21.6.2013

–         Noam Chomsky, theo ông, báo chí bây giờ nên làm gì?

–         Nên nói sự thật.

Cuộc đối thoại của người dẫn chương trình  và Noam Chomsky khi ông vừa kết thúc bài nói chuyện tại ngày khai mạc  Diễn đàn truyền thông thế giới 2013  khiến những cử tọa bật cười và vỗ tay tán thưởng.

0,,16888790_303,00
Noam Chomsky tại diễn đàn truyền thông toàn cầu 2013.

Diễn đàn năm nay do DW tiếp tục tổ chức ở Bonn, nhân kỷ niệm 60 năm DW được thành lập từ ngày 16-19/6/2013. Tôi, có lẽ cũng như nhiều cử tọa khác, có chung nhận định là Noam Chomsky là một người viết rất hay, nhưng là một diễn giả thì rất chán. Vì hầu như buổi nói chuyện hôm đó là thời gian ông lặp lại những gì đã từng viết, ông chỉ ngồi 1 chỗ, đọc những gì trên giấy, không giao lưu với khán giả. “Maybe he should stick to writing,” một người bạn của tôi đã nói vậy.

Nhưng lời nói cuối cùng của Noam trong hội nghị, vì sao lại khiến mọi người cười? Phải chăng, sự thật đang trở nên hiếm hoi và bởi vậy, tiếng cười được dùng như một cách để khỏa lấp đi sự cay đắng trong lòng?

Đó cũng là một cách diễn dịch, phải không?

Trở về Việt Nam, tôi nhận được nhiều lời chúc tốt đẹp nhân ngày 21.6. Chân thành cảm ơn tình cảm của mọi người. Không có nhiều nơi trên thế giới có ngày này. Có lẽ nhân dịp này cũng cần nhắc lại là chúng ta vẫn còn nằm trong 10 nước bị cho là “tôn trọng tự do báo chí kém nhất”. Đây là link về việc “very serious situation”. Mỗi một thứ bậc cải thiện sẽ là tin vui cho người dân trong tương lai.

Báo Tuổi Trẻ cuối tuần hôm nay đăng bài phỏng vấn anh Nguyễn Vạn Phú, tiêu đề là “Nghề báo đích thực luôn có những nền tảng bất biến.” Quả là tôi không thể đồng ý hơn với tiêu đề này. Người ta luôn lo lắng cho số phận báo chí, nhưng thực tế, bất kỳ xã hội nào càng văn minh,hiện đại thì báo chí càng phát triển, sự trao đổi, thảo luận càng nở rộ, tự do học thuật rất lớn. Chúng ta đang chứng kiến cách con người tiếp cận thông tin khác hơn so với ngày xưa, chứ cái làm nên báo chí thực sự thì không thay đổi. Chúng ta đang chỉ lo cho mấy nhà in và các nhân sự không chuyển đổi kịp để làm việc thích nghi với hiện tại nhiều hơn là nền báo chí. Có cái gì trên đời mà không thay đổi? Vì vậy, báo chí thay đổi thì cũng là bình thường, sao phải hoắng?

Báo chí Việt Nam đang không có sẵn nền tảng cho một cách thức làm báo chuyên nghiệp nên khủng hoảng của chúng ta rất khác với khủng hoảng của các nơi khác. Khủng hoảng ở những nơi khác là mang tính thích ứng, công cụ cung cấp thông tin  và cách thức người dân tiếp nhận thông tin nhiều hơn; còn chúng ta đang là vấn đề của nghề nghiệp chuyên nghiệp nhiều hơn – tức những điều cơ bản nhất.  Có một điều chúng ta giống thế giới, là báo chí nghiêm túc đang gặp vấn đề về lượng phát hành, còn báo chí lá cải vẫn ngon lành lắm. (Riêng tờ Guardian của Anh  lại đang tiếp tục mở rộng sang Mỹ và Úc, trong khi các tờ khác lại đang thu hẹp. Đây là trường hợp thú vị để theo dõi).

Anh Phú cho rằng vấn đề lớn nhất của báo Việt Nam là độ khả tín đang xuống thấp, tức là tin vào báo chí đang xuống thấp. Có lẽ đây là nhận định chủ quan của anh, dựa vào những quan sát xung quanh chứ chưa phải một nghiên cứu khoa học thực sự. Nhưng cá nhân tôi cũng cảm nhận như vậy. Với ông Noam Chomsky, có thể ông ấy sẽ nói là “tại báo chí không nói sự thật, nên không được tin. Đáng đời lắm.”

Chỉ đến khi báo chí Việt Nam đi về hướng độc lập thì tiếng nói đó mới dần đáng tin cậy, mới cung cấp cho người đọc những thông tin cần thiết để họ đi đến những quyết định đúng đắn. Tôi vẫn thấy quanh mình những người đồng nghiệp đang nỗ lực làm điều đó, họ thực sự “chiến đấu” vì điều đó.

Tôi may mắn gặp những người thầy tử tế. Tôi vô cùng biết ơn họ, tôi học được từ họ hơn cả những kiến thức nghề nghiệp thông thường, mà là thái độ với nghề nghiệp. Một thái độ nghiêm túc, luôn học hỏi, khiêm tốn. Một thái độ đúng đắn thì những chuyện tốt đẹp khác tự sẽ đến. Ví dụ như sự hài lòng trong công việc, sự nỗ lực trong nghề nghiệp chuyên môn, những cộng sự tử tế…

Nếu bạn không làm báo, chúc bạn có sự hiểu biết về truyền thông và hỗ trợ nhiệt tình báo chí nếu họ cần đến sự giúp đỡ của bạn. Bạn hãy tin là nếu bạn hỗ trợ cho một nền báo chí tự do, độc lập, thì bạn và xã hội sẽ có rất nhiều lợi ích vững bền.

Nếu bạn làm báo, chúc bạn có 1 hình mẫu trong nghề nghiệp để phấn đấu noi theo. Chúc bạn mỗi bài viết đều khiến bạn tự hào vì bạn đã làm việc hết sức, rất chuyên nghiệp, rất đầu tư và bạn tin những bài đó sẽ khiến xã hội tốt đẹp hơn. Chúc bạn có một người sếp khiến bạn tôn trọng, là người luôn khiến bạn đặt trọn niềm tin, là người chia sẻ những giá trị của nghề nghiệp với bạn. Chúc bạn có những đồng nghiệp tử tế, hỗ trợ nhau cùng tiến bộ. Chúc bạn có một khả năng ngoại ngữ thật vững vàng, vì thế giới nghề nghiệp vô cùng rộng lớn, nếu bạn có công cụ ngôn ngữ thì bạn sẽ mở được tất cả các cánh cửa khác đóng trước mặt mình.

Chúc bạn chỉ phải viết những gì bạn thực sự tin.

Tôi được dạy rằng, và tin rằng “Nghĩa vụ đầu tiên của báo chí là tôn trọng sự thật”. “Lòng trung thành đầu tiên của báo chí là trung thành với công dân”. Tất cả những gì đi ngược lại, hoặc đi lệch lại với những điều đó là sai, và chúng ta cẩn phải sửa chữa điều đó. 

Báo chí Việt Nam thế kỷ 21 vẫn còn 3 điều nhầm lẫn, theo đánh giá của bác Lý Sinh Sự. Ông ấy nói rằng: “thứ nhất là thấy mình phát hành được ổn định với số lượng lớn mà tưởng mình làm báo giỏi, thật ra là ngân sách rót tiền. Thứ hai, một số báo bán được rất nhiều và cũng tưởng như thế là mình giỏi. Thứ ba là chính những người làm báo, đừng nghĩ mình viết nhiều, nói nhiều, được nhiều nhuận bút mà tưởng mình là nhà báo lớn.”

 

Đọc thêm: Diễn đàn truyền thông toàn cầu ở Bali 2012

Bạn đọc tản văn của Nguyễn Vĩnh Nguyên chưa? Có mấy bài về truyền thông nhìn theo kiểu phê bình trào lộng.

Comments