Chạm mặt nàng Mona Lisa

paris
Paris. Ảnh: Khổng Loan

Nhiều người khi biết tôi vừa đi đâu về thì hay hỏi: Có gì hay không? Có người hỏi rằng: London có gì hay không?  Với tôi, nơi nào trên trái đất này cũng hay cả. Tôi chả muốn mình trở thành con ếch ngồi ở đáy giếng, chỉ thấy cái đáy giếng của mình là đẹp nhất, là tuyệt vời nhất. Mặt trăng hay mặt trời phía xa thì làm sao so với đáy giếng nhà mình. Vì vậy, có lần, tôi nói rằng: Đừng hỏi câu đấy nữa, nghe hâm lắm! Tôi thích câu hỏi: Thế chỗ đấy thế nào, kể đi!

Paris có nhiều thứ để xem, để cảm nhận. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta gọi nó là kinh đô ánh sáng. Không chỉ là những công trình kiến trúc mang đậm phong cách châu Âu, đầy đặn và mềm mại, lãng mạn và quyến rũ, Paris còn có một thứ văn hoá đặc trưng: văn hoá Pháp. Có thể nó là sự tổng hợp của nhiều nền văn hoá khác nhau, cũng giống như London, nhưng hình như văn hoá Pháp khó tính hơn một chút. Mọi thứ đều được đẩy lên mức nghệ thuật.  Còn văn hoá Anh mang đậm phong cách “corporate” – kinh doanh và kinh doanh – nên nó thực tế hơn, nhanh hơn, và nói là “xô bồ hơn” thì cũng không quá lời lắm.

Paris có một lịch sử rất nhiều đau thương và bất ổn chứ nó không hề hiền hoà êm dịu như hiện tại. Đường phố Paris có nhiều chứng tích để ghi nhớ những sự kiện đó. Đó có thể là những tượng đài, nhỏ thôi, màu đen, hoặc đôi khi chỉ là những tấm biển rất nhỏ, dễ bị bỏ qua.

Bảo tàng Louvre là một trong những điểm mà tôi rất muốn đến, vì London có National Gallery, có nhiều tranh ảnh nghệ thuật, nhưng không có nàng Mona Lisa với nụ cười quyến rũ, không có bức tượng thần Vệ Nữ và không có tượng Nữ thần chiến thắng có cánh (Winged Victory of Samothrat)…

Tôi đến Louvre hai lần, một lần vào hẳn trong, một lần đứng ngoài. Louvre rất lớn. Nó vốn là tường thành, được xây dựng từ thế kỷ 11. Đến giờ, người ta vẫn giữ lại được những phần tường thành đó và trưng bày cho khách tham quan, cùng với mô hình Louvre đầu tiên được dựng lên. Louvre từng là nơi ở của các vương triều nước Pháp, nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử. Ngày nay, nó là bảo tàng và phòng tranh nổi tiếng nhất, cổ nhất, to nhất, và được đến thăm nhiều nhất trên thế giới. 8,3 triệu lượt khách đã đến Louvre trong năm 2006.
Louvre ngày nay là công trình của rất nhiều triều đại. Các vị vua ngày xưa  lên nắm quyền đều muốn nới rộng thêm Louvre ra, để tạo dấu ấn cho mình. Gần đây nhất là thời Tổng thống Pháp F. Mitterand, năm 1989 ông đã cho xây thêm kim tự tháp ngược bằng kính, là lối vào và là điểm trung tâm gặp nhau của những người đến thăm bảo tàng.  Đây là công trình của một trong những kiến trúc sư nổi tiếng và thành đạt nhất thế kỷ 20.

Ông là Ieoh Ming Pei, một người Mỹ gốc Trung Quốc, chả liên quan gì đến Pháp. Nước Pháp vốn có truyền thống lịch sử mời những vị anh tài hào kiệt từ khắp nơi trên thế giới về giúp họ xây dựng những công trình vĩ đại, để lưu truyền mãi cho đời sau.

Vé vào tham quan bảo tàng là 8 euro. So với các bảo tàng ở London thì là …đắt đắng, vì bảo tàng London vừa to, đẹp, hiện đại, mà lại miễn phí. Nhưng bảo tàng ở London không có nàng Mona Lisa.

Những người tham quan có hướng dẫn được phát cho một máy nghe, để nghe trực tiếp từ hướng dẫn viên. Hướng dẫn viên không phải nói to khi thuyết minh để khỏi ảnh hưởng đến những người tham quan khác.

Vì tôi đi nhiều bảo tàng ở London, tạm thời vẫn chưa qua khỏi cảm giác …ngấy, nên tôi chỉ xem một số điểm lựa chọn.

Phòng trưng bày bức tranh của nàng Mona Lisa đặt ở một khu vực mới phục chế của bảo tàng. Khách tham quan không được chụp ảnh khi vào  đây.

Bức tranh của nàng, to bằng 4 tờ giấy A4 gộp lại (tức là không to lắm),  được treo đối diện với một bức tranh lớn, mô tả một câu chuyện của kinh thánh. Đó là chuyện chúa Jesu được mời đến một đám cưới, nhưng chủ nhà thông báo là hết rượu. Tay bà co lại như đang cầm ly rượu, khi ấy, chúa Jesu mới hoá phép để nước biến thành rượu, để mọi người cùng tiếp tục cuộc vui. Trong bức tranh có nhiều cha sứ ngồi bên phải, có đôi tân lang tân nương ngồi cùng họ hàng bên trái. Chúa Jesu và người chủ nhà ngồi giữa.

Bức tranh Mona Lisa với nhiều huyền bí được tách khỏi thế giới trần tục bởi một tấm kính to. Người tham quan chỉ được đứng từ xa, cách khoảng 2m để ngắm. Tôi cũng đứng ngắm, và tất nhiên không hiểu nàng cười thế là có ý gì. Bức tranh từ thế kỷ 16 này được người hướng dẫn nói rằng, để nói về nó, có thể mất đến cả ngày. Theo tôi, cả ngày là còn nhanh! Tôi đứng đấy 15 phút rồi đi đến nơi khác. Đừng hỏi tôi nghĩ gì lúc đó. Nếu ông Leona de Vinci còn sống thì tốt quá, vì bức tranh là tổng thể của rất nhiều ý tưởng nghệ thuật, khoa học ông gửi gắm vào đấy. Những cái đấy, tạm thời vượt quá sự hiểu biết của tôi.

Bảo tàng Anh, Brish Museum, cũng to và đẹp, nhưng chả có cái gì của nước Anh. Các thứ đều từ các nước khác mà nước Anh “mượn” về. Bảo tàng Louvre có nhiều thứ của nước Pháp. Vì nó từng là cung điện nên nhiều khu đã trở thành bảo tàng, người ta vẫn giữ nguyên cốt cách của nó ngày xưa. Bảo tàng Louvre cũng là nơi đặt viên kim cương lớn thứ nhì thế giới, và tinh khiết nhất thế giới, nhưng không hiểu nó có là “bloody diamond” không nhỉ?

Comments