Forbes Việt Nam số 7: Mạo hiểm với hang Sơn Đoòng

screenshot_16Cửa hang Sơn Đoòng nằm ở xứ Đoòng thuộc vùng lõi vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, được Hồ Khanh phát hiện lần đầu năm 1991, nhưng phải đến năm 2009 khi đoàn thám hiểm hang động hoàng gia Anh do Howard Limbert dẫn đầu nghiên cứu và xác nhận đó là “hang động lớn nhất thế giới,” hang mới trở nên nổi tiếng.

Nước sông khiến lớp đá vôi nằm trong lòng núi mòn dần, bức trần núi đổ sụp tạo ra hình phễu khổng lồ, ở đó hình thành khu rừng nguyên sinh với vô số sinh vật chưa từng được biết. Michael đã thấy những thứ khiến “các nhà thờ tuyệt vời nhất ở châu Âu hay những ngôi đền hùng vĩ nhất ở Ấn Độ trở nên nhỏ bé, ít quan trọng hơn và mang tính nhất thời.” Anh trở thành du khách đầu tiên đặt bàn tay vào cột mốc cuối cùng hang.

Ý tưởng biến hành trình vào Sơn Đoòng, phần quan trọng và độc đáo nhất của mạng lưới hàng trăm hang động Quảng Bình, trở thành trải nghiệm đắt giá đến từ Nguyễn Châu Á, 38 tuổi, giám đốc công ty OneStep Viet Co., Ltd có trụ sở tại TP.HCM. Thông tin Sơn Đoòng khiến người đàn ông quê Quảng Bình, từng làm hướng dẫn du lịch, quyết định lập Oxalis chuyên về du lịch mạo hiểm cách nay   3 năm, có văn phòng nhìn ra sông Son hiền hòa ở huyện Bố Trạch.

Ông Nguyễn Văn Kỳ, phó giám đốc sở Văn hóa-Thông tin-Du lịch Quảng Bình cho biết hiện mới chỉ có Oxalis đáp ứng được yêu cầu của chính quyền đặt ra để tổ chức tour mạo hiểm vào Sơn Đoòng. Tour Sơn Đoòng là sản phẩm khác biệt hẳn trên thị trường du lịch Việt Nam do mang tính kỹ thuật cao, cần sự hỗ trợ của nhiều loại thiết bị như dây leo, mũ, đèn, móc…để có thể vượt được những địa hình hiểm trở và khó khăn trong lòng đất, từ triền núi dốc đứng đến hồ nước sâu.

Đã 10 năm kể từ khi UNESCO công nhận hang động Quảng Bình là di sản thế giới theo tiêu chí địa chất, địa mạo, thừa nhận những giá trị được kiến tạo cách đây hơn 400 triệu năm. Oxalis muốn biến tour này thành viên ngọc quý nhất để thu hút khách đến Quảng Bình, nhưng sẽ rất ít người được chọn để đi tour mạo hiểm.

Họ vẫn còn nhiều tour dễ hơn như Tú Làn, nơi có loài cá bơi ngược thác, hay đi bộ trong rừng, ngồi thuyền vào động Phong Nha, Thiên Đường. Tour Sơn Đoòng cũng không dành cho những người ưa “khám và phá,” họ phải cam kết tôn trọng thiên nhiên, tuyệt đối không sờ thạch nhũ, săn bắn, đánh cá, xả rác. “Cái mình đang làm là quá khó,” anh Á nói.

Chuyện khó hơn là thuyết phục địa phương coi Sơn Đoòng là điểm đẳng cấp thế giới, cần giới hạn số lượng người đến vì có không ít ý kiến muốn khai thác đại trà.

“Đó mới là thách thức lớn với Oxalis, chứ không phải vốn, kinh nghiệm, chuyên gia,” ông Kỳ nhận định.

Anh Á so sánh mô hình giống như với đỉnh Everest. 60 năm qua, trung bình mỗi năm có khoảng 50 người lên đến đỉnh, nhưng có hàng triệu người đến Nepal đi những điểm dễ hơn. Anh lập luận nếu đại trà thì đâu còn là “đẳng cấp thế giới nữa, mà chỉ còn là điểm đến chi phí cao,” chưa kể sẽ cần đầu tư lớn và tái đầu tư liên tục do lũ. Anh cũng dự báo nếu Sơn Đoòng được khai thác đại trà thì “Thiên Đường hay Phong Nha sẽ đóng cửa,” vì ai đến Quảng Bình, dù giá cao hay không họ cũng chỉ muốn đi được Sơn Đoòng.

“Chúng tôi muốn thu hút khách muốn đi Sơn Đoòng, chứ không phải khách của các bên khác. Mỗi năm số khách của Oxalis khoảng 1.000 người thôi.” Theo chính quyền Quảng Bình, năm 2012, có khoảng 1 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 35 ngàn khách quốc tế. Doanh thu 9 tháng đầu năm 2013 khoảng hơn 843 tỉ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ.

Quảng Bình thu 530 đô la Mỹ tiền phí môi trường rừng, vé tham quan, phí quản lý trên mỗi khách vào Sơn Đoòng. “Giá tour 3.000 đô la Mỹ dựa vào tổng chi phí. Chúng tôi không có lời nếu tính tiền như vậy,” anh Á cho biết, và lợi nhuận chủ yếu đến từ các tour khác. Doanh thu của Oxalis khoảng 6,7 tỉ đồng/năm nhưng vẫn lỗ do tiếp tục đầu tư. Nếu thị trường phát triển như anh trông đợi thì khoảng 2 năm nữa sẽ hòa vốn.

Bạn bè hay gọi đùa Nguyễn Mỹ Huệ, 27 tuổi, làm thiết kế đồ họa ở TP.HCM là “cô gái 3.000 đô” khi Huệ là người Việt Nam duy nhất trả tiền để khám phá Sơn Đoòng đến nay. Từng 2 lần lên đỉnh Phan Xi Păng, Huệ nhận xét, chinh phục Nóc nhà Đông Dương “quá dễ so với Sơn Đoòng.”

Cùng đi với Huệ là vợ chồng ông Howard hiện là cố vấn kỹ thuật tại Oxalis. “Họ từ đất nước khác đến, giới thiệu hang động nước mình rất tự hào, trân trọng thiên nhiên,” Huệ kể. Tháng 2.2014 Oxalis sẽ tổ chức tour lại sau thời gian nghỉ vì mùa lũ. Một tour có 8 khách, 22 người phục vụ mang theo 600 kg thiết bị, đồ ăn và sau đó mang toàn bộ ra ngoài, trả lại hang như tình trạng ban đầu.

Oxalis đã đầu tư 7 tỉ đồng, riêng thiết bị hỗ trợ là hơn 2 tỉ đồng. Úc và Mỹ là hai nơi tỏ ra “phấn khích” nhất với Sơn Đoòng, nhưng Mỹ mới là nơi “nói hôm nay muốn đi tour, sáng mai trả tiền liền.” Oxalis dự tính tổ chức 4 tour/tháng, và đã có hơn 1.000 khách đăng ký.

3.000 đô la Mỹ đủ đi du lịch châu Âu 2 tuần, tại sao phải chui vào hang vất vả, hiểm nguy trong gần 1 tuần? Édouard-Alfred Martel (1859- 1938) được coi là “cha đẻ của ngành thám hiểm hang động hiện đại” từng nói về khám phá hang động thế này: “Chưa ai từng đến độ sâu như thế trước chúng ta, chưa ai từng biết về nơi chúng ta đến hay những gì chúng ta thấy, không gì đẹp kỳ lạ từng xuất hiện trước mắt chúng ta như vậy, và ngay lập tức, chúng ta quay sang hỏi nhau những câu giống nhau: “Không phải mình mơ chứ?”

Những người đến với Sơn Đoòng cũng đã hỏi những câu tương tự. Và cách Oxalis phát triển hang Sơn Đoòng thành sản phẩm độc đáo, đắt giá cũng mạo hiểm không kém con đường chinh phục hang động lớn nhất thế giới này.

Tác giả: Khổng Loan

© Forbes Vietnam. Tháng 12.2013

Note: Bao diễn biến từ đó tới nay với Quảng Bình và cáp treo.

Comments