Tạp chí và báo in hàng ngày

Tôi bắt đầu entry này bằng việc nói về những tạp chí mà tôi thuê bao trên iPad và lý do vì sao.

Tạp chí Foreign Policy: Những cây bút hàng đầu thế giới về phân tích ngoại giao và địa chính trị. Hình ảnh đẹp, văn phong rất hay, nội dung phong phú, cho cái nhìn toàn cảnh, sâu sắc nhất. Điểm trừ: Không có đa phương tiện, chỉ là 1 bản tạp chí in đọc trên màn hình iPad, nhưng vẫn quá tốt vì nếu không, lấy đâu ra báo in để đọc khi sạp báo không bán và đặt mua từ nước ngoài thì phức  tạp.

1291110298_foreignpolicy

Tạp chí National Geographic: Với người ưa du lịch, phiêu lưu, mỗi lần có số mới là sung sướng âm ỉ. Những bức hình tuyệt vời nhất, nhưng câu chuyện thú vị nhất về những con người ưa xê dịch, khám phá nhất. Tôi cho rằng đây là một tạp chí hàng đầu hiện nay về du lịch mạo hiểm. Điểm cộng, mà tất cả các tạp chí khác còn kém xa, là đa phương tiện tuyệt vời. Sau khi bạn tải tạp chí xuống hết và đọc trên iPad qua Zinio, bạn như sở hữu một thế giới thần tiên, có nước, có trời, có núi, có những con người đầy tinh thần khoáng đạt và tạo cảm hứng, có những điều kỳ thú hay ho nhất mà bạn cứ dần dần khám phá. Đa phương tiện gồm video, audio, hình ảnh, và tôi đảm bảo là nó sẽ khiến bạn rất hạnh phúc khi sở hữu bản đa phương tiện hơn là 1 tạp chí in đơn thuần. Đây là tạp chí đã chuyển giao ngoạn mục từ phương tiện truyền thống sang phương tiện mới. Tình yêu của tôi.

72817_10151640805683336_1269688691_n

Tạp chí Forbes: Tôi đọc trước khi làm cho Forbes Việt Nam. Vì sao? Những bài viết chuyên sâu về những nhân vật, ý tưởng gây chú ý nhất, những bảng xếp hạng thú vị nhất. (Tất nhiên các tạp chí khác như Time, Foreign Policy, Newsweek cũng có bảng xếp hạng, tùy gu của mỗi người để thích cái gì hơn. Tuy nhiên họ đều rất uy tín và cẩn trọng).

oprahcover.preview

Còn đây là những tờ không đọc online mà thích cầm báo giấy:

Tạp chí Time: Ngày trước thuê bao, giờ không thuê bao nữa. Vì sao? Vì có rất nhiều thứ trên Time có thể đọc trên những báo khác. Tôi chỉ không thuê bao online nữa để cắt giảm chi phí thôi, còn thấy tờ này sẽ vẫn đọc.

1101120521_600

Tạp chí Newsweek: Họ rất cố gắng để thay đổi sau khi ngừng bản in, chấm dứt kỷ nguyên huy hoàng để sang sống đời online. Tuy nhiên, sự chuyển đổi chưa thực sự gây được cảm hứng thích thú như National Geographic.

newsweek-cover-obama-god-of-all-things-shiva-sad-hill-news

Đẹp: Thuê bao trong 1 năm 2012 và chưa renew bản online. Vì sao? Vì tự dưng thấy 1 tháng có 1 số, mà cầm bản in đọc cũng vui, thích hơn bản online. Bản online cũng cố gắng đa phương tiện (ví dụ như những quảng cáo được gắn kèm), nhưng không hấp dẫn bằng bản in. Bản online đọc ok, tiện cho ai thích mang đi, nhưng cũng không thêm giá trị nào khác và tôi cũng không cần mang Đẹp đi đâu cả, đọc buổi chiều trước khi ăn cơm hoặc buổi sáng khi chờ ăn sáng ở nhà là đủ rồi. Vậy nên mua tạp chí in đều hàng tháng là rất đủ. Tôi chắc là Đẹp sống rất ổn vì  thiết lập được vị trí hàng đầu ở Việt Nam khi viết về những thứ không khiến người ta phải suy nghĩ nhiều, trình bày đẹp, đầu tư ý tưởng hay. Nói chung Đẹp là tờ làm cross-media tốt nhất trong làng báo ở Việt Nam hiện nay, với nhiều thứ tiên phong.

4316142441107990145791000024698176105033212084301335njpg1331648068

Tuổi Trẻ cuối tuần: Một tờ báo rất nghiêm túc với đội ngũ tâm huyết, nhiều vấn đề phân tích sâu sắc, tổng quan, được chăm chút kỹ lưỡng, những cây bút chuyên môn cao. Tờ báo này đến cửa nhà vào thứ 6 hàng tuần, đúng cuối tuần. Rất thích. Tôi thích đọc báo giấy hơn vì được cầm nhâm nhi theo ý thích. 

519e387259e80224034 (1)

Thời báo Kinh tế Sài Gòn: Tất nhiên, vì đây là tờ đọc rất có chất riêng. Các cây bút tốt, giàu kinh nghiệm sống, nghề nghiệp và chuyên môn. Tờ này cũng có thể đọc online nhưng tôi thích đọc báo giấy hơn.

cb121_25ee5-bia-xuan_150

Như vậy, những điểm chung của những tờ tạp chí tôi đọc là gì? Tính phân tích, nhận định sâu sắc, tổng quan, bao quát, chuyên sâu, trải nghiệm lý thú. Tôi đọc vào cuối tuần, dành hẳn thời gian nhất định cho chúng, vì tôi biết, tôi sẽ có nhiều sự hiểu biết từ những tạp chí đó. Tức là cách tôi đọc tạp chí khác với cách tôi đọc tất cả những thứ khác.

Báo ngày có làm được điều đó không? Không, vì rất khó. Một tòa soạn dù đông đến mấy nhưng chạy theo thời sự đã mệt hơi rồi, họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn để làm ra những bài dài sâu sắc, đảm bảo mọi chi tiết trong đó không sai (vì quy trình xác minh dữ kiện thực tế – fact check- ngốn rất nhiều thời gian).

Vậy tờ báo ngày nào cho tôi điều đó? Không có, chủ yếu chúng ta vẫn đang tham lam, muốn đăng thật nhiều tin nhưng không xác minh thật rõ tin nào thực sự tạo ra khác biệt của mình và tập trung vào những loại tin bài như vậy. Làm sao cạnh tranh với online và truyền hình được? Không thể, về tốc độ.  Tin độc quyền, bài điều tra chuyên sâu, xã luận xuất sắc (tức là có quan điểm mạnh mẽ, rõ ràng) mới làm nên một tờ báo hay và uy tín. Thời buổi siêu kết nối (super-connected), không ai chờ đến sáng hôm sau mới biết in  khi trước lúc  đi ngủ họ có thể vào mạng (qua di động hay iPad) để đọc tin trong và ngoài nước.  

Mấu chốt quan trọng nhất là gì? Tôi cần loại thông tin khiến cho tôi hiểu biết sâu sắc hơn (chứ không phải biết nhiều thứ hơn). Những thứ đọc lướt lướt trên mạng, hay những tin ngắn ngắn trên báo, tôi không đọc cũng không sao. Thời gian ít đi, con người chỉ còn dành vào những việc tìm hiểu những gì tạo ra nền tảng giá trị cho mình.

Đó là lý do càng các tạp chí phục vụ cho thị trường ngách thì vẫn càng sống khỏe và ổn. Còn các tạp chí hay báo dành cho đối tượng độc giả nói chung thì gặp rất nhiều khó khăn, vì cạnh tranh dữ dội hơn. Quy luật là khi bạn tiếp cận được cái gì riêng biệt thì bạn sẽ có chỗ đứng riêng biệt. “Có chỗ riêng” – rất quan trọng.

Đó là những nhận định từ trải nghiệm của cá nhân tôi, để giải thích vì sao tạp chí có thể sống tốt, không dựa trên nghiên cứu khoa học nào. Giờ chúng ta sẽ mở rộng ra một chút.

Tờ tạp chí đầu tiên trên thế giới là tờ dành cho đàn ông, tên là The Gentleman, xuất bản năm 1731 ở London. Từ “Magazine” lần đầu tiên được sử dụng bởi Edward Cave, là biên tập tờ tạp chí này. Magazine có nghĩa là nhà kho của quân đội.

Tạp chí The Gentleman
Tạp chí The Gentleman

Trải qua biết bao tháng ngày hoành tráng, những tờ tạp chí general (dành cho số đông) đang dần đóng cửa. Họ không có được thị trường ngách (niche market) nên không thể cạnh tranh được với quá nhiều phương tiện truyền thông hiện nay. Họ đóng cửa tạp chí, hoặc chỉ xuất bản bản điện tử. Đó là một sự chuyển dịch phù hợp và không có gì phải hối tiếc. Suy cho cùng, chỉ có những sự đặc quyền đặc lợi mới khiến cho người ta chỉ cần đừng yên mà vẫn “ngon lành cành đào,” còn không, ai cũng phải xoay chuyển để phù hợp với tình hình mới.   

Theo số liệu từ Nghiên cứu độc giả quốc gia mới nhất của Anh, thì độc giả của báo và tạp chí đang chuyển đổi nhanh chóng sang đọc qua các thiết bị di động hay máy tính bảng. Chuyện đó có thể dễ dàng hiểu được khi các platform này phát triển chóng mặt, các tờ báo nhanh chóng tiếp cận và thu hút độc giả về phía mình thông qua nền tảng cross- media. Họ cần làm là có quan điểm của mình và thu hút trí tuệ của độc giả để tạo ra những sản phẩm truyền thông xuất sắc. Họ không tốn tiền in, phát hành, giấy má, họ có thể đầu tư để chào đón thế hệ độc giả mới trên mạng. Thách thức là phải làm thật chất lượng, thật hay. Trong 5 hoặc 10 năm nữa, những trang web hay nhất có thể kiếm được rất nhiều tiền từ khách hàng của mình. 

Tại Mỹ, trong năm 2010, số tạp chí ra mắt và đóng cửa đều giảm. Số lượng thì rất lớn, theo mediafinder.com, có 176 tạp chí ra mắt trong 9 tháng đầu năm 2010 (so với 259 tạp chí cùng kỳ năm 2009). Số tạp chí đóng cửa cũng giảm, từ 383 tạp chí trong 3 quý 2009 xuống còn 127 tạp chí cùng kỳ năm 2010. Các tạp chí về nhà ở và thể thao đặc biệt bị ảnh hưởng trong năm 2010 (với 12 và 11 đầu tạp chí bị đóng cửa).

Theo nghiên cứu từ 50 tạp chí có số độc giả đông nhất ở Mỹ, thì hầu như chưa tạp chí nào theo kịp những đặc điểm mới nhất của web.  

Ở Việt Nam, rất nhiều tạp chí đang gặp khó khăn, nhưng cũng rất nhiều tạp chí sống ổn, và sẽ còn ổn lâu. Được cái, thế giới có rất nhiều hội nghề nghiệp báo chí, dành cho riêng tạp chí thì ở đây, các tòa soạn ở Việt Nam có lẽ cũng nên tính tới việc tham gia để cần gì còn ới các bạn giúp đỡ, hoặc biết cái gì đang xảy ra trên thế giới trong ngành của mình.

Bạn có thể đọc thêm về tình hình báo in và truyền thông đa phương tiện ở đây.

Hôm nay mình thấy một câu này, hay thế: with all thy getting, get understanding – đại khái, trong tất cả những gì bạn có, hãy chọn sự hiểu biết.

Chỉ có những gì  viết sâu  sắc mới giúp bạn hiểu biết. Chuyện này, chả mới, nhưng nhờ có Internet ta mới hiểu thật rõ ràng điều đó. 

Bạn có thể đọc The Shallows ở đây.

 

Comments

4 thoughts on “Tạp chí và báo in hàng ngày

  1. You should check out the Current app in Google Play Store (it is Android-based- do not know if it works on iPad but definitely works in Windows). There are many excellent magazines such as the Atlantic, Slate, Foreign Affairs, Salon, Harvard Bus Review and also Forbes and many more. Please note they are the shortened editions and do not include all articles as in the commercial e-copies. However they are completely free.Try them and perhaps you\’ll like them.Btw, I very much enjoy reading your blog.I intend to be a loyal reader of yours and to learn more about journalism in Vietnam.

  2. Mạo muội đề nghị bổ sung thêm tờ Thể thao văn hóa cuối tuần.

  3. Loan không nhớ chi tiết về số tiền thuê bao các tạp chí nên không viết vào. Nhưng nhớ là Newsweek một số thuê bao giá 2,99$. Bạn thử check trên Zinio là biết ngay số tiền.

  4. Bài viết rất hay, thực tế, tiếc là tác giả không nói về số tiền thuê bao của mỗi tạp tạp chí online để đọc trên iPad. Trộm nghĩ có lẽ tác giả ngại đề cập đến tiền…

    Những đường link thiệt là bổ ích, đặc biệt là trang tiếng Việt về truyền thông của Sứ quán Hoa Kỳ.

    Cám ơn Khổng Loan!

Comments are closed.