“Sống là không chờ đợi”

Cái slogan của một hãng dầu gội đầu khiến nhiều người bực bội. Nhưng xét theo lý thuyết của triết gia Noam Chomsky thì nó không hề “chuối” chút nào.

Ngược lại, theo tiêu chuẩn PR của ông, đây là một slogan thành công.

Thành công vì nó …chả có nghĩa gì cả.

Chả có tác dụng gì cả.

Chả ai phản đối được. Vì nó có sai đâu?

Vì vậy, cái sự “does not make sense” của nó, mới hay.

Trong cuốn sách Media Control – Spectacular achievements of propaganda (1997) của Noam Chomsky, có một số chương đọc rất thú vị. Noam phân tích về public relations, về việc bóp méo và định hướng thông tin.

Ông viết rằng, nước Mỹ đi tiên phong trong ngành quan hệ công chúng. Mục đích là “kiểm soát trí óc của công chúng”. Thành công của Ủy ban Creel

trong chiến dịch tạo ra nỗi sợ hãi mang màu đỏ (tức Red Scare – chỗ này nhạy cảm không dịch) là nền tảng cho những lý thuyết họat động sau này của ngành PR nước Mỹ.

Bây giờ, PR là một ngành khổng lồ, mỗi năm chi phí tới hàng tỉ USD. Đến giờ, mục đích của nó vẫn là kiểm soát trí óc của công chúng.

Noam đưa ra vài ví dụ tại Mỹ:

Trong những năm 1930, vấn đề lớn lại nổi lên, nhưng thời thế chiến 1. Suy thoái kinh tế và tái cơ cấu lao động. Thực tế, năm 1935, công nhân đã giành chiến thắng đầu tiên về mặt lập pháp, tức là có quyền tổ chức, được quy định trong Luật Wagner. Điều này gây ra các vấn đề rất nghiêm trọng. Đình công xảy ra khắp nơi.

Vậy thì cần phải tạo chiến dịch để người dân quay lưng lại với những người đình công, ông viết.

Tạo ra một luồng thông tin rằng tất cả, các ông chủ các công ty, công nhân, các bà nội chợ đều là “chúng ta”, một khối, hòa hợp trong cái gọi là “chủ nghĩa Mỹ” – Americanism.

Bất kỳ ai phá vỡ cái Americanism đó cũng là những kẻ phá đám, gây rắc rối, causing troubles.

Ông chủ và những người làm công có cùng quyền lợi – đó là thông điệp quan trọng.

Và thời đó, chiến dịch này rất thành công.

Sau đó nó được gọi là “Mohawk Valley formula” – sử dụng để ngăn chặn các cuộc đình công rất nhiều lần, theo một formula đó.

Nó được gọi là các giải pháp khoa học phá vỡ đình công. (tên kêu không?) 😀

Tất cả sức lực của xã hội đều được huy động để ủng hộ cho các khái niệm trống rỗng như “Chủ nghĩa Mỹ”.

Ai có thể phản đối điều này?

Hay “hòa hợp”.

Ai có thể phản đối sự hòa hợp?

Bất kỳ một khái niệm vacuous totally nào cũng đều ok cả.

Noam viết tiếp:

Thực tế, nếu một người hỏi anh “Anh có ủng hộ những người ở Iowa không?”, anh nghĩ câu hỏi này có nghĩa gì?

Anh có thể nói “Có, tôi ủng hộ họ”, hay “Không. Tôi không ủng hộ họ.”

Thực chất, cái câu hỏi đó thậm chí không phải là câu hỏi nữa.

Nó chả có nghĩa gì cả.

Điểm mấu chốt là ở  đó.

support-our-troops2
Support our troops

Kiểu như “Support our troops” – hãy ủng hộ những người lính của chúng ta.

Câu này cũng như dạng bạn có ủng hộ người dân Iowa không.

Dĩ nhiên, đó là issue – vấn đề đang được bàn cãi. Đó là “bạn có ủng hộ chính sách của chúng tôi không?”

Bạn sẽ muốn tạo ra một slogan mà không ai sẽ phản đối, và ai cũng ủng hộ.

Không ai biết slogan đó có nghĩa là gì, vì nó chả có nghĩa gì cả.

“Chính sách” và “issue” là thứ bạn – public – không được phép nói đến hay bàn luận.

Xong. Những slogan empty.

Noam cho rằng, đến nay, lý thuyết này vẫn rất đúng (nhìn quanh xem).

À Paris (tiếp theo)

Thăm Paris trong 4 ngày thì chỉ giống như thầy bói mù xem voi. Được chân thì mất đầu, được tai thì mất đuôi. Chuyến đi bắt đầu từ ga Waterloo lúc 9h sáng để tới ga Gare du Nord ở Paris. Theo lịch trình sẽ hết hơn 2 tiếng, đi qua đường hầm Channel (tiếng Pháp là eo biển Manche), trên chuyến tàu của hãng Eurostar. Cái chuyến đi này tạo cho tôi nhiều câu hỏi, nhiều câu rất ngớ ngẩn.

Khi lên tàu rồi, tôi vẫn thắc mắc tại sao cái vé của mình vẫn còn “nguyên đai nguyên kiện”, tức là còn nguyên cuống vé, sao không có người soát vé?

Mãi khi về đến nhà rồi, tôi mới nhớ ra là có hai lần, tôi nhét vé vào một cái máy, rồi cái máy đó nhả vé ra trả lại tôi. Cái máy đó là người soát vé.

Thủ tục hải quan rất nhanh gọn, kiểm tra hành lý, an ninh rất đơn giản.

Vì đi ít ngày, nên tôi chỉ mang một va ly nhỏ, bên trong đựng ít quần áo và đồ dùng cá nhân. Không có mỳ tôm, không có nước uống, không có bánh mỳ. Tôi muốn cùng bạn bè thưởng thức cái gu ăn uống của người Pháp, vốn có tiếng là sở hữu “gourmet food”.

Chuyến tàu chạy êm, vượt qua đoạn đường dài đưa tôi đến Pháp. Chỉ khi tàu đi qua đường hầm dưới biển rồi, tôi mới thấy hơi ù tai và khó chịu như ngồi trên máy bay. Đường hầm  này dài 55km, xuất phát từ  ý tưởng ban đầu  năm 1802 của Albert Mathieu-Favier, một kỹ sư ngườ Pháp, đến khi hoàn thành vào tháng 5-1994, đã nối liền châu Âu với nhau. Hãy hình dung đi từ Anh sang Pháp, cách hẳn một cái biển mà chỉ bằng thời gian đi từ Hà Nội về Hải Phòng.

Đến Paris là 12h trưa, tức 1h London. Từ Gare du Nord, tôi và các bạn đi tàu điện ngầm về ga ở gần khách sạn. Tàu điện ngầm ở Pháp gọi là métro, còn Anh thì gọi là tube (hoặc underground). Tàu điện ngầm ở Anh thì màu vàng, Pháp thì màu xanh; của Anh thì dày, hơi thô, của Pháp thì mỏng hơn, bằng nhôm sáng; của Anh thì cửa tự động mở hàng loạt khi tàu dừng, của Pháp thì tự bạn phải xoay cái cửa khi muốn lên xuống; của Anh thì có các nhân viên đứng ở các điểm có máy soát vé để giúp bạn nếu bạn không tìm thấy được đi cho mình, ở Pháp cũng có, nhưng chỉ có 1,2 người ngồi trong văn phòng chỗ bán vé. Số đường tàu điện ngầm ở Paris cũng nhằng nhịt giống ở London, họ gọi là đường 1,2,3,4…chứ không phải Circle, Metropolitan, Hammersmith and City hay Victoria line như London.

Tàu điện ở Paris chỉ khiến bạn tẩu hoả một lúc đầu, sau đó thì không sao. Nói chung, dân Pháp thì chê cái hệ thống của London lung tung, lộn xộn, dân Anh thì bảo rằng dân Pháp còn lộn xộn hơn.

Cái vé tàu ở London to hơn, dày hơn (tức tốn giấy hơn) cái vé tàu ở Paris, vốn nhỏ, hẹp, và đẹp.

Cả hai nơi đều chật chội và chen lấn vào giờ cao điểm. Người Pháp nói Pardon nhiều hơn dân Anh nói Excuseme. Người Pháp nói chuyện trên tàu, hoặc đọc sách; còn dân Anh thì ngồi im lặng, nghe nhạc, mặt rất nghiêm nghị, hoặc có người đọc sách, đọc báo, gửi tin nhắn để hy vọng trúng thưởng.

Những đôi tình nhân Pháp cầm tay nhau, hôn nhau, và âu yếm nhau trên tàu nhiều hơn. Người ta có cảm giác họ lãng mạn hơn, chứ không vồ vập rất practical như dân Anh.

Cái cổng vào nhà ga ở Paris cũng đẹp hơn. Nó uốn éo, điệu đàng hơn theo kiểu nouveux arts từ thế kỷ 16-17. Cái cổng của Anh thì tròn, màu đỏ, gạch một cái ở ngang giữa. Chấm hết! Mà thế kể ra cũng tiện. Khi nào muốn chú thích là tube thì chỉ việc vẽ một cái hình tròn, gach một nhát ở ngang giữa. Thế là xong!

Chạm mặt nàng Mona Lisa

paris
Paris. Ảnh: Khổng Loan

Nhiều người khi biết tôi vừa đi đâu về thì hay hỏi: Có gì hay không? Có người hỏi rằng: London có gì hay không?  Với tôi, nơi nào trên trái đất này cũng hay cả. Tôi chả muốn mình trở thành con ếch ngồi ở đáy giếng, chỉ thấy cái đáy giếng của mình là đẹp nhất, là tuyệt vời nhất. Mặt trăng hay mặt trời phía xa thì làm sao so với đáy giếng nhà mình. Vì vậy, có lần, tôi nói rằng: Đừng hỏi câu đấy nữa, nghe hâm lắm! Tôi thích câu hỏi: Thế chỗ đấy thế nào, kể đi!

Paris có nhiều thứ để xem, để cảm nhận. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta gọi nó là kinh đô ánh sáng. Không chỉ là những công trình kiến trúc mang đậm phong cách châu Âu, đầy đặn và mềm mại, lãng mạn và quyến rũ, Paris còn có một thứ văn hoá đặc trưng: văn hoá Pháp. Có thể nó là sự tổng hợp của nhiều nền văn hoá khác nhau, cũng giống như London, nhưng hình như văn hoá Pháp khó tính hơn một chút. Mọi thứ đều được đẩy lên mức nghệ thuật.  Còn văn hoá Anh mang đậm phong cách “corporate” – kinh doanh và kinh doanh – nên nó thực tế hơn, nhanh hơn, và nói là “xô bồ hơn” thì cũng không quá lời lắm.

Paris có một lịch sử rất nhiều đau thương và bất ổn chứ nó không hề hiền hoà êm dịu như hiện tại. Đường phố Paris có nhiều chứng tích để ghi nhớ những sự kiện đó. Đó có thể là những tượng đài, nhỏ thôi, màu đen, hoặc đôi khi chỉ là những tấm biển rất nhỏ, dễ bị bỏ qua.

Bảo tàng Louvre là một trong những điểm mà tôi rất muốn đến, vì London có National Gallery, có nhiều tranh ảnh nghệ thuật, nhưng không có nàng Mona Lisa với nụ cười quyến rũ, không có bức tượng thần Vệ Nữ và không có tượng Nữ thần chiến thắng có cánh (Winged Victory of Samothrat)…

Tôi đến Louvre hai lần, một lần vào hẳn trong, một lần đứng ngoài. Louvre rất lớn. Nó vốn là tường thành, được xây dựng từ thế kỷ 11. Đến giờ, người ta vẫn giữ lại được những phần tường thành đó và trưng bày cho khách tham quan, cùng với mô hình Louvre đầu tiên được dựng lên. Louvre từng là nơi ở của các vương triều nước Pháp, nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử. Ngày nay, nó là bảo tàng và phòng tranh nổi tiếng nhất, cổ nhất, to nhất, và được đến thăm nhiều nhất trên thế giới. 8,3 triệu lượt khách đã đến Louvre trong năm 2006.
Louvre ngày nay là công trình của rất nhiều triều đại. Các vị vua ngày xưa  lên nắm quyền đều muốn nới rộng thêm Louvre ra, để tạo dấu ấn cho mình. Gần đây nhất là thời Tổng thống Pháp F. Mitterand, năm 1989 ông đã cho xây thêm kim tự tháp ngược bằng kính, là lối vào và là điểm trung tâm gặp nhau của những người đến thăm bảo tàng.  Đây là công trình của một trong những kiến trúc sư nổi tiếng và thành đạt nhất thế kỷ 20.

Ông là Ieoh Ming Pei, một người Mỹ gốc Trung Quốc, chả liên quan gì đến Pháp. Nước Pháp vốn có truyền thống lịch sử mời những vị anh tài hào kiệt từ khắp nơi trên thế giới về giúp họ xây dựng những công trình vĩ đại, để lưu truyền mãi cho đời sau.

Vé vào tham quan bảo tàng là 8 euro. So với các bảo tàng ở London thì là …đắt đắng, vì bảo tàng London vừa to, đẹp, hiện đại, mà lại miễn phí. Nhưng bảo tàng ở London không có nàng Mona Lisa.

Những người tham quan có hướng dẫn được phát cho một máy nghe, để nghe trực tiếp từ hướng dẫn viên. Hướng dẫn viên không phải nói to khi thuyết minh để khỏi ảnh hưởng đến những người tham quan khác.

Vì tôi đi nhiều bảo tàng ở London, tạm thời vẫn chưa qua khỏi cảm giác …ngấy, nên tôi chỉ xem một số điểm lựa chọn.

Phòng trưng bày bức tranh của nàng Mona Lisa đặt ở một khu vực mới phục chế của bảo tàng. Khách tham quan không được chụp ảnh khi vào  đây.

Bức tranh của nàng, to bằng 4 tờ giấy A4 gộp lại (tức là không to lắm),  được treo đối diện với một bức tranh lớn, mô tả một câu chuyện của kinh thánh. Đó là chuyện chúa Jesu được mời đến một đám cưới, nhưng chủ nhà thông báo là hết rượu. Tay bà co lại như đang cầm ly rượu, khi ấy, chúa Jesu mới hoá phép để nước biến thành rượu, để mọi người cùng tiếp tục cuộc vui. Trong bức tranh có nhiều cha sứ ngồi bên phải, có đôi tân lang tân nương ngồi cùng họ hàng bên trái. Chúa Jesu và người chủ nhà ngồi giữa.

Bức tranh Mona Lisa với nhiều huyền bí được tách khỏi thế giới trần tục bởi một tấm kính to. Người tham quan chỉ được đứng từ xa, cách khoảng 2m để ngắm. Tôi cũng đứng ngắm, và tất nhiên không hiểu nàng cười thế là có ý gì. Bức tranh từ thế kỷ 16 này được người hướng dẫn nói rằng, để nói về nó, có thể mất đến cả ngày. Theo tôi, cả ngày là còn nhanh! Tôi đứng đấy 15 phút rồi đi đến nơi khác. Đừng hỏi tôi nghĩ gì lúc đó. Nếu ông Leona de Vinci còn sống thì tốt quá, vì bức tranh là tổng thể của rất nhiều ý tưởng nghệ thuật, khoa học ông gửi gắm vào đấy. Những cái đấy, tạm thời vượt quá sự hiểu biết của tôi.

Bảo tàng Anh, Brish Museum, cũng to và đẹp, nhưng chả có cái gì của nước Anh. Các thứ đều từ các nước khác mà nước Anh “mượn” về. Bảo tàng Louvre có nhiều thứ của nước Pháp. Vì nó từng là cung điện nên nhiều khu đã trở thành bảo tàng, người ta vẫn giữ nguyên cốt cách của nó ngày xưa. Bảo tàng Louvre cũng là nơi đặt viên kim cương lớn thứ nhì thế giới, và tinh khiết nhất thế giới, nhưng không hiểu nó có là “bloody diamond” không nhỉ?

Cảm giác cuối cùng ở Paris

Tháp Eiffel của người Pháp và kẹo bông của tôi, cái nào đẹp hơn?
Tháp Eiffel của người Pháp và kẹo bông của tôi, cái nào đẹp hơn?

Chín giờ đêm. Paris . Đại lộ Elysee rực rỡ ánh đèn. Một lữ khách lững thững đi dạo trên vỉa hè. Hết một vỉa hè bên này rồi, ta quay sang vỉa hè bên kia. Ngắm đại lộ nổi tiếng nhất thế giới cho bõ cái công lần mò sang tận Paris, kẻo mai về rồi, chả biết bao giờ mới có dịp sang.

Người người tấp nập qua lại, đủ mọi sắc tộc, đủ mọi tuổi tác. Họ nhàn nhã, thảnh thơi. Trời lạnh khoảng 18 độ C, gió nhẹ. Nét mặt ai cũng có vẻ phởn phơ. Một niềm kiêu hãnh thầm kín khi đặt chân đến Paris. Trên thế giới, có biết bao nhiêu người mơ ước một lần đặt chân đến kinh đô ánh sáng?

Hai bên đường là các cửa hàng, văn phòng đại diện của
những nhãn hàng nổi tiếng nhất thế giới, sang trọng và đầy quyến rũ. Phong cách của dân Pháp khác hẳn phong cách của dân Anh. Dân Pháp ăn mặc trau truốt hơn, kiểu cách hơn, điệu hơn, còn dân Anh là kiểu mặc lúc thì thoải mái quá, lúc lại mang tính kinh doanh, công tác quá.

Không ghé mắt vào các cửa hàng thì chịu không nổi, mà ghé mắt vào thì còn chịu không nổi hơn! Cái giá ấy, thôi
đành chờ đến khi ta thành tỉ phú thì những nhãn hàng đó đừng hòng mà trêu ngươi ta nữa nhé!

Đến gần Khải Hoàn Môn. Đèn xanh, rẽ sang bên đường. Đặt chân sang đường bên kia chợt nghe kítttttttttttttt một tiếng dài đằng sau. Rồi cái gì đó rơi vỡ loảng xoảng. Nghe như tiếng cà mên đựng  cơm. Quay lại nhìn. Một người đàn ông tầm 38, 40, nhỏ thấp lúng túng nhặt thứ rơi giữa đường. Xe vẫn chạy qua vù vù.

Một chiếc xe màu xanh, nhỏ, trông kiểu cổ cổ đỗ đằng sau người đàn ông đó. Cửa chiếc xe mở ra. Một cậu thanh niên da đen cao to, mặc áo quần áo bảnh choẹ, cổ quàng khăng,  mở cửa hùng hổ bước ra. Vốn tiếng Pháp không rành, cộng thêm trí tưởng tưởng và quan sát, diễn biến câu chuyện như sau:

Này thằng kia, đi đứng kiểu gì thế hả? Mù à?

– (Sấn thêm bước nữa, chỉ tay vào xe) Ghét mày! Mày có thấy cái xe của ông bị xước cái đầu không? (Xô có tí thế mà xước đầu!)

– Á à! (Tát một phát vào mặt)

(Bù lu bù loa) Ối làng nước ơi, nó đánh tôi này.

(Đánh lại. Hai người vật nhau giữa phố. Người đi đường giương mắt nhìn. Xe cộ vẫn chạy ầm ầm, chả có chiếc nào dừng lại. Người đàn ông bé hơn tất nhiên yếu thế hơn, bị đánh dúi dụi. Đánh chán, người thanh niên đứng lên, xốc lại quần áo. Định bước vào xe để đi tiếp. Người đàn ông chạy theo đánh trả để lấy lại lòng tự trọng và khẳng định “dòng máu anh hùng” chảy trong huyết quản.

Bực! Người thanh niên mở cửa xe, cởi áo, cởi khăn cho vào xe, lấy ra con dao. Trời ơi, ai đó làm gì đi chứ! Cảnh sát đâu? Paris đấy à?)

Người đàn ông chạy lòng vòng quanh các đầu xe, quanh cái xe của người thanh niên, miệng kêu ầm ầm. Ông ta  giữ được một chiếc xe lại.

“Các anh ơi cứu em với. Em đi đúng đường, thằng điên kia tự nhiên xô vào em, bây giờ còn đánh em đây này.”

Lưỡng lự. Hai người đàn ông bước ra khỏi xe. Người thanh niên kia đã đóng xong cửa xe. Quay lại tìm “đối tác”.

Người thanh niên giơ dao lên đuổi theo người đàn ông. Vài tiếng rú lên. Không ai làm gì. Ai cũng đứng nhìn.

Người thanh niên bị hai người đàn ông chặn lại. Được thể, người đàn ông kia quay qua cái xe của người thanh niên, đá vài phát, đập vài phát vào đấy.

“Này thì xe này. Này thì xe quý này. Quý xe hơn người này. Ông đập cho mày chết này.”

Đống sắt rung rinh một tí.

Xót của, người thanh niên vùng tay ra khỏi hai người đàn ông, đuổi theo người đàn ông kia. Ông ta nhanh chân chạy ra sau lưng hai người đàn ông, kiếm tấm lá chắn.

Người thanh niên bị chặn lại. Con dao giơ lên bị đè xuống. Người đàn ông tranh thủ đá vài phát vào người thanh niên.

“Thôi nhá!”, một trong hai người đàn ông gằn giọng, “Có đi không thì bảo. Đi đi. Nó đang điên nó đánh chết bây giờ.”

Người đàn ông bước đi, miệng lầm rầm chửi rủa. Khuôn mặt trắng bệch. Người thanh niên được thả ra, xốc lại quần áo. Anh ta biết, một mình anh ta không thể đánh lại hai người đàn ông.

Hai người đàn ông bước vào xe, đóng cửa, đi tiếp. Người thanh niên về xe của mình, lấy khăn ra lau lau xe, chỗ người đàn ông vừa đá. Bực tức, hậm hực. Vào xe, đóng cửa đánh rầm. Đi.

Xe cộ vẫn chạy như thường. Vị trí ở ngay cạnh Khải Hoàn Môn.

Chóng mặt. Tức thở.

Cảm giác cuối cùng, trong vô số cảm giác ở Paris.


À Paris

Notre Dame de Paris. Ảnh: Khổng Loan
Notre Dame de Paris. Ảnh: Khổng Loan

London đẹp. Nhiều người nghĩ thế. Tôi cũng từng nghĩ thế. Nhưng so với Paris thì London giống như một người đàn ông  thô lỗ và cục mịch. London có quyền uy đấy, có sức mạnh đấy. Người ta dễ bị choáng ngợp vì vẻ bạo liệt của nó. Nhưng Paris thì giống như một người phụ nữ với đầy đủ vẻ kiều diễm, lịch lãm, đầy hiểu biết. Người phụ nữ ấy phô trương vẻ đẹp của mình một cách ngạo nghễ, nhìn những người  may mắn (hay chẳng may?) nhìn thấy Paris một lần. Đơn giản, vì La Paris biết rằng, những người đó sẽ mắc bệnh tương tư nàng.

Đẹp, tráng lệ, huy hoàng, lộng lẫy…Tất cả những từ đó đều không thể dùng để mô tả Paris. Đơn giản vì không đủ. Rất nhiều lần, tôi bất lực trước những ngôn từ mà mình muốn dùng để mô tả Paris. Đón đọc tiếp. (Em đi ngủ đã, nhể??)