Truyền thông xã hội giúp quản trị xã hội thế nào?

Bài này đăng trên Tuổi Trẻ đã lâu lâu. Nhân dịp viết về truyền thông và báo chí nên post lại.

Đã đến lúc tìm ra những cách mới để người dân thông báo về tình huống khẩn cấp tới nhà chức trách một cách nhanh chóng, và mạng xã hội có thể là câu trả lời cho hiện tại và tương lai. Ở các nước phát triển, các dịch vụ công đều đã có thể thực hiện qua mạng Internet, trong đó có cả những dịch vụ liên quan tới cảnh sát, phòng cháy chữa cháy…

Hình ảnh cảnh sát Larry Deprimo - Cơ quan cảnh sát New York, Mỹ - ngồi xuống tặng đôi giày mới do anh bỏ tiền ra mua cho một người ăn xin đã giúp cảnh sát “lấy điểm” trong mắt dân chúng - Ảnh: AP
Hình ảnh cảnh sát Larry Deprimo – Cơ quan cảnh sát New York, Mỹ – ngồi xuống tặng đôi giày mới do anh bỏ tiền ra mua cho một người ăn xin đã giúp cảnh sát “lấy điểm” trong mắt dân chúng – Ảnh: AP

Chuyện mới nhất là đội phòng cháy chữa cháy London (LFB, Anh) vừa thông báo sẽ cho phép người dân dùng trang mạng xã hội Twitter để thông tin khẩn cấp về hỏa hoạn, thay vì chỉ được gọi điện tới số 999. Trước đó, cơ quan này phản đối người dân dùng Twitter liên hệ vì “không thể theo dõi 24/24 giờ được”. Tuy nhiên, do ngày càng nhiều người dân sử dụng điện thoại thông minh buộc LFB phải thay đổi cách tiếp nhận yêu cầu của dân.

Hơn 1 tỉ người trên thế giới đang dùng Facebook, hơn 500 triệu người dùng Twitter. Rõ ràng mạng xã hội đang ngày càng trở nên thông dụng và là nơi “sinh hoạt” của dân chúng.

Chữa cháy tốt nhờ… Twitter

Hồi tháng 1-2012, một đám cháy lớn xảy ra ở tây London. Vì trực thăng cảnh sát khi đó không có sẵn ở hiện trường, đơn vị cứu hỏa đã lên Twitter để hỏi những người đang theo dõi hỏa hoạn ở khu vực chụp hình và mô tả khung cảnh. Thông tin được chuyển tới các chuyên gia phân tích tại các trung tâm để họ đánh giá về mức độ nghiêm trọng và đưa ra hướng giải quyết. LFB cho rằng nếu không có sự tham gia của mạng xã hội thì sẽ phải mất thời gian lâu hơn nữa mới dập được đám cháy.

Mỗi năm LFB nhận 30 triệu cuộc điện thoại của người dân. Không chỉ tiếp nhận thụ động, cơ quan này còn chủ động đưa ra thông điệp qua mạng xã hội, như kêu gọi người dân cảnh giác với hỏa hoạn vào những thời điểm có nhiều nguy cơ như dịp bắn pháo hoa, lễ tết… Bây giờ, tài khoản @LondonFire trên Twitter đã có 30.000 người theo dõi.

Tương tác rất lớn

Cơ quan cảnh sát New York (NYPD, Mỹ) tất nhiên cũng không thể đứng bên ngoài xu hướng sử dụng mạng xã hội để tiếp cận người dân và minh bạch hơn nữa các hoạt động của mình. NYPD có hẳn một tài khoản trên Facebook, dù đã có trang web riêng. Trên Facebook, họ cho biết cách để người dân có thể cung cấp thông tin: Thông báo các vấn đề khẩn cấp, gọi 911. Thông báo về tội phạm mà muốn ẩn danh, hãy truy cập trang web www.NYPDcrimestoppers.com hay gọi số 800-577-TIPS.

 

Sứ mệnh của tài khoản trên Facebook cũng rất rõ ràng: “Trang Facebook của chúng tôi được dùng để chia sẻ tin tức mới nhất, thông tin mới nhất, những lời khuyên để ngăn chặn tội phạm và cách để các bạn có thể tham gia với NYPD, nhằm tiếp tục giúp cho thành phố của chúng ta an toàn. Có rất nhiều cách bạn có thể tham gia, như “like” trang này và các thông điệp của chúng tôi. Bạn cũng có thể chia sẻ câu chuyện, hình ảnh của mình, tham gia các sự kiện và chương trình chúng tôi đưa ra, bình luận và phản hồi tới chúng tôi. Chúng tôi rất mong đón nhận những bình luận và gợi ý của các bạn”.

NYPD cũng liệt kê ra một loạt danh sách các đường dẫn trên mạng để người xem có thể tìm hiểu quy trình tuyển dụng để trở thành cảnh sát, nộp đơn đăng ký tuyển dụng, các video chọn lọc về hoạt động của cảnh sát New York trên YouTube, Bảo tàng cảnh sát New York, quy trình kiện cảnh sát New York và cả đường link để theo dõi họ trên Twitter.

Sự minh bạch đó là một trong những lý do khiến trang Facebook của cảnh sát New York có sự tương tác rất lớn của người dùng. Ví dụ, chỉ một thông điệp “Chúc mừng Giáng sinh hạnh phúc và an bình” trên Facebook đã có 450 bình luận và 9.367 người “like”, bức hình chụp các thành viên mới nhất của đơn vị xử lý tình huống khẩn cấp đã có 267 bình luận và 4.239 người “like”. Đặc biệt hồi tháng 11-2012, một người phụ nữ đã vô tình thấy và chụp lại hình ảnh viên cảnh sát Larry Deprimo đang ngồi xuống đưa đôi giày cho một người đàn ông không giày không vớ trong thời tiết giá lạnh ở quảng trường Thời Đại rồi đăng trên Facebook. Dĩ nhiên, NYPD đã không bỏ lỡ cơ hội xây dựng hình ảnh cho mình. Đã có 48.608 lời bình luận, 617.585 lượt “like” và được chia sẻ 195.000 lượt trên mạng Facebook về sự việc này.

Box: Ở Việt Nam, theo số liệu của WeAreSocial – một tổ chức có trụ sở tại Anh nghiên cứu độc lập về truyền thông xã hội toàn cầu, tính đến tháng 10-2012 có 30,8 triệu người sử dụng Internet trong tổng số khoảng 90 triệu dân. Khoảng 8,5 triệu người đang dùng Facebook – mạng xã hội thông dụng nhất Việt Nam – và con số vẫn đang tiếp tục tăng nhanh. Nhiều cơ quan công an ở nhiều tỉnh thành của Việt Nam đều đã có website, giúp ích rất nhiều cho việc tra cứu dữ liệu, hướng dẫn thủ tục, phổ biến kiến thức cho người dân. Tuy nhiên, có thể nhận thấy rõ là các website hầu như không kết nối với mạng xã hội.

Bài này đăng trên Tuổi Trẻ đã lâu lâu. Nhân dịp viết về truyền thông và báo chí nên post lại.

Comments