Facebook, Twitter, Google, và gì gì đi nữa

Những ngày này, nếu công ty nghiên cứu thị trường nào đó mở cuộc điều tra bỏ túi xem từ nào được nói nhiều nhất, thì có lẽ là Facebook. Ra đời trong 1 căn phòng ở ký túc xá của Đại học Harvard từ ý tưởng của vài chàng sinh viên, nay Facebook đã trở thành website thông dụng nhất, với những sức mạnh tiềm ẩn mà đến các nhà nghiên cứu các xu hướng của xã hội vẫn chưa thể phỏng đoán hết. Họ chỉ có thể chắc chắn rằng Facebook, và các website xã hội khác sẽ chính là công cụ giúp cho những người dân thấp cổ bé họng có được tiếng nói của mình, kết nối và truyền tải thông tin cho nhau.

Những ngày cuối tháng 7-2010, mùa hè ở Palo Alto (California) vẫn chưa phải là mùa hè thực sự vì người ta vẫn phải mặc áo lạnh và quàng khăn. Bên ngoài  tổng hành dinh của Facebook ở   Khu nghiên cứu Stanford trên đường  Page Mill, người ta chỉ thậm chí còn không thấy tên công ty, chỉ có duy nhất số 1601 nổi tiếng. Tòa nhà 2 tầng đang tiếp tục được xây mở rộng, bên trong là những chiếc máy tính xếp hàng dài và màn hình vi tính lớn. Trung bình, tuổi đời của nhân viên ở Facebook là khoảng 20, và tổng giám đốc điều hành (CEO)  Mark Zuckerberg – tỉ phú trẻ nhất thế giới –  mới 26 tuổi.

Xen kẽ những nơi làm việc là những nhóm chơi bóng bàn, và thi thoảng lại có chiếc bóng trượt pa-tanh vụt qua, hay những chiếc xe đạp để trên lối đi ngay trên tầng làm việc. Tinh thần thoải mái, có vẻ tự do của Facebook  khiến người ta không hề có cảm giác đây đang là 1 trong những công ty làm ăn thành công nhất, gây tranh cãi nhất, và quan trọng hơn cả, là một điển hình cho sức mạnh mà mỗi cá nhân được trao nhờ Internet.

Randi Zuckerberg, chị gái của CEO hiện phụ trách  marketing của công ty có cách nói chuyện đầy cảm hứng. Cô kể về những ngày đầu tiên Facebook ra đời và cảm giác kinh ngạc khi thấy Facebook trở thành diễn đàn  tạo nên sức mạnh tập thể, kết nối giữa các thành phần. Sức mạnh  của Facebook khiến các tập đoàn  truyền thông lớn như CNN, BBC hay New York Times đều đưa Facebook vào gói tiện ích của mình, vì các người dùng của họ cũng đều dùng Facebook. Người dùng  muốn xem trực tiếp sự kiện trên mạng, vừa muốn  trò chuyện và bình luận, chia sẻ và nhận xét về sự kiện đó với hàng triệu người khác trên thế giới. Hàng ngàn lập trình viên ở khắp nơi trên thế giới đang tiếp tục xây dựng các phần mềm ứng dụng mới cho Facebook.   Tương lai của công ty mới 6 năm tuổi này còn rất dài vì câu chuyện mỗi cá nhân kết hợp với nhau để làm thêm sức mạnh chỉ mới bắt đầu. Con số kỷ lục người dùng 500 triệu chỉ mới là mốc khởi đầu.

Khác với sự đơn giản của Mark Zuckerberg vào những ngày đầu tiên lập Facebook, Matt Halprin và các cộng sự khi thành lập ra Quỹ Sunlight đã có ý tưởng sử dụng mạng xã hội để “trao quyền cho người dân” và khiến các cơ quan, tổ chức, chính phủ của Mỹ gần gũi hơn với những người dân bình thường, thông qua việc minh bạch hóa thông tin, thực hiện trách nhiệm giải trình.  “Sứ mệnh của chúng tôi là tập trung vào quá trình số hóa các dữ liệu của chính phủ, tạo ra các công cụ và website giúp cho các dữ liệu này dễ dàng được tiếp cận bởi bất kỳ người dân nào” – ông nói tại một cuộc nói chuyện ở Đại học Stanford cuối tháng 7-2010.  Khái niệm này nghe chừng thật đơn giản, vì  công việc của chính phủ là một điều không dễ hiểu từ trước tới nay, nhưng nếu các chính sách của họ đến với người dân một cách minh bạch và đầy đủ thì sẽ không còn chỗ cho những lời đồn đãi hay phỏng đoán mà đa phần là tiêu cực. 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh, trong đó có 6 năm tại eBay,  Matt là thành viên của Quỹ  Wikimedia Foundation (thuộc Wikipedia – từ điển trực tuyến lớn nhất thế giới).

Điều thú vị, như Matt chia sẻ, là cung cấp 1 cộng đồng công nghệ nguồn mở để hỗ trợ các những người dân thường không cần phải thật giỏi công nghệ mới có thể tiếp cận được thông tin.  “Chúng tôi khá chắn chắn rằng khi chúng tôi đạt được mục tiêu tạo ra 1 chính phủ minh bạch, chúng tôi sẽ thay đổi nước Mỹ.” Thay đổi nước Mỹ cũng chính là mục tiêu của chính phủ Barack Obama khi tranh cử và hiện nay, và chính phủ nào hoạt động mà không muốn thay đổi đất nước mình tích cực để nhận được nhiều hơn sự ủng hộ của dân chúng?  “Con người vốn dĩ ai cũng có khả năng, nhưng họ không có cơ hội. Tôi chỉ muốn trao cho họ công cụ để tạo ra cơ hội cho mọi người tăng cường chất lượng cuộc sống của mình” –Matt nói.

Công nghệ đang đóng 1 vai trò quan trọng để các chính phủ không chỉ có thể nâng cao khả năng điều phối xã hội, mà nó còn trao cho mỗi người dân bình thường công cụ họ chưa từng có. Cuộc sống của mỗi cá nhân thay đổi  thế nào phụ thuộc vào khả năng tiếp cận thông tin của họ.

Có lẽ sẽ thiếu sót nếu không nhắc tới Wikileaks. Website này đang đăng tải những thông tin, những bằng chứng về chiến tranh Afghanistan mà chính phủ Mỹ không muốn dân chúng biết vì chúng khác hẳn với thông tin họ công khai. Sử dụng 1 nhóm các chuyên gia để kiểm định nội dung được gửi tới website trước khi đăng tải, Wikileaks (Rò rỉ) cung cấp những thông tin mà nếu không có nó, 1,2 triệu tài liệu đến nay vẫn còn nằm trong vòng bí mật. Twitter, một trang web tiểu blog, chỉ để cho người dùng thông báo với thế giới mình đang làm gì vừa có tin nhắn thứ 20 tỉ. Tốc độ lan nhanh đến mức chóng mặt của dịch vụ này trên toàn cầu phần nào chứng minh sự hào hứng mà mỗi người dân bình thường nhận thấy khi dịch vụ này mới ra đời được 4 năm.

Một tờ báo ở VN đăng chú thích ảnh  về 1 sự kiện diễn ra ở Mỹ không đúng như chú thích gốc của bức hình. Ngay lập tức, các trang mạng đưa hàng loạt các thông tin chứng tỏ chú thích ảnh không đúng, cùng rất nhiều lời bình luận khác nhau của bạn đọc. Vì vậy, không chỉ là chính phủ thực hiện trách nhiệm giải trình vì người dân đã có nhiều cách tìm hiểu công việc của họ hơn, mà ngay cả báo chí cũng đang chịu sự giám sát chưa từng có. Câu hỏi đặt ra bây giờ là: sẽ còn những công cụ nào khác nữa, và các bên sẽ thực hiện trách nhiệm của mình đến đâu.

Và thế giới đang chứng kiến vị Tổng thống cánh tả Hugo Chavez của Venezuela tuyển dụng tới 200 nhân viên để “lo lắng” cho những trang nhà trên Twitter và Facebook. Tỏ ra không kém cạnh gì với các chính phủ phương Tây trong việc tranh thủ tiện ích của truyền thông thời kỹ thuật số để quảng bá hình ảnh, chính sách, tiếp cận với dân chúng, Hugo Chavez đang cho thấy nếu vận dụng tốt thì truyền thông mới chính là 1 công cụ đắc lực với tất cả mọi lực lượng chính trị. Tuy nhiên, thực tế, lực lượng nào tận dụng kém hơn thì lại hay lên án và cấm đoán.

(Bài đăng trên tạp chí Người làm báo  của Hội Nhà báo Việt Nam số tháng 9-2010. Tít có thay đổi)

Ghi thêm: Bạn đã thử Google Earth chưa? Bạn sẽ biết ở đâu đó, ai đó đang làm gì…

Comments