Sản phẩm kỷ niệm khi đi du lịch ở Việt Nam

DSC_6187
Tại nơi bán đồ lưu niệm, khu tưởng niệm 11.9, New York. Ở đây bán đủ mọi thứ liên quan tới New York, sự kiện 11.9. Có cả bộ sưu tập sách ảnh những chú chó trong đội cứu hộ dũng cảm. Mình mua về 2 cái nam châm dán tủ lạnh có hình ảnh khu tưởng niệm vào buổi tối. Đó là 2 cột sáng rực chiếu lên bầu trời, đưa những linh hồn vô tội lên thiên đường.

Cách nay 2 tháng, tôi đặt tour đi du lịch Ninh Chữ – Cam Ranh. Lý do chọn Phan Rang vì đây là nơi chưa từng đến, cũng tò mò. Giá lại rẻ. 

Nhìn chung tour ổn về giá trị, chắc là hãng lữ hành cũng phải co kéo lắm để với giá đấy mà đi bằng đấy ngày, ăn bằng đấy nơi, lại ở bằng đấy chỗ.

Khi về đến Sài Gòn, có 1 cuộc gọi điện của hãng lữ hành đến tôi, hỏi ý kiến về tour du lịch. Tôi trả lời rằng có vài ý kiến thế này để ai cũng được lợi hơn, kinh tế phát triển, nhất là người dân địa phương có thêm thu nhập.

  1. Các nhà nghỉ dừng chân bên đường. Xe chạy rất cẩn thận, cứ 2 tiếng lại nghỉ dừng chân nên khách đi cũng yên tâm là tài xế sẽ ít có khả năng ngủ gật. Nhưng khổ nỗi là các nhà nghỉ ven đường bẩn kinh khủng, nhà vệ sinh không có nước, không có xà bông rửa tay,đồ uống, thức ăn thì nghèo nàn kém sạch sẽ. Nói chung không phải nơi nào cũng có tiền để làm những trạm dừng chân như thế này. Nhưng tại sao các hãng lữ hành không kết hợp với nhà dân để sao cho nơi dừng chân tốt hơn, bán được nhiều hàng hơn, có lời hơn? Khách du lịch khi đến nơi bẩn thỉu như vậy cảm thấy rất tội lỗi, vì cứ như mình đi đến đâu là bôi bẩn đến đấy. Mà du khách thì chỉ muốn đi ngắm cảnh đẹp, tìm hiểu nền văn hóa mới, thăm thú vùng đất thú vị, đóng góp vào kinh tế địa phương.
  2. Đến làng gốm Bàu Trúc. Theo thông tin đây là làng gốm cổ nhất Đông Nam Á và là làng gốm duy nhất ở Việt Nam. Người dân chính là thợ làm gốm, từ xưa đến nay chỉ làm gốm bằng tay, rất thủ công thô sơ. Đại khái, mọi tiến bộ về kỹ thuật làm gốm đã dừng lại trước cổng làng từ cách nay 200 năm. Trong thời buổi này mà vẫn giữ cách làm đó nhưng không thương mại hóa được thì sẽ cuộc sống của người làm gốm sẽ vẫn nghèo và vất vả. Xe đưa khách đến, vào 1 tiệm của nghệ nhân, vợ của nghệ nhân tiếp, giới thiệu cách làm gốm nhưng cách giới thiệu rất sơ lược. Nơi bài trí đồ lại nhỏ hẹp, chật chội, không hấp dẫn, chưa kể quần áo giăng tứ tung. Tại sao các hãng lữ hành không bày cho họ cách giới thiệu hấp dẫn hơn, để cho khách du lịch tự tạo ra tác phẩm của mình, học cách làm gốm (1 tour về  du lịch kết hợp giáo dục văn hóa truyền thống). Khi tôi mua  bình gốm thì cách  đóng hộp rất thô sơ, chỉ là bằng rơm và thùng các-tông đã cũ. Thế là về đến thành phố cái bình bị sứt cái đầu.

Những người dân ở đấy có thể cả đời chưa từng đi đâu xa, du lịch là điều xa xỉ, nhưng các hãng lữ hành cũng cần chia sẻ và hướng dẫn họ làm để cả ba bên là khách, người địa phương và cả hãng lữ hành cùng có lợi chứ? Tại sao họ thấy mà họ không làm gì? Gốm Bàu Trúc là một cách làm địa phương, truyền thống thì phải giới thiệu được nét tinh hoa của nó. Phải có những món đồ để khách du lịch mua về làm kỷ niệm để nhớ đến Bàu Trúc.

Tại làng gốm Bàu Trúc, người địa phương đang giới thiệu sơ sài về cách làm sản phẩm cho du khách.
Tại làng gốm Bàu Trúc, người địa phương đang giới thiệu sơ sài về cách làm sản phẩm cho du khách.

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra ở Làng Thổ cẩm Mỹ Nghiệp. Khách cũng không biết mua gì, vì ở làng chỉ làm cái mà họ thích làm, biết làm, và muốn làm, họ không làm cái mà khách có thể mua, dùng một cách đại trà, thông dụng. Đồ của họ khó dùng, không đủ hấp dẫn nên cuối cùng cả xe chẳng có ai mua. Bởi vậy, mình nghĩ tới cách khiến du khách rút tiền ra tiêu một cách hạnh phúc của dân Thái, Sing hay Mã Lai mà đau lòng. Vậy là người dân địa phương mất đi nguồn thu nhập, nghèo vẫn là nghèo.

Khi đi du lịch ở Việt Nam, cảnh sắc thật đẹp. Nhưng có ba điều trên là buồn nhất: nhà vệ sinh bẩn thỉu, cách giới thiệu sản phẩm du lịch kém cỏi và hàng hóa để cho khách du lịch mua làm kỷ niệm thì nghèo nàn.

Thế là hãng lữ hành có tour không thực sự hấp dẫn, dân địa phương thì làm sản phẩm ra không bán được, thất nghiệp, còn du khách thì hậm hực ra về vì chẳng có gì mua làm kỷ niệm bền lâu.

Tôi cứ suy nghĩ mãi, người dân địa phương có thể chưa nghĩ được, hãng lữ hành cho rằng không có nhiều lợi nhuận nên không tập trung vào mảng này, vậy ai có thể làm gì được?

Khi đi du lịch khách thường thích mua những vật phẩm gắn liền với địa điểm,  hay ghi tên cụ thể. Như tôi thì thích mua miếng nam châm gắn trên cửa tủ lạnh, mỗi ngày thấy nó nhiều hơn thật là thích, và khi nhìn thấy lại nhớ lại bao kỷ niệm đẹp và vui vẻ ở những vùng đất đó.

Tôi đang nghĩ đến những sinh viên mỹ thuật, những nghệ sĩ tạo hình, điêu khắc. Nếu họ kết hợp với các các nhà văn hóa địa phương, các doanh nghiệp để làm ra các sản phẩm du lịch thì sẽ rất tốt.

Việt Nam có gì?

Ninh Bình: cố đô Hoa Lưu đẹp tuyệt vời, non nước hữu tình khiến lòng người không thể không xao động….

Hạ Long: vịnh đẹp hàng đầu thế giới (bây giờ đang hơi bẩn tí vì rác rến vứt lung tung)…

Hà Nội: chùa Một Cột, phố Cổ, hồ Gươm, phở, xích lô, Quốc Tử Giám, rất nhiều xe máy và những con phố “cong mềm mại”…

Hồ Chí Minh: Sài Gòn, dinh Độc Lập, Bitexco 68 tầng, phố Tây không ngủ, chợ Bến Thành…

Hội An: chùa Cầu và nhiều cảnh đẹp, người dân dễ mến. Cảnh sắc đẹp hơn Malaca mà Malaca lại nhiều khách tới hơn….

Đà Nẵng: cầu Rồng (vừa đoạt giải 3 về thiết kế chiếu sáng mỹ thuật do Hiệp hội các nhà thiết kế chiếu sáng chuyên nghiệp trao 2014, và là công trình đầu tiên của Việt Nam đoạt giải thưởng quốc tế về chiếu sáng), cáp treo và khu vui chơi trên Bà Nà Hill đủ khiến cáp treo nổi tiếng Hong Kong khóc thét, biển đẹp xanh ngát.

 Huế là cố đô trầm tư, lăng tẩm đền đài tuyệt đẹp.

Nha Trang, Vũng Tàu, Phan Thiết: cho dù Nha Trang giờ đây như một cô gái đẹp lở loét khắp người, thì vịnh Nha Trang vẫn đẹp hàng đầu Việt Nam. Vũng Tàu, Phan Thiết được thiên nhiên ưu đãi cho biển xanh ngát đẹp quên trời đất.

Miền Tây: Khung cảnh hữu tình, người dân thân thiện.

Câu chuyện bây giờ là làm thế nào để các bên kết hợp với nhau và với những người làm nghệ thuật, kinh doanh, để tạo ra các sản phẩm sáng tạo cho du lịch, để thương mại hóa các sản phẩm đó, để đem lại niềm vui cho du khách và kiếm được tiền.

Ví dụ: Với cầu Rồng:

Bây giờ ở Đà Nẵng đã có các quán ăn, khách sạn quảng cáo có “Cầu Rồng View” (để tăng giá sản phẩm) rồi, đầy các quán nhậu 2 bên đường chờ  rồng phun lửa phun nước. Nhưng có thể làm gì khác ngoài các quán nhậu tràn lan mà nếu quá lại trở nên bê tha bệ rạc?

Tôi đang nghĩ để các sản phẩm để du khách có thể mang về nhà? mô hình cầu Rồng thu nhỏ bằng các vật liệu, hình vẽ cầu Rồng, hình chụp cầu Rồng,  bất kỳ thứ gì bằng bất kỳ vật liệu gì để du khách mua về ăn, dùng, trưng bày, kỷ niệm, tặng người khác…Làm một bảo tàng về rồng qua các thời kỳ, trong các nền văn hóa…Nhiều nhiều thứ khác mà nếu làm một diễn đàn crowd-sourcing ý kiến của công chúng thì vô số vô số ý tưởng thú vị.

Một trong những khẩu hiệu của du lịch Đà Nẵng có thể là: Nơi có con rồng đẹp nhất Việt Nam.
Một trong những khẩu hiệu của du lịch Đà Nẵng có thể là: Nơi có con rồng đẹp nhất Việt Nam. Nguồn ảnh: http://ialdawards2014.conferencespot.org/awards-at-a-glance

Chuyện tạo ra những khẩu hiệu cho các thành phố và thực hiện kế hoạch quảng bá cho du khách nhớ lâu về mình chẳng có gì mới. Mình đến nay vẫn nhớ về những nơi đã ghé qua. 

Reno, the biggest little city in the world
Reno, the biggest little city in the world. Nguồn ảnh: trang web du lịch Reno. Gần đây có hồ Tahoe nổi tiếng.

 

Fabulous Las Vegas
Fabulous Las Vegas. Ai đến Las Vegas cũng thấy biển này.

Đang có sự đứt gãy lớn giữa các lực lượng lao động trong xã hội  ở Việt Nam, không kết nối được với nhau để tạo ra những sản phẩm và giá trị. Hi vọng điều này sẽ thay đổi trong tương lai không xa. Hi vọng sẽ có nhiều bạn trẻ rẽ ngang và tìm cho mình con đường đi khác, không giống ai, như bạn này. Hi vọng nhiều doanh nghiệp du lịch sẽ bắt tay vào làm điều mà đáng lý họ cần làm từ lâu để có được nhiều hơn lợi nhuận.

Loay hoay thế nào lại thấy nghiên cứu sản phẩm du lịch này trên mạng.

Comments