Sách hay

Một cuốn sách rất hấp dẫn đã hút hồn mình: “Bí quyết thành công của những thương hiệu truyền thông hàng đầu thế giới”.

Từ lâu, mình luôn tự hỏi lý do nào các thương hiệu truyền thông này đã thành công như vậy? Họ đi từ đâu? Họ đã làm như thế nào?


Mà thế nào là thành công? Thành công ở tầm nào? Các thương hiệu mạnh được người ta nhắc tới ngay trong giới truyền thông thế giới khi được hỏi, thực chất, chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tác giả đã rất công bằng khi cho rằng, đừng nói đến việc bạn nổi tiếng nếu người ta không nhắc đến bạn trong lần trả lời đầu tiên.


Tức là gì:


Xem tin tức, lựa chọn của thế giới sẽ là CNN hoặc BBC.

Những biến động và xu thế kinh tế toàn cầu sẽ là Financial Times.  The Wall Street Journal sẽ dành cho ai quan tâm đến thị trường chứng khoán.

Vogue chính là nơi làm hài lòng nhu cầu tận hưởng cuộc sống của mọi người

Muốn tìm hay thưởng thức phiêu lưu mạo hiểm, khám phá những chân trời mới lạ của thế giới, kênh National Geographic là lựa chọn tốt nhất.

MTV là nơi nghe và xem những xu hướng âm nhạc mới nhất.

Tất cả các thương hiệu này gặp nhau ở điểm chung là sự chính xác trong thông tin, tốc độ xử lý tin tức, vị thế uy tín của giới truyền thông và khả năng nhạy bén trước thời cuộc – trích lời giới thiệu.


Một trong những điểm chung khác là cách quan hệ với công chúng, mở cửa với công chúng được các nơi này chú ý rất cao. Họ tồn tại được nhờ sự trung thành của khách hành. Thiếu nó, họ chết từ lâu rồi.


New York Times đã dùng đến 2 trang của mình để đăng lời xin lỗi và đính chính khi một phóng viên của mình bịa đặt thông tin, cóp nhặt thông tin.

Giám đốc của The Times nói rằng: Khi bạn đánh mất lòng tin nơi độc giả, xem như mọi việc đã chấm dứt.

Thương hiệu bạn gầy dựng bấy lâu sẽ dần tan biến. Chỉ cần độc giả nghĩ rằng họ không thể tin vào những gì đang đọc, thế là hợp đồng tín nhiệm hai bên đã bị phá vỡ”.

Điều này thật đáng sợ hãi cho những ai hiểu vai trò của báo chí trong việc làm trong sạch xã hội.

Tác giả cũng viết một câu rất hay rằng, trong một thế giới bão hòa thông tin thì niềm tin là một giá trị giúp họ duy trì sự tồn tại của mình. Không có niềm tin, mọi giá trị thương hiệu đều trở nên vô nghĩa.

Một giám đốc tiếp thị phải làm 3 sứ mệnh chính: duy trì lòng trung thành của độc giả, thu hút độc giả tiềm năng, và hướng cả hai đối tượng này theo định hướng mở rộng thương hiệu có lợi nhuận.

Ông này, hay cái phòng này, cực kỳ quan trọng. Nhưng hình như người ta đang đối xử với bộ phận này một cách không công bằng.

CNN hiện có nhiều hơn 10 ấn bản truyền hình với rất nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Giống như BBC, CNN thực ra, lại nỗ lực rất nhiều để loại bỏ xuất xứ trong bản sắc thương hiệu của mình. Họ hướng đến thế giới, phục vụ và kiếm lợi nhuận từ cả thế giới chứ không gói gọn trong nước Mỹ hay nước Anh.


Cả hai đều dựa trên nền tảng đa văn hóa.

Logo của CNN và các sản phẩm của CNN xuất hiện ở khắp mọi nơi liên quan tới tin tức, dù nó đã nổi tiếng lắm rồi. Tội gì mà không làm.

BBC với tham vọng thể hiện được năng lực nghiệp vụ báo chí tốt nhất trên phạm vi toàn cầu, đến nay vẫn thế. Bất kỳ ai vào BBC làm việc cũng được đào tạo những kỹ năng căn bản lại, dạy tiếng Anh…dù lẽ dĩ nhiên họ phải sử dụng rất tốt tiếng Anh rồi.

Thôi tạm thế đã. Ai muốn nghiên cứu thêm thì mua sách đọc hoặc đến nhà Loan cho mượn (đọc tại nhà. hè hè).


Có một điều chắc chắn rằng: Nếu bạn bỗng dưng được trở thành nhân vật uy tín đó nhờ biến động của lịch sử, điều đó chỉ nhấn mạnh thêm nhu cầu luôn phải vận động của bạn để giữ uy tín đó.


Vì lịch sử, có thể nuôi hiện tại, nhưng không phải là lâu dài, và mãi mãi.


Một ấn bản không thể phục vụ mọi đối tượng trong xã hội mà chỉ nên là lựa chọn số 1 của một nhóm độc giả cụ thể. Tối đa hóa số lượng đó là một thành công.

Muốn ăn quả, không thể đi xin mãi. Phải trồng cây.

(Bài viết 03.09.2008 14:35)

Đưa blog vào “khuôn khổ”

Đưa blog vào “khuôn khổ” là một phần trong dự thảo nghị định về Internet vừa được Bộ 4T đệ trình lên Chính phủ.

Đưa được không? Cá nhân tôi cho rằng “e chừng khó”. Nếu làm một hình ảnh ví von, cái “tham vọng” này giống như chăng lưới bắt chim trời. Ngoài tầm kiểm soát, làm sao vào khuôn khổ được.

Blog và Internet đang làm thay đổi mọi mặt đời sống xã hội, với tốc độ nhanh chưa từng thấy.

Người ta đã qua cảm giác “bàng hoàng” về ảnh hưởng của Internet với cách nghĩ, cách nhìn nhận của người dân.

Cánh cửa thông tin đã mở toang. Bít chỗ này, nó thòi ra chỗ khác. Hình ảnh dễ so sánh nhất là phần đầu của bộ phim hoạt hình “Melt Down” chỗ con thú với cái hạt gì đó á.


Phải tìm cách khác thôi, cách này không ổn chút nào.

Mình mới nói chuyện với một chuyên gia về online và cây bút kỳ cựu về IT. Nội dung như sau:

– Có lẽ cô cũng biết rằng, các nước phương Tây không có kiểu quy định như thế, nhưng các nước có thể chế chính trị đặc biệt thì đầy rẫy kiểu này. Nhưng tôi có thể đoán cái nghị định đó sẽ được viết thế nào.

1. Họ sẽ nói rằng họ tin Internet là một công cụ để chia sẻ thông tin và phương tiện để phát triển

2. Họ CÓ THỂ nói rằng họ không cố áp bức freedom

3. Rồi họ nói có những tiêu chuẩn nhất định phải duy trì: hòa bình và ổn định, an ninh quốc gia, đạo đức xã hội

4. Và rồi họ nói các website vi phạm những quy định này sẽ bị trừng phạt
Đó là cách thường thấy, hoặc những điều tôi đã chứng kiến.

Là cách các nước áp dụng chế độ kiểm duyệt khiến người khác sợ hãi.

Môi trường tốt nhất cho Internet, tôi tin, là KHÔNG CÓ QUY ĐỊNH NÀO CẢ.
Nhưng điều này sẽ không bao giờ xảy ra.

Ngay cả ở phương Tây, chính quyền cũng đang tìm cách chống lại Internet một cách gián tiếp.


Bằng nhiều cách.


Họ để cho các công ty tư nhân làm quy định – ví dụ, ở Mỹ, các tập đoàn viễn thông đang cố xóa bỏ các quyền về Internet bằng cách sử dụng các cấu trúc xã hội có lợi cho phe nhà giầu (ví dụ các tập đoàn khác), thu lượm những dữ liệu của người dùng (vì người ta cho rằng họ kinh doanh dựa trên các thông tin ăn cắp được).

Và dĩ nhiên, các chính phủ thường thông qua các quy định kiểm soát cho phép chính quyền đọc email hay theo dõi các hoạt động online của bất kỳ ai.


Ngay cả Google cũng là một mối đe dọa, vì có quá nhiều dịch vụ mà nhiều người dùng, và Google thu lượm các dữ liệu hoạt động của người dùng.


Rồi sẽ chuyển cho các chính phủ. YouTube đang xảy ra chuyện này.

Chính quyền Mỹ, theo tôi biết, chưa đưa ra các điều khoản cụ thể, nhưng đã cho phép các tập đoàn viễn thông được phép miễn bị truy tố trong các vụ kiện, trong các trường hợp công dân buộc tội các công ty này làm gián điệp cho chính phủ.

Và nó đang chuyện dịch ra xa khỏi “sự trung dung của Internet” – tức là chính sách mà bất kỳ ai cũng nên có Internet, độ băng thông giống nhau, cho dù giàu hay nghèo.

Như vậy, họ đang cố gắng kiểm soát nó một cách gián tiếp.

Đó là cách mà tất cả các chính phủ đều muốn làm. Nhưng thường phải mất rất lâu họ mới nhận ra điều đó hoặc làm được điều đó, vì HẦU HẾT các quan chức chính phủ đều không hiểu Internet hoạt động thế nào.

Thế á.
(Bài viết 13.07.2008 06:29)

Ngước nhìn, cười, và vỗ tay

Hôm nay có hai chuyện mình muốn ghi lại. Âu cũng là những kỷ niệm về Sài Gòn, cho năm đầu tiên mình sống ở đây.

J


Tự nhiên đến ngã tư Võ Thị Sáu và Hai Bà Trưng thì chạm phải một đống người đứng im, không dịch chuyển, trong đó có nhiều người ngước mắt lên trời. Mình cũng ngước mắt lên …giống họ.

Hóa ra, ở cái đống chằng chịt mạng nhện dây điện đó, cạnh cái cột điện, một chùm dây điện đang cháy. Bốc lửa.

Một chú thợ điện mặc bộ đồ nghiêm túc kiểu thợ điện (ha ha, hiểu sao thì hiểu á) đứng bên dưới, cũng ngước lên đám cháy nhìn.Ờ, tôi cũng không hiểu vì sao thiên hạ không chạy đi.

Rõ là nguy hiểm á, cái dây điện nó cháy, nó đứt, nó lủng lẳng á, nó cọ vào người đi đường á, chết một người chuyền qua người khác á. Rồi xe cứu hỏa cũng không có đường mà vào cứu á.

Chết dây chuyền á. Thôi, kệ, tôi cứ cắm đầu lách qua mà chạy thôi. Kệ ai ngước thì ngước.

Vừa chạy vừa tim đập ình ịch (đập to không???) vì sợ dậy điện nó đứt. Cả một cái mạng nhện chụp vào đầu thì …híc.


Đi một đoạn thì thấy một con cún con chạy ầm ầm trên đường (như xe tải!). Nó chạy rất hớn hở, rất sung sướng mà không biết là rất nguy hiểm.


Nó chạy trên lòng đường khiến rất nhiều chiếc xe máy phải thắng gấp.

Mình đi chậm lại và quan sát. Hóa ra, chủ của chú chó đấy có một cửa hàng ngay mặt đường.

Ông ấy cũng rất sung sướng vỗ tay khích lệ chú chó chạy lăng nhăng mà không biết rằng, hoặc chú chó ấy sẽ bị xe cán chết, hoặc sẽ có một người (hoặc tệ hơn là một số người) chết vì chú.

Hoặc tệ hơn nữa là cả chú chó và cả người cùng chết.


Mà mình thấy, ngoài ông chủ đó ra, còn vài người hàng xóm nữa cũng vỗ tay sung sướng lắm.Còn con cún, cứ lồng lên. Nó bé mà, biết gì đâu.

(Bài viết 20.07.2008 16:53)

Tản mạn về báo chí TPHCM

Đọc blog của bác Osin đăng entry “Bỗng dưng muốn khóc” kể chuyện Lương Mạnh Hải và Tăng Thanh Hà được lên trang nhất báo Tuổi Trẻ với tâm thế “đau khổ, day dứt”….thấy cũng “thương cho báo TT” quá! Bài viết của thaothucsg, mình chôm về đây. Không bình luận.
Nhưng mà vì ai mà nên nỗi này, ai, vì ai ? Thực ra nếu tinh ý có thể nhận thấy chất lượng của báo TT đã đi xuống từ cách đây cả 5-7 năm rồi. Đội ngũ phóng viên không được đào tạo kỹ, chủ yếu trông vào hàng tiền đạo già. Giờ chỉ là lúc “ngấm” đòn thôi. Không tin sao ? Cứ thử đếm số phóng viên đọc thông viết thạo tiếng Anh, sử dụng Internet (đơn giản như là sử dụng Google thôi nhá!) mà xem, bạn sẽ biết ngay mà !
Báo Thanh Niên mấy năm gần đây tăng cường cạnh tranh vị trí thứ nhất với Tuổi Trẻ. Nhưng Thanh Niên chọn đường “tắt”. Phải thừa nhận đội ngũ phóng viên trẻ của Thanh Niên mạnh hơn Tuổi Trẻ. Nhưng họ lại có một người lãnh đạo gia trưởng, một đội ngũ “Hòa thân” ở giữa ! Hạn chế là đương nhiên. Sau vụ Nguyễn Việt Chiến bị bắt, hàng ngũ “hòa thân” ở Thanh Niên “rúm” hết cả người vào! Số lượng phát hành sụt giảm kinh khủng! Tương lai ra sao chưa ai dám khẳng định…
Kể đến hàng ngũ “báo mạnh” ở TPHCM thì cũng phải kể đến SGGP. Mặc dù được liệt vào hàng ngũ của “Nhân Dân” nhưng không một ai trong làng báo dám “coi thường” anh SGGP về chất lượng tin bài, cũng như khả năng tác nghiệp. Một năm trước đây, tôi thấp thoáng thấy có sự khởi sắc ở báo SGGP, nhưng từ khi TBT mới về, “ánh sáng lấp lóe cuối đường hầm ấy lại tắt lịm”. Cũng có thể không phải do ông TBT thay đổi gì mà do ông ấy chẳng làm gì để thay đổi.
Báo Người Lao Động đã từng có thời “hoành tráng”. Chỉ sau vụ “Lê Công Tuấn Anh” báo NLĐ bật lên “đá sân ngoại hạng”. Công lao ấy không thể không ghi công Tổng thư ký tòa soạn Thẩm Tuyên. Chính anh là người đầu tiên đưa báo NLĐ lên mạng Internet và là một trong những tờ báo giấy xuất bản ấn phẩm online đầu tiên của VN. Nhưng giờ đây, những người tâm huyết của báo hầu hết đã ra đi. Liệu tờ báo
sẽ còn đi xuống đến mức nào được nữa ? Khó có thể trả lời dứt khoát.
Phụ Nữ TPHCM thì vẫn vậy. Nói cho công bằng thì chất lượng yếu hơn thời xa xưa rất nhiều. Nhưng với mảng đối tượng bạn đọc riêng, chỉ chuyên sâu đến chuyện tâm sự của chị em nên cũng nhàn nhã hơn. Nói mảng miếng, chuyên mục nào của báo PNTPHCM là mạnh nhất thì tôi chịu không thể chỉ ra được, có lẽ là “Hôn nhân – Gia đình”. Cứ thế cho nó “lành” chả “đánh đấm” gì ai, chỉ thỉnh thoảng nghe lệnh trên “đập ai” thì “đập” thôi.
Báo SGTT là một cô hàng xén. Đấy là góc nhìn của tớ về nội dung của tờ báo. Phải khẳng định rằng mục tiêu ấy được duy trì ngay từ khi tờ báo ra đời và còn ở chung trong nhóm của SG Times Group. Sau khi tách khỏi anh Lanh thì chị Hạnh vẫn thế và cho đến anh Tâm Chánh thì vẫn vậy. Chẳng biết có “phép màu” nào có thể thay đổi điều đó hay không? Với lợi thế “Hàng VN Chất lượng cao” (dù bây giờ không còn cao cao lắm) thì lợi thế kinh doanh của SGTT là rất lớn. Các doanh nghiệp tham gia HVNCLC đều “phải” tham gia quảng cáo trên SGTT. Trước đây, mảng thông tin Chính trị-XH của báo ít được quan tâm (dù vẫn có) nhưng từ khi anh Huy Đức về thì có vẻ mảng này được “đôn” lên với Tư Giang, Mạnh Quân…Phải công nhận hàm lượng thông tin trên SGTT là rất cao, tuy nhiên, rất tiếc rằng nó vẫn cứ phải lẫn trong cái mẹt hàng xén với “mua sắm tiêu dùng”, “thị trường và doanh nghiệp”…nên khiến nhiều người đọc không khỏi tiếc rẻ, vừa đọc vừa lựa. Có lẽ khẩu hiệu của tờ báo là “Phục vụ cho mọi đối tượng bạn đọc”.

Báo PLTPHCM là cái gai nho nhỏ trong làng báo TPHCM. Một mình ở cái khoảnh “Pháp luật” trên khắp sân chơi từ TPHCM đến Miền Tây, Miền Đông Nam Bộ nhưng vẫn chưa “lớn”. Cho đến hôm nay nó mới “trưởng thành” chính thức đủ tuổi “đi bầu”. Phải nói cho công bằng thì hàng ngũ phóng viên của PLTPHCM vẫn còn phải tăng cường thêm nhiều lắm! Việc ra hàng ngày của PLTPHCM cũng là hơi vội vàng trong khi sự chuẩn bị chưa được vững tạo ra nhiều sức ép khiến chất lượng bài vở cũng không được cao. Thời điểm này có lẽ chính là lúc thuận tiện nhất để PLTPHCM tranh thủ “vượt lên” ngang hàng với mấy ông lớn TT, TN thay đổi “thói quen của người tiêu dùng”. Nếu khéo léo, chỉ từ nay đến sang đầu năm 2009 thì báo PLTPHCM có thể hút khách của TT & TN ở TPHCM. Nhưng điều đó không chỉ phụ thuộc vào mong
muốn!
Dự định ban đầu chỉ định viết entry này để chúc mừng sinh nhật báo PLTPHCM để “trả nợ” cái lời hứa viết 01 entry về báo PLTPHCM hồi năm trước với Bố Cu Hưng nhưng chẳng hiểu sao lại bị quá đà. Thôi thì tiện thể viết luôn, coi như trả nợ” xong BCH nhá! Xin nói rõ rằng
đây chỉ là cảm nhận cá nhân tớ về các tờ báo ở TPHCM thôi nhá, có thể thiếu, có thể thừa. Các bạn cứ “ném đá” thoải mái!

Nguồn: thaothucsg
(Bài viết 17.09.2008 06:36)

“Tôi sợ đến bình minh”

Đọc bài viết này của một đồng nghiệp và cảm thấy nhiều điều chia sẻ. Ngoài công việc ở TTXVN, và các việc bí ẩn khác, anh là sáng lập và điều hành trang web vietnamjournalism.com – một trang web được khá nhiều người làm báo ở VN quan tâm vì nó mở ra các lối đi cho một nền báo chí khỏe mạnh về cách điều hành và tác nghiệp trong báo chí.


Anh viết rằng:


“Nửa tháng, gần 400 giờ và hơn 22.000 phút. Quãng thời gian nằm viện duy nhất và dài nhất trong đời tôi cho tới nay. Tôi như đang như một kẻ phóng xe như gió trên đường cao tốc bỗng đạp phanh dừng lại.

Có chút gì đó chống chếnh, nhưng cũng là cơ hội để tôi ngẫm lại những việc đã làm, những chặng đã đi qua. Và tôi chợt thấy sợ một điều.

Giữa những cơn sốt miên man, giữa những dây nhợ y tế lằng nhằng và tiếng lanh canh của panh, của kéo, của những lọ thuốc kháng sinh, giữa những bóng áo blouse trắng bồng bềnh chạy đi chạy lại, tất cả những gì tôi nghĩ đến lại chỉ là những năm tháng trong nghề.

Và tôi khó hiểu khi bản thân mình cố gắng, nhiều người xung quanh cũng cố gắng, vậy mà chúng tôi cứ như thể cứ đi mãi và không thoát nổi những khúc quanh.

Công việc đầu tiên của tôi trong nghề báo là ở một bộ phận trực tin thế giới. Có thể nói hồi đó, chúng tôi gần như là những người đầu tiên ở Việt Nam biết được những sự kiện xảy ra bên ngoài đất nước.


Sự kiện dồn dập kiểu chiến tranh vùng Vịnh hay vụ Liên Xô sụp đổ hay thậm chí là những giải bóng đá cuốn chúng tôi đi suốt đêm ngày, các biên tập viên làm việc với những chiếc máy chữ cọc cạch và sự thiếu thốn đủ đường, tin tức được “sản xuất” ra hằng ngày nhanh nhưng khá đơn giản.


Giờ đây, khi kỹ thuật tiên tiến hơn nhiều và một lực lượng trẻ có vẻ năng động hơn nhiều, tôi vẫn không dám nói rằng chất lượng bản tin hôm nay hơn hẳn 20 năm về trước.

Sự khác biệt lớn nhất là nay tin được phát liên tục lên mạng trong ngày chứ không in thành 3 bản tin sáng, chiều, đêm như trước.

Ở một bộ phận khác nơi chúng tôi làm ra những bản tin tham khảo, hơn hai năm tôi và cả tập thể nỗ lực biến một bản tin nhạt nhẽo kém tính thời sự thành một bản tin chính trị-kinh tế nóng hổi, hoàn thiện vào đầu mỗi buổi chiều rốt cục trở lại thành con số 0 tròn trĩnh sau khi tôi chuyển sang đơn vị khác.


Người phụ trách mới lên thay chẳng thấy cần thiết phải tiếp tục đột phá làm gì, và kết quả là bản tin được “túc tắc” thực hiện đến tận lúc nhà nhà đã quây quần bên bữa cơm chiều.

Sáng sớm hôm sau, bản tin mới đến tay bạn đọc, chậm gần 2 ngày so với sự kiện quốc tế.

Tôi cũng từng tự hào đứng đầu một đơn vị biên tập tin được coi là “tiêu chuẩn” để nhiều ban biên tập tin khác trong cơ quan phải vì nể.

Một đội ngũ biên tập viên trẻ nhưng lành nghề, khả năng làm báo cực chắc chắn, tất cả lại đều được đào tạo bài bản về phương thức biên tập tin hiện đại, bao gồm cả kỹ năng về web và biên tập ảnh.

Chẳng còn gì phải lo!

Nhưng lại một lần nữa, khi tôi thuyên chuyển sang bộ phận khác, danh tiếng đó cũng mai một dần, tuy vẫn những con người đó tiếp tục đảm trách công việc đó.

Tôi không hiểu vì sao chất lượng đã đạt đến mức hài lòng – chưa dám nói đến hoàn thiện – lại có thể giảm sút đi nhanh chóng.

Không lẽ cả một tập thể đã được đào tạo chuyên nghiệp hôm qua vẫn có thể trở lại làm những anh nông dân chỉ cần làm hết phần việc của mình là rũ áo rửa cày đi về?

Không lẽ chỉ một người đứng đầu ngại khó lại có thể thay đổi cả một quy trình vốn mang lại những danh tiếng nhất định?

Suốt hai tuần tôi hầu như không ngủ bởi những trận sốt hầm hập suốt đêm.

Nhưng tôi lại sợ trời sáng, sợ bình minh đến báo hiệu một ngày như mọi ngày – lại truyền dịch, lại tiêm thuốc, lại nằm bẹp 8-9 tiếng đồng hồ trong ê ẩm, lại những cơn sốt nóng sốt lạnh liên tiếp đến kiệt người, và sợ nhất là khi tỉnh dậy xung quanh vẫn một màu trắng bất di bất dịch của bệnh viện.

Tôi cũng sợ khi ngày mới đến, vẫn chẳng có điều gì mới mẻ trong công việc của tôi. Nếu vậy, tôi sẽ có gì để nói sau 20 năm nữa!”


Loan viết: Tôi có thể chia sẻ rằng: Quản lý và lãnh đạo là hai công việc khác nhau hoàn toàn. Di sản của bất kỳ một nhà quản lý hay lãnh đạo nào, theo tôi, là khi ra đi, để lại đằng sau những người đủ tầm đủ khả năng để thay thế mình, tiếp bước tham vọng, sự nghiệp của mình chứ không phải là khoảng trống.


Một lãnh đạo ra đi và để lại câu bình luận: “Ông / bà đã để lại khoảng trống mà không ai có thể thay thế được”, theo tôi, là một lời chê bài và chỉ trích hơn là một lời khen.


Tôi cũng cho rằng, anh hiểu lý do dẫn đến việc “Chất lượng đã đạt đến mức hài lòng – chưa dám nói đến hoàn thiện – lại có thể giảm sút đi nhanh chóng.

Không lẽ cả một tập thể đã được đào tạo chuyên nghiệp hôm qua vẫn có thể trở lại làm những anh nông dân chỉ cần làm hết phần việc của mình là rũ áo rửa cày đi về? Không lẽ chỉ một người đứng đầu ngại khó lại có thể thay đổi cả một quy trình vốn mang lại những danh tiếng nhất định?”

Anh hiểu chứ, nhỉ?


(Bài viết 14.07.2008 09:45)