Forbes Việt Nam số 27: Đi tìm suối nguồn tươi trẻ

screenshot_16©Forbes Việt Nam số 27. Tháng 8.2015

Chuyện tiêm tế bào tươi để cơ thể khỏe hơn đang trở thành ‘talk of the town’,”  Lê Thị Thúy Nga, giám đốc điều hành của D.S Block, đại lý cho cơ sở cung cấp dịch vụ tiêm truyền tế bào tươi của Đức tại châu Á cho biết. Quả là hấp dẫn khi thấy đọc những dòng quảng cáo liệu pháp này giúp con người ta “trẻ hơn, khỏe hơn, giàu có hơn” trên danh thiếp của Nga.

Khi giải thích về dịch vụ này, Nga ví cơ thể mỗi người như một cái xe, sau một thời gian sử dụng, xe sẽ xuống cấp, hao mòn. Thay vì phủ một lớp sơn mới bằng các tác động bề mặt bên ngoài, thì sử dụng liệu pháp tế bào tươi giống như thay thế động cơ của chiếc xe. Và khi chất lượng chiếc xe tốt hơn thì sẽ phản ánh ra bên ngoài, tức làn da sẽ đẹp hơn. “Độ bền và sức dẻo dai của cơ thể nhiều hơn,” cô nhận xét sau khi đã sử dụng dịch vụ.

Theo Nga, đến nay, ở Việt Nam có khoảng 100 người đã sang Đức để sử dụng dịch vụ này. Đa số các cơ sở cung cấp dịch vụ này tại Việt Nam được thực hiện qua các công ty của ông Phạm Tấn Nghĩa đặt tại quận 7, TP.HCM, cũng là ông chủ của chuỗi trường Việt Úc và Anh văn Hội Việt Mỹ.

Nga cho biết chi phí khoảng 23 ngàn đô la Mỹ cho thời gian điều trị kéo dài 1 – 2 tuần, có thể giúp có tác dụng khoảng một năm. Các bác sĩ mất khoảng 60 phút cho quá trình chiết xuất tế bào tươi từ động vật để đưa vào cơ thể.

Sự tranh cãi của liệu pháp tế bào tươi đến nay vẫn còn tiếp tục. Phe nghi ngờ cho rằng hiệu quả liệu pháp này không có bằng chứng của khoa học. Trao đổi qua email, chuyên gia về y học tái tạo, PGS-TS-BS Phan Toàn Thắng, hiện là giám đốc phụ trách nghiên cứu y học thực nghiệm và labo nghiên cứu tế bào gốc – y học tái tạo của bộ môn Ngoại, đại học Y khoa Yong Loo Lin, thuộc đại học Quốc gia Singapore cho biết có một số quốc gia tại châu Á và châu Âu, một số quốc đảo vùng Trung Mỹ cung cấp dịch vụ tiêm tế bào tươi cho các khách hàng có điều kiện kinh tế.

“Tuy nhiên, dưới nhãn quan của các khoa học gia và quản lý, các phương pháp này được coi là ‘cao bồi’, thiếu bằng chứng khoa học và thậm chí lừa đảo người tiêu dùng.” Ông khuyến cáo nên thận trọng với các dịch vụ này, và người dùng cần tham vấn các chuyên gia trước khi quyết định. Theo bản tin của Swissinfo tháng 3.2015, nhà chức trách sẽ mở đợt điều tra hình sự đối với một số cơ sở y tế liên quan tới cáo buộc điều trị bệnh nhân bằng liệu pháp tế bào tươi bất hợp pháp.

Thực tế, nhiều nước đã cấm thực hành liệu pháp tế bào tươi hay nhập khẩu các sản phẩm tế bào tươi để tiêm truyền. Tuy nhiên, liệu pháp tế bào tươi được phép ở một số nước, trong đó đáng chú ý nhất là Thụy Sĩ – quê hương của “cha đẻ” liệu pháp, và Đức. Tại Đức, năm 1997, bộ Y tế từng cấm liệu pháp này, do lo ngại tác dụng phụ, những lợi ích chưa được chứng minh, và một dạng bệnh ở cừu có thể phát triển khi tiêm tế bào vào cơ thể người.

Nhưng tòa án Hiến pháp Đức năm 2000 đã ra phán quyết bác lệnh cấm, không phải vì cơ sở khoa học của lệnh cấm trước đó đã thay đổi, mà vì lệnh cấm này vi phạm quyền tự do hành nghề y khoa.

Theo đó, những người hành nghề y khoa được phép sử dụng loại thuốc này trong khuôn khổ cơ sở điều trị của họ, nhưng không được sản xuất hay phân phối các sản phẩm liệu pháp tế bào ra bên ngoài. Bởi vậy, mặc cho những tranh cãi hay giá cả đắt đỏ, Đức đang trở thành điểm đến ưa thích của những người giàu có và nổi tiếng ở châu Á muốn kết hợp du lịch và điều trị y tế.

Theo ông Thắng, ba quốc gia tại châu Á làm nhiều dịch vụ tiêm tế bào tươi nuôi cấy chữa bệnh và chống lão hóa là Trung Quốc, Thái Lan và Hàn Quốc.
Nga cho biết thị trường Trung Quốc với tầng lớp trung lưu tăng mạnh đang là thị trường rất sôi nổi, dù chi phí cao hơn so với Việt Nam, từ 35 – 40 ngàn đô la Mỹ/lần.

Nếu như tế bào tươi lấy từ phôi thai cừu và động vật khác, thì tế bào gốc có thể được lấy từ mỡ, tủy xương, cuống rốn và máu của người.  Là người đầu tiên trên thế giới phát minh ra nguồn tế bào gốc mới từ màng dây rốn em bé với 36 bằng độc quyền sáng chế được công nhận tại nhiều quốc gia, trong đó có các cường quốc như Mỹ, Anh, EU, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Israel, ông Thắng tin rằng công nghệ tế bào gốc và trị liệu tế bào được xem là kỳ vọng của y học hiện đại tái tạo các mô tạng bị tổn thương, điều trị các bệnh lão suy và chống lão hóa.

Một ứng dụng rất sớm và phát triển mạnh mẽ của công nghệ tế bào gốc và trị liệu tế bào là trong y học thẩm mỹ và làm đẹp tái tạo trẻ hóa da. Tại Việt Nam, có rất nhiều trung tâm thẩm mỹ, chăm sóc da… quảng cáo về những liệu pháp chăm sóc sử dụng tế bào gốc. Tuy nhiên khó có thể xác định được bằng chứng khoa học về tác dụng thực sự của những liệu pháp này.

Xu hướng sắp tới sẽ là triển vọng ứng dụng cấy truyền tế bào gốc điều trị các bệnh lão suy như tiểu đường, thoái hóa thần kinh…làm chậm quá trình lão hóa và cải thiện chất lượng cuộc sống trong lão hóa. Ông Thắng cho rằng:

“Cần nghiên cứu và bằng chứng khoa học, phải làm chính thống và được công nhận bởi các cơ quan quản lý dược quốc gia của Mỹ, EU hay Nhật Bản.”

Hiện tại nhóm nghiên cứu của ông bước đầu thành công trên chuột, sắp tới sẽ tiến hành trên động vật lớn trước khi tiến hành trên người.

Khách hàng ở Việt Nam tiêm truyền tế bào tươi hầu hết là các chủ doanh nghiệp và những người có khả năng tài chính. Nga cho biết cô tiếp cận “những người có đủ tài chính và đầu óc cởi mở.” Theo một trang web quảng bá dịch vụ này, một yêu cầu trước khi tiêm tế bào tươi mà bạn cần tuân thủ: “Không ăn bất kỳ loại thực phẩm nào liên quan đến thịt cừu trong vòng hai tuần.”

Box: TẾ BÀO TƯƠI LÀ GÌ?
Theo các tài liệu nghiên cứu, liệu pháp “tế bào tươi” (fresh cell) hay còn gọi là tế bào sống (living cell) chỉ phương pháp tiêm tế bào từ phôi thai cừu vào người để chống lão hóa và chữa bệnh. Liệu pháp dựa trên lý thuyết có từ 500 năm trước của bác sĩ người Thụy Sĩ gốc Đức Phillippus Aureolus Paracelsus (1493–1541). GS.TS Paul Niehans, người Thụy Sĩ, là “cha đẻ” của liệu pháp. Năm 1931, ông đã tiêm tế bào cận tuyến giáp từ con bê non vào người bệnh nữ bị co giật do một phần tuyến giáp của bà vô tình bị cắt bỏ trong quá trình phẫu thuật  trước đó. Sau tiêm, người này được cho là đã hồi phục và sống tiếp nhiều năm. Từ cột mốc này, Niehans phát triển nghiên cứu là tiêm tế bào phôi động vật có thể giúp cải thiện sức khỏe tế bào và nội tạng ở người, theo nguyên tắc “like cures like” – đồng dạng chữa trị cho nhau, tức các tế bào ở bộ phận của động vật sẽ có khả năng chữa lành tế bào ở bộ phận tương tự của người.

©Forbes Việt Nam số 27. Tháng 8.2015

Tác giả: Khổng Loan

Comments