Cô chèo đò ở Tràng An

Đò của chúng tôi có 4 người, cộng với cô nữa là 5. Chiếc  đò mỏng mảnh lướt đi hầu như không có tiếng động trong khu du lịch sinh thái Tràng An – một trong những nơi đẹp nhất Việt Nam mà tôi từng đến. Mây núi ở Đà Nẵng hùng vĩ còn ở Ninh Bình thì trang nghiêm u tịch. Lòng người không thể không trào dâng cảm xúc.

"Long lanh đáy nước in trời" ở Tràng An
“Long lanh đáy nước in trời” ở Tràng An

Cô chèo đò chỉ khoảng dưới 30 tuổi, nhỏ nhắn, dáng vẻ lam lũ, đội nón cho khỏi nắng. Cô chỉ là 1 trong khoảng 1.200 chiếc đò đang xếp hàng dài chờ khách. Bởi vậy, cô nói cả tuần may ra thì có 1 chuyến. Mỗi chiếc đò như vậy có khoảng 4 khách, mỗi khách trả cho bên quản lý khu du lịch 100 ngàn, vị chi cả chiếc đò thu về 400 ngàn, không biết cô được chia bao nhiêu trong số đó khi chèo đò chở khách đi qua các hang động, đợi khách lên chùa, ngắm cảnh, tổng cộng là 3 tiếng. Sau mỗi chuyến đi, có khách thương thì sẽ bo, có khách không bo. Hên xui. Cô nói cô không được phép xin, ai thương thì cho. Những ngày chờ đến  lượt, ai thuê gì cô làm nấy, nếu không có thì ở nhà. Trong lúc chèo thuyền, con gái cô gọi điện liên tục, nhắc mẹ chiều đừng quên đi họp phụ huynh.

Khu du lịch sinh thái Tràng An được quản lý rất tốt, sạch sẽ. Cô chèo đò ở lại quê nhà để làm ăn, chứ không chạy lên Hà Nội hay vào Sài Gòn để kiếm sống. Cô có cả 1 gia đình phải lo lắng chăm sóc. Nhưng mỗi tuần như vậy, cô chỉ kiếm được một khoản thu nhập ít ỏi.

100 ngàn đồng là toàn bộ số tiền bạn phải trả khi thăm thú khu du lịch sinh thái Tràng An. Ngoài ra, bạn không phải chi gì nữa. Cũng như nhiều khu du lịch khác ở Việt Nam, du khách không biết tiêu tiền vào đâu. Ở Tràng An hay các khu du lịch khác của Ninh Bình, ngoài cảnh đẹp, điều du khách nhớ nhất có lẽ là trả 2.000 đồng/lần đi vệ sinh, và thái độ rất ghê gớm của những người đứng thu tiền. Nhưng thực tế, ở nước ngoài, càng ở những nơi có đông khách du lịch, bên quản lý càng không thu tiền đi vệ sinh. Họ muốn lấy tiền của du khách ở những thứ khác, ví dụ như đồ lưu niệm hoặc hàng hóa ăn theo. 

Nhưng ở Ninh Bình,  du khách chẳng biết mua gì vì chẳng có gì bán đủ hấp dẫn, đa dạng, để bày biện trong nhà cho thật đặc biệt ngoài tràng hạt (không phải ai cũng đi chùa) và vài thứ khác. Tôi thích một bức tranh chụp, khắc, vẽ, thêu…gì gì đó về thiên nhiên Ninh Bình tuyệt đẹp, hoặc bất kỳ đồ vật nào làm bằng bất kỳ chất liệu gì để có thể bày biện, dùng trong nhà. Tại sao địa phương, doanh nghiệp và người dân không sản xuất?

Vậy họ đang làm gì?

Rất nhiều người đang bán dạo những đồ linh tinh, tạo giá trị thấp được mua từ Trung Quốc như quạt (giá 5.000 đồng/chiếc), chai nước (10.000 đồng), mà phải leo lên thật cao, thật xa qua vô số bậc thang mới bán được. Rất nhiều người đã sắm được những chiếc máy ảnh kỹ thuật số, chạy theo du khách, năn nỉ, ép buộc du khách chụp hình, cố tình rửa hình để ép du khách lấy (ở đền vua Đinh vua Lê). Còn ở Tràng An hầu như không có dịch vụ gì có thể đủ làm cho du khách tiêu tiền, hay nhớ về Ninh Bình và giúp quảng bá Ninh Bình gián tiếp, ngoài các quán bán các món ăn như  món dê núi gà đồi.

Có phải tiếc không?

Tiếc quá đi chứ. Tôi đi du lịch, thường nghĩ mình phải chi tiêu, đặc biệt là cho người địa phương, sử dụng dịch vụ và mua sắm đồ do địa phương làm, càng địa phương càng tốt. Tôi chẳng muốn đến Ninh Bình hay Hà Nội lại phải mua đồ của Trung Quốc, Thái Lan nhập khẩu, chỉ vì người địa phương hoặc quá lười, hoặc không đủ lợi nhuận để sản xuất và sáng tạo. Ninh Bình có quá nhiều cảnh đẹp để phát triển du lịch bên cạnh thành phố Nam Định đã trở thành một ví dụ buồn về sự suy thoái của thành phố từng được đánh giá cao (giờ đây, ngoài tiếng tăm là đất học từ xưa, Nam Định hầu như không có hoạt động gì đáng kể, chỉ tự cung tự cấp, không có người đến mà chỉ có người đi, suy thoái là tất yếu vì đã trở thành vùng trũng).

Khu du lịch sinh thái Tràng An không có rác, cô lái đò rất có ý thức vớt rác do du khách vô ý thức vứt ra, nên cô là một trong những người giữ cho  sơn thủy hữu tình sạch sẽ. Đền vua Đinh vua Lê thì luôn náo loạn vì người dân phóng xe máy ầm ầm. Hàng chục người chụp ảnh ngồi tụm một chỗ sẵn sàng đứng bật dậy chờ du khách đến để vây quanh, chèo kéo, xin xỏ. Có buồn không? Buồn chứ! Họ cũng rất sáng kiến là tự chụp hình du khách rồi năn nỉ du khách đồng ý rửa hình, nhưng bạn phải cẩn thận nếu không muốn rơi vào bẫy của họ. Đó là kiểu làm ăn chụp giựt, chỉ khiến du khách giận dữ mà thôi. Ai cũng cung cấp những thứ giống nhau mà không ai nghĩ phải bán cái gì đó khác với người khác.

Cô chụp ảnh mà chúng tôi đồng ý thuê vì cô nhanh miệng kiêm luôn vai trò hướng dẫn viên du lịch ở khu du lịch hoàn toàn không có hướng dẫn viên (bên cạnh việc cô cứ lẽo đẽo đi năn nỉ nói nhiều nhức hết cả đầu). Cô có vẻ nhớ về thời Đinh Lê, bà Dương Vân Nga và bao chuyện hay ho thời dân dựng đền thờ. Cô cũng biết chỉ cho du khách hiểu sự khác nhau giữa 2 ngôi đền, các vị trí đặt tượng có gì đặc biệt, viên gạch đặc biệt, dấu ấn mỹ thuật kiến trúc của ngôi đền hay sập rồng. Đó là giá trị tăng thêm của cô, dù nó không chuyên nghiệp.

Những phụ nữ này có thể làm được điều  gì khác biệt? Họ có rất nhiều tiềm năng để hoạt động, chăm sóc, bảo dưỡng ngôi đền. Họ là những chủ nhân thực sự của những công trình tâm linh và kiến trúc đặc biệt quan trọng trong văn hóa Việt Nam này.  Tôi  muốn thấy họ được đào tạo để trở thành hướng dẫn viên (đâu cần phải đẹp, tôi  chẳng thấy ở đâu trên thế giới mà hướng dẫn viên du lịch phải đẹp, phải trẻ cả. Nhưng ở Việt Nam lại có vẻ rất quan trọng việc phải đẹp, trẻ mới là hướng dẫn viên được. Đó chẳng phải là phân biệt tuổi tác và ngoại hình chăng. Trong khi hướng dẫn viên cần đầu óc và sự lanh lẹn trong giao tiếp); hoặc người địa phương ngồi 1 chỗ bán hàng, những món hàng đa dạng phong phú đủ chủng loại của họ làm ra.

Cô chèo đò  sẽ có những công việc khác nữa bên cạnh việc chèo đò. Giờ đây, cô chỉ được chèo đò thôi, không được bán bất kỳ thứ gì, dù du khách muốn (ví dụ khát khô cổ muốn có nước cũng không có, hay mưa tầm tã thì cũng chịu ướt vậy chứ trên  đường sông không có áo mưa bán).

Ở Ninh Bình, cũng như nhiều nơi khác của Việt Nam, chúng ta đang quen làm giống người khác, cạnh tranh với người khác về giá (hi vọng giá mình rẻ hơn thì sẽ có nhiều khách hơn) mà không nghĩ mình cần phải có sáng kiến và làm những thứ khác người.

Một trong những lý do tôi rất thích phim The Croods (Cuộc phiêu lưu của gia đình Crood) là nó đã phủ nhận hoàn toàn ý kiến “New is always bad’ – Cái gì mới luôn là cái xấu – một cách rất thông minh và vô cùng sáng tạo. Nếu bạn chưa xem thì nhớ xem.

images

Hãy làm ra cái mới nếu không muốn chết dí trong cái tổ tò vò. Và có câu rằng, thường đời mình sau này sẽ thấy tiếc vì những thứ mình không làm chứ không phải những thứ mình đã làm. 

1238823_466742423425151_256887778_n

Comments