Nhà báo sử dụng mạng xã hội như thế nào?

Nguồn ảnh: webservicesinc.net
Nguồn ảnh: webservicesinc.net

Không gian mạng xã hội: Facebook, Twitter, LinkedIn, forum, websites…là công cụ cần thiết để thu thập tin tức, chia sẻ đường dẫn về các bài viết mà bạn quan tâm. Đây cũng là nơi để giao lưu, chia sẻ, kết bạn, tìm hiểu thông tin, giải trí…của mỗi cá nhân. Với các nhà báo cũng vậy. Tuy nhiên, cách họ sử dụng mạng xã hội thế nào đã được bản thảo rất nhiều trong các tòa soạn. Nhiều nơi như Reuters, BBC, CNN, AFP…đã có những quy định rõ ràng về cách mà các thành viên của họ nên/phải sử dụng mạng xã hội.

Vì sao lại cần có 1 bộ quy tắc riêng? Vì khi cá nhân thuộc một tổ chức nào đấy thì phải tuân thủ những quy định của tổ chức để đạt mục tiêu chung. Với các nhà báo, trong rất nhiều trường hợp, người khác kết bạn, follow họ, like họ, là vì họ làm cho 1 tổ chức báo chí nào đấy, và những người đó hi vọng sẽ nhận được thông tin mới, chính xác, thú vị, có trách nhiệm. (chứ cá nhân mà đứng ra riêng rẽ thì sẽ phải mất lâu lâu thời gian mới có thể tạo dựng uy tín cho riêng mình). Sau đây là vài khuyến nghị / yêu cầu bắt buộc mà các tổ chức báo chí quốc tế đưa ra cho phóng viên của họ, một cách tóm tắt, có chỉnh sửa cho phù hợp với Việt Nam:

–  Với bộ phận phụ trách nội dung, bằng cách xây dựng tốt mạng lưới trên mạng xã hội, các phóng viên có thể phát triển nguồn tin, giúp cho tên tuổi của tờ báo/ kênh truyền hình/ radio (…) lan tỏa trên Internet, tạo dựng và duy trì quan hệ tốt với bạn đọc, các nguồn tin và những người có ảnh hưởng trong xã hội, cũng như những bạn đọc tiềm năng. Xây dựng thương hiệu tốt trên mạng xã hội cũng góp phần xây dựng  thương hiệu tốt cho tờ báo/ kênh truyền hình/ radio…

– Khuyến khích nhân viên sử dụng tích cực mạng xã hội, trong khi duy trì và bảo vệ những giá trị cơ bản của nghề nghiệp và thương hiệu tờ báo/ kênh truyền hình/ radio…  mà họ đang làm việc. 

– Phóng viên nên ghi rõ mình là người của tổ chức báo chí nào trong phần giới thiệu ở các tài khoản mạng xã hội. Ví dụ: A, thuộc hãng tin Reuters, B thuộc báo Tuổi Già; B thuộc tạp chí Người Xí Xọn. Tương tự với các trang Twitter, LinkedIn hay các trang blog cá nhân…

– Mọi nhân viên tòa soạn cần hiểu ý kiến của các nhà báo trên mạng xã hội có thể gây tổn hại tới uy tín và danh tiếng của các tòa soạn/cơ quan truyền thông, bởi vậy họ nên rất thận trọng.

–  Chú ý đến phần Privacy Setting để thiết lập chế độ riêng tư: public (ai cũng xem được các status và hình ảnh), Friends only (chỉ những người là bạn)…Tuy nhiên, không có gì thực sự riêng tư trên Internet. Ai cũng có thể copy những gì bạn viết và chia sẻ nó ở khắp mọi nơi. There is nothing like privacy on the Internet. Privacy is dead on the Internet.

– Kết bạn và follow:  Khuyến khích kết bạn và theo dõi các nguồn tin, chính trị gia, những người nổi tiếng vì mục đích nghề nghiệp, và theo dõi họ trên Twitter, LinkedIn…Tuy nhiên, những bình luận của phóng viên trên các trang đó có thể khiến người xem hiểu là phóng viên ủng hộ/đả kích những nhân vật đó. Nên tránh tương tác với họ trên các trang fanpage (tránh bình luận).

–  Khuyến khích nhân viên chia sẻ các link nội dung của ấn phẩm từ website.

– Các nhân viên không nên thể hiện ý kiến cá nhân về các vấn đề gây tranh cãi trên mạng nếu không cần thiết (tốt nhất là nên trao đổi với người quản lý trước).

– Không đăng tải những tài liệu, thông tin mà phóng viên đang trong quá trình xử lý, theo dõi, và chưa sử dụng cho các sản phẩm của tòa soạn. Mọi thông tin trao đổi về đề tài, nhân vật, số liệu…đều thuộc hàng bí mật, hạn chế chia sẻ ra bên ngoài.

– Không thể hiện quan điểm chính trị và sự liên quan tới đảng phái chính trị.

– Nên hạn chế tham gia thể hiện quan điểm trong các vấn đề tranh cãi trên diễn đàn.

– Share và Retweet:  Suy nghĩ kỹ trước khi làm, vì nó thể hiện quan điểm của bạn.

– Thông tin độc quyền: Website và ấn bản phóng viên đang làm việc phải là nơi đầu tiên đăng tải thông tin do phóng viên thực hiện và có được. Sau đó, phóng viên được khuyến khích chia sẻ thông tin và dẫn đường link trên các trang mạng xã hội.

–  Sử dụng nguồn tin, hình ảnh trên mạng xã hội cho sản phẩm báo chí: không nên vì nhanh mà bỏ qua yêu cầu chính xác. Tất cả đều bắt buộc trải qua các bước kiểm chứng cẩn thận.

–  Tương tác với bạn đọc: Ngay khi có bất kỳ lỗi trong bài hoặc comment nào  đáng chú ý của bạn đọc trên các mạng xã hội, phóng viên cần thông báo ngay với tòa soạn để tòa soạn kịp thời xử lý. Không tự ý trả lời bình luận gây tranh cãi/khiêu khích của bạn đọc khi chưa trao đổi với tòa soạn.  

– Không sử dụng từ ngữ quá khích, mang tính nhục mạ. Hãy giữ thái độ bình tĩnh, suy xét kỹ trước khi post status hay bình luận.  Tôn trọng không gian riêng tư của người khác trên mạng.

– Sử dụng hastags để tạo thành cụm thông tin. Ví dụ, #nguoidepvaquaivat; #tinhyeudoilua.  :mrgreen:

– Không sử dụng mạng xã hội để thông báo về các cuộc họp, các sự kiện mà mình tham gia (vì có thể bị hiểu là PR hay endorsement). Mọi thông tin liên quan tới sự kiện, con người nên đăng tải trên mạng xã hội sau khi đã có bản tin trên web hay ấn phẩm. Tuy nhiên, nếu là breaking news hay tin độc quyền thì nên thảo luận với tòa soạn để có giải pháp tốt nhất.

– Nếu không chắc điều gì về việc post thông tin trên mạng xã hội (mà có thể ảnh hưởng tới tên tuổi thương hiệu của ấn bản bảo chí), hãy thảo luận với tòa soạn trước.

–  Các phóng viên có thể sử dụng câu sau đây nếu muốn: “Quan điểm thể hiện trên Facebook là của cá nhân tôi, không liên quan tới blah blah blah.”

– Rất quan trọng: Đừng làm gì ngốc nghếch: Don’t do anything stupid.  👿 😀

Bạn có thấy những khuyến nghị/bắt buộc trên hợp lý không? Hãy còm bên dưới. 

 Good luck! 

Comments