và truyền thông. BHD từ chối tiết lộ tổng số tiền họ đầu tư cho DANET trong sáu năm qua, kể từ khi có ý tưởng. Nguồn tin từ công ty cho biết, đây là sản phẩm được đầu tư nhiều nhất từ trước tới nay của BHD.

Còn Lương Công Hiếu, CEO của Fim+, cho biết VOD có bản quyền không phải là “lĩnh vực dành cho người có ít tiền,” và đưa ra mức đầu tư từ 10 – 100 triệu đô la Mỹ. “Cứ 100 ngàn khách hàng dùng thì phải đầu tư một triệu đô la Mỹ cho hai địa điểm đặt server,” anh nói. Hiếu cho biết thêm, ở thị trường Việt Nam, Galaxy chưa biết sẽ cần đầu tư bao nhiêu vì thị trường còn quá mới.
Cả BHD và Fim+ đều không tiết lộ số người dùng hiện tại.

“Thị trường đang là con số 0,” bà Hạnh thừa nhận, và lý giải nguyên nhân BHD đầu tư vào DANET:

“Tôi nghĩ mình phải làm, vì xuất phát của BHD là công ty làm về nội dung. Nhìn từ phía nhà sản xuất và phát hành thì đây là xu hướng tất yếu.”

Mỗi năm công ty sản xuất khoảng 1.000 giờ các chương trình giải trí, cùng phim series cho các đài truyền hình ở Việt Nam và các phim chiếu rạp và nhập phim và các chương trình truyền hình nước ngoài. Là công ty chuyên kinh doanh về nội dung, BHD vừa nhìn thấy thị trường tương lai, vừa ở thế bắt buộc phải làm để bảo vệ tài sản của mình.

Ở thị trường đã phát triển, nguồn thu của một bộ phim rất đa dạng, trong đó nguồn thu rạp chiếu chỉ chiếm 35%, phát hành qua DVD/VOD mang về 45%, TV mang về 25%. Ở Việt Nam, doanh thu các bộ phim điện ảnh chủ yếu là từ chiếu rạp, và gần đây là TV với sự hợp tác của K+, gần như không có nguồn thu từ DVD và VOD.

Galaxy là nhà sản xuất và phát hành phim lớn ở Việt Nam. Sau 12 năm hoạt động, họ đang có nhiều tài sản trong lĩnh vực phim ảnh. Mỗi năm, Galaxy mua bản quyền của khoảng 50% số lượng phim Việt Nam ra rạp cộng với sở hữu kho phim lớn đã sản xuất. “Chúng tôi muốn phát triển mảng kinh doanh từ rạp chiếu lên mạng, đưa vào khai thác các tài sản mình vốn dĩ đã sở hữu từ trước tới nay,” Hiếu, người đến Fim+ từ FPT Online cách nay ba năm, cho biết.

Tại hội thảo về “Môi trường giải trí trực tuyến lành mạnh, an toàn – giải trí sạch” tháng 11.2016, ông John Medeiros, Chủ tịch Phụ trách mảng Chính sách của Hiệp hội Truyền hình trả tiền Châu Á Thái Bình Dương (CASBAA) cho biết tại thị trường Mỹ, ước tính doanh thu quảng cáo của các website vi phạm bản quyền tác giả lên tới 227 triệu đô la Mỹ/ năm. Trong đó, năm 2013, 30 website lớn nhất kiếm được trung bình 4,4 triệu đô la Mỹ/năm.

Ngay cả những website nhỏ cũng kiếm được khoảng 100 ngàn đô la Mỹ. Biên lợi nhuận từ 80% đến 94%. Đây là một nguyên nhân khiến gia tăng tỉ lệ ăn cắp bản quyền.

Theo số liệu của CASBAA, 39% quảng cáo trên các trang web lậu ở Việt Nam là các sản phẩm quảng cáo hàng hóa và dịch vụ bất hợp pháp. Một số trang web sử dụng phim không bản quyền ở Việt Nam vẫn thu tiền người xem, bên cạnh nguồn thu chủ yếu từ quảng cáo. Sau khi một số thương hiệu lớn bị bêu tên vì chạy quảng cáo bên cạnh các nội dung không có bản quyền, BHD và Galaxy nhìn thấy cơ hội cho mình. “Nhu cầu của thị trường là có, chỉ là chưa có ai đáp ứng và đưa nó về đúng quỹ đạo, theo chuẩn mực của thế giới,” Hiếu cho biết.

Netflix là một tên tuổi lớn nhất trên thế giới về mảng VOD, nhưng hai cổng xem phim có bản quyền của Việt Nam lại có lợi thế hơn nhờ nội dung mang tính địa phương và sự am hiểu gu, văn hóa của thị trường Việt Nam. Các phim được sản xuất riêng để phát trên Netflix rất nổi tiếng thế giới như House of Cards, Daredevil hay Breaking Bad không dễ tiếp cận số đông người xem Việt Nam vì văn hóa khác biệt, và phim lẻ trên Netflix cũng ít có phụ đề tiếng Việt.

Nếu nhìn vào con số các quốc gia và vùng lãnh thổ mà Netflix có thể cung cấp  dịch vụ, dễ cho rằng nội dung đang ngày càng trở nên đồng nhất toàn cầu, nhưng thực tế là nội dung đang được tái định hình cùng lúc bởi cả sức mạnh của toàn cầu hóa và địa phương hóa. Netflix cho rằng các nội dung được sản xuất mang tính địa phương mới là tương lai của mình. Cả Netflix hay DANET, Fim+ đều chưa có đủ dữ liệu người dùng để hướng tới các dịch vụ nâng cao nhờ dữ liệu lớn, và giờ đây họ cùng chạy đua để có được càng nhiều khách hàng trong thời gian ngắn nhất càng tốt.

Trong thời đại kỹ thuật số, thách thức với những công ty như BHD hay Galaxy là vừa phải có nội dung tốt, vừa có mạng lưới phát hành tốt và nội dung chuyên biệt cho khách hàng xem trên môi trường Internet. Fim+ chính thức ra đời vào ngày 18.1.2016, năm ngày sau khi Netflix công bố cung cấp dịch vụ cho người xem ở Việt Nam với mức giá tương tự như thuê bao nước ngoài (thấp nhất là 180 ngàn đồng/tháng.)

Cả BHD và Fim+ đều đang đưa ra giá thấp hơn đáng kể so với Netflix, 50 ngàn đồng/tháng để tiếp cận kho phim không giới hạn, và thuê phim lẻ (mới hơn, cùng thời gian với Mỹ) với giá 12 ngàn – 28 ngàn đồng/phim để được xem trong thời gian giới hạn.

Vì sao số tiền thuê tháng lại chỉ tương đương với một tô phở bán trong các khu mua sắm? Cả DANET và Fim+ đều kỳ vọng sau khi đưa giá đến mức thấp nhất có thể để thay đổi hành vi thị trường, khách hàng sẽ khó từ chối, kể cả cho những người có thu nhập trung bình. “Giải trí là dành cho số đông, và phải hướng tới số đông,” bà Hạnh cho biết.

Bên cạnh ráo riết đầu tư vào nội dung và công nghệ phục vụ người xem trên  kênh online, ở kênh phân phối rạp chiếu, các tên tuổi lớn nhất cũng đang chạy đua đầu tư phát triển hệ thống, nâng cấp dịch vụ và tạo ra các sản phẩm độc đáo để hút khách. Hóa ra Internet không hề giết chết các rạp chiếu như người ta từng lo ngại, mà thực tế là “ai cũng có phần của mình.”

CGV – một tên tuổi lớn về kinh doanh điện ảnh đến từ Hàn Quốc – vừa khai trương thêm mộ ttổ hợp giải trí lớn của họ tại Việt Nam với nhiều công nghệ hiện đại tại đường Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình, TP.HCM) theo phong cách kiến trúc công nghiệp. Đây là nơi duy nhất tại Việt Nam có phòng chiếu L’amour (Tình yêu) gồm 12 giường nằm (600 ngàn đồng/giường) cho 24 người xem cùng lúc, bên cạnh các rạp IMAX (CGV độc quyền ở Việt Nam), hay phòng chờ dành riêng cho khách mua vé GoldClass (300 ngàn đồng/vé).

CGV cũng đang biến các phòng chiếu của mình thành địa điểm tổ chức sự kiện hay các đợt ra mắt MV của các ca sĩ. Lưu Tuyết Hoa, phụ trách cụm rạp ở đây, cho biết mỗi ngày nơi đây đón khoảng vài trăm khách, và cuối tuần thì khoảng 1.000 khách.

Các nguồn tin trong lĩnh vực này cho Forbes Việt Nam biết trung bình đầu tư một cụm rạp từ 3 – 5 triệu đô la Mỹ. CGV đang là nhà đầu tư lớn nhất vào thị trường kinh doanh rạp chiếu ở Việt Nam, với hơn 150 triệu đô la Mỹ sau 10 năm hoạt động tại Việt Nam.

Mỗi năm, CGV dự kiến đầu tư mở thêm 14 cụm rạp mới. Ông Dong Won Kwak, tổng giám đốc CJ CGV Việt Nam trong email trả lời phỏng vấn Forbes Việt Nam cho biết năm 2015, tổng doanh thu tại thị trường Việt Nam đạt khoảng 105 triệu đô la Mỹ, gồm cả phim Việt và phim nước ngoài.

Năm 2016, con số này ước tính khoảng 125 triệu đô la Mỹ. Dù năm 2016 được đánh giá là một năm thất bát của phim Việt Nam, xét về doanh thu (hơn 60 phim phát hành, nhưng chỉ có khoảng 10 phim có lời), thị trường phim của Việt Nam đang tăng trưởng rất tốt, khoảng 30%.

Không chỉ CGV, cả BHD, Galaxy, Lotte Cinema và một số tên tuổi khác đều tiếp tục đầu tư phát triển các rạp. BHD vừa đưa vào hoạt động cụm rạp được nâng cấp ở Vincom Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội), nhằm đáp ứng nhu cầu luôn cần sự mới lạ của thị trường chứ không chỉ dừng lại ở cảm giác “thoải mái” như phiên bản 1 ở TP.HCM và vẫn giữ nguyên giá vé. Năm 2016 cũng là thời điểm BHD tập trung phát triển cụm rạp. Hiện họ  có bảy cụm rạp, với 45 phòng chiếu.

“Doanh thu thị trường rạp chiếu phim ở Việt Nam tăng trưởng 35 – 40%/năm trong những năm gần đây, 5 năm sắp tới sẽ vẫn thế,” bà Hạnh dự báo.

Trong khi đó, bộ phận truyền thông của Lotte Cinema cho biết năm 2017 họ tiếp tục mở rộng nhiều cụm rạp mới. Không cho biết con số chính xác, nhưng Lotte Cinema nhắm tới các thành phố chưa có rạp chiếu phim hiện đại. Trong năm 2016, Lotte Cinema đã mở bảy cụm rạp, trong đó có ba cụm rạp mới ở Ninh Bình, Thái Bình, Nghệ An, những địa phương chưa có rạp chiếu phim hiện đại nào của nước ngoài.

Tất cả những tên tuổi đầu tư đều hướng tới việc xây dựng tổ hợp để khán giả có được trải nghiệm điện ảnh đa dạng về thể loại phim và các dịch vụ ẩm thực, thư giãn, mua sắm.

Bên cạnh những tên tuổi gạo cội đẩy mạnh khai thác thị trường chiếu phim lâu nay của họ, có một vài tên mới có quy mô nhỏ như Cinestar, Starlight, Beta Cineplex. Ra mắt đầu năm 2015, Beta Cineplex đầu tiên tại Thái Nguyên của công ty Beta Media do Bùi Quang Minh (Minh Beta) sáng lập và điều hành với diện tích 1.200 m2, bốn phòng chiếu. Nhắm vào phân khúc tầm trung và bình dân kết hợp giữa giải trí qua phim ảnh và thưởng thức ẩm thực, vui chơi, họ vừa mở thêm ba cụm rạp ở Biên Hòa và Hà Nội.

Minh cho biết Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với các quốc gia có tốc độ phát triển ngành rạp chiếu phim nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Tại Trung Quốc, cứ một triệu dân thì có khoảng 7,51 phòng chiếu, con số tương ứng ở Malaysia và Thái Lan lần lượt là 21,3 phòng và 13 phòng. Minh nhìn thấy thị trường vẫn còn chỗ cho những tên tuổi mới, do con số này ở Việt Nam chỉ là 2,01 tính đến thời điểm hiện tại.

Trong bối cảnh vài năm tới mọi thị trường ở Việt Nam đều tăng trưởng nhờ dân số trẻ, cơ hội kinh doanh tốt hơn và các nhà đầu tư sẵn sàng đánh cược để khai thác. Bà Hạnh, người lâu nay ưa sự hoàn hảo khi sản xuất các tác phẩm điện ảnh và chương trình truyền hình, giờ đã học được bài học là với kỹ thuật số, không thể đợi mọi thứ hoàn hảo khi xuất hiện trên thị trường mà “cứ đi thôi, và luôn hoàn thiện mình trong quá trình đấy.”

Tốc độ phát triển của Internet và sự giao thoa văn hóa giúp cho gu thưởng thức ngày càng đa dạng và tinh tường hơn của người xem khiến các nhà kinh doanh phải gấp rút thích nghi.

©Forbes Việt Nam số 45, tháng 2.2017

Tác giả: Khổng Loan

(Xem bản đầy đủ trên báo in)

Comments