Forbes Việt Nam số 15: “Lạc xoong” thời kỹ thuật số

©Forbes Việt Nam số 15

Đừng để sự tuềnh toàng xung quanh Nguyễn Minh Phúc, 33 tuổi, giám đốc công ty Đông Phương Nam, đánh lừa bạn. Đống đồ cũ chất đầy trong nhà kho và văn phòng làm việc của anh mỗi tháng tạo ra doanh số khoảng 2 tỉ đồng. Nếu trừ bớt 50% giá vốn và một ít chi phí hoạt động, khoản còn lại là lợi nhuận. Năm nay, Phúc ước tính sẽ có lợi nhuận gộp khoảng 7 tỉ đồng cho công ty gồm 32 nhân sự mới hoạt động được bốn năm.


Nhà kho của Phúc có đủ thứ, từ đồ cồng kềnh như tủ lạnh, hàng trăm bộ bàn ghế, hàng chồng máy tính để bàn cũ cho đến lỉnh kỉnh nồi niêu bát đĩa, phin pha cà phê. Tất cả những đồ dùng của gia đình, văn phòng, khách sạn, quán cà phê, tiệm ăn đều có thể tìm đường đến 3 nhà kho có tổng diện tích 3.000m2 ở quận Bình Tân và huyện Bình Chánh của Phúc và tiêu thụ thông qua website thanhlyhangcu.com. Internet đang giúp những nhà kinh doanh đồ cũ như Phúc làm ăn khấm khá. Anh vừa bán xong lô hàng có vốn 600 triệu đồng, sau gần 2 tháng, anh lời con số tương đương.

Nhờ Internet và nền kinh tế đang chứng kiến nhiều doanh nghiệp đóng cửa, khai trương liên tục, Phúc có thể rút ngắn quy trình mua nhanh hơn nhiều so với người cùng nghề kinh doanh theo kiểu truyền thống. Trong thời gian 4 năm, Phúc chỉ nhớ mua bán sáu chiếc xe hơi, nhưng không nhớ nổi số lượng các lô hàng có giá trị đã qua tay mình, trong đó có lô tiền tỉ. Mảng mua bán đồ nội thất chiếm 70% tổng doanh thu và đem lại tỉ lệ lợi nhuận tương đương trong tổng lợi nhuận.

Đồ dùng văn phòng và quán cà phê là nơi cung cấp hàng nhiều, dễ mua dễ bán, nhiều khách. Mảng thiết bị văn phòng như máy tính, máy lạnh, chiếm 10-15%, khó mua hơn. Ngoài ra là các mặt hàng khác (như xe hơi) lợi nhuận tốt nhưng không nhiều. Phúc cũng bắt đầu thu lợi nhuận từ mảng hoạt động thứ tư là sản xuất bàn ghế, thiết bị văn phòng mới do vợ Phúc quản lý. Doanh thu từ mảng này chiếm 15%, nhưng “lời không nhiều do chi phí lớn.”

Phúc bắt đầu tham gia vào thị trường hàng thanh lý khi anh mua chiếc máy tính cũ qua mạng, và chỉ trong một ngày đã bán đi và có lợi nhuận sáu triệu đồng năm 2010. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành vi tính ở trường Cao đẳng bán công Công nghệ và Quản trị doanh nghiệp, Phúc trải qua nhiều lần kinh doanh bất thành khi mở cửa hàng vi tính, quần áo, nội thất. Các bài học nhận được giúp anh hiểu hơn về đối tác, quản lý dòng tiền, chọn địa điểm phù hợp tốt hơn ở lần kinh doanh này. Phúc cho rằng, trong số những công ty cùng lĩnh vực mới thành lập và sử dụng Internet như công cụ kinh doanh, công ty của anh thuộc hàng đầu ở TP.HCM xét về doanh thu, số lượng hàng giao dịch và diện tích nhà kho. Phúc dự kiến sẽ mở rộng nhà kho ra nữa để có diện tích trưng bày hàng hóa.

Nhưng một người không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này như Phúc định giá những món đồ đầu tiên mình biết, có thể còn mới, hoặc đã cũ, và mua cả lô như thế nào? “Tôi tính toán để trả giá sao cho mức lời mình có khoảng 50%. Ví dụ, chiếc ghế mình dự tính có thể bán được 400 ngàn đồng, mình sẽ trả giá 200 ngàn đồng,” Phúc trả lời. “Internet giúp giải quyết nhiều thứ. Nếu mình không biết thì lên Internet đọc và xem giá thị trường, sau đó tính toán cho ra giá hợp lý.” Phúc tính toán sao cho đẩy hàng đi nhanh, có thể lợi nhuận ít, nhưng dòng tiền sẽ liên tục. Anh cho biết chỉ sử dụng số tiền mình có, chứ không vay ngân hàng hay cá nhân, vì “ngân hàng chắc… bó tay, vì khó mà thẩm định doanh nghiệp của tôi khi tài sản toàn đồ lạc xoong, tính giá thế nào cũng có thể đúng, hoặc sai.”

Tất cả khách hàng tìm đến với Phúc qua website. Anh chi khoảng 100 triệu đồng/tháng cho quảng cáo trên mạng, trong đó 98% cho Google AdWords, còn lại trên Vật giá, 5 giây, Facebook… Phúc mua hàng từ các doanh nghiệp và gia đình ở khu vực quận 1, quận 3 và khu Phú Mỹ Hưng, chọn nơi đặt nhà kho và văn phòng ở Bình Tân.

Làm thế nào để vượt trội trên thị trường? Có vài nguyên tắc: Có giá niêm yết và không hạ giá sau khi đã bán được một ít hàng trong lô hàng. Hàng cập nhật thường xuyên trên mạng (tiêu chí “hình còn, hàng còn”). “Chuyện này rất quan trọng,” Phúc nói. “Vì các website khác nhiều khi hàng trưng bày lên mạng, bán rồi mà vẫn còn hình, khiến khách khó chịu và mất tin tưởng, mất thời gian.”

Comments