Truyền thông xã hội và báo chí (phần 1)

Những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí đang tác nghiệp trong thời điểm bùng nổ mạng xã hội. Có 2 luồng ý kiến khi truyền thông xã hội vươn lên tỏ rõ ưu thế hiện nay là: 1. Mạng xã hội sẽ thay thế báo chí nhờ sự nhanh nhạy và đa dạng của thông tin; 2. Báo chí sẽ vẫn tồn tại song song với mạng xã hội nếu vẫn duy trì và phát huy những giá trị cốt lõi của nền báo chí có chất lượng (như chính xác, khách quan, cân bằng, giúp độc giả có kiến thức, đủ thông tin và nhờ đó đưa ra những quyết định đúng đắn, có lợi cho bản thân mình và xã hội), song song với việc linh hoạt sử dụng mạng xã hội quảng bá, chia sẻ, thu hút sự quan tâm và thảo luận, tham gia từ bạn đọc. Trong bối cảnh các phương tiện để truyền tải thông tin đến công chúng đang nhanh chóng thay đổi, các nhà báo có thể làm gì để có lợi nhiều nhất từ sự xuất hiện của truyền thông xã hội? Bài viết này đưa ra một số gợi ý từ các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực báo chí và truyền thông xã hội, được chọn lựa theo chủ quan của người viết khi tính đến những đặc thù của thị trường Việt Nam.

Gần đây, ngành báo chí thế giới liên tiếp có những thông tin đáng chú ý về những thay đổi và xu hướng lớn. Ví dụ Newsweek, tờ tạp chí Mỹ uy tín có 80 năm lịch sử, đã ngưng phát hành bản in mà chuyển hoàn toàn sang online (vừa dưới mô hình web vừa là e-magazine thuê bao) sau bản in cuối cùng ngày 31.12.2012.  

Newsweek_final_issue

Ấn bản cuối cùng của tạp chí in Newsweek ngày 31.12.2012.

The Huffington Post, một trang tin và mạng lưới blog hàng đầu của Mỹ tiếp tục “ăn nên làm ra” khi hoạt động theo mô hình blog cộng tác viên (không phải trả phí), đăng tải về tất cả mọi thứ từ tin tức, kinh doanh, chuyện phụ nữ, lối sống, tới công nghệ, giải trí, môi trường, chính trị… Tờ báo Internet của Arianna Huffington tiếp tục mở rộng ra các thị trường lớn khác, bên cạnh phiên bản tiếng Anh đã có tiếng Ý,  Pháp, Tây Ban Nha, Nhật và Đức. Sau 7 năm ra mắt, trang web này vẫn duy trì ở vị trí 73 trong xếp hạng Alexa toàn cầu và vị trí 20 ở Mỹ, với 1,2 triệu like trên Facebook và 1,6 triệu tài khoản theo dõi trên Google Plus.

Newsweek hay Huffington Post là câu chuyện thường được nhắc đến khi nói về những thay đổi lớn của báo chí trong thời kỹ thuật số và mạng xã hội. Sự dịch chuyển của các tổ chức báo chí cũng đòi hỏi sự dịch chuyển trong cách làm việc của những cá nhân hoạt động trong ngành báo chí.

hu

The Huffington Post định vị là trang web “cung cấp tất cả mọi nội dung”bằng cơ chế sử dụng cộng tác viên không được trả tiền – một mô hình báo chí/cung cấp thông tin đáng tham khảo.

Ở Việt Nam, cũng giống như báo chí quốc tế, báo chí truyền thống đang đối mặt với những thách thức lớn từ truyền thông xã hội. Hiện mạng xã hội được người Việt Nam dùng nhiều nhất là Facebook với khoảng 13 triệu người và dự kiến đạt 24 triệu người vào cuối năm 2013, theo báo cáo tình hình Internet tại khu vực Đông Nam Á tính đến cuối tháng 7.2013 của hãng nghiên cứu thị trường comScore. Zing Me, mạng xã hội dành cho giới trẻ đứng ở vị trí thứ 2. Trên thế giới, Twitter chỉ bằng dòng tin 140 ký tự nhưng kịp thời và nhanh chóng hơn cả truyền thông chính thống đang có 200 triệu người dùng, khi giữ vai trò vừa là mạng xã hội, dịch vụ tin nhắn ngắn, thông tấn xã, công cụ xuất bản để người dùng tự thể hiện, và thậm chí tạo những thay đổi lớn trong xã hội. Tuy nhiên, Twitter hầu như có ít người dùng tích cực ở Việt Nam. Theo nhận định cá nhân người viết, LinkedIn và Google Plus cũng có một lượng người dùng nhất định ở Việt Nam nhưng không đa dạng và tạo ra nhiều ảnh hưởng như Facebook. Thậm chí, có những người khẳng định chỉ đọc Facebook là đủ, vì “có nhiều tin, đa chiều, hay hơn cả báo chí.” (?!)

Hết phần 1. Xem phần 2 ở đây, phần 3 ở đây.

Comments

2 thoughts on “Truyền thông xã hội và báo chí (phần 1)

Comments are closed.