Vì sao Sheri Fink đọat giải Pulitzer thể loại báo chí điều tra?

Làm thế nào bài viết về một sự kiện diễn ra từ năm 2005 ở Mỹ lại được giải thưởng Pulitzer 2010 dành cho thể loại báo chí điều tra?

Bạn có thể tìm được câu trả lời ở đây, và ở đây.

Nhưng tôi cũng muốn tìm hiểu rõ hơn về nội dung bài viết và chia sẻ với những người quan tâm.

Trước hết, chúng ta nghe câu chuyện mà tác giả Sheri Fink nói về tác phẩm của mình. Một lưu ý là chị này là Tiến sỹ y khoa, nên chắc chắn chị rất rành rẽ về các vấn đề trong ngành của mình. Đây là bản dịch tóm lược:

Câu hỏi: Bài viết đưa ra những chi tiết rất thú vị về trung tâm y khoa, nhưng hàm ý của bài viết còn rộng hơn như thế. Chị có thể nói thêm về điều này như thế nào?

Trả lời: Tôi nghĩ, nhiều người vẫn tin rằng, chúng ta chẳng có thể học được gì trong tình huống đó (cơn bão Katrina năm 2005), những người làm công tác cứu hộ khi đó đã làm rất tốt, có thể nói là không thể làm tốt hơn. Nhưng nhiều năm sau đó, khi nhìn lại, ta thấy rằng suy nghĩ đó không còn đúng nữa. Chúng ta tự hỏi, trong tình huống cực kỳ khó khăn như vậy, liệu ta có thể làm gì để cứu sống được càng nhiều người càng tốt, làm thế nào để thực hiện công việc của mình một cách tốt nhất, và loài người xứng đáng được có điều đó. Vì vậy, tôi cho rằng, xét về quan điểm báo chí, là phải nhìn vào thực tế: Nước Mỹ sẽ còn phải đối mặt với những thảm họa trong tương lai, chúng ta sẽ còn nhiều trận bão nữa, chúng ta còn có các dịch bệnh kinh khủng tấn công, kể cả như bệnh cúm trong mùa này; Sẽ đến lúc những nguồn dự trữ của chúng ta có giới hạn, sẽ đến lúc (thật không may mắn) là chính phủ bất lực trong việc đảm bảo sự an toàn cho người dân, và các nhân viên y tế, cứu hộ sẽ bị kẹt trong hoàn cảnh làm việc rất khó khăn. Như vậy, lý do duy nhất để nhìn lại, tìm hiểu về những gì thực sự đã diễn ra là tìm hiểu xem chúng ta có thể học được gì ở sự việc đó, câu chuyện đó đã dạy chúng ta điều gì.

Theo Wikipedia, “Bão Katrina là một cơn bão mạnh đã tàn phá miền Đông Nam Hoa Kỳ và đã trở thành thiên tai kinh khủng và tốn kém nhất trong lịch sử Hoa Kỳ kể từ trận động đất tại San Francisco năm 1906 đến nay. Khu vực bị ảnh hưởng bao gồm tiểu bang Louisiana (nhất là vùng New Orleans), miền nam và trung Mississippi, nam Alabama, vùng tây Florida, miền nam Florida, và nhiều khu vực về phía bắc. Trong mùa bão ở Đại Tây Dương năm 2005 nó là bão thứ 11 được đặt tên, gió xoáy nhiệt đới thứ 4 và cơn bão quan trọng thứ 3. Nó là bão mạnh thứ ba đổ xuống Hoa Kỳ đã được ghi chép trong lịch sử.

Giới chức trách xác nhận có 207 người thiệt mạng tuy nhiên thị trưởng New Orleans, ông Ray Nagin ước đoán con số tử vong có thể lên đến hàng ngàn người. Hai con đê ở New Orleans vỡ với hậu quả là 80% thành phố bị lụt; có khu phố nước dâng cao đến 7,6 mét.

Các chuyên gia phỏng đoán khoảng một triệu người đã mất nhà vì trận bão. Năm triệu người bị cúp điện trong vùng Vịnh Mexico và phải mất đến hai tháng dịch vụ điện mới được phục toàn.

Tính đến năm 2005, bão Katrina là cơn bão gây nhiều tử thương nhất ở Hoa Kỳ kể từ trận bão Camille năm 1969 làm 256 người bị thiệt mạng trước đó.”

Với sự giúp đỡ rất nhiệt tình và có hiệu quả của bạn Cảnh Toàn – sinh viên báo chí của Khoa Báo chí – Truyền thông – ĐH QG TP HCM, tôi đã có bản dịch của 13.000 chữ bài điều tra của Sheri. Tôi sẽ post dần để những ai quan tâm cùng đọc và tham khảo.

Bài viết về “3 trong 1”

Một bài viết trước đây về Báo online. Mình post lại trên web để những ai quan tâm có thể tham khảo.

MỞ ĐẦU MỘT HÀNH TRÌNH MỚI

Những người làm báo ở VN đang đứng trước những thách thức lớn trước những thay đổi nhanh chóng về công nghệ làm báo, thói quen đọc báo và nhu cầu ngày càng cao hơn của độc giả. Báo Tuổi Trẻ TP.HCM vừa có đợt tập huấn kéo dài 3 ngày (6-9/8/2009) các kỹ năng cần thiết cho phóng viên để họ có thể tác nghiệp một mình cho báo in, báo hình và báo online. Đợt tập huấn mở đầu cho kế hoạch “3 trong 1” này tập trung vào làm báo hình, cách thức làm tin tức và phóng sự trong chương trình thời sự.

 

 

“Độc giả không chờ chúng ta đâu”

Ngày 7-8, tại văn phòng đại diện của báo tại TP.Đà Lạt, Bùi Thanh, cây bút kỳ cựu của báo, ngồi trầm ngâm chờ đến lượt mình nói chuyện. Hôm nay, ông sẽ nói chuyện với các đồng nghiệp trẻ tuổi về báo mạng và những thách thức đòi hỏi các phóng viên phải thay đổi cách tác nghiệp cho phù hợp với nhu cầu thông tin hiện nay. Ông muốn chia sẻ suy nghĩ của mình về sự cần thiết phải trở nên “đa năng” và linh họat trong phương thức tác nghiệp hiện nay.

“Độc giả không chờ chúng ta đâu,” ông nói, “Chúng ta cần phải đem đến thông tin cho họ sớm nhất, đầy đủ nhất, kể cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.” Một câu nói ngắn gọn nhưng nhiều ý nghĩa về trách nhiệm công việc mà những người báo ở Tuổi Trẻ cùng chia sẻ.

Có lẽ, Bùi Thanh hiểu hơn ai hết rằng, những người làm báo ở VN đang phải căng sức ra như thế nào để đáp ứng yêu cầu của độc giả trước sự phát triển nhanh chóng của các loại hình truyền thông như báo hình, báo nói, đặc biệt là báo điện tử để cạnh tranh với báo in – vốn là thế mạnh của Tuổi Trẻ. Trong cuộc đua, khi ai đó chạy chậm, họ sẽ bị bỏ rơi.

“Với trường hợp chúng ta có mặt tại một sự kiện hi hữu, quan trọng trước nhiều người khác, chúng ta sẽ tác nghiệp thế nào? “. Câu này nên nói rõ về tình huống giả định: một thảm họa lũ quét xãy ra tại một vùng rừng núi Tây Nguyên, bạn sẽ làm gì và làm như thế nào với tứ cách một phóng viên “3 trong 1” ?

Câu hỏi Bùi Thanh đặt ra và các phóng viên, học viên đã sôi nổi thảo luận. Một lần nữa, sức mạnh của tính tốc độ trong thông tin, với sự hỗ trợ của công nghệ Internet, máy ảnh kỹ thuật số, máy quay phim, điện thoại…đã được các học viên mổ xẻ. Trong trường hợp này, online  sẽ là nơi tiếp nhận thông tin đầu tiên, và phóng viên sẽ phải linh hoạt trong việc sử dụng các phương tiện tác nghiệp để đem lại hiệu quả công việc cao nhất.

Báo Tuổi Trẻ TP.HCM có lẽ là một trong những tờ báo in đầu tiên ở VN hiện thực hóa kế hoạch đào tạo và “gia cố” thêm kỹ năng làm báo cần thiết và phù hợp với tình hình mới cho đội ngũ phóng viên của mình. Bùi Thanh và cameraman Quang Thịnh của VTV 9 có ba ngày để mở đầu cho một sự thay đổi trong cách làm việc của phóng viên Tuổi Trẻ ở thời “đa phương tiện”. Một thời gian quá ngắn, nhưng với họ, điều quan trọng trước tiến là thay đổi trong nhận thức – đặt bạn đọc làm trung tâm của công việc.

 

“Tôi có thể làm được”

Lần đầu tiên cầm máy quay phim với nhóm, với những yêu cầu  khắt khe về kịch bản, về thời gian, Minh Tự, đại diện các phóng viên tại Văn phòng Tuổi Trẻ tại Huế đã không giấu nổi sự hào hứng. Anh và hai thành viên khác thuộc “nhóm làm phim CNN” là Phan Sông Ngân và Lê Đức Dục đã khíên các thành viên của lớp học và các giảng viên rất thích thú với tác phẩm mang tính thời sự về việc Đà Lạt đang nóng dần lên và sự xuất hiện ngày càng nhiều dịch vụ cung cấp máy lạnh.

Ở độ chín của nghề nghiệp, họ đã làm việc tỉ mỉ và cẩn thận cho từng phân cảnh quay, trau chuốt kịch bản và từng câu lời bình. Vốn chủ yếu viết cho báo in, chuyện họ phải tư duy hình ảnh, sắp xếp hình ảnh và ghi lại các hình ảnh cho phù hợp với kịch bản là  một thách thức. Các khuôn hình chưa chuẩn trong lần đầu tiên quay của họ đã nhanh chóng được sửa lại trong lần quay hai.

“Trước đây, tôi từng nghĩ là để làm một bộ phim thì khó lắm,” Minh Tự nói, “Nhưng với những kỹ thuật cơ bản mà tôi học được tại lớp học, tôi nghĩ bây giờ mình có thể làm được chuyện đó rồi.”

Chia sẻ suy nghĩ với anh là Quang Vinh từ Văn phòng Cần Thơ. Anh cho rằng, “lớp học đã thỏa mãn phần nào nhu cầu cần thiết của các phóng viên về việc nâng cao khả năng tác nghiệp trong các tình huống.”

Trong số những học viên tham gia lớp học, có những học viên chưa từng cầm máy quay phim. Họ phải học những điều rất cơ bản của máy quay, cách cầm máy đúng cách, lấy khuôn hình cho đẹp, phân cảnh cho phù hợp khi dựng phim. Nhưng cameraman Quang Thịnh của VTV9 đã rất ngạc nhiên trước sự hào hứng học tập của các học viên và cũng là đồng nghiệp báo chí của anh.

“Tôi nhận thấy rất rõ  sự đam mê truyền hình của các bạn,” anh nói khi kết thúc khóa học. “Và các bạn đã rất quyết tâm thực hiện tốt nhất  sản phẩm truyền hình đầu tay của mình.” Anh cũng tỏ ra ấn tượng với sự “đeo bám” quyết liệt của các học viên khi họ hỏi về những lỗi trong quay phim cần tránh, hay những bí quyết khi thu tiếng trong phim nếu phương tiện kỹ thuật không đầy đủ khi lớp học diễn ra lúc 10 giờ đêm.

 

Tương lai

Lớp học đã rất sôi nổi khi các phóng viên xem lại các thước phim đầu tay mà các đồng nghiệp của họ thực hiện từ thời “chưa biết gì”. Phóng viên Thế Anh ở Ban phóng sự ký sự với những thước phim quý giá về cứu hộ các nạn nhân của bão Chanchu trên biển đã được Đài Truyền hình VN sử dụng, hay phóng viên Anh Thoa đã quay phim con sông Thị Tính bị ô nhiễm bằng chiếc máy ảnh của mình và được đài Truyền hình Đồng Nai mua lại và phát sóng hai lần.

Câu chuyện của Thế Anh và Anh Thoa cho thấy sự dấn thân trong công việc, sẵn sàng sử dụng một công cụ một cách linh hoạt để lưu lại những thông tin quý giá.

Anh Thoa là phóng viên trẻ, chuyện anh “liều mình” quay phim bằng máy ảnh và “chợt”, “bất ngờ” phát hiện ra là chất lượng của nó khá ổn khi phát trên sóng truyền hình là một ví dụ sinh động và thú vị về những gì chiếc camera bé nhỏ có thể đem lại cho một sản phẩm báo chí.

Hay chuyện phóng viên Thế Anh trong cơn sóng dữ giữa đại dương chỉ còn biết cầm máy quay mượn được của thuyền trưởng, giữ mãi ở một góc độ mà không hề theo bất kỳ một quy tắc nào của quay phim hay làm tin truyền hình. Bản năng của một phóng viên cho anh thấy, những thước phim anh quay là quý giá, và là bài học về việc vượt qua những khó khăn và nguy hiểm trong nghề nghiệp.

Bùi Thanh nói rằng, ông đã có ba ngày sống hòan tòan trong không khí nghề nghiệp, “căng thẳng” và “rất vui”. Nhưng ông cũng cho rằng, lớp học chỉ là khởi đầu cho một tương lai. Chuyện tự học, tự đào tạo và bổ sung những kiến thức và kỹ năng còn thiếu là kỹ năng là chuyện các phóng viên luôn cần làm.

“Truyền thông đa phương tiện” với những sản phẩm báo chí được làm để tiếp cận theo cách thân thiện hơn với bạn đọc, đem lại cho người dùng những sản phẩm dưới các góc nhìn và hình thức khác nhau.

Trong bối cảnh kinh tế tòan cầu suy giảm,  tin tức về chuyện báo chí thế giới đóng cửa, sáp nhập, và chuyện báo chí VN giảm doanh số phát hành, việc báo Tuổi Trẻ TP.HCM nỗ lực thúc đẩy kế hoạch đào tạo bồi dưỡng kỹ năng mới cho phóng viên  được cho là một điểm cộng trong nỗ lực duy trì và phát triển tờ báo trong tương lai.

Box: Đợt tập huấn này là đợt học híêm hoi vì nhiều lẽ: kéo dài cả ba ca, kéo dài từ 8h sáng tới 11h đêm. Đó là chưa tính đến thời gian “mạn đàm nghề nghiệp trước sân Văn phòng đến 0 giờ. Vậy mà 6 giờ sáng hôm sau, họ đã có mặt ở nhiều nơi như chợ, đồng rau, vườn hoa, khu du lịch…để tiếp tục tác nghiệp . Với sự hỗ trợ của các đồng nghiệp Đài truyền hình Lâm Đồng, các học viên đã tiếp cận với qui trình làm một bản tin va phóng sự truyền hình, tham gia dựng phim, trực tiếp đọc thuyết minh cho các tác phẩm của mình.

Đính chính trên báo điện tử

Không như nhiều người thường nghĩ, đính chính trên báo điện tử không đơn thuần là “rút tin bài” khỏi website. Các bản sai vẫn có thể được lưu lại trên mạng, theo một cách nào đó. Như vậy, thông tin sai sẽ vẫn ảnh hưởng tới đối tượng có liên quan.

Vì vậy, đa phần các hãng tin trên thế giới đều có phần đính chính rất cụ thể ngay trên website, ngay trên bài viết. Ví dụ, họ dùng công cụ “crossed” để gạch ngang từ, hoặc đoạn thông tin sai, và viết lại từ, hoặc đoạn thông tin đúng bên cạnh.

Hoặc họ sẽ đính chính vào cuối bài. Nói chung, đó là cách làm rất sòng phẳng, có trách nhiệm.

Đây là ví dụ về cách làm trên The Economist điện tử.

10 bức ảnh thiên nhiên đẹp nhất của mọi thời đại

Nhân Ngày Trái đất thế giới (22-4) lần thứ 40, những bức hình thiên nhiên tuyệt đẹp chụp từ 60 năm qua đã được đưa ra bán đấu giá ở nhà bán đấu giá Christie’s. Trong số đó, có cả bức hình Earthrise chụp từ con tàu vũ trụ Apollo và bức chân dung nhà họat động vì môi trường Jane Goodall được một chú tinh tinh chào đón. Liên đoàn quốc tế các nhiếp ảnh gia về bảo tồn thiên nhiên (ILCP) đã lựa chọn những bức hình này.

Những bức hình giúp người xem hiểu hơn về vẻ đẹp và sự mong manh của môi trường thiên nhiên. Số tiền thu được sẽ gửi tới các nhóm môi trường.

Hơn 100 tay máy và biên tập ảnh có liên quan tới ILCP đã được mời đưa ra đề xuất các bức ảnh mà theo họ là “tuyệt nhất”. Họ không được phép tự đề cử ảnh của mình, và được khuyến khích xem xét các yếu tố như tính thẩm mỹ, độc đáo, lịch sử, quan trọng về mặt khoa học, tham gia vào nỗ lực bảo tồn khi lựa chọn các tác phẩm ảnh.

Những người quan tâm có thể đấu giá cho bức hình tại www.ABidtoSavetheEarth.org từ nay tới ngày 6-5.

Mời bạn đọc xem 10 bức hình trong bộ sưu tập 40 bức hình đẹp nhất được chọn:

Khiêu vũ của gấu bắc cực

Nhiếp ảnh gia Thomas D. Mangelsen giải thích: “Mũi Churchill là nơi tập trung đông gấu bắc cực nhất trên trái đất. Những chú gấu đến đây chờ nhiệt độ hạ xuống và băng đông cứng lại. Khi bão mùa đông đến, khung cảnh tráng xóa, hai chú gấu này đang thử sức mạnh của nhau xem ai khỏe hơn. Hành động này giúp chúng tăng cường sức khỏe, và thiết lập thứ bậc. Nhưng người xem thì nghĩ chúng đang rất thích thú với họat động này. Những động thái giống như con người khi khiêu vũ, là bức hình mà tôi chụp ưa thích nhất.”

Nhiếp ảnh gia Frans Lanting nói: “Khi tôi ở đồng bằng Okavango, Botswana, tôi làm việc vào ban đêm, dậy vào lúc mặt trời lặn để theo chân các loài thú qua bóng đêm. Voi di chuyển quanh tôi, thấy bóng của chúng in dưới mặt nước vào một đêm trăng tháng 10. Một cảnh của châu Phi thời tiền sử.

Tay máy từng đọat giải Pulitzer về ảnh thiên nhiên Jack Dykinga chụp bức này sau khi thử 6 lần khác nhau, các mùa khác nhau nhưng không hài lòng. Nỗ lực cuối cùng đã thành công khi anh lái xe về phía  nam từ thành phố Salt Lake và đến gần Paria Canyon khoảng nửa đêm. Dykinga đến nơi muốn chụp lúc hoàng hôn.

Những chú rùa lúc hoàng hôn trên quần đảo Galapagos được chụp năm 1984. Dưới góc độ địa lý, quần đảo rất trẻ, nhưng lúc nào cũng tỏ ra cổ kính. Các loài động vật lớn nhất là cư dân bản địa nơi đây là loài rùa khổng lồ. Chúng có thể sống hơn 1 thế kỷ. Bức hình được chụp khi lũ rùa đang nghỉ ngơi ở một cái hồ trong sương. Ảnh: Frans Lanting

Một chú cá mập bị rơi vào lưới ở vịnh California của Mexico. Hàng năm, có khoảng 100 triệu con cá mập bị giết vì cái vây của chúng. Ảnh: Brian Skerry

Mây và núi. Nhiếp ảnh gia Galen Rowell (1940-2002) là bậc kỳ tài trong việc kêt kết hợp chất lượng ánh sáng thiên nhiên và bố cục. Bức ảnh rất hùng vĩ vào một buổi tối ở khu vực Buttermilk Eastern Sierra Nevada, California.

Bức hình in bóng trong nước lạnh. Một chú gấu đi chìm trong nước. Đây là “chiêu” mà chú gây ngạc nhiên cho con mồi. Ảnh: Paul Nicklen

Sư tử biển chơi trên ở đáy biển đảo Little Hopkins, miền nam úc. Chúng tỏ ra thư giãn và thích thú. Tác giả David Doubilet kể khi đang chụp thì tự nhiên trưởng nhóm sư tử biển đứng thẳng lên, nhìn quay và bơi đi ngay lập tức lên gần bãi biển. Cả đoàn theo sau. Biển vẫn lặng yên và David có cảm giác mình cũng nên đi theo chúng. Khi David leo lên thuyền được thì một con cá mập trắng khổng lồ xuất hiện. Sư tử biển Úc là một trong những động vật chân vây hiếm nhất và đang gặp nguy hiểm nhất thế giới.”

Frans Lanting giải thích về bức hình của mình: Khi đang làm việc ở đồng bằng Okavango ở Botswana, tôi chụp những bông huệ nước bao phủ mặt hồ và che bóng cho các loài động vật khác. Nhưng tôi muốn tìm điều gì đó khác nữa. Bức hình này chụp trong bối cảnh rất yên ả, cá sấu cung quanh ở một đầm lầy. Khi người trợ lý đang đứng canh trên tàu, tôi lặn xuống đáy và mang theo camera chuyên dụng. Mỗi lần lặn, tôi lại nín thở. Phải cố gắng nhiều lần mới có được bức hình này. Từ dưới đáy đầm lầy, câu chuyện huệ nước cho thấy cuộc sống không hề có giới hạn. Nước không sâu, nhưng nhìn những bông huệ như vươn tới chạm trời xanh.

Màn sương mai ở khúc quanh Rock Island, sông Franklin, tây nam Tasmania, Úc. Bức hình này lần đầu tiên xuất bản trên tờ báo “The Australian Newspaper” trước chiến dịch tranh cử của Úc năm 1983 với khẩu hiệu “Bạn có muốn bầu cho đảng có thể phá con sông này không?”. Ngày 1-7-1983, tòa án tối cao Úc tuyên bố con đập The Gordon là bất hợp pháp. Con sông vẫn được chảy tự do. Tác giả: Peter Dombrovskis/Liz Dombrovskis

(Ảnh và lời: The Telegraph)

Vẻ đẹp nguy hiểm

Vẻ đẹp này không liên quan gì tới cái “Hidden Charm” của du lịch Việt Nam. Số là, như những bạn bè của tôi đều biết, lâu nay tôi đi xe đạp đi làm. Gần và mát thì đi xe đạp, xa xa và nắng thì đi cái khác (ẹc ẹc).

Cái xe đạp của tôi bình thường như bao chiếc xe khác: Mua ở Võ Thị Sáu sau khi suy nghĩ 20 phút trong một buổi tối. Chỉ có điều có cái giỏ xe đằng trước và đằng sau nên mọi người cho rằng nó rất ngộ ngĩnh.

Tôi cũng đã thấy có người đi đằng sau và chụp ảnh mình đi xe đạp.

Tôi cũng thấy có rất nhiều người nhìn tỏ vẻ thích thú (hay thế. Chị ơi cái xe chị dễ thương quá à), bỉu môi chê bai (nghèo đi xe đạp! hay sĩ diện, bảo vệ môi trường vớ vẩn…). Đại khái thế.

Nói chung, những chuyện này mình cũng không quan tâm.

Nhưng hôm nay quả là có chuyện muốn nói. Đó là mình đang đi trên đường thì tự dưng một hồi còi xe buýt hú dài đằng sau. Còi xe là một trong thứ kinh khủng nhất ở đường phố Việt Nam, bên cạnh chuột chết, rác thải, bao ni lông bồng bềnh trong gió, hay những tay lái không biết “liệt” vào đẳng cấp nào.

Còi xe có thể là biểu tượng của sự giàu sang, quyền lực đi kèm với tài sản của ai đó (xe đẹp, xịn thì còi phải to, phải “khủng”); nhưng nó là nỗi ám ảnh, gây ô nhiễm tiếng ồn, thể hiện sự không kiên nhẫn của chủ nhân…Bạn đừng hy vọng mình bóp còi sẽ chạy được xe nhanh hơn ở Sài Gòn.

Mình không hiểu tại sao anh xe buýt lại bóp còi kinh khủng như vậy.

May thay đến đèn đỏ. Xe mình đi ngang hàng, mình hỏi: Tại sao anh lại bấm còi kinh khủng như vậy?

Ảnh giả nhời rất ngây thơ: Thấy xe em có cái giỏ đằng sau xinh quá, nên anh kéo còi hỏi thăm.

Anh ấy hoàn toàn không hiểu hành động đó gây nguy hiểm cho nhiều người xung quanh, tham gia thêm vào sự hỗn loạn của phố phường (vốn dĩ đã vô cùng hỗn loạn).

Có lẽ mình nên trách mình có cái giỏ xe xinh (theo ý của ảnh) chăng? Đó phải chăng là nguồn gốc của mọi “tội lỗi”?