Forbes Việt Nam số 8: Gây quỹ cộng đồng cho từ thiện

screenshot_19© Forbes Vietnam. Tháng 1.2014

Kể từ khi nghỉ hưu, Paul Pham, cựu chuyên gia lập trình của Microsoft, thường xuyên về Việt Nam. Quê ở Đà Lạt, đến Mỹ năm 11 tuổi, mỗi lần về quê hương là dịp ông làm từ thiện. Ông tin người Việt sống ở nước ngoài cần phải làm nhiều hơn cho những thế hệ kế tiếp ở quê nhà.

Nhưng việc gây quỹ rất khó cho những cá nhân nhỏ lẻ, cho tới khi ông gặp hai Việt kiều khác là Gwen U. Nguyen (quê ở Kon Tum) và James H. Bao (quê ở Đà Lạt) năm 2009, bị thuyết phục bởi sáng kiến độc đáo, đam mê và sức trẻ của họ. Ông đồng ý hợp tác cùng họ lập OneVietnam Network, website gây quỹ cộng đồng làm từ thiện, nhắm tới khoảng 3 triệu người Việt hải ngoại và các tổ chức từ thiện hoạt động liên quan tới Việt Nam. James có chuyên môn tài chính, trong khi Gwen chuyên về kinh tế và Paul chuyên lập trình. Năm 2010, website beta ra đời, với hy vọng xây dựng được một cộng đồng người Việt kết nối, hỗ trợ được nhau trên khắp thế giới.
Kêu gọi cộng đồng hải ngoại giúp quê hương không phải là ý tưởng mới. Nhưng OneVietnam sử dụng công nghệ làm cho quá trình này nhanh hơn, dễ hơn và quy mô hơn. “Có nhiều website gây quỹ, nhưng OneVietnam là nơi đầu tiên và có lẽ là duy nhất đến nay tạo cộng đồng kết nối,” Gwen nói. Các website gây quỹ khác thường đăng tải thông tin, người hiến tặng vào tặng tiền, và nếu các thông tin cập nhật liên quan tới dự án sẽ được chuyển qua các công cụ như email, báo cáo… OneVietnam hoạt động giống như “trung tâm tất cả mọi thứ liên quan tới Việt Nam.” Cá nhân, tổ chức chủ động gây quỹ, minh bạch số tiền thu được, những người cho tiền, cách sử dụng tiền, thông qua nhiều chức năng của thời truyền thông xã hội để tương tác và quảng bá: thích, chia sẻ, bình chọn, video, hình ảnh, text, theo dõi, gợi ý…

“Có rất nhiều Việt kiều không có tiền hay thời gian trở về Việt Nam để làm từ thiện. Ý tưởng là tạo được niềm tin và sự minh bạch trong công tác từ thiện, để khi tặng tiền, người tặng có cảm giác như mình đang ở Việt Nam, chứng kiến thực tế, cách tiền của mình được sử dụng để tạo thay đổi ở Việt Nam, và biết họ nên cho tiền vào lĩnh vực nào” James nói.

Khác với nhiều tổ chức, OneVietnam cho phép người hiến tặng cho đi những khoản tiền rất nhỏ, như 1 đô la Mỹ.

Tích tiểu thành đại, nhiều người ở khắp nơi đóng góp những khoản nhỏ cho dự án ý nghĩa, mang tính cá nhân mà họ quan tâm.

Hiện OneVietnam, mô hình lấy cảm hứng từ Kickstarter, đã lập quan hệ đối tác với 30 tổ chức. Nancy F. Letteri, CEO của Children of Vietnam, cho biết thông qua website, đến nay họ đã quyên được 3.133 đô la Mỹ. “Nhưng điều quan trọng không kém là chúng tôi có thể tiếp cận được cộng đồng lớn hơn, để chia sẻ về những hoàn cảnh trẻ em dễ bị tổn thương ở Việt Nam.” Từ tháng 1-3.2014, Children of Vietnam đặt ra mục tiêu quyên được 8.000 đô la Mỹ cho chương trình Bright Scholars giúp em gái đang học cấp 2 trong gia đình nghèo tiếp tục đến trường.

Theo James, OneVietnam là “dữ liệu lớn nhất về những người hiến tặng trên mạng liên quan tới Việt Nam. “Chúng tôi có dữ liệu của 15 ngàn người thường xuyên cho tiền.”  Đến nay, số tiền quyên góp cho các tổ chức, cá nhân làm từ thiện thông qua OneVietnam là gần 150 ngàn đô la Mỹ.

Với số vốn ban đầu 100 ngàn đô la Mỹ do quỹ Ford tài trợ và đăng ký là tổ chức phi lợi nhuận, OneVietnam vận hành như công ty công nghệ khởi nghiệp, với Gwen, James và Paul là 3 nhân sự chính. OneVietnam không tính phí với cá nhân hay tổ chức sử dụng website để quyên tiền hay tặng tiền mà tồn tại nhờ mô hình “tip.” Khi người tặng tiền hoàn tất thao tác cho tiền bằng thẻ ngân hàng, họ sẽ được hỏi có muốn “tip” cho OneVietnam không.

Sau gần 1 năm hoạt động, James nhận thấy người sử dụng thường “tip” 10% trên số tiền tặng vào thời điểm đó. “Nếu website có khoảng 1 triệu đô la Mỹ cho việc làm từ thiện ở Việt Nam trong 1 năm thì tổ chức nhận được khoảng 100 ngàn đô la Mỹ. Đó là tính toán cơ bản nhất,” James  nói. Paul nhận định với sự nổi lên của công nghệ di động, ai cũng có thể làm từ thiện vi mô, ở bất kỳ đâu. Số liệu hiện tại cho biết OneVietnam tiếp cận khoảng 100 ngàn người/tháng, hầu hết người Mỹ gốc Việt tầm 20-40 tuổi.

Theo nhà đầu tư và đồng sáng lập crowdfunder.com, Chance Barnett, gây quỹ từ cộng đồng đang tạo ra cuộc cách mạng, định hình lại nền kinh tế mới, gây dựng nên một thị trường ảnh hưởng đến đầu tư trong các doanh nghiệp xã hội, kết nối giữa doanh nghiệp và từ thiện.

Tính đến năm 2012, có khoảng 450 nền tảng website gây quỹ cộng đồng trên thế giới, cung cấp các dịch vụ khác nhau, tạo ra các hệ thống tổ chức cần thiết và điều kiện để mọi người tụ hợp và san sẻ tài nguyên, thay thế các cách gây quỹ truyền thống từ các công ty có bề dày lịch sử hay các nhà cấp vốn mạo hiểm. Ý tưởng của “ba người lính ngự lâm” đang nhận được đánh giá tốt.

Năm 2012, James và Gwen nhận giải thưởng Những nhà sáng kiến trẻ của viện Chính sách Di dân Mỹ vì ý tưởng lập OneVietnam. Tại diễn đàn Di dân thế giới lần thứ 2 năm đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhận xét OneVietnam là ví dụ của “sáng kiến tích cực,” hỗ trợ các thành viên cộng đồng di dân có thể đóng góp trực tiếp cho các dự án họ quan tâm, và thấy được hiệu quả của số tiền hiến tặng tại quê nhà.”

Theo Đặng Minh Nhân, đồng sáng lập website gây quỹ cộng đồng đầu tiên tại Việt Nam IG9 (ra mắt tháng 3.2013), mô hình này chỉ thực sự gây tiếng vang trong 2 năm qua, và ngay cả những website lớn như Kickstarter cũng mất 2 năm lận đận trước khi được thị trường chấp thuận.

Tại Việt Nam, gây quỹ từ cộng đồng mới chỉ xuất hiện trong một năm nay và đang tham khảo thị trường.  IG9 đã gọi vốn thành công cho khoảng 10 dự án, trung bình 40-50 triệu đồng/ dự án, hầu hết liên quan đến âm nhạc, sách báo, in ấn. “Mô hình này vào Việt Nam phải thay đổi cho phù hợp với văn hoá tiêu dùng, thói quen thanh toán online, các vấn đề pháp lý khi luật của nước ta chưa đề cập đến mô hình này,” Nhân cho biết qua email.

Đó là chưa kể đến vấn đề niềm tin, hay chính sự thiếu thốn các dự án đặc sắc sáng tạo mới lạ.

“Chúng tôi chỉ là nhóm rất ít người, như bất kỳ công ty khởi nghiệp nào, chúng tôi muốn chi phí càng ít càng tốt và hiệu quả cao cho tới khi đạt được một mục tiêu nào đó,” Gwen nói. “Chúng tôi rất cẩn trọng.”

Tác giả: Khổng Loan. Ảnh: Lê Quang Nhật © Forbes Vietnam. Tháng 1.2014

Comments