Du học thích lắm, đi đi!

imagesChưa khi nào cơ hội đi du học mở ra trước mắt những người trẻ Việt Nam khao khát học tập như hiện nay, với đủ mọi quốc gia sẵn sàng mở cửa chào đón sinh viên từ khắp mọi nơi, đủ mọi loại hình đào tạo, môn học, lứa tuổi, thành phần. Nếu hi vọng có học bổng, bạn chỉ có đến hạn mức 45 tuổi để quyết định đi học; còn nếu tự đi thì cơ hội là …mãi mãi, miễn là bạn đủ sức khỏe.

Chưa có số liệu thống kê chính thức về số lượng du học sinh Việt Nam tạm biệt quê hương với lí do du học, mỗi người mỗi cảnh, mỗi lý do. Sau những tháng năm ở nước ngoài, mỗi người  đều mang trong mình câu chuyện kể, và họ có thể  nói thật dài, thật nhiều về những khó khăn họ gặp phải.

 

Mỗi sinh viên khi rời xa gia đình đều được nhắc nhở: giữ gìn sức khỏe về tinh thần và thể chất. Làm thế nào để học được điều hay, lẽ tốt để mở mang đầu óc, để tự tin, để tràn đầy nhiệt huyết, hứng khởi sống vui, có ích; và song song với đó giữ được cơ thể khỏe mạnh để chống chọi với những cái lạnh giá thấu xương, những ngày bão tuyết, hay nắng khô hanh những mà người xứ nhiệt đới có độ ẩm cao không quen? Đó là chưa kể tới những vấn đề của cuộc sống mà ai cũng có thể gặp phải, nhưng nếu giữa quê hương thân thuộc, gia đình bạn bè thì dễ giải quyết, nhưng giữa xứ người xa lạ, việc nhỏ sẽ thành việc to.

Khi sang đến nơi, sau thời kỳ “trăng mật”, cảm giác tươi mới, hạnh phúc khi được sống trong một nền văn hóa mới, có nhiều điểm lạ lùng, những người đi học đối mặt với nhiều khó khăn khi muốn thực sự hòa nhập với môi trường mới. Với tuổi đời còn trẻ, chưa va vấp nhiều trong cuộc sống, có thể còn thiếu các kỹ năng cần thiết để xử lý vấn đề và duy trì suy nghĩ tích cực, du học sinh thường cần phải mất một thời gian để có thể ổn định cuộc sống học tập.

Nỗi nhớ nhà có thể coi là “cơn ác mộng” của hầu hết các du học sinh trong thời gian đầu. Một du học sinh đi học ở Singapore nhớ lại: “Có những hôm thức dậy cứ ngỡ tầng 1 là nhà bếp nhà mình. Chỉ cần đi qua cái cầu thang kia, xuống dưới nhà là gặp bố, gặp mẹ, gặp chị… Cứ luẩn quẩn thế mất 2-3 phút mới giật mình tỉnh ra đang ở một nơi không phải là nhà mình, từ bây giờ phải tự thân vận động thôi. Cảm giác khi ấy hụt hẫng vô cùng. Như kiểu giấc mơ đang đẹp bị hiện tại đánh cắp”.

Thường du học sinh sẽ nhớ những gì mình đã có khi còn ở nhà, như đi ăn những món ngon với bạn bè, khi nhức đấu sổ mũi thì được mẹ nhắc “uống thuốc đi con”, khi bị mất tinh thần trong học hành thèm một lời động viên của nguời thân. Ngoài việc tự động viên tinh thần và tập trung hơn vào việc học, nay thì Internet đã giúp họ xóa đi được những khoảng cách địa lý xa xôi.

Du học sinh sẽ phải tự mình cập nhật những kiến thức, kỹ năng cơ bản tại một quốc gia mới để có thể sinh hoạt bình thường như đọc bản đồ, sử dụng hệ thống giao thông công cộng, khi cần được trợ giúp thì liên hệ với ai, nói như thế nào. Nếu ở Việt Nam có người thân, cha mẹ, anh chị em giúp đỡ, hay thuê ai đó để làm giùm, chi phí ở nước ngoài, đặc biệt là các nước phát triển, sẽ buộc du học sinh phải nghĩ kỹ đến từ “thuê”. Họ sẽ thiên về khả năng “tự làm mọi việc” hơn là đi thuê. Có những du học sinh tự mình sửa cả bồn cầu bị tắc sau khi tìm trên YouTube được “hướng dẫn chi tiết”, chỉ vì tiền thuê sẽ rất đắt.

Du học sinh cũng phải học những thói quen mà đôi khi ở Việt Nam họ có thể “quên” như nấu những món ăn phù hợp để đảm bảo sức khỏe, xếp hàng, tuân thủ luật giao thông, tôn trọng không gian của những người xung quanh (không làm nói to, không cười to, không gây tiếng ồn, không xả rác…), biết nói xin lỗi khi làm sai và làm phiền người khác, và cảm ơn khi ai đó giúp đỡ hay làm điều tốt cho mình. Đó là chưa kể tới cách quản lý thời gian, giao dịch bằng ngân hàng… là thứ thường xuyên làm nhất.

Các tình huống xã hội ở nước ngoài thường có xu hướng giúp cho du học sinh chấp nhận và tôn trọng được sự khác biệt dễ dàng hơn. Trong vòng 2-6 tháng đầu, các du học sinh sẽ phải trải qua rất nhiều tâm trạng, trạng thái khác nhau, và chỉ có thể vượt qua để tiếp tục duy trì tinh thần tích cực nếu bản thân được chuẩn bị tốt các kỹ năng, và kiên trì theo đuổi mục tiêu mà mình đã đặt ra khi du học. Chỉ có ít người là ít bị sốc văn hóa, còn với những người không có nhiều điều kiện tiếp xúc nhiều với những nền văn hóa khác nhau, những người từ xứ sở khác với tập tính và thói quen không giống như “bình thường”, họ hay có cảm giác khó hiểu, nghi ngờ, bực bội, nghĩ xấu về những gì mới mẻ ở môi trường mới.

Có những người duy trì các thói quen, sở thích  về ăn uống, sinh hoạt như khi còn ở Việt Nam, nhưng cũng có không ít người lại muốn hoàn toàn dứt bỏ nguồn gốc của mình, như không ăn nước mắm, hay nói hoàn toàn bằng tiếng Anh (kể cả với người Việt Nam), hay từ chối thừa nhận mình là người Việt Nam khi được hỏi. Các nhà nghiên cứu cho rằng, những du học sinh mà không hoàn toàn bác bỏ văn hóa của mình, và cũng không hoàn toàn tẩy chay văn hóa ở nơi mới thường có xu hướng thành công hơn. Việc “nhào trộn” văn hóa mới và cũ như vậy giúp họ thành con người đa văn hóa, sẵn sàng thích nghi với từng đối tượng và từng hoàn cảnh khác nhau. Thói quen chọn lọc những điều hay, lẽ tốt ở từng nơi, từng người, từng nền văn hóa để bồi đắp cho mình các kỹ năng, kiến thức mới là thói quen tốt. Việc chủ động thích ứng, tự thể hiện bản thân trước những người xung quanh như bạn bè, hàng xóm, thầy cô…để nghe ý kiến, nhận xét, hay cách giải quyết của họ cũng là một cách tốt để không mắc lại sai lầm mà người khác đã mắc, bớt đi nguy cơ làm sai, và rút ngắn khoảng cách phải sửa sai.

Những thói quen “không để ý đến môi trường xung quanh” của những người đi du học sẽ khiến họ tự cô lập bản thân, thu hẹp môi trường sống, học tập, giải trí để trưởng thành. Từ đó, du học sinh sẽ dễ thành  người “sách vở”, không dễ thích nghi với cuộc sống vốn đầy những sự phức tạp và đa dạng mà không phải sách vở nào cũng đề cập tới . Phát triển tính cách tò mò đầy thiện chí, tìm hiểu xem những người địa phương mình ở đang quan tâm tới gì, hay đặc trưng văn hóa, truyền thống của họ cũng là một cách tốt để du học sinh không cảm thấy lạc lõng, để hiểu và trân trọng những nền văn hóa khác, từ đó hiểu và yêu quý nền văn hóa của quê hương.

Nhưng kể cả đã cải thiện con người mình rồi, du học sinh Việt Nam cũng sẽ vướng vào những hoàn cảnh mà họ cho rằng mình “bị phân biệt đối xử”.  Một trong những khó khăn lớn nhất đối với du học sinh là sự phân biệt đối xử ở người bản xứ. Có những sinh viên gặp và kết thân với những người bạn tốt bản xứ, nhưng cũng có không ít trường hợp không may mắn khi gặp những nhóm người phân biệt. Ví dụ như D.P, một sinh viên khi đi học Úc, vẫn nhớ về khó khăn lớn nhất của mình chính là việc những sinh viên bản xứ rất e dè khi tiếp tục với vì nghĩ rằng người Châu Á vô dụng. Trong dịp tình cờ, một sinh viên Úc nhờ tôi xem giúp máy vi tính đang gặp sự cố thì một sinh viên khác đến nói nhỏ và cho rằng “Nó là người châu Á thì biết khỉ gì về IT”. Dù rất thất vọng và tổn thương, D.P đã có cách giải quyết tích cực là vẫn vui vẻ giúp đỡ người cần giúp đỡ, và khi đã khắc phục được sự cố máy tính thì đã giúp hoàn toàn thay đổi cách suy nghĩ của những người xung quanh về mình. D.P cho rằng, chỉ có cách cở mở với người bản xứ, sẵn sàng giúp đỡ họ lúc họ cần thì họ sẽ thấy được giá trị của mình trong một tập thể, từ đó thay đổi định kiến của họ.

Chuyện bị phân biệt đối xử có thể nói là câu chuyện dài ngày không hồi kết. Ngoài những chuyện khá công khai, thì cũng có chuyện tế nhị. Ví dụ, du học sinh dễ cảm thấy mình bị “bỏ rơi” hay “lạc lõng” trong một nhóm bạn người bản xứ hay quốc tế nói đùa hay trò chuyện về một vấn đề mà họ chưa có điều kiện để tìm hiểu, đặc biệt ở những vùng văn hóa hoàn toàn xa lạ với quê hương mình. Khi đó, du học sinh phải nhanh chóng cập nhật thêm thật nhiều kiến thức trong một thời gian ngắn để “họ nói mình hiểu, mình nói họ hiểu”. Nếu nói chuyện nghiêm túc thì chỉ cần một số vốn tiếng Anh nhất định là có thể tham gia được, nhưng để có thể nói chuyện đùa hay hài hước  một cách tinh tế, tạo không gian vui vẻ – điều để  giúp kết bạn lâu dài – thì cần phải hiểu và biết nói đúng chỗ, đúng lúc, đúng người để có thể cư xử cho phù hợp. Không thầy cô, giáo trình nào dạy các du học sinh việc đó, tự họ phải tìm hiểu nếu không muốn bị bỏ ra rìa cuộc chơi.

Những kỹ năng mềm như sự hợp tác, giúp đỡ, chia sẻ, thông cảm…luôn là những kỹ năng cần thiết, cho dù ở đâu. Tuy nhiên, chúng càng trở nên quan trọng khi du học sinh ở trong môi trường mới, cần hơn bao giờ hết chuyện “thêm bạn, bớt thù”.

Cách học chủ động, không biết thì phải tự tìm hiểu, hỏi thầy, hỏi bạn. Thư viện ở các nước tiên tiến luôn mở cửa 24/24, và các thầy cô đều sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ sinh viên khi được tiếp cận. Những cách học đòi hỏi sự tự giác cao độ là một thách thức, nhưng thách thức hơn cả là không được gian lận, quay cóp, hay đạo văn, vì ngoài môi trường tôn vinh thực học, ở những nơi du học sinh đến học có thể có những máy móc hay hệ thống giúp phát hiện ra những sự gian dối trong học thuật, và tất nhiên, những biện pháp trừng phạt cũng theo đó mà xuất hiện.

Giờ đây, không nhất thiết phải giàu mới có thể đi du học. Con đường học tập đang mở ra cho những ai có ước vọng. Trên con đường tìm kiếm những kiến thức mới, khả năng tư duy mới để phục vụ cho công việc và cuộc sống trong tương lai, để làm người có ích, những khó khăn gặp phải khi đi học ở nước ngoài chỉ là khó khăn trước mắt, nhất thời. Cả một quãng đường dài trước mặt sẽ còn nhiều khó khăn hơn nữa. Cuộc sống mà thiếu đi những khó khăn thì làm sao cảm nhận được niềm hạnh phúc của sự yên bình? Nhưng khó khăn nào rồi cũng sẽ qua. Khi học xong, nhìn lại những năm tháng đó, lại thấy đó chẳng còn là khó khăn nữa. Chúng ta thấy mình chủ động hơn trong cuộc sống, bình tĩnh xử lý các tình huống khác nhau, những thách thức khác nhau. Đó mới là những giá trị đích thực của việc đi học.

THỊ TẸT

(bài này không nhớ là viết đăng ở báo nào, khi nào)

Đọc thêm: Vì sao nên đi học nước ngoài.

Comments