“Truy sát”

 

Ảnh chụp màn hình bản tin trên VNN ngày 29-3-2010

Hôm nay mở VietNamNet ra đọc, giật mình thấy cơ quan này đang lên chiến dịch  lật mặt, truy sát những người “mạo danh” phóng viên VietNamNet đi quấy nhiễu một số cơ quan doanh nghiệp.

Có đến mức phải dùng lời lẽ “truy sát” như vậy không nhỉ? Đọc bản tin mà hình dung cảnh cầm dao đuổi nhau trên phố. Tại sao VNN không âm thầm mà “truy sát”, được rồi thì hãy hô hoán lên?

Làm thế này chỉ vì con sâu con mà ảnh hưởng đến hết cả phóng viên của mình. Cho dù khẳng định đạo đức lý tưởng báo chí nhưng hình như hơi bị …ấy.

Lại nhân tiện đây nhớ vụ bê bối của nghị sỹ Công đảng Anh vừa bị Channel 4 lật tẩy. Số là các phóng viên kênh này mới giả mạo là các nhà doanh nghiệp Mỹ sang London làm ăn.

 

Họ thuê văn phòng đàng hoàng, rồi mời các ông nghị bà nghị tới ngã giá, đề nghị các ông nghị bà nghị sử dụng ít quyền lực của mình để dẫn mối, gây ảnh hưởng lên chính trường giúp cho doanh nghiệp làm ăn. Có 4 bác, trong đó có 3 bác cựu bộ trưởng, nhiệt tình nhận lời giúp đỡ, gọi là “vận động hành lang”, với đề nghị số tiền khoảng 5.000 bảng Anh/ngày. Dịch vụ này bao gồm cả đưa Tony Blair đến một số sự kiện luôn.

 

Xong, phim đã quay, lời nói đã thu. Các bác bị buộc tội tham nhũng!

 

Vậy báo chí có được phép giả mạo để đưa người vào bẫy như vậy hay không?

 

Ở Anh thì được. Như bác Matthew Hilbert, tiến sỹ về Media ở ĐH Stirling mà hôm nay dạy mình cách làm trợ giảng, nói rằng, ở Anh, phóng viên làm chuyện này từ lâu rồi. Các chính trị gia hoạt động dựa trên thuế của dân. Họ có public role (vai trò cộng đồng) nhờ vào public fund (tiền quỹ cộng đồng), tức là tiền thêế. Vì vậy, họ không thể lợi dụng hai cái này cho personal gain (thu vén cá nhân) được. 5.000 bảng Anh là gần 1/3 học phí khóa học thạc sỹ của mình ở London rồi. Trời ơi là trời.

 

Chào các bác chưa bị lộ.

 

Ở Anh không có luật báo chí chi tiết. Các bác nghị có têể có luật sư bao vệ, có thể phàn nàn lên Ủy ban phàn nàn về truyền thông của Anh về đạo đức của phóng viên. Nhưng bằng chứng chống lại các bác quá rõ, chẳng biết các bác còn mặt mũi nào mà ngồi ở vị trí public role hay không.

 

Nhưng nghe nói ở Bắc Âu và Mỹ thì thường không thế. Bằng chứng là các bác Thụy Điển sang dạy mình thì nói tuyệt đối không được giả mạo như vậy. Giả mạo ngay từ đầu thì làm sao lấy lòng tin của độc giả?

 

Xét về lợi ích công cộng và đạo đức nghề nghiệp ư?

Nói chuyện về môi trường

Ngày 27-3 năm nay sẽ diễn ra sự kiện với sự tham gia của nhiều triệu người trên hành tinh. Giờ Trái đất = 1 giờ không điện để giảm mức năng lượng tiêu dùng, giảm nhẹ gánh nặng lên trái đất. Giờ Trái đất dưới con mắt của một người làm công tác liên quan tới bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu ra sao? 

Chúng ta ngày càng sử dụng những thiết bị tinh xảo, thay đổi mẫu mã hiện đại, đồng nghĩa với tiêu tốn năng lượng hơn, thải rác nhiều hơn. Vậy mà cả 1 năm mới có một ngày, một ngày chỉ có 1 giờ kêu gọi người dân tắt điện và nghĩ về mức tiêu thụ năng lượng đang ngày càng lớn lên hiện nay. Chị nghĩ thế nào về sự kiện kêu gọi tiết kiệm năng lượng của Giờ Trái đất?

Trả lời: Bạn đang cân nhắc về thời gian à? Vậy hãy nói về thời gian nhé. Năm ngoái, chỉ một giờ tắt điện ở một số điểm mang tính biểu tượng tại 4 tỉnh thành hưởng ứng Giờ Trái đất ở Việt Nam, ước tính chúng ta tiết kiệm được 140.000KWh điện, nghĩa là tương đương khoảng 50 tấn than nhiên liệu. Địa chất học tính toán rằng, than đá, dầu mỏ và nhiều nhiên liệu khác được hình thành phải qua quá trình tự nhiên từ nhiều trăm triệu năm trước và chẳng ai biết được rằng phải bao nhiêu triệu năm sau chúng mới được tái tạo. Thế thì, một giờ tắt điện là góp phần giữ gìn tài sản của cả trăm triệu năm đấy chứ. Xin nói thêm, theo nghiên cứu gần đây của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) và tập đoàn dầu khí Anh quốc BP, với tình hình tiêu thụ như hiện nay, thế giới chỉ còn đủ than cho 155 năm, khí đốt còn đủ cho 60 năm và dầu mỏ chỉ còn đủ cho 45 năm. Tôi và bạn có nên lo lắng về chuyện tuổi già của chúng ta sẽ đun nấu và thắp sáng bằng gì không nhỉ?

Ngược lại một chút về Copenhagen (COP15) cuối năm 2009, điều gì khíên chị rất băn khoăn và suy nghĩ khi trở về Việt Nam từ hội nghị khí hậu lớn nhất hành tinh?

Trả lời: Không, tôi chẳng băn khoăn suy nghĩ gì cả. Mà phải nói là tôi bị ám ảnh. Có lẽ trong số những người Việt Nam đến Copenhagen vào dịp đó, tôi là người duy nhất dự hai Hội nghị Thượng đỉnh cùng một lúc. Trong khi ở Trung tâm Hội nghị Bella hiện đại và hoành tráng, an ninh nghiêm ngặt diễn ra các cuộc họp long trọng với nhiều nghi thức của Hội nghị Thượng đỉnh LHQ (UN Summit), thì ở một địa điểm giản dị khiêm nhường trong khu dân cư sầm uất của thành phố – Toà nhà DGI Byen lại là nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Nhân dân (People’s Summit). Trong khi ở một nơi đại diện các nhóm quốc gia và vùng lãnh thổ đàm phán giằng co giữ thế giữ miếng với nhau về việc ai được gì ai phải chi trả gì, dùng hình thức cam kết nào để xác lập trách nhiệm về một thảm họa thực sự đang hiện hữu đối với loài người, thì ở một nơi khác là hàng nghìn người từ đủ các châu lục tự nguyện đến với nhau, chia sẻ cho nhau từng chiếc áo ấm, từng bát súp nóng, từng bức tranh, từng tờ rơi tờ dán, với hàng trăm cuộc tọa đàm và diễu hành, tất cả cùng hành động để hướng tới mục tiêu chung – công bằng về môi trường và khí hậu cho mỗi con người trên trái đất. Tôi cứ chạy đi chạy lại giữa hai nơi. Tôi bị ám ảnh bởi bức tranh hai mặt đó.

PV. Có vẻ cuộc sống cơm áo gạo tiền khiến chúng ta – những người dân sống ở các quốc gia đang phát triển – không còn để ý tới chuyện khí hậu, môi trường và phó mặc số phận cho các quốc gia phát triển quyết định vì cho rằng họ mới là những người có trách nhiệm. Chị nghĩ thế nào về thực tế này?

Trả lời: Xin bạn đừng hỏi tôi về trách nhiệm, tôi không thích cái từ này. Và tôi nghĩ có nhiều người cũng không thích nó. Cuộc sống thì ở đâu cũng thế, dù đã phát triển hay đang phát triển, nhu cầu sống luôn được đặt ra đầu tiên. Ai cũng muốn sống khỏe, sống đầy đủ, và sống vui. Thế nên ai cũng có quyền và có lợi ích liên quan đến môi trường xung quanh. Nếu bạn bảo người dân sống ven dòng Thị Vải là bác phải chịu trách nhiệm bảo vệ môi trường thì có lẽ bạn chẳng bao giờ thấy bác ta quan tâm, nhưng nếu bạn cho người đó biết là nước sông và không khí bị ô nhiễm nên bác bị viêm xoang và tôm cá bác nuôi bị chết thì tôi tin là hiệu ứng sẽ khác. Đấy là chuyện ở Việt Nam ta. À, mà bạn có thích diễn viên Julia Robert không? “Người đàn bà đẹp” của nước Mỹ ấy. Tôi nhớ cô ấy với vai diễn từ câu chuyện thực về Erin Brockovich – một người phụ nữ bình thường làm mẹ đơn thân của 3 đứa con với gánh nặng nỗi lo về cơm áo gạo tiền và nợ nần chồng chất đã dũng cảm đấu tranh vì quyền lợi của một khu dân cư bị bệnh nan y bởi môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Có lẽ, dù ở đâu và hoàn cảnh nào, khi nhận thức được chất lượng cuộc sống của mình và cộng đồng gắn liền với chất lượng của môi trường, thì ta sẽ có quan tâm xứng đáng cho nó, phải không bạn?

Như Thomas Friedman viết trong cuốn Nóng, phẳng, chật: con người luôn lạm dụng, và tiêu dùng quá nhiều những thứ được sử dụng miễn phí hoặc rẻ tiền như không khí, nước, đất, rừng, tài nguyên, hải sản, xăng, điện. Tối thiểu hóa ảnh hưởng tiêu cực đến thế giới tự nhiên đang được xem như một nguyên tắc đạo đức. Chị có theo những nguyên tắc đạo đức nào để bảo tồn tự nhiên hay không?

Trả lời: Đạo đức là một khái niệm trừu tượng lắm và vì thế hay được dùng làm công cụ khi … bí những biện pháp cụ thể. Đối với một số đối tượng nhất định thì nó khá hiệu quả trong việc kiểm soát và điều chỉnh hành vi. Nhưng với một số đối tượng khác thì chưa chắc. Trong khi đó, thiên nhiên và những tài sản từ thiên nhiên lại là của chung cho tất cả mọi người. Vì vậy, mặc dù ông Friedman nói thế ở một phần của quyển sách, nhưng ở phần khác cũng trong quyến sách đó ông lại cho rằng “cần phải biến những cam kết cá nhân thành cam kết chung của cả quốc gia và quốc tế, bằng cách đưa chúng vào luật pháp, quy định, hiệp ước”. Không phải là ông ta không nhất quán. Trong thời điểm mà những tác động của suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu đã trở nên hiện hữu, trong thời điểm mà cả thế giới đã trở nên nóng, phẳng, chật, thì có lẽ vừa cần phải có những ứng xử mang tính đạo đức về hành vi đối với môi trường của mỗi cá nhân hay mỗi cộng đồng, vừa cần phải có luật lệ và quy tắc mà cả quốc gia hay cả thế giới phải tuân thủ để đảm bảo chúng ta “không phá hoại thêm nữa” và hơn thế, có thể cải thiện được tình hình.

Cuốn sách hay bộ phim nào về môi trường, khí hậu, năng lượng gần đây nhất mà chị đã đọc và đã xem? Nó thay đổi suy nghĩ của chị ra sao?

Trả lời: Tôi là phụ nữ, nên hay bị tác động bởi trực giác. Vì vậy, không phải sách hay phim, mà là hai điều mắt thấy tai nghe gần đây gây ấn tượng với tôi.

Thứ nhất, trong cái lạnh 00C ở Copenhagen hồi tháng 12-2009, tôi nhận thấy rất nhiều người ở thành phố ít dân và có mức sống thuộc hàng đầu thế giới này đi xe đạp, trong đó có cả những phụ nữ chở con nhỏ đi nhà trẻ hay mẫu giáo. Họ sử dụng xe đạp như một phương tiện di chuyển thực sự chứ không vì hưởng ứng phong trào hay sự kiện. Tìm hiểu thêm thì biết hiện ở Copenhagen có tới 37% dân số đi xe đạp và đó là kết quả của nhiều nỗ lực trong một quá trình 40 năm, trước hết là sự nhận thức người dân về lợi ích môi trường và sức khỏe của việc đi xe đạp, đồng thời với biện pháp khuyến khích thiết thực của chính phủ thông qua việc thiết kế hệ thống đường sá và tiện ích công cộng giành ưu tiên cao nhất cho phương tiện này.

Thứ hai, đó là khi đi loanh quanh ở sân bay San Francisco đầu tháng 2 vừa qua, tôi chợt nhận thấy một ki-ốt với tấm biển là lạ “Chương trình Hộ chiếu Khí hậu” với một vài khách đang giao dịch tại máy tự động. Vì đang vội làm thủ tục cho chuyến bay của mình, nên tôi chỉ kịp lấy một tờ rơi của ki-ốt. Sau này tìm hiểu thì biết đó là ki-ốt khấu trừ xả thải các bon đầu tiên ở sân bay trên thế giới được thiết lập vào tháng 9-2009, ở đó hành khách có thể tự trả phí cho việc xả thải CO2 do di chuyển bằng máy bay của mình, phí này sẽ sử dụng trong các dự án trồng và bảo vệ rừng đồng thời một phần đóng góp cho quỹ của thành phố giành cho các dự án giảm thiểu các-bon khác.

Tôi tin rằng, bắt đầu từ những hành động cụ thể song được hoạch định nghiêm túc và khoa học, là cách mà mỗi người, mỗi tổ chức và mỗi quốc gia tham gia vào việc ứng phó với vấn nạn toàn cầu – biến đổi khí hậu.

Điều gì về môi trường ở Việt Nam đang khiến chị cảm thấy lo lắng nhất?

Trả lời: Nhiều người dân và nhiều nhà quản lý chưa lo lắng đúng mức về môi trường – nguồn vốn quý giá nhưng không vô tận.

 Chị sẽ làm gì vào Giờ Trái đất năm nay?

Trả lời: Tôi cũng chưa biết. Tùy vào lúc ấy tôi đang ở đâu. Nếu ở Copenhagen, tôi sẽ đi xe đạp ra phố. Nếu ở sân bay San Francisco, tôi sẽ mua phiếu carbon. Còn nếu ở điểm dự án của chúng tôi tại Vạn Hưng (Khánh Hòa) thì tôi sẽ ra chòi bảo vệ san hô ngoài biển ngắm trăng lên. Hôm ấy gần rằm rồi, trăng sẽ rất đẹp, và biển chắc sẽ lung linh lắm.

Thế hệ phục hồi

“Thế hệ phục hồi” là định nghĩa mà Mark Jarvis, giám đốc markting của tập đoàn Dell, đưa ra và được Thomas L.Friedman trích  dẫn trong cuốn “Nóng, phẳng, chật”.

“Đó là những người thuộc đủ mọi lứa tuổi, có chung lợi ích khi sử dụng tài nguyên tái tạo, tái chế, và những biện pháp khác để duy trì môi trường tự nhiên của trái đất.” Có một điều chắc chắn: Họ không sử dụng và tiêu xài tài nguyên một cách vô tội vạ. Họ hiểu là nếu chúng ta làm vậy, cuộc sống của chúng ta sẽ càng suy thoái, ngắn ngủi và hạn chế.

Thế hệ đó khác với thế hệ trước – những người tiêu dùng năng lượng, nước, khai thác ồ ạt tài nguyên thiên nhiên mà hầu như không suy nghĩ tới thế hệ tương lai. Thế hệ phục hồi có thể có tiền để trả tiền điện, nhưng sẵn sàng chỉ bật đèn đủ ánh sáng phục vụ nhu cầu; có thể có tiền để trả tiền nước nhưng vẫn vặn nhỏ vòi nước để đủ dùng khi rửa tay; có thể đủ tiền mua xe thật to, thật “khủng” nhưng vẫn đi chiếc xe khiêm tốn để tiết kiệm xăng và không thải khí quá nhiều ra môi trường. Họ từ chối hưởng các dịch vụ hay sản phẩm từng là  niềm mơ ước, là khát vọng, hay là thói quen của thế hệ đi trước. Thế hệ phục hồi là thế hệ mà với mỗi hành động của mình, họ đều đặt câu hỏi: Liệu tôi có lựa chọn nào khác để giảm tác hại tiêu cực ra môi trường hay không?

Đừng nói là chúng ta chưa thấy hậu quả của biến đổi khí hậu, phá rừng, thải khí, đầu độc dòng sông, vứt rác thải vô tội vạ. Bạn có thể nhớ lần gần đây nhất mình suýt chết ngạt vì khói xe và mùi không khí ô nhiễm, nhưng phải lâu lâu thì mới nhớ lại lần gần đây nhất thấy một cánh bướm bay hay nghe tiếng chim hót.

Cuộc sống của chúng ta đang phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu và năng lượng và sẽ ngày càng phụ thuộc hơn nếu muốn phát triển. Nhưng giờ đây, thế hệ phục hồi đã hiểu nhiên liệu và năng lượng không phải miễn phí, lại càng không phải là vô tận. Họ thay đổi tư duy, lối sống để trở nên sống xanh, sống tiết kiệm năng lượng.

Vậy chúng ta ở các nước đang phát triển thì sao? Dù bạn là ai, ở đâu trên trái đất này, hẳn bạn không muốn con cái mình, thế hệ sau mình trách bạn là người có hiểu biết mà không làm gì để tự bảo vệ mình và con cái, cho dù bao nhiêu bài học đắt giá về sự tiêu dùng phung phí quá mức đã hiển hiện.

Hãy nhớ tới cô bé 12 tuổi Severn Suzuki ở Hội nghị thượng đỉnh trái đất 18 năm trước đây đã nói “nếu các cô chú không biết khắc phục hậu quả, thì xin đừng phá hoại thêm nữa!”.

 Suy nghĩ rằng trái đất và tài nguyên thiên nhiên là do chúng ta toàn quyền sử dụng cho nhu cầu, mong muốn và tham vọng hiện tại đang trở nên lỗi thời và ích kỷ đối với chính chúng ta và những thế hệ tương lai. 

Nhưng phát triển kinh tế hay bảo vệ môi trường luôn là câu hỏi nhức nhối, đặc biệt với các nước nghèo và kém phát triển như Việt Nam. Mối quan tâm và nhu cầu hiện tại thường là thu nhập, việc làm, giảm đói nghèo, phát triển.

Nếu phát triển dưới một tỉ lệ GDP nhất định sẽ dẫn tới bất ổn xã hội. Nhưng duy trì GDP cao cũng sẽ là không thể nếu môi trường của chính chúng ta bị phá hoại bằng những hành động bán rẻ môi trường, bán rẻ tương lai. Con người mới là là sinh vật phụ thuộc vào môi trường và những loài khác để sống, chứ không phải là ngược lại.

Chúng ta có thể làm gì trong khi vẫn chờ đợi các ý chí chính trị đưa ra những phương thức mang tính vĩ mô (và thật lâu thì chúng mới được áp dụng trong thực tế giữa cảm giác nghi ngờ về tính hiệu quả của những người xung quanh)?

Tôi không thể khuyên bạn làm gì cả, khi mà bạn vẫn cứ không dám nghĩ tới những hậu quả của việc thế hệ chúng ta không hành động. Bởi vì nhận thức là điều kiện tiên quyết cho bạn thay đổi thái độ và hành vi. Khi bạn đã dám nghĩ và nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề môi trường, thì tôi lại không cần phải khuyên bạn nữa, vì bạn sẽ tự biết phải làm gì.

 Vậy, bạn muốn mình thuộc về thế hệ nào?

© Khổng Loan

Nguyễn Vạn Phú: “Cuộc đua xuống đáy”

Thật tình cờ và thật bất ngờ, 1 ngày sau khi mình chụp lại màn hình phần “Tin được xem nhiều nhất” và “Tin được bình luận nhiều nhất“, anh Nguyễn Vạn Phú đã viết  bài này. Xin phép copy lại đây.

Ai mà chẳng thích đọc những gì liên quan đến tình dục. Đó là chuyện bản năng, không tránh được. Nhưng nếu cứ lấy tình dục làm vũ khí cạnh tranh như hiện nay giữa các tờ báo mạng, đấy là cuộc đua kéo nhau xuống đáy, không có lối thoát.

Có người hỏi tôi sự khác nhau giữa quản trị doanh nghiệp (corporate governance) với điều hành công ty (company management), hai khái niệm thường bị lẫn lộn, tôi chợt nghĩ đến chuyện làm báo như một ví dụ dễ hiểu.

Cứ giả dụ tờ báo là một doanh nghiệp và tòa soạn được giao điều hành công ty này. Nếu chỉ lấy các chỉ tiêu như bán cho được báo, thu hút nhiều độc giả vào đọc và bán cho được nhiều quảng cáo, tạo được doanh thu cao, việc điều hành tờ báo sẽ rất đơn giản.

Đăng càng nhiều chuyện tình dục rồi tin bài nào cũng rút tít cho giật gân lên, chú tâm khai thác chuyện xì-căng-đan ở các ngôi sao giải trí, lượng phát hành hay lượng người vào đọc sẽ tăng vùn vụt. Lượng phát hành hay lượng người đọc cao sẽ kéo theo quảng cáo tăng. Thậm chí ban điều hành lúc đó cứ đăng tin bài mang tính quảng cáo cho bất kỳ ai trả tiền thì doanh thu làm sao không tăng. Đấy là điều hành công ty.

Nhưng tờ báo còn liên quan đến nhiều thành phần khác (tiếng Anh trong quản trị kinh doanh gọi là stakeholders) như độc giả, chính quyền, người lớn, trẻ em, nhà giáo dục… đủ cả. Họ đều có quyền định hướng cho tờ báo sao cho nó phục vụ lợi ích chung cho tất cả mọi người chớ không phải riêng lợi ích vật chất của người làm báo.

Vậy nên mới có chuyện quản trị doanh nghiệp. Chuyện quản trị này sẽ dựa vào những chuẩn mực xã hội, quy định của luật pháp, quy ước đạo đức nghề nghiệp của nhà báo hay tôn chỉ mục đích của tờ báo đặt ra để ràng buộc lẫn nhau và định hướng đi cho tờ báo.

Đó là nói chuyện lý thuyết còn thực tế đơn giản hơn nhiều. Làm báo ai mà không xuất phát từ một hoài bão làm gì đó cho cuộc sống ngày càng tốt hơn, ai mà không có ước muốn tờ báo của mình có những bài viết sắc sảo.

Cạnh tranh bằng những chiêu thức như khai thác chuyện tình dục, hình ảnh mát mẻ hay cố ý gây sốc là chuyện “chẳng đặng đừng”, chắc người chủ xướng hay người viết ít nhiều đều cảm thấy xấu hổ.

 Nhưng nếu ai cũng lấy cái khó của thị trường hiện nay để biện minh rằng, thôi thì cố nuôi sống tờ báo cái đã, sau đó sẽ giảm dần liều lượng “lá cải”, ai cũng phân bua nếu cứ viết cho đàng hoàng vào thì không ai chịu vô đọc cả, ai cũng chỉ “tươi mát” hơn đối thủ cạnh tranh “một chút xíu thôi”… đấy chính là cuộc đua xuống đáy!

Nếu để ý, các bạn sẽ thấy liều lượng “lá cải” trên các báo mạng ngày càng tăng – đấy là do cạnh tranh “thêm một chút” cộng với “thêm một chút” – hàng ngày, hàng giờ. Rồi như con bạc tháu cáy, sự xấu hổ nói ở trên sẽ biến mất, thay vào đó là sự hùng hổ ganh đua xem ai “gây sốc” nhiều hơn ai.

Hiệu ứng thì ai cũng đã rõ. Uy tín báo chí đang ngày càng xuống thấp. Độc giả cũng tò mò vô đọc (tôi cũng đọc) nhưng vừa đọc vừa chửi sao báo chí ngày càng xuống cấp. Điều đáng ngại nhất là nghề nghiệp làm báo sẽ theo đó lụi tàn dần – đầu tiên là lẫn tránh các đề tài khó, xong rồi tự dễ dãi với các bài viết vô thưởng vô phạt và cùng nhau cạnh tranh theo lối ai “lá cải” hơn ai.

Lối thoát cho lối cạnh tranh xuống đáy này có còn đó không? Theo tôi là vẫn còn. Stakeholder quan trọng nhất là nhà nước thì hình như phó mặc miễn sao các báo đừng nhảy vô các đề tài nhạy cảm thì không sao. Nhưng các stakeholders khác đều có vai trò quan trọng: người đọc phải biết tẩy chay, giới quảng cáo phải biết từ chối quảng cáo, đồng nghiệp phải cùng nhau lên tiếng để giữ uy tín chung cho làng báo. Hơn ai hết, nếu những người đang chủ trương “lá cải hóa” ngồi lại với nhau, đặt ra những giới hạn không thể vượt qua thì tình hình sẽ cải thiện lên nhiều. Như đã nói ở đầu, đây không phải là vấn đề đạo đức (vì tôi thừa nhận ngay từ đầu là mình cũng tò mò thích đọc như bao người khác) – đây là vấn đề tương lai của báo chí khi cạnh tranh sai đường.

 Link gốc